Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: 80 năm với đàn tranh



Nói tới nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo, có thể những người trẻ không biết là ai, nhưng đối với người yêu nhạc cổ truyền Việt Nam, nhạc Đàn Tài tử, và nhứt là Đàn Tranh, ai cũng biết và khâm phục ngón đờn có một không hai của Việt Nam và tài sáng chế đàn tranh theo kích thước và số dây thêm vô (từ 16 lên tới 21 dây). Ông là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi còn lại ở Việt Nam có lối đờn ứng tấu ứng tác. Ở Việt Nam ông là người duy nhứt vừa là nhạc sĩ trình tấu, vừa là giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống, lại vừa là người đóng đàn sáng tạo. Tôi được may mắn có hai cây đờn do nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đóng, một cây do cô Tư Ngọc Sương (em gái của Ba tôi, GS Trần Văn Khê) mua tặng năm 1974, và một cây với ba chữ ký phía sau lưng cây đàn – Nguyễn Vĩnh Bảo, Trần Văn Khê và Bùi Văn Nhu do bạn tôi Cao An Lộc tặng)

Viết cuộc đời của một nhạc sĩ tài danh đã có nhiều ảnh hưởng đến việc phổ biến tiếng đàn tranh của tôi trên thế giới (dùng đàn tranh của ông để thâu dĩa, và trình diễn suốt gần 40 năm qua), tôi đã liên lạc thơ từ với nhạc sư Vĩnh Bảo nhiều lần, hỏi thăm về quá trình của ông. Tôi mong rằng bài viết của tôi sẽ giúp cho những ai thích đàn tranh, thích nhạc cổ miền Nam biết rõ một danh tài của đất nước mà hiện nay chỉ thích sống ẩn dật tại một nhà nhỏ ở Saigon, vui thú điền viên, tìm sự thanh thản qua tiếng đàn, qua sự truyền dạy những ai muốn tìm đến, và khảo cứu nhạc truyền thống Việt Nam và đặc biệt là làm thơ bằng ba thứ tiếng Pháp, Anh, và Việt (thêm một khía cạnh dấu kín khác của nhạc sư Vĩnh Bảo).

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là ai?


Ông tên thật là NGUYỄN VĨNH BẢO, nhưng trong giới nghệ sĩ quen gọi là VĨNH BẢO, cho nên có một số người tưởng ông thuộc dòng dõi hoàng tộc.

Sinh năm 1918 (Mậu Ngọ) tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là con thứ sáu trong một gia đình trung lưu nho học gồm 4 trai, 3 gái, cả thảy đều chơi đàn dân tộc. Cụ thân sinh ông, tên là Nguyễn Hàm Ninh, một đông y sĩ rất sành các cây tranh, kìm, cò và gáo, luôn cả hát bội. Người anh cả và người anh kế đều đờn kìm và tranh khá giỏi. Đặc biệt là anh Ba có ngón đờn kìm và xến rất tươi và ngọt, lại độc đáo nữa đến nỗi nhạc sư Sáu Tửng nghe phải tấm tắc khen và phục. Tất cả con cái trong nhà lớn lên trong bầu không khí nhạc cổ truyền và dùng tiếng đờn làm nguồn giải trí. Riêng ông Vĩnh Bảo, lúc lên 6 tuổi, cũng như các anh của ông, rất đam mê âm nhạc. Lúc đầu ông chỉ mò mẫm các cây đàn đoản, đàn nhị và đàn gáo. Dần dần ông học qua các cây đờn tranh, kìm, đàn độc huyền, măng cầm (mandoline), Tây ban cầm (guitare espagnole), vĩ cầm (violon), và dương cầm (piano). Nói tóm lại ông đã đờn được tất cả nhạc khí của đàn tài tử miền Nam ngoại trừ sáo và tiêu. Với óc thích sáng chế, ông đã khởi sự đóng đàn cò từ lúc 10 tuổi vì lúc đó trong nhà có thợ mộc giúp việc.

Năm 12 tuổi, ông được may mắn gặp những nhạc sư nổi tiếng trong xứ tận tình hướng dẫn đàn tranh và các nhạc khí khác ngoại trừ ống tiêu và sáo. Ông đã học đờn với các thầy Hai Lòng (Vĩnh Long), Sáu Tý, Năm Nghĩa (Trà Ôn), vv…. Cả gia đình đều thích nhạc nhưng ông thân của nhạc sư Vĩnh Bảo cho các con có quyền yêu nhạc nhưng không được xao lãng việc học hành.Tính ra ông đã học với gần 200 “thầy” (theo nghĩa nhất tự vi sư, bán tự vi sư) ở khắp ba miền Nam Trung Bắc trên xứ Việt.

Năm 1935, khi ông học ở đất Chùa Tháp (Cao Miên), ông đã sáng chế ra dây Tỳ (Hò Liêu – Sol-Sol) và dây Xề Liêu (Re – Sol) trong lúc đi thăm viếng một ngôi chùa trong một đêm trăng sáng, có tiếng ếch kêu. Ông cố tạo âm thanh của tiếng ếch trên cây đàn gáo.

Nhà ông ở Cao Lãnh là nơi hội tụ các nghệ sĩ các gánh hát cải lương hay hát bội ghé diễn tại Cao Lãnh. Mỗi khi các nghệ sĩ diễn xong là thường tới nhà thân phụ ông để ăn cháo gà và hàn huyên cho tới 2 giờ sáng. Ngoài ra còn có các đông y sĩ, nhà thơ, nhà văn hay các nhạc sư đều ghé ngang mỗi khi tới Cao Lãnh. Quý cụ Lý Tòng Ba, Phạm Đăng Đàn, Nguyễn Quang Đại, và luôn cả ông cố tôi là Trần Quang Diệm nổi tiếng về tiếng đàn tỳ bà ở Vĩnh Kim. Nhờ vậy, nhạc sư Vĩnh Bảo có dịp gặp rất nhiều nghệ sĩ và làm quen với cổ nhạc từ lúc ấu thơ và là động cơ thúc đẩy ông đi vào con đường âm nhạc. Cụ Nguyễn Hàm Ninh, thân phụ nhạc sư Vĩnh Bảo, và người anh thứ hai, Nguyễn Văn Phát, thường hay nhắc đến ngón đờn kìm tươi mướt ngọt ngào của ông nội tôi, Trần Văn Triều, tự Bảy Triều. Ông nội tôi đã chế ra dây Tố Lan (Xừ liêu / La Sol) với chủ âm phải bấm dây Tiếu phím 1. Ông rất hiếm đờn cho người ta nghe, phải chờ khi ông ngẫu hứng thì ông mới lấy đờn ra đờn. Dịp may cho nhạc sư Vĩnh Bảo là năm 1932, ông nội tôi có tới nhà của cụ thân phụ nhạc sư Vĩnh Bảo thăm và có đàn kìm dây Tố Lan cho mọi người nghe. Nhờ đó nhạc sư Vĩnh Bảo mới nghe và thích cách lên đây Tố Lan. Dây Tố Lan có thể nghe trong CD “Vietnam: tradition du Sud” một bản rao dây buồn trên đàn kìm do hãng OCORA sản xuất vào năm 1973.

80 năm trong nghề nghiệp âm nhạc

Ngoài đàn tranh là sở trường của ông, các cây đàn kìm, đàn cò, đàn gáo ông đều sử dụng một cách thành thạo.

Hơn 10 năm học hỏi với cha, với anh tại nhà, thêm vào đó với sự dẫn dắt tận tình của các vị thầy giỏi ở các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, ông đã có một vốn liếng âm nhạc khá vững vàng từ lúc 20 tuổi. Vào cuối thập niên 30, ông đã tạo một chỗ đứng quan trọng trong hàng ngũ nhạc sĩ trẻ miền sông Cửu Long.

Năm 1938 đánh dấu bước đầu của sự nghiệp nhạc sĩ của ông. Ông được hãng dĩa BEKA mời đàn cho cô Ba Thiệt (chị của cô Năm Cần Thơ) ca. Nhạc sư Năm Nghĩa ở Trà Ôn đờn tranh, Ba Cần đờn kìm, và Vĩnh Bảo đờn gáo. Và cũng bắt đầu từ đó, ông tạo uy tín vang dậy cho sự nghiệp của ông.

Lúc còn trẻ ông thường đờn trình diễn ở khắp miền Nam. Ông còn đi qua Nam Vang đờn cho khán giả Việt Nam. Có một lần ông gặp một anh đạp xích lô rất mê nhạc. Sau khi nghe ông đờn, anh ta chạy lại xe xích lô, lôi ra cây đờn cò và xin được song tấu với ông vài bản và anh ta đờn khá hay. Đó là một kỷ niệm khó quên của ông tại Cao Miên.

Năm 1947, ông dạy tiếng Pháp ở trường tư thục Ngô Quang Vinh. Lúc đó thân phụ tôi, GS Trần Văn Khê, dạy Anh văn cũng ở cùng trường đó. Ông đã biết cha tôi đàn tranh, cò, kìm nhưng vì tánh khiêm nhượng, ông không có thổ lộ với cha tôi. Năm 1949, trước ngày cha tôi đi sang Pháp, ban giám đốc trường cùng các giáo sư chụp chung hình kỷ niệm. Tình cờ nhạc sư Vĩnh Bảo đứng cạnh phía tay trái của cha tôi. Mãi tới năm 1967, nhờ bác sĩ Phạm Kim Tương trong một dịp thu thanh nhạc gởi qua cho cha tôi mà nhạc sư Vĩnh Bảo và cha tôi bắt đầu bắt liên lạc trở lại và trở thành đôi bạn thân trên 30 năm.

Năm 1955, trường quốc gia âm nhạc Saigon được thành lập. Lúc ban đầu, trường được đặt trụ sở tại trường kỹ thuật ở đường Phạm Đăng Hưng (nay là Mai thị Lựu, Dakao).

Trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon được thành lập, lúc ban đầu gọi là Ban Cổ Nhạc vào năm 1955, ăn gởi nằm nhờ ở trường Cao đẳng Mỹ Thuật Gia Định, năm 1956 lấy trường Kỹ Thuật ở góc đường Phạm Đăng Hưng (nay là Mai thị Lựu, Dakao) và Nguyễn Đình Chiểu, đổi tên là Trường Nhạc. Năm 1961 lấy Phòng Hòa Nhạc (Philarmonique) số 112
đường Nguyễn Du, lấy tên là Trường Quốc Gia Âm Nhạc và sau đó Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ. Ông Vĩnh Bảo được trường mời dạy môn đàn tranh, cùng lúc với các nhạc sư, nhạc sĩ Chín Kỳ (Nguyễn Văn Kỳ), Hai Biểu, Chín Trích, Hai Khuê, Bảy Hàm. Sau đó, ông được trường cử làm trưởng ban cổ nhạc miền Nam.

Nhạc sư Chín Kỳ, tên thật là Nguyễn Văn Kỳ, có vợ là bà Hai Hoa, một danh ca thời thập niên 30-40. Ông chuyên về đàn tranh, thuộc rất nhiều bài. Học trò của ông đa số là những người thượng lưu khoa bảng như cố bác sĩ Nguyễn Văn Nhã, cố bác sĩ Nguyễn Văn Bửu (người đã in tập bài bản lớn của đàn tranh với ký âm của ông Chín Kỳ, nhưng chỉ quảng bá trong phạm vi nhỏ), những ái nữ của cố bác sĩ Phan Văn Đệ. Năm 1956, ông Chín Kỳ được mời dạy đàn tranh ở trường quốc gia âm nhạc Saigon với tư cách là giáo sư dạy giờ. Ông dạy theo lối truyền khẩu mặc dù có bài bản viết ra đàng hoàng. Sau bốn tháng, ông bị cảm nặng. Bác sĩ Phan Văn Đệ đưa ông về nhà riêng để trị bịnh, nhưng ông qua đời tại Hòa Hưng sau đó. Ông có một con gái được ông bà Phan Văn Nghi, giáo sư trường quốc gia âm nhạc đem về nuôi dưỡng và dạy ca hát múa.

Ông Nguyễn Văn Thinh (thầy giáo Thinh), từng làm giám học ngành quốc nhạc của trường quốc gia âm nhạc Saigon từ năm 1958. Ông biết đờn Kìm và Tranh. Ngoài ra cũng có biết qua đàn Tỳ Bà. Lúc nhỏ ông học đờn với ông Sáu Thới. Ông từng đoạt giải nhứt sáng tác nhạc truyền thống Hoàng Mai Lưu. Ông mất năm 1989, thọ 86 tuổi.

Ông Phạm Văn Nghi là công chức tại quận Gò Vấp, có vợ là danh ca Hồ thị Bửu. Ông Nghi biết đờn nhiều cây như Tranh, Kìm, Cò, Gáo. Bài bản ông thuộc khá nhiều. Hai ông bà nuôi nhiều con trẻ vì không có con. Trong số các trẻ em được ông nuôi có nữ nhạc sĩ đàn tranh Ngọc Dung, cựu giáo sư đàn tranh của nhóm Hoa Sim. Sau 1975, cô sang định cư tại thành phố San Jose và thường tổ chức những buổi đàn tài tử tại nhà hay trình diễn ở Hoa kỳ. Hai ông bà Nghi từng dạy tại trường quốc gia âm nhạc Saigon trong vòng 10 năm, ông dạy đàn tranh, bà dạy hát cổ nhạc. Hai người qua đời vào đầu thập niên 80 tại Định Quán.

Ông Võ Văn Tiểng, tự Mười Tiểng sinh trưởng ở Gò Công, hành nghề chánh là kế toán, và nghề tay trái là đàn kìm. Trong giới cổ nhạc miền Nam chỉ biết ông qua tiếng đàn Kìm gân guốc, sâu sắc. Ông đàn tranh và cò cũng sành lắm. Ông đàn chậm rãi, khoan thai chứ không chạy chữ như các nhạc sĩ đàn kìm hiện nay. Nếu ai có dịp nghe cuốn băng Nam Bình 1 được phát hành tại Saigon vào đầu thập niên 70, các bản Nam Xuân, Nam Ai, Văn Thiên Tường, Tứ Đại Oán với tiếng đàn kìm của ông Mười Tiểng và tiếng đàn tranh của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo thì mới thấy tiếng đờn của ông có một sắc thái riêng biệt, hiếm có trong làng chơi nhạc đàn tài tử miền Nam.

Nhạc sĩ Năm Vĩnh, chuyên về đàn kìm và đàn hạ uy cầm (guitare hawaienne). Ông đờn tay trái và chế ra dây hò Năm cho đàn kìm... Trong băng Nam Bình 2, ông sử dụng Đàn Kìm chung với nhạc sĩ Hai Thơm đờn vĩ cầm (violon / violin) và nhạc sư Vĩnh Bảo đờn tranh qua bài “Đảo Ngũ Cung”. Ông hòa đờn Kìm trên dây Hò Năm với ông Hai Thơm đờn vĩ cầm trong bài Vọng cổ 6 câu. Ông Hai Thơm với tiếng đàn vĩ cầm vuốt lả lướt, mượt mà cùng với tiếng đàn kìm tuyệt diệu của ông Năm Vĩnh tạo cho người nghe những giây phút thần tiên

Ông Mười Còn, sinh quán ở Cần Đước, là nhạc sĩ đàn cò nổi tiếng ở miền Nam. Ông có dịp nghe nhạc sĩ Jean Tịnh khoảng năm 1936 biểu diễn đàn vĩ cầm bản Vọng cổ nhịp 8. Lối đờn của ông Mười Còn hay, nhưng nặng về cơ bản, trong khi ông Tư Huyện thì vừa cơ bản vừa lả lướt linh động. Ông Mười Còn thấy đàn vĩ cầm là cây đờn phối hợp cả hai cây cò và gáo nên ông liền học vĩ cầm. Năm 1938, nhạc sư Vĩnh Bảo có dịp nghe tiếng đờn vĩ cầm của ông Mười Còn ướt át hơn tiếng đờn vĩ cầm của ông Jean Tịnh.

Ông Nguyễn Thế Huyện, tức Tư Huyện, sinh trong gia đình chuyên về nhạc lễ có tiếng ở Cần Đước. Ông chuyên về đàn cò và dàn gõ nhạc lễ nhưng rất thạo vĩ cầm, Tranh, Kìm và thổi ống Tiêu rất điêu luyện. Em trai của ông Tư Huyện là ông Sáu Quí, chuyên về đàn tranh. Nếu ai có dịp nghe bài vọng cổ nhịp 16 thu trong dĩa “Sao hôm lốm đốm điểm thưa rồi”, ông Sáu Quí đệm đàn tranh cho ca sĩ Ba Tuất Sa Đéc ca thì sẽ thấy hồn lâng lâng tận chốn thiên đình. Ông qua đời lúc tuổi chưa đầy 40 sau một cuộc sống giang hồ trác táng bịnh hoạn.

Ông Hà Văn Tân, tự Chín Trích, là thân phụ của nữ nghệ sĩ Tú Trinh. Ai cũng biết tên Chín Trích hơn là tên Hà Văn Tân. Thầy của ông là ông Cò Quốc. Người ta thấy ông thường đi theo ông Cò Quốc nên gọi ông là Trích. Quốc và Trích là hai loại chim ở đồng ruộng. Ông là con thứ chín trong gia đình nên từ đó mang biệt hiệu Chín Trích luôn. Ông chuyên về đàn cò, có cách đàn kéo cung ngắn, khác với cách kéo của ông Tư Huyện (kéo cung dài). Ông chuyên đờn cho gánh hát, đài phát thanh và thâu băng dĩa.

Ông Năm Cơ, chuyên về đàn kìm và sến. Ngoài ra ông cũng có đàn ghi-ta lõm. Năm 1950, ông cùng ông Sáu Lắc đờn quảng cáo cho nhà thuốc cao đơn hoàn tán Đại Từ Bi ở đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu bây giờ). Có một dạo ông đờn tại quán ăn của cô Ba Trà Vinh, một nữ ca sĩ cổ nhạc tại đường Douaumont (Cô Giang bây giờ). Tiếng đờn của ông trên Đàn Kìm và Đàn Sến rất xôm tụ, rộn ràng, hạp với tiếng đờn ghi-ta lõm của cố nhạc sĩ mù Văn Vĩ. Trong băng Nam Bình 2, bài vọng cổ “Thư về quê mẹ” do ca sĩ Thành Được hát và bản “Lan và Điệp” qua tiếng hát của Út Bạch Lan với tiếng đờn sến thần sầu của Năm Cơ, tiếng đàn tranh óng chuốt của Bảy Bá và tiếng đờn ghi ta lõm huyền ảo của Văn Vĩ. Ông đã ra đi, mang theo tiếng đờn khó kiếm và để lại trong lòng giới mộ điệu một sự tiếc thương.

Năm 1960, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo lập ban “Tinh Hoa” gồm một số ca sĩ, nhạc sĩ chuyên về loại nhạc tài tử miền Nam để trình diễn trên đài phát thanh Saigon. Tri kỷ mộ điệu thưởng thức được 4 chương trình thì nhạc sư Vĩnh Bảo, trưởng ban “Tinh Hoa” tự ý khai tử ban nhạc này. Lý do là đài phát thanh Saigon ra chỉ thị cho ông trưởng ban phải soạn lời ca mang nội dung “Suy tôn Ngô Tổng thống”.

Trong thời gian dạy tại trường quốc gia âm nhạc Saigon, ông Vĩnh Bảo có sáng chế phương pháp ký âm bài bản nhạc truyền thống.

Về việc sáng chế loại đàn tranh cải tiến, ai cũng đều nhìn nhận rằng ông là người đầu tiên đã cải tiến đàn tranh từ 16 dây ra loại đàn tranh có kích thước lớn với 17, 19 và 21 dây rất tiện lợi để có thể đờn các loại “hơi, điệu” mà khi đờn không cần sửa dây, kéo nhạn.

Ông đã bị một số nhạc sư, nhạc sĩ nhạc cổ truyền thời bấy giờ lên tiếng chỉ trích việc cải tiến đàn tranh của ông. Từ cuối thập niên 50 cho tới nay, nhiều nhà sản xuất đàn tranh bắt chước làm những cây đàn tranh theo kiểu ông sáng chế. Vì vậy sau này ít thấy đàn tranh 16 dây, và cũng không còn nghe ai chỉ trích về việc cải tiến đàn tranh.

Nhạc sư Vĩnh Bảo dạy đàn tranh ở trường Quốc gia âm nhạc Saigon từ 1955 tới 1964. Trong giai đoạn này, ông thường có mặt tại những buổi thuyết trình về nhạc truyền thống bằng tiếng Anh, Pháp, Việt, và cũng có lúc trình diễn nhạc cổ truyền tại Trung tâm văn hóa Pháp, Đức, hội Việt Mỹ tại Saigon. Năm 1963 ông được mời tham dự hội nghị về âm nhạc với 11 nước Đông Nam Á tại Tân Gia Ba.

Vào năm 1967, bác sĩ Phạm Kim Tương là một nhà mạnh thường quân đối với nhạc sĩ cổ nhạc. Chính bác sĩ Phạm Kim Tương là người đứng ra mời các nhạc sĩ nổi tiếng hàng đầu của nhạc đàn tài tử miền Nam thời đó như nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, các nhạc sĩ Năm Cơ đàn cò, Chín Trích đàn cò, Tư Huyện thổi sáo, Văn Vĩ đàn ghi ta phím lõm để thâu vô băng nhựa gởi làm quà cho GS Trần Văn Khê. Tôi được may mắn nghe cuốn băng đó vào năm 1967 và lần đầu tiên “khám phá” tiếng đàn tranh huyền bí của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Cuốn băng này được tàng trữ tại âm thanh viện của Viện Bảo Tàng Con Người (Archives sonores du Musée de l’Homme / Sound Archives of the Museum of Mankind) ở Paris quận 16 (là nơi tôi làm việc từ năm 1968 tới nay một cách liên tục). Vào đầu thập niên, hai cuốn băng Nam Bình 1 và 2 được phát hành giới thiệu những bài bản căn bản của truyền thống đàn tài tử qua các tiếng đàn bất hủ của các nhạc sư nhạc sĩ tài ba nhứt của làng cổ nhạc miền Nam mà cho tới nơi khó kiếm người thay thế.

Năm 1970, ông được đài truyền hình NHK của Nhật Bổn mời sang Đông Kinh để thuyết trình về nhạc cổ truyền Việt Nam với phần minh họa đàn tranh.

Đến giữa năm 1970, trường đại học Illinois (Hoa kỳ) mời ông sang giảng dạy nhạc cổ truyền Việt Nam với tư cách giáo sư biệt thỉnh. Trong thời gian này, GS TS Trần Văn Khê có sang dạy và cùng với nhạc sư Vĩnh Bảo góp mặt trong nhiều buổi hội thảo về âm nhạc học với các nhà dân tộc nhạc học Mỹ.


GS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sư Vĩnh Bảo.


Năm 1972, Trung tâm nghiên cứu nhạc Đông Phương (Centre d’Etudes de Musique Orientale / Center of Studies for Oriental Music) tại Paris mời ông sang Pháp để cùng vơí GS Trần Văn Khê bàn bạc nhiều chủ đề về âm nhạc dân tộc. Trong chuyến đi này, trung tâm âm thanh nhạc học (Laboratoire d’Acoustique Musicale) do cố GS Emile Leipp, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về âm thanh học đã mời ông tới nói chuyện một buổi về nghệ thuật đóng đờn. GS Trần Văn Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo có thực hiện một dĩa 33 vòng về Nhạc tài tử miền Nam (“Vietnam: tradition du Sud”) do hãng dĩa OCORA thực hiện và một dĩa 33 vòng cho UNESCO, collection Sources Musicales / Musical Sources. Trong thời gian này, tôi có nhiều dịp gặp nhạc sư Vĩnh Bảo hoặc tại tư gia hoặc tại các buổi hòa nhạc cho công chúng Pháp, Việt, và được giải thích cách nhấn, vuốt, làm sao cho tiếng đàn tranh thêm trong sáng, tươi mát với điệu Bắc, hay buồn thảm, sầu bi, não ruột với điệu Ai, Oán. Ngón đàn tranh nhẹ nhàng, sang trọng của nhạc sư Vĩnh Bảo rất dễ đưa người nghe vào thế giới âm thanh thơ thới, lâng lâng. Tôi biết đàn tranh, học với GS Trần Văn Khê là thân phục của tôi, có dịp nghe nhiều nhạc sư khác đàn (Hai Biểu, Ba Dư, Chín Kỳ, hay những nhạc sĩ thế hệ trẻ hơn như Thúy Hoan, Phương Bảo, Quỳnh Hạnh, Phương Oanh, Ngọc Dung của nhóm HOA SIM, Hoàng Cơ Thụy, hay trẻ hơn nữa như Minh Thành, Đặng Kim Hiền, Ngọc Thanh, hay thuộc thế hệ đương đại như Hải Phượng, Thanh Thủy. Nhưng cho tới ngày nay, tôi chưa nghe ai có ngón đàn sang trọng, đài các như ngón đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.


Nhạc sư Vĩnh Bảo & GS Trần Văn Khê.



Dĩa hát OCORA với nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và GS Trần Văn Khê.


Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và dĩa hát do Unesco phát hành.


Từ 1975 đến nay, nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn tiếp tục dạy đờn tại gia và đóng đờn. Công việc của ông là dạy trực tiếp hay hàm thụ qua băng cho một số người Việt Nam hay ngoại quốc đến Việt Nam, hay cho một số nhạc sinh ở Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Hoa kỳ. Ông cũng thường tiếp những nhà âm nhạc học, nhạc sĩ của nhiều quốc gia khác nhau để trao đổi văn hóa.

Vào tháng 4, 1993, GS Trần Văn Khê, trong một buổi thuyết trình về nhạc Việt Nam tại Hòa Lan, đã nói là chưa nghe được ngón đàn tranh nào hay hơn ngón đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vừa “bay bướm”, “sâu sắc” (ghi lại từ cuồn K7).


Nhạc sư Vĩnh Bảo & GS Trần Văn Khê.


Đêm 14 tháng 3, 1994, nhạc sư Vĩnh Bảo thuyết trình về nhạc Việt, đã nói: “Bản sắc nhạc Việt nằm ở chỗ “nhấn nhá”. Rao của bản đờn cổ truyền là đặc hữu Việt Nam”. Ông không nói suông, mà lại dẫn chứng cụ thể với tiếng đàn tranh qua bài “Đảo ngũ cung û, qua cách rao Bắc, rao Nam, hơi nhạc lễ, hơi Quảng. Với những ngón tay khẳng khiu đầy gân xanh, ông đã để hồn vào tiếng đờn lả lướt, nhẹ nhàng, thanh thoát, nhưng nghe rất “nhức xương”, ai nghe cũng bị thu hút bởi tiếng đờn sang trọng khi đờn các bài Nam Xuân, Lưu Thủy, hay não ruột khi đờn bài Tứ đại oán, Nam Ai, Vọng cổ. Tiếng đờn của nhạc sư Vĩnh Bảo là một liều thuốc làm tan đi ưu phiền, làm dịu lòng người.

Năm 1997, Jean Christophe Maillard, phó giáo sư nhạc học của trường đại học tỉnh Toulouse, đến Saigon để học hỏi nhạc Việt. Anh chuyên về đàn musette thuộc nhạc thời Phục Sinh (Renaissance) nhưng đã có nhiều dịp nghe GS Trần Văn Khê và tôi trình diễn ở Pháp nên cũng hiểu chút đỉnh về nhạc Việt và Á châu. Anh đã gặp nhạc sư Vĩnh Bảo vài lần, được nghe ông giải thích sự khác biệt giữa nhạc Đông và Tây, và hòa đàn những bản Lưu Thủy, Kim Tiền, Tứ Đại và Vọng cổ với người học trò cưng của ông là Hoàng Cơ Thụy (tuổi trạc ngũ tuần), một nhạc sĩ có thể nối nghiệp nhạc sư Vĩnh Bảo về đàn tranh.

Những năm 1998-1999, nhạc sư Vĩnh Bảo được ban giám đốc trường Colette mời dạy nhạc cổ truyền Việt Nam cho các học sinh người Pháp.

Năm 2002, hãng dĩa OCORA của Pháp đã phát hành một CD với nhạc sư Vĩnh Bảo và ban nhạc đàn tài tử gồm Sáu Tý và Hoàng Cơ Thụy đã tạo một tiếng vang lớn ở hải ngoại và được bán khắp nơi trên thế giới (tìm trên mạng lưới internet, gõ http://www.google.com , sau đó gõ “nguyen vinh bao” thì sẽ thấy hiện ra trên 150 trang nhà có nói về Nguyễn Vĩnh Bảo hay những nơi có bán CD.


Sách “Thử tư học đàn tranh” do nhạc sư Vĩnh Bảo biên soạn.


Vào cuối năm 2003,Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Long An đã ấn hành quyển sách “Thử tự học đàn tranh” do nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo biên soạn giúp cho những ai muốn tự học đàn tranh với một số bài bản căn bản. Đây là một công trình nghiên cứu khoa học rất có giá trị sư phạm và nghệ thuật âm nhạc dân tộc mà nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã dày công nghiêu cứu sưu tầm. Sách dày 229 trang, khổ lớn (20cm/ 28cm) vừa hướng dẫn lý thuyết và thực tập tự học đàn tranh, có dĩa hình CD minh họa nên rất dễ học, dễ hiểu. Với hai phương pháp ký âm quốc tế (do, ré, mi, fa sol, vv…) và ký hiệu riêng do tác giả sáng tạo rất chính xác và khoa học. Phần lý thuyết không quan trọng vì đây là loại sách chú trọng về thực tập đàn tranh Có khoảng 100 bài bản giai điệu từ các bài đàn tài tử, cải lương từ dễ tới khó. Rất tiếc là sách này chỉ ấn hành trong phạm vi của tỉnh và dành tặng khách phương xa, không có phổ biến rộng rãi trên toàn quốc.

Trong căn phòng đầy những sách vở, những cây đờn, ông tiếp tục nghiên cứu, viết sách, làm thơ. Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo có con và cháu đờn rất khá nhưng lại không có ai tiếp tục con đường nhạc dân tộc mà nhạc sư đã vạch sẵn. Ngay cả người học trò giỏi nhứt là Hoàng Cơ Thụy (tuổi khoảng 50), chịu nhiều ảnh hưởng cách luyến lái và cách đàn tranh khoan thai của nhạc sư, nhưng không hành nghề nhạc sĩ cổ truyền. Và ông bàn đến Thiền trong tiếng đờn, trong âm nhạc. Lòng ông muốn thanh thản mượn qua tiếng đờn. Ông đã đi nhiều, chu du thế giới, sống nhiều, qua bao nỗi gian truân biển dâu thời cuộc. Tiếng đàn tranh của nhạc sư phản ảnh tâm trạng của ông. Ông đã gởi nỗi lòng của mình qua tiếng đờn, khi vui khi buồn tùy theo lúc và tùy theo tình cảm của ông lúc đờn. Âm nhạc là muôn thuở. Âm nhạc là trường cữu. Âm nhạc là bất diệt.

Có thể nói, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là một trong những người tiên phong trong việc dạy đàn cho người nước ngoài qua phương pháp hàm thụ. Từ những năm 1960 đến 2004, ông đã ghi âm tiếng đàn vào băng cassette gửi ra nước ngoài qua đường bưu điện. Sau này những học trò của ông đã trang bị cho thầy dàn máy vi tính, Mp3, máy in… để ông chuyển sang dạy trực tuyến (online) cho học trò nước ngoài. Tới nay dù ở tuổi 97, nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn tiếp tục dạy đờn trên mạng internet cho một số người Việt hay ngoại quốc (Pháp, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Mỹ…).


Nhạc sư Vĩnh Bảo dạy đàn tranh qua máy vi tính.


Năm 2006, tại hội thảo Dân tộc nhạc học thế giới lần thứ 51 ở Honolulu (Hawaii, Mỹ), GS-TS Nguyễn Thuyết Phong qua bài tham luận Considering the Fate of Tài tử Music: Nguyễn Vĩnh Bảo, the Last Guardian of the Tradition (Nỗi quan tâm đến vận mạng của đờn ca tài tử: Nguyễn Vĩnh Bảo, người bảo vệ sau cùng của truyền thống) đã đề nghị tôn vinh nhạc sư Vĩnh Bảo là một trong sáu nhạc sư của thế giới có công đóng góp cho nhạc dân tộc và nổi tiếng nhất trong nước. Năm 2008, Tổng thống Pháp tặng ông huy chương văn học nghệ thuật (médaille des Arts et des Lettres) bậc “officier”. Ở Việt Nam chỉ có hai người được huy chương bậc này là GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo.




Nhạc sư Vĩnh Bảo nhận huy chương nghệ thuật và văn chương tháng 1, 2008.


Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, một trong 5 cá nhân được vinh danh trong lễ trao giải Phan Chu Trinh năm 2015 cho biết: “Những món quà đột xuất đến với mình là những món quà thú vị. Là một nhạc sĩ sống nội tâm, đối với tôi không có cái gì lớn, không có cái gì nhỏ nhưng khi được nhận giải thưởng này tôi thấy rất vui. Tôi trân trọng giải thưởng này vì nó mang tên nhà chính trị lớn, nhà yêu nước lớn, nhà văn, nhà thơ Phan Châu Trinh”.


Nhạc sư Vĩnh Bảo với giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2015.


Sự đóng góp của nhạc sư NGUYỄN VĨNH BẢO rất to lớn và chưa có một nghệ nhân nào ở Việt Nam có đủ khả năng để phát huy đờn ca tài tử như ông. Làm sao có thể hội tụ ở một nhạc sĩ cổ truyền vừa là một nhạc sĩ tài ba, một nhà đóng đờn sáng tạo, một giáo sư quán thông cổ nhạc (từng là giáo sư đờn tranh ở trường quốc gia âm nhạc Saigon trong hai thập niên 50 và 60, từng giảng dạy ở Hoa Kỳ, Pháp), một nhà nghiên cứu đờn tranh qua âm thanh học (acoustique), từng được nhiều bằng khen thưởng (giải Đào Tấn, bằng ban khen về đờn ca tài tử) và huy chương nghệ thuật và văn học (officier des Arts et des Lettres của Pháp), người duy nhứt ở Việt Nam và cả thế giới về cách truyền dạy đờn tranh qua mạng (enseignement sur internet), người có nhiều học trò Mỹ (Alexander Cannon), Pháp (Jean Christophe Maillard), Việt (nhiều học trò ở Mỹ, Pháp, Úc) tới học hỏi về đờn ca tài tử.

Tôi là người có diễm phúc được học hỏi với nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo trực tiếp hay qua hệ thống SKYPE từ nhiều năm qua và đã được nhạc sư chỉ dạy tận tường khai sáng sự hiểu biết của tôi về nguồn gốc đờn ca tài tử, tiểu sử của những bậc nhạc sĩ tài danh, và nguồn gốc bản Dạ cổ hoài lang.

Cách giảng dạy của giảng sư thật khoa học. Mỗi học trò ông đều có hồ sơ riêng, ông soạn từng giáo trình cho từng người. Tự tay ông đóng đàn cho học trò rồi gửi đi khắp thế giới.

Ông là một trong số những nhạc sư hiếm hoi đã cải tiến thành công nhạc cụ dân tộc và được ứng dụng rộng rãi trong nhân dân. Ông cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn.

Theo giáo sư âm nhạc Trần Quang Hải thì nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo “là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi còn lại ở Việt Nam có lối đờn ứng tấu ứng tác. Ở Việt Nam ông là người duy nhứt vừa là nhạc sĩ trình tấu vừa là giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống, lại vừa là người đóng đàn sáng tạo”.

GS Trần Văn Khê từng nói “chưa nghe được ngón đàn tranh nào hay hơn ngón đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vừa bay bướm, sâu sắc”. Năm 2008 nhạc sư Vĩnh Bảo được chính phủ Pháp tặng huy chương nghệ thuật và văn học, cấp bực Officier, ngoài ông có Trần Văn Khê. Trước đó, năm 2005 nhạc sư Vĩnh Bảo và giáo sư Trần Văn Khê cũng đã nhận giải thưởng Đào Tấn của Việt Nam tại TPHCM.



Quyển sách Nguyễn Vĩnh Bảo – Những giai điệu cuộc đời được GS-TS Nguyễn Thuyết Phong chủ biên với sự cộng tác của một số cộng sự rất chuyên nghiệp như nhà báo – TS Nguyễn Thị Kim Ửng, Tổng Biên tập Tạp chí Kiến thức Ngày nay; ThS Nguyễn Thúy Uyển, giảng viên Nhạc viện TP HCM.

Phần 1 là hồi ký được nhà báo Kim Ửng chấp bút theo lời kể của nhạc sư Vĩnh Bảo. Phần 2 và 3, dưới ngòi bút của GS-TS Nguyễn Thuyết Phong, người đọc không những cảm nhận được phong thái, cốt cách qua tiếng đàn “tinh tường và tinh tế” của người nghệ sĩ mà còn nể phục trí nhớ siêu việt của ông.

Qua chương này, người đọc còn thấy được một hình ảnh của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo dù qua nhiều thăng trầm của cuộc đời nhưng vẫn rất an nhiên tự tại, vẫn yêu đời và yêu người. Có lẽ chính vì vậy nên ở tuổi 98 mà ông vẫn còn rất minh mẫn. Ngoài ra, ở phần này, với một số kiến thức về dân tộc nhạc học, cũng rất bổ ích cho những người làm công tác nghiên cứu.

Qua 353 trang sách đã cho người đọc thấy một nhạc sư Vĩnh Bảo “đệ nhất danh cầm” nhưng cuộc đời lại không hề êm đềm, suôn sẻ; một Vĩnh Bảo không chỉ là chàng lãng tử chỉ biết ôm đàn mộng mơ. Ông đã đi qua gần một thế kỷ, chứng kiến biết bao biến cố lịch sử, đã trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, với bao cung bậc cảm xúc, từ đó nhà báo Kim Ửng đã đặt tên cho quyển sách là Nguyễn Vĩnh Bảo – Những giai điệu cuộc đời.


Nhạc sư Vĩnh Bảo & Trần Quang Hải.


Nhạc sư Vĩnh Bảo sống với âm nhạc dân tộc lên đến mức tuyệt đỉnh. Vì ông là người có khả năng đi vào tiếng đàn của người khác, nương nhẹ và nâng người chơi cùng mình lên đến mức thăng hoa. Đối với người chơi đàn tài tử, đó là bản lĩnh của tài năng.

Ngoài đời nhạc sư là người dí dỏm, thông minh. Những câu chuyện của nhạc sư phần lớn đều mang ý nghĩa sâu sắc được kể rất hài hước. Ngoài ra nhạc sư còn là một nghệ nhân đóng đàn tuyệt vời. Bất kỳ một người chơi nhạc dân tộc nào cũng cố gắng có cây đàn “made by Vĩnh Bảo”. Cây đàn do nhạc sư làm ra được xem như một trong những chuẩn mực đóng dấu cho sự chuyên nghiệp của nghệ sĩ chơi đàn dân tộc.

Đệ nhất danh cầm Nguyễn Vĩnh Bảo là một “báu vật của đờn ca tài tử” còn sót lại sau sự ra đi của GS-TS Trần Văn Khê và mới nhất là NSND Bảy Bá (Viễn Châu). Tiếng đàn của ông không chỉ thuộc hàng đẳng cấp mà đến hôm nay vẫn là độc nhất vô nhị.

Nhạc sư Vĩnh Bảo là một nhân vật đã sống trọn vẹn cuộc đời cho đờn ca tài tử nam bộ qua việc dạy học, diễn giảng, biểu diễn, đóng đàn và sang tạo nhạc cụ và các loại lên dây (tunings), cùng với kỹ thuật diễn tấu cũng như tư duy mỹ quan âm nhạc Việt Nam. Ông là “cây cổ thụ, đại thụ”, là “báu vật sống”, là “gia tài âm nhạc cổ truyền”, là “hậu tổ của đờn ca tài tử” (theo GSTS Trần Văn Khê), là “nhạc sĩ toàn tài – đàn, dạy và đóng đàn – duy nhứt của Việt Nam và Thế giới” (theo GS Trần Quang Hải).


SÁCH và DĨA HÁT PHÁT HÀNH

“Vietnam / Tradition du Sud”
do hãng dĩa OCORA phát hành, OCR 68, Paris Pháp, 1973, với nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và GSTS Trần Văn Khê. (dĩa 30cm/33 vòng).

“South Vietnam / Entertainment Music”
do hang dĩa Philips phát hành, 658028, collection UNESCO/Musical Sources, Amsterdam, Hà Lan, 1973 (dĩa 30cm/33 vòng) (2).

“Vietnam / Tradition du Sud” do OCORA sản xuất, C580043, Paris, Pháp, 1993 (dĩa CD) với nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và GSTS Trần Văn Khê.

“South Vietnam / Entertainment Music” do hang AUVIDIS phát hành, D8049, Paris, Pháp (dĩa CD) với nhạc sư Vĩnh Bảo và GSTS Trần Văn Khê.

“Vietnam / Ensemble Nguyen Vinh Bao” do OCORA sản xuất, C 560160, Paris, Pháp, 2002, (dĩa CD).



“Thử tự học đàn tranh” do Trung tâm Văn Hóa Thông Tin của tỉnh Long An ấn hành, 229 trang, 2003.

Đây là công trình nghiên cứu khoa học rất có giá trị về mặt sư phạm và nghệ thuật âm nhạc cổ truyền do nhạc sư Vĩnh Bảo đã dày công nghiên cứu chú trọng về hai mặt lý thuyết và thực tạp tự học đàn tranh. Có dĩa CD kèm theo để minh họa, cho nên rất dễ học, dễ hiểu. Với hai phương pháp ký âm (do re mi vv…) và ký hiệu riêng do nhạc sư sáng tạo rất chính xác và khoa học. Có khoảng 100 bài bản từ các bài đàn tài tử đến các bài trong cải lương từ dễ tới khó.

“Thử tự học đàn tranh” do một nhóm học trò Việt Nam ở Hoa Kỳ sản xuất, 4 DVD bằng tiếng Việt do nhạc sư Vĩnh Bảo dẫn giải và minh họa, 2004, Hoa Kỳ.

“Self taught Vietnamese Zither”
do một nhóm học trò Việt Nam của nhạc sư Vĩnh Bảo ở Hoa Kỳ sản xuất, 3 DVD bằng tiếng Anh do nhạc sư Vĩnh Bảo giải thích và minh họa, 2004, Hoa Kỳ.

1. Giải thưởng

- 2005: Giải thưởng ĐÀO TẤN do hội đồng giải thưởng Đào Tấn khen tặng ông là người đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật dân tộc.



- 2006: GSTS Nguyễn Thuyết Phong tại hội thảo dân tộc nhạc học thế giới lần thứ 51 tại thành phố Honolulu (Hawaii, Hoa Kỳ) qua bài tham luận ”Considering the Fate of Tài tử Music: Nguyễn Vĩnh Bảo, the Last Guardian of the Tradition” (Nỗi quan tâm đến vận mạng của đờn ca tài tử: Nguyễn Vĩnh Bảo, người bảo vệ vau cùng của truyền thống) đã đề nghị tôn vinh nhạc sư Vĩnh Bảo là một trong sáu nhạc sư của thế giới là người có công đóng góp cho nhạc dân tộc và nổi tiếng nhứt trong xứ.


GSTS Nguyễn Thuyết Phong và nhạc sư Vĩnh Bảo.


- 2008: xứ Pháp ban tặng ông huy chương văn học nghệ thuật (médaille des Arts et des Lettres) cấp bực “officier”. Ở Việt Nam chỉ có hai người thuộc cấp bực này là GSTS Trần Văn Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo. Sự vinh danh này không chỉ dành riêng cho nhạc sư Vĩnh Bảo mà cho toàn bộ mộn đờn ca tài tử Nam bộ (lời phát biểu của nhạc sư trong buổi gắn huy chương tại toà Tổng lãnh sự Pháp ở TH Hồ Chí Minh).


Nhạc sư VĨNH BẢO nhân huân chương Nghệ thuật và văn học đứng giữa ông đại sứ Pháp và GSTS Nguyễn Thuyết Phong.


- 2010: trung tâm kỷ lục Việt Nam trao bằng kỷ lục Việt Nam cho nhạc sư Vĩnh Bảo về việc truyền dạy cổ nhạc Việt Nam và đàn tranh trên toàn thế giới qua phương pháp mạng trên vi tính.


Nhạc sư VĨNH BẢO dạy trên mạng.


2. Sách về đàn tranh

Nguyễn Vĩnh Bảo, 2003: “Thử tự học đàn tranh”, Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh Long An, 229 trang, CD minh họa, 100 giai điệu bài bản cơ bản, tài tử cải lương.

Địa chỉ của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo

282/B21 Bùi Hữu Nghĩa
Ph 2, Q. Bình Thạnh
TP Hồ Chí Minh
Việt Nam

Điện thoại: 84-8-8430 454

Điện thư (email): vb1908@gmail.com