Nghệ Sĩ Cải Lương kiêm Soạn Giả Hương Sắc từ trần ở tuổi 74

Trần Quốc Bảo


Ảnh nghệ sĩ Hương Sắc – Hương Huyền được treo trước rạp Thanh Bình ngày đoàn Bạch Vân khai trương vở Qua Mùa Gió Loạn năm 1960..

Trong những ngày cuối năm, khi mọi người còn đang tất bật mua sắm đón Xuân, tin buồn trong giới nghệ sĩ cải lương được lan đi khắp nơi, đó là tin soạn giả Hương Sắc vừa từ trần lúc 1g23 chiều ngày 28 tháng 1 năm 2014 tại San Jose, hưởng thọ 75 tuổi.

Những tháng cuối cùng, Ông hoàn toàn không còn biết gì và ngay cả khi Hương Huyền từ Quận Cam lên thăm, Ông cũng không còn nhớ ra cậu em út của mình là ai. Buổi sáng 30 Tết, người viết đã cùng với hai nghệ sĩ Hương Huyền, Tuấn Châu ngồi trong một quán café trên đường Bolsa, giữa phố xá ồn ào người qua kẻ lạ sắm Tết, có 3 người ngồi nhắc lại chuyện quá khứ một thời, câu chuyện của hai nghệ sĩ Hương Sắc – Hương Huyền hơn 55 năm trước.

Soạn giả Hương Sắc tên thật là Trần Văn Hướng sinh năm 1940 ở Quận Cần Đước, tỉnh Long An. Gia đình Ông có 9 anh chị em, Hương Sắc thứ 9 và Hương Huyền là út thứ 10. Bà chị lớn nhất là Cô Ba Khan sinh năm 1926, thuở nhỏ lên Saigon lấy chồng, lập nghiệp và thành công rất sớm. Năm 1955, Hương Huyền đậu vào Pétrus Ký bèn lên Sàigòn sống với chị, lúc đầu ở Quận 4 Khánh Hội, một năm sau nhà dời về đường Trần Hưng Đạo Quận 1. Năm 1957, cô Ba Khan mê cải lương, lại có tài sản nên mở gánh hát mời 2 diễn viên nổi tiếng là Minh Chí và Việt Hùng về đoàn mình, lấy tên 2 ngôi sao này làm tên đoàn và ngày khai trương rất thành công.

Nghệ sĩ Hương Huyền kể lại: “Lúc đó tôi còn nhỏ mới 15 tuổi chưa được đóng gì cả. Ngày khai trương, tôi phụ với gia đình bán vé. Ngày khai trương đông lắm.. mà không phải chỉ ngày khai trương đông mà cả năm đều như thế..”. Lúc đó ở Sàigòn, đoàn Minh Chí – Việt Hùng ra mắt tại rạp Thành Xương vở Đường Lên Xứ Thái của soạn giả Mộc Linh, nội nhật tên tuổi giàn đào kép như Minh Chí, Việt Hùng, Kim Nên (má ca sĩ Thái Châu), Ánh Hoa.. đã thu hút rất nhiều khán giả khắp nơi mua vé vào coi.

Buổi sáng sau khi học ở Petrus Ký về, Hương Huyền mau mau về nhà buổi chiều để xem các nghệ sĩ tập tuồng, xem riết rồi mê cải lương hồi nào không hay. Khi đoàn Minh Chí – Việt Hùng đi diễn, thì ở nhà 2 anh em lên Quán Lệ Liễu xin ca. Đây là một nhà hàng ca nhạc tài tử ở Thị Nghè, tối tối có khách vào ăn uống, ai ca hay thì ghi danh lên hát. Tuy hát không có tiền nhưng người lên hát phải ca giỏi bởi trên sân khấu Lệ Liễu, thầy đờn lúc đó là nhạc sĩ Văn Vĩ, Năm Cơ. Mê ca quá, mà lại chẳng biết nhịp nhàng, Hương Huyền có lần gặp riêng nhạc sĩ Văn Vĩ tâm sự: “Anh em tụi cháu mê ca hát quá, mà chưa biết nhịp nhàng gì, mà chỉ cứ ca “nhóng” theo đại, có cách nào hát được không chú?”. Nhạc sĩ Văn Vĩ trả lời: “Ca nhóng, thì phải ca một cách tự nhiên, chứ tụi cháu mà ca ngượng, là tui bị ngượng theo.. Cứ ca thẳng băng, ca tới đâu tui chạy theo tới đó, chứ ca sượng, là tui sượng luôn. Nhớ nha..”. Theo lời chỉ dẫn đó, Hương Huyền Hương Sắc lên sân khấu ca ào ào, khách ngồi dưới thấy tưởng dân chuyên nghiệp, vỗ tay rần rần. Từ đó, tên tuổi hai anh em, bắt đầu được biết đến trong giới đờn ca tài tử.

Trở lại đoàn Minh Chí – Việt Hùng, sau hơn một năm hoạt động, do xích mích nội bộ, đoàn đành phải dẹp. Đến đầu năm 1960, nhân tiện thấy 2 cậu em của mình hát hò càng ngày càng khá, với lòng thương yêu em, nhân tiện xác gánh còn, cô Ba Khan một lần nữa bỏ ra một số tiền thành lập Đoàn Bạch Vân khai trương vở Qua Mùa Gió Loạn tại rạp Thanh Bình với thành phần đào kép Ngọc Ẩn, Bích Sơn, Thanh Thủy, Hương Sắc, Hương Huyền... Trong đoàn Bạch Vân, còn có một nữ nghệ sĩ tài giỏi, đó là Kim Hoa, con gái của nữ nghệ sĩ Tư Helene, trong năm đó, cô và nghệ sĩ Hương Huyền phải lòng rồi lấy nhau, đến năm 1961 thì hạ sinh ra Thanh Hằng, về sau là một nữ nghệ sĩ xinh đẹp tài giỏi. Năm 1991, Thanh Hằng đoạt Huy Chương Vàng giải Trần Hữu Trang.

Về tài nghệ, Hương Sắc sở trường những vai kép độc mùi. Ông nhiễm Minh Chí nên người ta hay gọi là Minh Chí 2 với lối ca rổn rảng. Ông nổi tiếng với 4 lớp Xuân Tình trong Tống Tửu Đơn Hùng Tín:

Dạ thưa Đơn Nhị Ca em là Giảo (cống)
Kim danh tánh họ Trình (xừ)
Thuở nhỏ chuyên nghề bán muối lậu ăn cướp bạc vua (xê)
khi lớn lên em đi đầu Đường (xàng)

Còn Hương Huyền thì sở trường với những vai lẳng mùi. Ông “nhái” lối hát Hữu Phước rất hay nên có người đã gọi Hương Huyền là Hữu Phước “đơ” (deux).

Cuối năm 62 rã đoàn, nghệ sĩ Hương Sắc ghi danh vào Khóa Sĩ Quan 17 Nguyễn Thái Học trường Võ Bị Thủ Đức. Năm 64, chuẩn úy Hương Sắc ra trường đóng đô ở Pleiku nhưng vẫn ở trong Khối Chiến Tranh Chính Trị, sau đó anh về cộng tác với Ban Văn Nghệ Địa Phương Quân năm 1966 lúc này Hương Sắc đã là trung úy và có cậu em Hương Huyền về theo. Chỉ một năm sau, 1967, ban Văn Nghệ Địa Phương Quân sát nhập vào Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Năm 1973, Hương Sắc được thăng chức Đại Úy Biệt Đoàn Phó Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương phụ trách Khối Ca Nhạc Kịch cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ông kết hôn với ca sĩ Trúc Ly và có 2 con. Cô con gái tên Trần Ngọc Hương Lý và cậu con trai Trần Kinh Luân.

Sau 1975, Ông phải đi học tập cải tạo đến năm 1981 mới trở về nhà và sang định cư tại Mỹ vào năm 1993. Nhiều năm gần đây, Ông sống trong một khu nhà dưỡng lão trên vùng thung lũng hoa vàng San José và cũng vì ở quá xa nên nhiều tình thân ngày cũ trong nhóm Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương muốn gặp cũng khó. Ông mất đi vào chiều 29 Tết cuối năm Quý Tỵ.


Soạn giả Hương Sắc, nghệ sĩ Phượng Liên.


Đêm dạ vũ chào đón soạn giả Hương Sắc đến Hoa Kỳ được tổ chức năm 1994 tại vũ trường Ritz.


Soạn giả Hương Sắc chụp ảnh lưu niệm với cô cháu ruột Thanh Hằng (con gái nghệ sĩ Hương Huyền) năm 1991, buổi Thanh Hằng lãnh Giải Huy Chương Vàng Trần Hữu Trang năm 1991.


Năm 1994, hai CD cải lương với những vở trích đoạn nổi tiếng của soạn giả Hương Sắc phát hành năm 1994.


Từ trái sang phải hàng ngồi: Dạ Lý, Ông Bà Lữ Liên và soạn giả Hương Sắc (đứng).


Ảnh chụp soạn giả Hương Sắc trước vài năm Ông mất.