Tìm hiểu danh hiệu “Thế giới Thập bát Văn hào” của Trương Vĩnh Ký

Có lẽ không ailà không thán phục thành tích học thuật củaTrương Vĩnh Ký (1837-1898), từ năng lựcsử dụng ngoại ngữ của ông, đếnkhối lượng đồ sộ tài liệu, sáchvở đã biên soạn, hoặc sự uyên bác thông tuệcủa học giả trên nhiều lĩnh vực. Nhữngthành tích ấy lại được thực hiện vào nửasau thế kỷ 19 ở Việt Nam, khi mà chữ quốcngữ còn khá thô sơ đang dần thay thế chữ Hán,và nền học thuật hiện đại du nhậptừ châu Âu vẫn còn phôi thai. Có thể nói mà không sợquá lời rằng ngay cả trong thời đại cónhiều điều kiện thuận lợi cho việchọc tập và nghiên cứu như ngày nay, khó lòng tìm ramột học giả có thể sánh với TrươngVĩnh Ký.

Tuy nhiên, nếucông chúng rộng rãi có thể dễ dàng chấp nhậnnhững thông tin sơ lược được truyềntụng đến ngày nay về nhân vật lịch sửnày, thì vẫn có những băn khoăn, nghi ngờ vềmột số khía cạnh trong bảng thành tích ấy, mà cácnhà nghiên cứu có nhiệm vụ giải mã các bí ẩn.Việc làm sáng tỏ các góc khuất, dù kết quả rasao, chẳng những không làm mất đi giá trịcủa nhân vật lịch sử, mà còn góp phần củngcố chứng cứ khoa học cho những tư liệuvề Trương Vĩnh Ký. Trong bài viết này, chúng tôisẽ tìm hiểu danh hiệu “Thế giới Thập bátVăn hào”, mà nhiều tài liệu hiện nay cho rằngPetrus Ký đã đạt được.

Từ nhữngthông tin ít ỏi

Chỉ cầnmở trang Google và gõ vào cửa sổ tìm kiếm cụmtừ “thế giới thập bát văn hào” (có dùngngoặc kép), ta sẽ nhận được kếtquả là cụm từ này xuất hiện 1030 lần(thực hiện ngày 9/9/2017). Sau đây là vài đoạntư liệu có chứa cụm từ này:

“Năm 1874, thế giới cócuộc chọn bầu “Toàn Cầu Bác Học Danh Gia”. PetrusKý đã được bình chọn đứng hàng thứ17 trong 18 “Thế Giới Thập Bát Văn Hào”“. (PhanThứ Lang, theo Tạp chí Xưa & Nay số 46B, tháng 12năm 1997). http://caimon.org/Suutam/TVK_CM/PtLang_TVK.htm

“Trong khoảng năm 1873-1874,ông (Trương Vĩnh Ký) được liệt vào hàng“thế giới thập bát văn hào”, theo mẫu tựnhư sau: Bác sĩ Allemand, Banadona d’Ambrum, Bonhomme, Cazot,Đại tướng Chambron, Bá tước Chambord,Christophie, Conte, Desmaze, Duprat, Dupuy, Garnier-Pages, Guizot, Lafayette,Lefèvre-Pontalis, Marcon, Pétrus Ký, Thống chế Saldonha OliveiraeDaun” (Huỳnh Ái Tông, http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/tacgia/truongvinhky.htm)

“TrươngVĩnh Ký được báo chí tại Paris bầu làmmột trong Thế giới Thập bát văn hào.” (Hoàng XuânViệt, 2006, Tìm hiểu lịch sử chữ quốcngữ, Nxb VHTT 2006 tr.421).

Hoặc vàitấm hình sao chụp hay chế tác từ một nguyênmẫu, tái hiện 18 chân dung của các “văn hào”:

Ngoài mấy thôngtin sơ lược trên đây, gần như không có chitiết nào khác giúp người đọc kiểm chứngtính xác thực của danh hiệu “Thế giới Thậpbát Văn hào”. Vì thế, không ít người nghi hoặc, vànêu những câu hỏi: Ai tổ chức bầu chọn ?Kết quả bầu chọn đã được côngbố trong văn bản nào ? Có đúng là đốitượng bầu chọn là văn hào toàn thế giớikhông ? Nếu là văn hào thế giới, sao không cónhững nhà văn nhà thơ nổi tiếng của Phápnhư V. Hugo, E. Zola, Baudelaire…, hay không có mặt các văn hàocủa các nước có nền văn học rựcrỡ khác như Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha… ? Vềmặt khoa học, nghi vấn trên hoàn toàn chính đáng,cần phải làm sáng tỏ, để thế hệ maisau có cái nhìn chính xác hơn về một nhân vật lịchsử khá phức tạp, gây nhiều tranh cãi trong nhiềuthập niên qua.

Một sốđầu mối

Trong quyển TrươngVĩnh Ký hành trạng (1927) của Đặng Thúc Liêng,trang 7 có sao chụp trang bìa của tài liệu bằngtiếng Pháp, với vài thông tin như sau:

tênấn phẩm:

  • Le Biographe (Người viết tiểu sử)
  • Année 1873 – 1874 (Năm 1873 – 1874)
  • Premier volume (Quyển thứ nhất)
  • Dixième livraison (Kỳ thứ 10)
  • chân dung 18 văn hào và danh sách bên dưới:

1. Allemand (docteur)7. Christophle (Albert)13. Guizot

2. Bonadona-d’Ambrun8. Conte (Casimir)14. Lafayette (Oscar de)

3. Bonhomme (Honoré)9. Desmaze (Charles)15. Lefèvre-Pontalis (Amédée)

4. Cazot (Jules)10. Duprat (Pascal)16. Marcou

5. Chambron (général de)11. Dupuy (Charles)17. Petrus KY

6. Chambord (comte de)12. Garnier-Pages18. Saldonha (maréchal)

Từ các thôngtin nhỏ nhoi trên đây, chúng tôi đi tìm lai lịchcủa các nhân vật, cũng như thông tin về ấnphẩm giới thiệu các nhân vật này. Vì không cóđiều kiện tiếp cận các thư việntruyền thống của Pháp, nên để tìm hiểuvấn đề này, chúng tôi chỉ có thể dựa vào cácdữ liệu số hóa trong ngân hàng dữ liệu sốhóa của Pháp (BnF) tại http://gallica.bnf.fr. Kết quảcho thấy là không có bản lưu trữ đầyđủ nào của tạp chí Le Biographe cả, ngoàimột bản in rời dành cho nhận vật André Pezzani(extrait), do đó, chúng tôi phải tìm hiểu qua các tàiliệu khác có liên quan đến tạp chí này. Sau đây làmột số thông tin về ấn phẩm đãđăng tiểu sử của Petrus Ký:

Ấn phẩm Le Biographe,được nhà văn Pháp tên là J. Condat (biệt danh làChapelot) thành lập năm 1873, nhằm giới thiệucuộc đời và hình ảnh của nhữngngười đang nổi tiếng (célébrités du jour), vàtờ báo nhanh chóng được đón nhận trongtỉnh Charente (theo Grand Dictionnaire universel du XIXe siècle,tr.783). Tạp chí được chuyển nhượngquyền sở hữu cho bà Marie-Edouard Lenoir năm 1883 (LeFeu Follet, 15/5/1887), và chuyển trụ sở của tạpchí về Mérignac thuộc vùng Bordeaux (Tây Nam nước Pháp)(Revue des livres nouveaux, n°136, 1886, tr.389). Là cơ quan ngônluận của Hội Tiểu sử Pháp (Société biographiquede France), xuất bản hàng tháng, tạp chí công bốtiểu sử và hình ảnh của các nhân vậtđương thời (còn sống), không phân biệtloại hình chuyên môn hay khuynh hướng, bao gồm nhàvăn, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ, v.v.

Từkhi bà Marie-Edouard Lenoir làm tổng biên tập (1878), tạp chíchuyên hẳn về văn học, nhằm giới thiệucác tác giả trẻ cũng như nhà văn đã thành danh.Sau 15 năm hoạt động, tạp chí đã giớithiệu 700 bức ảnh và tiểu sử của các nhânvật nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực (Revuedes livres nouveaux, n°167, 1887, tr.246-247). Không có tài liệu nàonói về ngày tạp chí ngưng phát hành, nhưng kểtừ tháng 9 năm 1891, người ta không còn đọcđược nội dung quảng cáo của tạp chí đăngthường kỳ trên tạp chí Revue des livres nouveaux,cũng không có thông báo nào trên các phương tiện thông tinđại chúng.

Có bao nhiêu “vănhào” được giới thiệu tiểu sử?

Như vậy làcon số “thập bát văn hào” chỉ là sốngười được giới thiệu trong kỳphát hành thứ 10, Quyển thứ nhất của tạpchí Le Biographe ghi năm 1873-1874 (năm hành chính), trongtổng số 700 nhân vật được giớithiệu tính đến năm 1887. Thế nhưng vìđiều kiện tiếp cận thông tin thời bấygiờ rất khó khăn nên các nhà biên soạn tài liệutrước đây đã giới thiệu quá sơ sài,khiến người đọc hiểu đó là kếtquả bình chọn duy nhất (chỉ có một danh sách 18người) của năm 1873-1874, vô tình đã thổiphồng giá trị thật của sự kiện.

Những aiđược đăng tiểu sử?

Như đã nóiở trên, Le Biographe là một ấn phẩm xuấtbản hàng tháng của địa phương (banđầu trụ sở đóng tại Charente, sau dờivề Bordeaux), chuyên về việc giới thiệutiểu sử của các nhân vật nổi tiếngđương thời trong nhiều lĩnh vực. Tuynhiên, theo ghi nhận của Gaston d’Hailly, ngoài hình ảnh vàtiểu sử của các nhân vật nổi tiếngđương thời, tạp chí Le Biographe còngiới thiệu các thí sinh trúng giải thơ văn dotạp chí tổ chức, và bà Tổng biên tập M.E. Lenoirlàm chủ tịch hội đồng chấm giải (Revuedes livres nouveaux, n°167, 1887, tr.246-247). Đến đây tacó thể thấy rằng thông tin “Trương Vĩnh Kýđược báo chí tại Paris bầu…” (Hoàng XuânViệt, sách đã dẫn) là không đúng: không có sự thamgia của “báo chí Paris”, cũng chẳng có cuộc bìnhbầu rộng rãi nào cả về các nhân vậtđược giới thiệu tiểu sử.

Để có cáinhìn tổng quát về danh hiệu “thế giới thậpbát văn hào”, chúng ta cần tìm hiểu danh tính những nhânvật được đăng tiểu sử, và cuộcđời hoạt động của họ. Đây là côngviệc vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là khôngthể, vì tạp chí này ra đời cách đây gần 150năm, và lại là một ấn phẩm củađịa phương, nên phạm vi phát hành không rộnglớn như các ấn phẩm ở thủ đô.Thật vậy, trong ngân hàng dữ liệu Bnf của Phápchỉ có 1 trích in (extrait) Kỳ 5 – Quyển 2 năm 1876,phần tiểu sử của một trong số các nhânvật được giới thiệu trong số này,đó là luật sư, nhà văn, triết gia ngườiPháp André Pezzani.

Vì thế, chúngtôi đành phải đi đường vòng, là tìm tấtcả các tài liệu có nói về tạp chí Le Biographevà các tên tuổi được giới thiệu. Dựavào những thông tin công bố rải rác trên sách báo thờibấy giờ, chúng tôi lập ra danh sách gồm 63 nhânvật trên tổng số hơn 700 người, như sau:

Để tracứu thông tin về các tác giả được giớithiệu, chúng tôi tham khảo 4 từ điển thuộc 4loại khác nhau: Từ điển quốc tế các nhàvăn đương thời (2) xuất bản năm 1891tại Florence (Italia), Từ điển văn họcthế giới (3) xuất bản năm 2002 tại Paris,Từ điển bách khoa Larousse trực tuyến (4) vàtừ điển bách khoa mở Wikipedia (5). Kết quảlà:

  • không có nhân vật nào được giới thiệu trên cả 4 từ điển,

  • chỉ có 5 nhân vật được 3 trong số 4 từ điển giới thiệu.

  • chỉ có 10 nhân vật được 2 trong số 4 từ điển giới thiệu.

  • 25 (trên tổng số 63) người không hề xuất hiện trong bất cứ từ điển nào,

Kết quảtrên đây cho thấy là sự “nổi tiếng” của cácnhân vật được giới thiệu có tính chấtrất tương đối:

  • chỉ nổi tiếng vào lúc được giới thiệu mà thôi, sau đó là chìm dần (các từ điển hiện đại không giới thiệu),

  • chỉ “nối tiếng” đối với nhóm người này mà không “nổi tiếng” với nhóm người khác: từ điển (2) là từ điển xuất bản cuối thế kỷ 19, nhưng chỉ giới thiệu 13 nhân vật trong số 63 người do tạp chí Le Biographe chọn lựa. Điều đó chứng tỏ rằng ban biên tập Le Biographe có tiêu chí chọn lựa thoải mái hơn rất nhiều so với các nhà soạn từ điển (2).

  • trong số 63 nhân vật trong danh sách trên đây, không có nhà văn, nhà thơ nào được giảng dạy trong chương trình văn học thế kỷ 19 của trường phổ thông Pháp gồm 40 tác giả (Lagarde & Michard). Theo nguyên tắc xác suất ngẫu nhiên, phải có ít nhất 3 tác giả được giảng dạy trong chương trình trung học của Pháp xuất hiện trong danh sách được lập trên đây (63 X (40/700)). Nếu nguyên tắc xác suất này đúng thì sự chọn lựa của Ban biên tập tạp chí Le Biographe kém giá trị. Tuy nhiên, cần phải kiểm chứng tất cả các số báo đã xuất bản trong thời gian 1873 – 1891 thì mới có thể đánh giá chính xác được chất lượng chọn lựa.

  • Các tác giả viết lịch sử nhân vật bao gồm các nhà văn, nhà thơ Pháp: Marie-Edouard Lenoir, Jehan Madelaine, Charles Després, Alix Moussé, Jules Sionville, Mathieu Mario… Những tác giả này cũng không được giảng dạy trong chương trình phổ thông của Pháp từ trước đến nay.

  • 27 người xuất hiện trong (5), trong khi chỉ có 13 người xuất hiện trong (2): điều này có nghĩa là những người được giới thiệu tiểu sử không phải đều là “văn hào”, mà có thể đó là chính khách, nhà khoa học, nhà báo, nhà văn, nhà thơ trẻ…

  • trong số 63 nhân vật có tên trong danh sách trên đây, tất cả đều là người Pháp, hoặc dân tộc có sử dụng tiếng Pháp như Hoàng tử Charles III (Monaco), Petrus Ký (An Nam), L.-J. Janvier (Haiti), trừ thống chế Saldonha (Bồ Đào Nha). Ông này là một chính khách nổi tiếng vào thế kỷ 19, có ảnh hưởng quan trọng đến các sự kiện ở châu Âu, vì đã bốn lần làm Thủ tưởng Bồ Đào Nha và làm bộ trưởng nhiều nhiệm kỳ (Wikipedia). Có lẽ vì thế mà ông được giới thiệu trong tạp chí Le Biographe. Điều đó có nghĩa là các từ “thế giới” và “văn hào” trong danh hiệu “Thế giới Thập bát văn hào “là rất khiên cưỡng.

Về thành tíchcủa Trương Vĩnh Ký, đến nămđược giới thiệu tiểu sử (1873-1874) ôngđã có những thành tựu như sau:

  • bài báo khoa học Notice sur le royaume de khmer ou de Kambodje (1863), 7 trang, đăng trong tập san chuyên ngành Bulletin de la Société de Géographie, Paris (5) 6: 326-332.

  • phiên dịch của sứ bộ An Nam do Phan Thanh Giản dẫn đầu diện kiến Napoléon III, Nữ hoàng Tây Ban Nha và Đức Giáo hoàng (1863).

  • biên soạn sách Abrégé de grammaire Annamite (Impr. impériale in lần đầu 1867), 131 trang.

  • chủ bút tờ Gia định báo tại Sài Gòn (1869),

  • giám đốc Trường Ecole Normale tại Sài Gòn(1872).

  • giáo sư trường thông ngôn tại Sài Gòn (1866-1868).

Với thành tíchchỉ bấy nhiêu đó thôi, khó có thể gọiTrương Vĩnh Ký là “văn hào thế giới” nhưmột số nhà nghiên cứu Việt Nam đã gọi.Điều này càng chứng tỏ rằng những nhânvật được tạp chí Le Biographe giớithiệu chỉ là những người đượcnhắc nhiều trên báo chí hoặc trong xã hội thờibấy giờ, nhất là trong các cộng đồng tríthức và văn nghệ sĩ.

KẾT LUẬN

Không phảichỉ có “Thập bát (18) văn hào”, mà có hơn 700 nhânvật được giới thiệu trong tạp chíxuất bản ở Charente và Bordeaux (Tây Nam nướcPháp) tên là Le Biographe, trong số đó có PetrusTrương Vĩnh Ký.

Tất cảnhững người được giới thiệucũng không phải là “văn hào thế giới”, màtuyệt đại đa số là các nhân vậtngười Pháp là nhà văn, nhà thơ, chính khách… và vàingười từ các nước nói tiếng Pháp nhưhoàng tử Monaco, Petrus Ký (An Nam) và Louis-Joseph Janvier (Haiti).Chỉ có công tước Saldanha (Thống chế BồĐào Nha) không thuộc nước nói tiếng Pháp, cũngkhông phải là nhà văn hay nhà báo có bài viết bằngtiếng Pháp.

Cuối cùng,cũng không có thông tin nào cho biết rằng các nhân vậtđược chọn để giới thiệu làkết quả của một cuộc tuyển chọnkhắt khe, như Phan Thứ Lang đã nói: “năm 1874,thế giới có cuộc chọn bầu “Toàn Cầu BácHọc Danh Gia””. Vì Le Biographe là một tạp chíđịa phương (Charente, Bordeaux), có một vai tròkhiêm tốn trong đời sống tinh thần củanước Pháp thời bấy giờ (không có một sốnào của tạp chí được số hóa trong kholưu trữ số của BnF), nên nhiều khả năngđó chỉ là sự chọn lựa của Ban biên tậpmà thôi!

Từ nhữngphân tích trên, chúng tôi thấy rằng danh hiệu “thếgiới thập bát văn hào” không phản ảnh chính xácthực tế, và chỉ là danh hiệu mà các thế hệsau Trương Vĩnh Ký đã gán cho ông dựa trên vài tàiliệu ít ỏi thời bấy giờ. Vì thế chúng tôiđề nghị đừng nên nhắc lại danhhiệu ấy khi giới thiệu tiểu sử củaông, để không gây ra ngộ nhận và ảotưởng cho thế hệ mai sau.

TÀI LIỆU THAMKHẢO

  • Carnoy H., 1902. Dictionnaire biographique international des écrvivains,. Paris, Imprimerrie de l’Armorial français,

  • Đặng Thúc Liêng, 1927. Trương Vĩnh Ký hành trạng. Nhà in Xưa-Nay Sài Gòn.

  • de Gubernatis A., 1891. Dictionnaire international des écrivains du jour. Florence, Louis Niccolai,.

  • Hoàng Xuân Việt, 2006. Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ,Nxb VHTT.

  • Huỳnh Ái Tông, “Trương Vĩnh Ký (1837-1898)”, tại địa chỉ trên mạng: http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/tacgia/truongvinhky.htm

  • Larousse Pierre, 1877. Grand Dictionnaire universel du XIXe siècle. Paris, Administration du grand dictionnaire universel.

  • Mougin P. & Haddad-Wotling K., 2002. Dictionnaire mondial des littératures. Paris, Larousse.

  • Nguyễn Đình Đầu, 2016. Petrus Ký Nỗi oan thế kỷ. Nhã Nam & Nxb Tri thức.

  • Phan Thứ Lang, “Ở với họ mà không theo họ”. Theo Tạp chí Xưa & Nay số 46B, tháng 12 năm 1997. http://caimon.org/Suutam/TVK_CM/PtLang_TVK.htm

  • Tạp chí Le Feu Follet, ngày 15/5/1887.

  • Tạp chí Revue des livres nouveaux, n°136, ngày 1/7/1886.

PHỤ LỤC


Thông báo phát hành số đầu tiên của tạp chí Le Biographe được đăng trên báo L’Avenir d’Arcachon (vùng Bordeaux), số 142, 27/4/1873).




Trang bìa tạp chí Le Biographe, kỳ 10 quyển I (1873-1874). Nguồn: Đặng Thúc Liêng, Trương Vĩnh Ký hành trạng, 1927.




Trang bìa tạp chí Le Biographe kỳ 5 quyển 2, 1876 (trái) và kỳ 5 quyển 7, 1884.