Phố làm giỏ cần xé và nhân vật võ lâm nổi danh Chợ Lớn


Một gia đình hiếm hoi còn cố kiếm sống bằng đan các giỏ cần xé trong hẻm sau chợ Thiếc. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt).


SÀI GÒN (NV) – Nhiều người Chợ Lớn thuộc thế hệ sinh sau 1975, dù là người Hoa cũng không có mấy ai còn nhớ địa danh nổi tiếng nhị tỳ Quảng Ðông. Ðây là một nghĩa trang lớn nằm trong lòng quận 11, một trong 3 quận nội thành Sài Gòn có cộng đồng người Hoa đông nhất.

Nhắc đến chuyện cái nhị tỳ lớn bị chính quyền Cộng Sản giải tỏa trắng vào năm 1983 này để gợi nhớ đến một nghề thủ công phồn thịnh vào bậc nhất, nghề đan giỏ cần xé, các mặt hàng gia dụng gia đình và bao bì thương mại bằng mây, tre.

Trước năm 1975, các cơ sở thủ công tại gia của nghề này nhộn nhịp suốt ngày quanh các con đường của khu nhị tỳ Quảng Ðông, với các đống nguyên liệu mây, tre, nứa và các sản phẩm chất cao như gò đồi chờ tiêu thụ.

Ngày nay, trong thời đại của các vật dụng bằng nhựa, thùng mốp,… nếu có dịp đi qua nơi đây, người ta vẫn còn nhìn thấy vài gia đình, đôi ba cái vựa mua bán cần xé cố bám lấy nghề để sống lây lất qua ngày.

Chúng tôi vào một con hẻm sâu trên đường Trần Quí, bắt gặp một người phụ nữ người Hoa đang ngồi chẻ các nan tre. Bà cho biết: “Cả tháng, chủ kêu làm đôi ba ngày, không đủ tiền ăn cơm mà không làm thì cơm cũng không có ăn.” Bà chẻ tre, dùng dao vót tre thành cọng để người khác đan giỏ cần xé.


Người phụ nữ gốc Hoa đang ngồi vót tre ở phố làm cần xé trên đường Tạ Uyên, Chợ Lớn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt).


Ngay cả người bạn trẻ đi cùng chúng tôi cũng chưa từng thấy cái cần xé. Nhưng với người miền Nam, trước thời kỳ đồ dùng bằng nhựa phổ biến thì hình ảnh cái cần xé gần như gắn liền với việc sản xuất, buôn bán. Thật khó hình dung nếu không có cái cần xé với đủ loại kích cỡ thì không biết lấy gì để đựng chứa trái cây, cá, tôm, rau, củ,…

Chúng tôi kể thêm cho anh biết là sau 1975, thời bao cấp, chế độ Cộng Sản bắt người dân Sài Gòn đi thủy lợi, nhà nhà, người người bắt buộc phải đi đào kênh, khu này trở thành nơi cung cấp cần xé và cái ky bằng tre để xúc đất, vác đất.

Nếu người dân ở miền Tây đan giỏ cần xé và các thứ hàng gia dụng mây tre khác vào lúc nông nhàn, thì trước đây cả các khu phố quanh nhị tỳ Quảng Ðông là một công trường lớn làm nghề này. Cảnh các xe hàng chở tre, mây, các lò lửa để uốn tre cho thẳng và các công nhân ngồi đan là hình ảnh thân quen gắn liền với nhịp sống Chợ Lớn.

Một ông già người Hoa đang ngồi trong quán cà phê kể thêm chuyện: “Lỵ có thấy mấy cây tre già mà lân leo ngày Tết, ngày xưa có cây dài hơn 10m, bây giờ rừng làm gì còn tre cỡ đó, đến tre làm giỏ họ lấy làm đũa bán qua Trung Quốc, làm nghề bây giờ sống không nổi đâu.”

Chúng tôi gợi chuyện để tìm hiểu thêm về một nhân vật xuất thân từ nơi đây đã nổi danh của chốn võ lâm Chợ Lớn. Ông xác nhận nhận trước 1975 có một người Hoa làm nghề đan giỏ cần xé nhưng sau đó trở thành một võ sư vang danh giang hồ Chợ Lớn.

Ông kể: “Nhà nó ở bên nhị tỳ, nó đâu có đan giỏ, nó có sức khỏe nên chỉ uốn tre cho người ta làm thang tre, nó có nghề võ nên chịu cực được.”


Một cửa hàng bán thang tre và các dụng cụ mây tre khác còn sót lại ở góc đường Trần Quí. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt).


Câu chuyện về nhân vật võ sư ẩn thân này được báo chí trước 1975 thuật lại như sau.

“Cao thủ trong vai người đan sọt. Những năm 1940, người dân trong khu vực nhị tỳ Quảng Ðông (sau đổi thành giao lộ Phó Cơ Ðiều-Trần Quý, phường 6, quận 11) chỉ biết anh Ðặng Tây là một người Hoa bỏ xứ đến Sài Gòn kiếm sống bằng nghề đan giỏ. Không ai ngờ người đàn ông tính tình hiền lành, khiêm tốn, vui vẻ với mọi người, sống trong một căn nhà xập xệ lại là một cao thủ võ lâm. Một hôm, anh tình cờ gặp tên “trùm” giang hồ khu vực Chợ Lớn là Tín Mã Nàm (Nàm Chảy), vốn là người có thân hình hộ pháp, từng nhiều năm học Thiếu Lâm Hồng Gia và Thái Lý Phật và có va chạm. Tín Mã Nàm khăng khăng bắt anh phải đấu võ với hắn thì hắn mới “bỏ qua” chuyện này. Nhiều lần từ chối không xong, sau cùng ông nhận lời tỉ thí mà theo ông, cũng nhân dịp này dạy cho tên giang hồ một bài học để bỏ thói ngang tàng, hống hách, ỷ mạnh hiếp yếu. Trước khi trận đấu diễn ra, ai cũng nghĩ phen này anh thợ đan sọt “chết chắc.” Thế nhưng kết quả ngược lại, trận đấu quyền diễn ra khá chóng vánh, gã đại ca hung hãn 3 lần lao vào đều bị người đan sọt đẩy văng ra xa, lồm cồm ngồi dậy trong nỗi kinh ngạc lẫn thán phục. Từ lúc đại náo giang hồ đến nay, hắn chưa từng gặp một kỳ nhân võ công cái thế như ông đan sọt này. Biết mình đã đụng nhầm “núi Thái Sơn,” Tín Mã Nàm bèn sụp người xuống, chắp tay bái Ðặng Tây làm sư phụ, hết lời năn nỉ ông truyền cho nghề võ.”

Theo tìm hiểu, trước năm 1975, khu vực Tạ Uyên-Trần Quí thuộc quận 11 có vài trăm gia đình làm nghề và mua bán các vật dụng mây, tre thì ngày nay số gia đình người Việt gốc Hoa còn sống lây lất với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Có lẽ những câu chuyện về múa lân sư rồng hay các giai thoại về các lò võ, võ sư Chợ Lớn sẽ phần nào giúp người dân nơi đây nguôi ngoai trước thực trạng tàn lụi của nghề thủ công góp phần tạo hình ảnh văn hóa của cộng đồng người Hoa Chợ Lớn.