Nhà nghiên cứu phê bình văn học Trần Hoài Anh: Văn học miền Nam là một di sản...

Trần Tuấn


Bộ tiểu thuyết 5 cuốn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng vừa được tái bản và ra mắt trở thành sự kiện văn chương gây chú ý đầu năm 2021 (ảnh: Nhã Nam).

TP - “Văn học miền Nam phải là một thực thể trong di sản văn học dân tộc. Tin tưởng rằng sẽ sớm đến thời điểm chúng ta không còn gọi là “Văn học miền Nam trước 1975”, mà chỉ gọi là văn học Việt Nam giai đoạn 1954-1975, trong đó có bộ phận văn học miền Nam” - nhà nghiên cứu phê bình văn học Trần Hoài Anh, bày tỏ.

Là người nghiên cứu sâu về lý luận phê bình và văn học đô thị miền Nam trước 1975, ông nhận định gì về di sản văn chương thời kỳ đặc biệt ấy trong bối cảnh đất nước hiện nay?

PGS.TS Trần Hoài Anh:

Từ hơn chục năm trước chọn đề tài “Lý luận phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975” để làm luận án Tiến sĩ, với tôi là một điều khá mạo hiểm. Nhưng có lẽ nhờ sự thay đổi hệ hình tư duy nghiên cứu văn học của thời kỳ đổi mới khi hàng loạt các hiện tượng văn học thuộc vào loại cấm kỵ như Phong trào thơ mới, Tự lực văn đoàn, Nhân văn giai phẩm… đã được nhìn nhận, đánh giá lại và được “chiêu tuyết” trong đời sống văn học, cho nên việc chọn đề tài luận án của tôi cũng không gặp trở ngại gì.


Những công trình nghiên cứu, tiểu luận phê bình của nhà nghiên cứu Trần Hoài Anh (ảnh: Trần Tuấn).

Đây là một tín hiệu đáng mừng cho đời sống văn học dân tộc khi mà văn học miền Nam trước 1975, vốn bị xem là “văn học đồi trụy” “phản động” như một số người đã gán ghép cho nó ở một thời không xa, nay lại được chính thức nghiên cứu “đàng hoàng” trong môi trường học thuật ở một viện nghiên cứu khoa học uy tín là Viện Văn học Việt Nam. Đồng thời, việc văn học miền Nam trước 1975 xuất hiện lại trong đời sống văn học nước nhà là một điều tất yếu trong sự vận động và phát triển của việc thay đổi hệ hình tư duy lý luận phê bình văn học thời kỳ đổi mới, và là một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, trong đó có sự đổi mới của văn học.

Trải qua hàng chục năm nghiên cứu bộ phận văn học miền Nam (mà việc đi tìm tư liệu của mảng văn học này không phải là điều đơn giản), có thể khẳng định rằng: Văn học miền Nam là một bộ phận không thể tách rời của văn học dân tộc, là một di sản văn chương cần phải được bảo tồn và gìn giữ trong đời sống văn học không chỉ hôm nay và cho cả mai sau, xét trên bình diện nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.

Bởi lẽ, vốn được hình thành và phát triển trong một bối cảnh xã hội văn hóa khá cởi mở, mạnh dạn tiếp nhận nhiều lý thuyết văn học của thế giới, đặc biệt là các trường phái lý thuyết phương Tây hiện đại nên văn học miền Nam phát triển khá đa dạng, phong phú về các hình thức thể loại: Thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, lý luận phê bình, kịch nghệ, biên khảo, nghiên cứu… mà thể loại nào cũng có những thành tựu đáng kể, để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm thức người đọc. Biểu hiện cụ thể là trong những năm gần đây nhiều tác phẩm khảo luận, nghiên cứu về văn hóa, triết học, đạo đức, luân lý của các nhà nghiên cứu như: Kim Định, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Trung, Vũ Hạnh… và tác phẩm của các nhà văn như: Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Dương Nghiễm Mậu, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Du Tử Lê, Hoài Khanh; Đặc biệt là các nhà văn nữ đã một thời gây “sóng gió” trên văn đàn miền Nam như: Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thị Ngh, Nguyễn Thị Hoàng… đã được liên tục tái bản, thu hút đông đảo bạn đọc và trở thành một hiện tượng xuất bản trong thị trường sách về văn hóa, triết học, văn học hôm nay.


PGS.TS Trần Hoài Anh.

Nước ta nói chung còn nghèo, văn học ta cũng còn nghèo so với nền văn học của nhiều nước trên thế giới, vì vậy chúng ta không nên lãng phí mà vội “bỏ đi” một bộ phận văn học rất phong phú đa dạng, rất nhiều giá trị ẩn tàng như văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975. Và việc nghiên cứu một cách thấu đáo, cẩn trọng trên tinh thần khoa học, khách quan, công bằng về những giá trị của bộ phận văn học miền Nam là một việc làm rất cần thiết và cần sự chung tay, góp sức của mọi người.

Một tín hiệu tốt cho thấy sự phục sinh của văn học miền Nam trong đời sống văn học nước nhà. Vì thế sự kỳ vọng của chúng tôi là một điều hoàn toàn có cơ sở từ thực tiễn đời sống văn học, chứ không chỉ là một ước mơ hoang tưởng.
PGS-TS Trần Hoài Anh.

Mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 144/2020/NĐ-CP qui định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Trong đó không còn nhắc tới các khái niệm: “Tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam” (hay được gọi “ca khúc trước 1975”). Ông có kỳ vọng gì về việc sẽ mở rộng sang địa hạt văn chương của giai đoạn này không?

PGS.TS Trần Hoài Anh: Tôi cảm thấy rất vui, vì đây là một tín hiệu cho thấy Chính phủ thật sự quan tâm đến đời sống âm nhạc nói riêng và rộng ra là văn học nghệ thuật nói chung nên đã có một chủ trương đúng đắn khi mạnh dạn xóa đi một ranh giới vô hình không đáng có làm hạn chế, thậm chí giết chết một bộ phận âm nhạc không những giàu tính nghệ thuật mà còn giàu tính nhân văn bao năm qua vẫn âm thầm sống trong tâm thức quần chúng nhân dân.

Thực ra trong thiển nghĩ của tôi, khái niệm ca khúc trước 75 ở miền Nam chỉ là một khái niệm mang tính “ước lệ” về thời gian và không gian để chỉ một thời điểm mà tác phẩm đó xuất hiện chứ không thể áp đặt nó vào một ý niệm chính trị nào. Vì âm nhạc cũng như văn học nghệ thuật là sáng tạo của người nghệ sĩ nhưng khi nó đi vào đời sống và được công chúng tiếp nhận thì nó thuộc về công chúng, là món ăn tinh thần của công chúng chứ không phải là của tầng lớp lãnh đạo hoặc thể chế chính trị nào.

Từ đó, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, trong một thời gian không xa việc bỏ khái niệm văn học miền Nam trước 1975 trong đời sống văn học nước nhà là một điều tất yếu phải đến. Văn học miền Nam phải là một thực thể trong di sản văn học dân tộc. Lúc đó, chúng ta cũng sẽ không gọi là văn học miền Nam trước 1975, mà chỉ gọi là văn học Việt Nam giai đoạn 1954-1975, trong đó có bộ phận văn học miền Nam. Nội hàm của thuật ngữ văn học miền Nam chỉ mang tính khoa học có ý nghĩa về mặt lịch sử văn học để chỉ một giai đoạn văn học mà thôi chứ không bị “áp đặt” một hàm ý chính trị nào cả.

Thực ra điều tôi tin tưởng ấy cũng không còn là việc của tương lai mà hiện nay văn học miền Nam đã thật sự được nghiên cứu khá nhiều. Đặc biệt hơn cả công trình mang tính giáo khoa “Lược sử văn học Việt Nam” do Trần Đình Sử chủ biên cùng các nhà nghiên cứu có uy tín như Nguyễn Xuân Kính, Nguyễn Văn Long, Huỳnh Như Phương, Lã Nhâm Thìn… (NXB Đại học Sư phạm, H, 2021) đã dành 25 trang giới thiệu về các khuynh hướng văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 thay vì chỉ một số dòng hạn hẹp như các bộ sách giáo khoa văn học trước đây. Riêng cuốn sách Lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 của tôi (Trần Hoài Anh) cũng được công trình nghiên cứu này giới thiệu như một thành tựu của lý luận phê bình văn học thời kỳ đổi mới “trong việc đổi mới tư tưởng, đổi mới cách nhìn đối với nghiên cứu văn học miền Nam (sđd tr.315).

PGS.TS Trần Hoài Anh - Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình (Hội Nhà văn Việt Nam khóa X 2020-2025), giảng viên khoa Văn hóa học, trường Đại học Văn hóa TPHCM. Các công trình nghiên cứu đã xuất bản: Lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 (NXB Hội Nhà văn, 2009); Thơ – Quan niệm và cảm nhận (NXB Thanh niên, 2010); Văn học nhìn từ văn hóa (NXB Thanh niên, 2012); Văn hóa-văn chương & hành trình sáng tạo (NXB 2014); “Đi tìm ẩn ngữ văn chương” (NXB Hội Nhà văn, 2017), Đi tìm mỹ cảm văn chương (NXB Hội Nhà văn 2020),...

Không những thế, thời gian gần đây những tác phẩm văn học miền Nam gồm các thể loại, đặc biệt là truyện ngắn và tiểu thuyết của các nhà văn như Dương Nghiễm Mậu với Cũng đành, Đôi mắt trên trời, Tiếng sáo người em út do Nxb Văn nghệ tái bản năm 2007 và Tuổi nước độc, Sợi tóc tìm thấy (do NXB Hội Nhà văn tái bản năm 2016); Nguyễn Thị Thụy Vũ với Khung rêu, Mèo đêm, Lao vào lửa, Chiều mênh mông, Thú hoang…; Trần Thị Ngh với Nhà có cửa khóa trái; Lạc đạn, Nhăn Rúm (Phương Nam Books và NXB Hội Nhà văn), Ác tính (Domino Books và NXB Hội Nhà văn); Nguyễn Thị Hoàng với Một ngày rồi thôi; Cuộc tình trong ngục thất; Tuần trăng mật màu xanh; Tiếng chuông gọi người tình trở về, Vòng tay học trò (do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn xuất bản) vừa ra mắt đầu năm nay. Rồi thơ của Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Du Tử Lê, Nguyên Sa, Hoài Khanh, Nhất Hạnh… Và còn biết bao tác phẩm thuộc đủ thể loại khảo luận, nghiên cứu, lý luận phê bình… liên tục được tái bản. Điều đặt biệt là trên các ấn phẩm này không có sự định danh là văn học miền Nam trước 1975 và được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, thậm chí có những tác phẩm trở thành những hiện tượng “hot” trong đời sống xuất bản văn học hiện nay.

Một tín hiệu tốt cho thấy sự phục sinh của văn học miền Nam trong đời sống văn học nước nhà. Vì thế sự kỳ vọng của chúng tôi là một điều hoàn toàn có cơ sở từ thực tiễn đời sống văn học, chứ không chỉ là một ước mơ hoang tưởng.

Xin cám ơn ông!