Xuất xứ và ý nghĩa cuả từ “Vọng Cổ”

(CLVN.VN) - Tại sao bài “Dạ Cổ Hoài Lang” lại trở thành bài “Vọng cổ”? “Vọng cổ” có từ đâu? Thời gian và nguyên nhân nào? Đây là một thắc mắc không nhỏ của giới mộ điệu đờn ca tài tử cũng như cổ nhạc Nam bộ.

Trích trong quyển “Tìm hiểu cổ nhạc Bạc Liêu” của tác giả Trần Phước Thuận. Ở đây tác giả Trần Phước Thuận rất sâu sắc phân tách rõ ràng để đi đến hợp lý và chánh đáng. Trang 366, tác giả viết: “Vọng cổ” là một cái tên rất quen thuộc với người Việt Nam, Vọng cổ hiện nay còn là đề tài hấp dẫn với các nhà nghiên cứu âm nhạc.

Đã có nhiều sách vở, nhiều cuộc hội thảo, nguòi ta đã bàn nhiều vấn đề về cổ nhạc Nam bộ, nhất là bản vọng cổ đã được các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ thảo luận và đánh giá rất nhiều lần, như cái tên gọi Vọng cổ đến nay vẫn còn bàn cài, chưa ngã ngũ.

Câu hỏi được đặt ra là - Từ “Vọng cổ” do đâu mà có và ý nghĩa chân thật của nó là gì?

Ông Cao Kiến Thiết (con trai ông Cao Văn Lầu), năm 1919 theo ba tôi kể: Thầy Thống (tức ông Trần Xuân Thơ) người Bắc, giỏi chữ Nho, ngụ tại An Thạch Đông (Vĩnh Lợi), tỉnh Bạc Liêu đề nghị chữ Dạ cổ hoài lang thành Vọng cổ hoài lang (Tiếng trống đêm thành Tiếng trống vọng lại), lý do là ba tôi lấy điển tích “Tô Huệ chức cẩm hồi văn” làm nội dung của bài ca và bản nhạc. Mà lòng Tô Huệ khi chức cẩm hồi văn thì nghe tiếng trống đánh từ xa vọng lại, chớ không phải là tiếng trống đêm, cho nên chữ “Dạ cổ” thì tối nghĩa, còn chữ “Vọng cổ” thì càng làm rõ điển tích. Ba tôi đồng ý Dạ cổ hoài lang thành Vọng cổ hoài lang (có nghĩa là tiếng trống vọng lại mà nhớ chồng), nhưng lúc đó bản Dạ cổ hoài lang đã được phổ biến rộng rãi ở nhiều nơi, nên phải mất một thời gian khá lâu mới thống nhất tên gọi là Vọng cổ (đây là lời phát biểu của ông Cao Kiến Thiết trong cuộc Hội thảo khoa học về Cao Văn Lầu tại Bạc Liêu năm 1989).


Nhưng trước đó một số người lại nói khác hơn. Nhạc sĩ Trần Tấn Hưng đã kể lại rằng: “Chính soạn giả Trịnh Thiên Tư” trong buổi giỗ Tổ cổ nhạc Bạc Liêu năn 1935 đã đề nghị với ông Sáu Lầu vẫn nên gọi là Dạ cổ hoài lang do chính là cái tên gốc, cái tên lịch sử không nên sửa đổi. Hơn nữa, nhớ chồng lúc ban đêm là điều thích hợp với người chinh phụ, lại hợp với nội dung bản nhạc của ông Sáu. Chúng ta không thể lấy nghĩa và hoàn cảnh của nàng Tô Huệ như thầy Thống đã nói lúc trước để sửa đổi cái tên Dạ cổ hoài lang. Vì đây là hai tác phẩm khác nhau. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay bản Dạ cổ hoài lang đã được biến thể sang nhịp 8, vậy cũng nên dùng hai chữ Vọng cổ do tôi đề nghị hôm nay cũng không theo nghĩa “Tiếng trống vọng lại” mà mang lại ý nghĩa “Trông về truyền thống xưa”. Vì các bản nhịp 8 tuy chữ đàn đã khác xa bản gốc, nhưng vẫn từ Dạ cổ hoài lang mà ra. Vì vậy “truyền thống xưa” ở đây chính là Dạ cổ hoài lang. Ý kiến của ông Tư được ông Sáu cùng mọi người chấp thuận và hoan nghênh nhiệt liệt. Cũng từ đó đến nay mọi người đều gọi bản nhạc gốc là “Dạ cổ hoài lang”, và gọi chung các bản cách tân (từ nhịp 8 trở đi) là “Vọng cổ”.

Như vậy là từ “Vọng cổ” được xuất phát từ lời đề nghị của hai ông: Trần Xuân Thơ và Trịnh Thiên Tư, nhưng từ “Vọng cổ” được sử dụng hôm nay của ông Tư hay ông Thơ?

Muốn giải quyết vấn đề này ắt hẳn phải xác định cái nghĩa đang được sử dụng của nó. Nói cách khác bản “Vọng cổ” ngày nay, cái tên của nó mang ý nghĩa gì Trả lời câu hỏi này cũng có nghĩa là xác định được từ Vọng cổ bắt nguồn từ đâu?

Như trên đã nói từ Vọng cổ của ông Trần Xuân Thơ, theo ông thì có nghĩa là “Tiếng trống vọng lại”. Còn từ Vọng cổ của ông Trịnh Thiên Tư có nghĩa là “Trông về xưa”.

Như vậy, theo phần nghĩa của hai từ này không dính dáng gì với nhau, nhưng phần âm lại đồng âm nên thường hay nhầm lẫn. Nay muốn xác định từ “Vọng cổ” đang được sử dụng mang ý nghĩa nào, cách tốt nhất là dùng tên gốc của bản nhạc bằng chữ Hán để chứng minh và dùng phương pháp so sánh để giải quyết vấn đề này.Hiện nay, có một bản rất phổ thông gọi là “Tân cổ giao duyên”.

Bản được thành lập do phương pháp gối đầu. Bản ngắn với Vọng cổ, của soạn giả Mộng Vân và sau đó được nhiều soạn giả khác (Viễn Châu .v.v…) thực hiện bằng cách kết hợp giữa tân nhạc vả bản Vọng cổ. Chúng ta tạm mượn cái tên (Tân cổ giao duyên) này để làm cơ sở truy tìm ra cái nghiã đang được sử dụng của từ “Vọng cổ”.

Tạm nêu ra hai trường hợp như sau:
  1. Nếu “cổ” ở đây có nghĩa là cái “trống” thì “Tân cổ giao duyên” sẽ được hiểu là “Cái trống mới giao duyên”, cái nghĩa này không phù hợp với kết và nội dung của bản tân cổ giao duyên, cònnếu hiểu cổ được hiểu là “mới” và “cái trống” giao duyên với nhau lại càng không có ý nghĩa gì cả.

  2. Nếu “cổ” ở đây có nghĩa là “xưa” thì tân cổ giao duyên theo nghĩa đen là “mới” và “cũ” giao duyên, Nghĩa bóng muốn nói tân nhạc và cổ nhạc cùng hòa hợp, thật đúng với kết cấu và nội dungbản tân cổ giao duyên.
So sánh giữa hai trường hợp:
  • Trường hợp thứ nhất: Vô lý đã được loại trừ, chỉ có trường hợp thứ hai là hợp lý. Như vậy “cổ” ở đây được xác định là “xưa” thì Vọng cổ phải mang ý nghĩa “Trông về xưa”, cái ý nghĩa do ông Trịnh Thiên Tư đề xuất. Một bằng chứng khác, là Trần Xuân Thơ phải bỏ hẳn cái tên Dạ cổ hoài lang là không phù hợp. Còn ông Trịnh Thiên Tư lại đề nghị cái tên bản gốc vẫn giữ cái tên Dạcổ hoài lang, các bản cách tân nên mang tên “Vọng cổ”.

  • Qua thực tế cho thấy, bản 20 câu nhịp đôi của ông Cao Văn Lầu mọi người vẫn gọi là Dạ cổ hoài lang và các bản đã được cách tân thành nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64 đều gọi chung là Vọng cổ. Vấn đề đến đây đã được sáng tỏ, có thể kết luận:

    1. Từ “Vọng cổ” có xuất xứ tại Bạc Liêu và được sử dụng từ tháng 8 năm Ất Hợi (1935), do lời đề nghị của soạn giả Trịnh Thiên Tư.

    2. Căn cứ vào lời phát biểu của ông Tư và xét theo thực tế thì Dạ cổ hoài lang và Vọng cổ là 2 bản khác nhau. Nhưng Vọng cổ do Dạ cổ hoài lang mà có, Vì vậy, Vọng cổ phải mang ý nghĩa “Trông về truyền thống xưa”.
Dạ cổ hoài lang hay Vọng cổ, ngoài việc hoạt động trình diễn sân khấu còn có một vị trí ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống âm nhạc dân tộc. Chỉ riêng hào quang đó đã trở thành một tính di sản, mang tính biểu tượng niềm tự hào của Văn hóa Việt.

Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào như bài “Vọng cổ”. Từ sáng tác cá nhân đã chuyển thành sáng tác tập thể. Chắc chắn rằng nó sẽ còn lớn mạnh và phát triển hơn nữa.

Tâm huyết của tôi! Khi đọc giả đã xem bài sưu khảo này, mong người người cùng giữ gìn và trân trọng cái tâm trong sáng của Cha Ông đi trước, mang bộ môn đờn ca tài tử được lưu truyền rộng rãi, mọi giới mọi lứa tuổi, giữ mãi trong tim và lưu truyền cho hậu thế.