Nghệ nhân Nguyễn Quang Đại - người khai sáng bộ môn đờn ca tài tử và nhạc lễ Nam bộ


Đình Vạn Phước, nơi diễn ra đại giỗ nghệ nhân Nguyễn Quang Đại.


Đờn ca tài tử và nhạc lễ Nam bộ được xem là “quốc hồn, quốc túy”, đặc thù bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Ở Cần Đước, (Long An), người dân rất tự hào bởi nơi đây từng là chốn dừng chân, sinh sống và truyền dạy của Đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại (tức Ba Đợi) - người đã khai sáng bộ môn đờn ca tài tử và nhạc lễ Nam bộ.

Hàng năm, vào ngày 19 tháng giêng âm lịch, người dân Cần Đước cung kính làm lễ húy kỵ cho nghệ nhân Nguyễn Quang Đại và trong dịp này, nhiều đoàn ca nhạc tài tử từ khắp nơi trên cả nước tụ hội về dự lễ, giao lưu, ca hát rất rôm rả...

Theo những tài liệu còn ghi lại của Câu lạc bộ đờn ca tài tử quận 8, (TP.HCM) thì Đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại vốn là một quan nhạc của triều đình nhà Nguyễn. Vào cuối thế kỷ 19, hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp, ông đã vô Nam truyền dạy nhạc tài tử và nhạc lễ.

Tại Đakao, xóm Hàng Dừa (trước cổng Lăng ông Bà Chiểu, nay thuộc quận Bình Thạnh) ông đào tạo các nhạc sĩ lừng danh lúc bấy giờ là Sáu Thới (tức Lại Văn Thới) và Tám Hạnh. Ông Sáu Thới sau đó tiếp tục truyền dạy cho các học trò của mình là Giáo Thinh (tức Nguyễn Văn Thinh, trước đây là trưởng khoa âm nhạc dân tộc của trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, nay đã mất), Tư Nghị, Năm Cần... Tại Cần Đước, Cần Giuộc (Long An), nghệ nhân Nguyễn Quang Đợi truyền dạy và đào tạo được các nhạc sĩ tài ba như nhạc Láo, nhạc Thời, Hai Tò Le, Sáu Thoàn, Chín Chiêu, Năm Tịnh, Sáu Giỏi, Bảy Lung, Xã Năm, Hai Bầu, Năm Khiết, Năm Xem, Ba Đống, Năm Quýnh, Mười Hai Dương. Tại Đồng Nai, ông cũng có những môn đệ như Văn Kiên (kèn), Võ Phải (trống) lừng danh trong giới nhạc lễ. Ở Sông Bé (nay là Bình Dương) có Sư Dung (vốn là thầy dạy đờn tỳ bà cho Giáo Thinh), Út Lăng, Út Búng. Ngoài ra, tại Bến Tre và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác cũng có nhiều truyền nhân của nhạc sư Nguyễn Quang Đại.

Nghệ nhân Nguyễn Quang Đại không chỉ truyền dạy ngón đờn mà còn sáng tác rất nhiều bài bản như bộ ngũ châu miền Đông, 8 bản ngự để cung nghinh vua Thành Thái. Ông là người đã hệ thống hơi điệu tài tử thành bốn điệu Bắc, Nam, Hạ, Oán (20 bài bản tổ) và cải biên nhạc cung đình, sáng tạo ra nhạc lễ miền Nam. Với vai trò là trưởng nhóm nhạc tài tử miền Đông, ông đã cùng với ông Kinh Lịch Trần Quang Quờn ở miền Tây đã làm cho kho tàng bài bản tài tử thêm phong phú. ông đã dạy các môn đệ về lý thuyết âm dương ngũ hành của nền triết học Đông phương, nâng cao bộ môn đờn ca tài tử lên đỉnh cao đầy tính bác học.

Khi còn sống, nhà báo Hải Đăng, người chuyên nghiên cứu và sưu tầm về các công trình văn hóa - đờn ca tài tử đã kể: Sau khi dạy học trò ở Cần Đước xong, nghệ nhân Nguyễn Quang Đại đã trở về Đakao tiếp tục dạy học trò, sau đó vì nghèo khó, ông đã về ở nhà người con thứ hai, gọi là cậu Hai Tuân ở Rạch Cát, Bến Bình Đông, Q.8, (TP.HCM).

Là một nhạc sĩ đầy tài năng và đức hạnh nhưng những ngày cuối đời của nghệ nhân Nguyễn Quang Đại thật thương cảm. Ông đã mất trong hoàn cảnh nghèo nàn, túng quẫn và quan tài của ông do một chiếc xe ngựa chở cá chở vào vùng mả hoang miệt Bình Đông, Rạch Cát, nay thì mồ xiêu mả lạc. Người ta cũng không thể nhớ rõ ông mất vào năm nào, chỉ biết rằng, trong tập tài liệu của ông giáo Thinh có ghi ngày mất của nghệ nhân Nguyễn Quang Đại là ngày 19 tháng giêng âm lịch (không đề năm).

Với truyền thống “Mộc tòng căn trưởng, thủy tự nguơn lưu” (tức: Cây có cội, nước có nguồn), năm 1995, Câu lạc bộ ca nhạc tài tử quận 8 và NVH quận 8 lần đầu tiên long trọng tổ chức lễ húy kỵ và thờ linh vị ông tại NVH quận 8. Tuy nhiên sau đó, vào năm 1996, thể theo yêu cầu và nguyện vọng của đông đảo bà con tỉnh Long An, nơi đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại từng dừng chân, sinh sống và truyền dạy nhạc lễ, nhạc tài tử, linh vị của ông đã được thỉnh từ NVH quận 8 về đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước để thờ phượng.

Ngày lễ húy kỵ của Đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại (19 tháng giêng âm lịch) đã trở thành một ngày lễ lớn và dịp này các tổ chức, cá nhân cùng các nghệ sĩ từ khắp nơi trên cả nước tề tựu về thắp nén nhang để tưởng nhớ người nghệ sĩ tài danh và tham gia sinh hoạt giao lưu văn hóa đờn ca tài tử đặc sắc.