Nguyễn Văn Sâm, người gìn giữ kho tàng dân tộc

Trương Văn Dân

 

Trong các cuộc trò chuyện, nếu có ai nhắc đến việc đọc cổ văn và học Hán Nôm thì sẽ có không ít người nhăn mặt: ôi dào! nó đã trở nên vô dụng! Đã lỗi thời!

Ai bảo vệ quan điểm sẽ bị gắn ngay cái nhãn mơ mộng, hoài cổ và không thức thời.

Thực ra thì cũng dễ cảm thông với những ý kiến “chụp mũ” như thế. Vì trong cuộc sống, người ta quan tâm đến cái học để kiếm được việc làm hơn những thứ đã qua, tuy có “ích” nhưng không có “lợi”!

Điều này không chỉ ở ta mà cũng xảy ra ở Âu châu: Nếu có ai nhắc đến việc học tiếng La tinh, triết học hay thần học… thì sẽ không thiếu kẻ dửng dưng: “Những môn đó tuy thú vị nhưng dạy nghề cho một cậu bé chẳng phải sẽ có lợi hơn sao?”

Tất nhiên ai cũng thừa nhận văn hóa, triết học là thứ dạy cho ta biết suy luận, biết mình là ai, cho thấy những gì đẹp đẽ và sâu sắc nhất mà con người từng đạt được, bởi không ai chỉ sống bằng cơm gạo… nhưng trên thực tế kiến thức về cổ văn nào có giúp được gì cho những thanh niên lái taxi, chạy xe công nghệ, phục vụ trong nhà hàng hay phải xử lý các thống kê và nghiên cứu thị trường!

Thật khó mà tranh cãi được với ý kiến nên dạy nghề, vì ít ra cũng giúp các cậu ra đời kiếm sống.

Nhưng lý lẽ ấy không thuyết phục được tất cả. Vì cũng có người dành cả đời để đi theo niềm đam mê vì muốn giữ gìn sự hiểu biết về Hán Nôm. Người ấy miệt mài và chung thủy với những nghiên cứu, tìm tòi… cho đến tuổi 83… cả một đời kiên cường và không hề nao núng dù biết sẽ rất khó tìm được truyền nhân, tre đã già mà chưa thấy búp măng đâu.

GS Nguyễn Văn Sâm sinh ngày 21/3/1940 tại Sài Gòn. Tốt nghiệp Cử Nhân Giáo Khoa Triết Học (Tây Phương) năm 1965, Cao Học Văn Chương (Việt Nam) năm 1972. Ông đã từng dạy Trung học (Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, Pétrus Ký, Sài Gòn), Đại học (Sài Gòn, Cần Thơ, Hòa Hảo, Cao Đài, Vạn Hạnh). Rời Việt Nam vào tháng 03/1979 và đến Mỹ tháng 09/1979.

Dạy học, là giáo sư Viện Việt Học tại California cho đến khi về hưu năm 2006. Viết nhiều đề tài và lãnh vực cho các tạp chí Văn, Văn Học, Đi Tới, Chánh Pháp…

Hiện ông vẫn là thành viên Ban Biên Tập Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn.

Qua các hàng tiểu sử chắc người đọc cũng hình dung đó là một ông cụ đặc biệt và đa tài: cử nhân triết Tây, cao học văn chương Việt nhưng cả đời nghiên cứu Hán Nôm… một người hiếm hoi, đã và đang làm công việc không còn mấy ai làm!

Ông đã từng làm nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch thuật… Và công việc đáng trân trọng nhất là tấm lòng thiết tha với cội nguồn để lắng nghe nhịp đập từ sâu thẳm trong trái tim của tiền nhân.

Tôi có duyên gặp gỡ và quen với 2 giáo sư, cả hai đều tuổi Thìn, hơn tôi đúng một giáp nhưng tạm làm sang (được cho phép) xem họ là “bạn” vong niên. Cả hai đều đa tài, và rất yêu ngôn ngữ nước nhà. Nếu gs Nguyễn Văn Sâm chuyên nghiên cứu Hán Nôm thì gs Nguyễn Đăng Hưng tôn vinh chữ Quốc Ngữ.

Trong bài viết “Đất chưa lành chim vẫn đậu, Nguyễn Đăng Hưng và giấc mơ Việt Nam” tôi có nhắc là vào tháng mười một năm 2018 ông Hưng đã cùng một số nhân sĩ trí thức thực hiện chuyến thăm mộ Alexandre de Rhodes ở Iran, đặt một tấm bia đá để tỏ lòng tri ân.

Gs Hưng thì tôi đã từng biết qua các sinh hoạt báo chí ở Âu châu từ nhiều năm trước còn gs Sâm thì tôi mới gặp cách đây chừng 10 năm ở tòa soạn Quán Văn do bạn văn Hoàng Kim Oanh giới thiệu. Tuy về sau mỗi lần gs về nước và có dịp gặp nhưng ấn tượng sâu đậm nhất là lần gặp trong đêm tổ chức “Về lại trường xưa” của trường Trưng Vương cũng do Hoàng Kim Oanh kết nối và mời tham dự.


Trương Văn Dân●Elena●Ngọc Ánh●Nguyễn Văn Sâm●Trần Văn Chánh

Sau chương trình văn nghệ phong phú và các vũ khúc hùng tráng của hai bà Trưng đuổi giặc anh Sâm và chị Ngọc Ánh đã mời tôi và Elena đến một quán ăn gần trường để trò chuyện.

Hôm đó với giọng trầm trầm anh chị vắn tắt kể lại câu chuyện tình và mối lương duyên của hai người. Một câu chuyện ngắn nhưng có đủ các chi tiết để người nghe ngưỡng mộ vì ấm áp tình người. Tôi khá bất ngờ khi biết người có khuôn mặt hiền như chị Ánh lại là người mạnh mẽ và đầy dũng khí.

Thỉnh thoảng tôi bắt gặp tia nhìn âu yếm của hai người và biết sự đồng cảm là tất yếu vì chị Ngọc Ánh cũng là người mê văn, tuy những trang viết có lúc đã làm chị lao đao nên không muốn nhắc đến: Sau 1975, hai thầy trò bặt tin nhau trong một thời gian rất dài, sau những tin sống, tin chết, mất tích rồi mới tình cờ gặp lại.

Những thăng trầm lao đao thời cuộc đã đưa họ hiểu và quý nhau rồi từ đó nên duyên vợ chồng. Anh Sâm đã làm các thủ tục để đưa chị ra nước ngoài.

Từ đó, hai người song đôi cùng nhau đi lục từng thư viện ở Hoa Kỳ để tìm lại những giá trị của văn học cổ, có khi còn bay qua Paris tìm những bản văn Nôm của tác giả xứ Nam kỳ để chú giải và diễn dịch ra quốc ngữ. Không tìm được thì buồn nhưng có khi tư liệu nhiều quá thì phải in cả ngàn trang để ôm về Mỹ. “Thấy ham nhưng phải mất nhiều thì giờ mới làm xong!”

Nghiên cứu, phiên âm, chú giải chữ Nôm ra quốc ngữ là góp phần gìn giữ kho tàng một phần quan trọng văn hóa dân tộc. Trong những công trình quan trọng của anh Sâm luôn có công sức thu thập, phân loại, chăm sóc bản thảo của chị. Có thể nói chị cũng là “đồng tác giả” và là người phụ nữ “quyền lực” đặc biệt đối với anh và tác phẩm.

Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng qua chuyện kể đã làm tôi liên tưởng đến mối tình thi vị (và cũng đầy sóng gió) của Boris Pasternak và Olga Ivinskaia, người phụ nữ sau này trở thành hình mẫu của nhân vật Lara trong tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago, dù bị giam cầm nhưng cô vẫn tràn đầy hạnh phúc vì đã yêu và được yêu. Olga Ivinskaia lúc đó 34 còn Boris đã 56 tuổi, cô là biên tập viên của một tờ tạp chí và sau này là người cộng tác đắc lực cho những tác phẩm của chồng.

Nhớ đến tia nhìn âu yếm mà anh chị dành cho nhau hôm ấy nên khi viết tiểu thuyết Lỗi Định mệnh có lúc tôi chợt nghĩ đến họ, dù là câu chuyện khác.

Điều thú vị là về sau tình cờ đọc được bài thơ anh Sâm viết cho chị Ánh trong ngày lễ Tình Nhân:

“Người nửa đời mới gặp
Cứu hắn khỏi sa đà…”

Thì ra, anh cũng thấy Định mệnh là có… “lỗi!”

“Lỗi” vì gặp nhau quá muộn, đã phải mất đi 1 quảng thời gian dài đáng lý sớm được hạnh phúc bên nhau!

Tiểu thuyết Lỗi Định mệnh là câu chuyện tình yêu sâu sắc giữa 2 người cách biệt tuổi tác nhưng với nàng thì không quan trọng: “Em không quan tâm đến người tài giỏi trẻ trung… nó như chiếc áo đẹp mà em mặc không vừa, đôi giày xinh nhưng khiến chân em đau… còn ở trong đời này chỉ có mình anh là vừa vặn và phù hợp với em thôi!”. Khi gặp nhau chàng đã quá 60, nhưng tình yêu của họ say đắm chẳng thua gì lớp trẻ.

Tôi tin là sự cách biệt tuổi chỉ bị “cộm” khi nào ta không yêu cuộc sống, không muốn làm điều gì đó mới mẻ. Nhưng nếu có 1 điểm tựa vào vẻ đẹp của tình bạn, của tình yêu, của âm nhạc, của biển cả thiên nhiên và thơ ca, cuộc sống luôn có những bất ngờ.

Với anh Sâm, năm nay ở tuổi 83 tôi tin rằng tuy sức khỏe kém đi, nhưng về tinh thần thì chắc không có gì thay đổi. Khi yêu nhau, người ta không quan tâm đến tuổi. Phản xạ thể chất có thể không còn nhanh nhẹn nhưng cảm xúc tình yêu có lẽ còn mạnh mẽ hơn lúc tuổi năm mươi. Tôi đã từng biết một cặp đôi yêu nhau ở tuổi bảy mươi, và yêu thực sự. Thứ tình yêu mà khi mất một người nó còn khủng khiếp hơn khi còn trẻ rất nhiều. Ở tuổi chín mùi con người thường có khuynh hướng đắm mình trong cảm xúc, trong tinh thần và biết hòa mình vào sự đồng cảm mạnh mẽ.

Nếu lúc trước tôi có chút… “hồ nghi “về sự lãng mạn của hai anh chị Sâm-Ngọc Ánh thì hôm nay… đã rõ mười mươi!

Mới đây trên FB ngày 13.2.2023 của anh, tôi bắt gặp hình ảnh này trong ngày lễ tình nhân với một status chỉ 8 chữ: “Ngày nào ta cũng là ngày tình nhân”

Chỉ cần nhìn ánh mắt âu yếm đó tôi hiểu là họ đã bước vào một không gian khác. Đây không phải lần đầu tiên họ thấy biển trời, sông nước nhưng chắc chắn, họ chưa bao giờ cảm nhận và thưởng thức những thứ đó sâu sắc như lúc này vì cái đẹp bây giờ là ước mơ được mãn nguyện.

Có lẽ cũng nhận định giống tôi nên nhà thơ Hoài Huyền Thanh cũng đã chia sẻ trên FB để tặng hai anh chị với bài thơ:

Valentine một đời
Vòng tay anh rộng mở
Cho em khoảng trời xanh
Cho em dòng nước mát
Cho em cuộc tử sinh

Đôi môi em diễm tuyệt
Mặn mà lời yêu anh
Đôi mắt em tha thiết
Bao ẩn ngữ chân thành

Qua bao miền lận đận
Qua bao nỗi thăng trầm
Qua bão giông khốn khó
Cho cuộc tình trăm năm

Dù không còn son trẻ
Không mắt biếc môi hồng
Không phấn son diễm lệ
Em mãi là riêng anh

Dù không là khanh tướng
Chẳng phải đấng hùng anh
Bao đổi dời dâu bể
Mãi một đời yêu anh!

Trong sáng tác văn học người ta thấy đa phần các truyện ngắn của Nguyễn Văn Sâm đều phản ảnh hiện thực cuộc sống, “viết trong khoảng thời gian mà những nỗi đau buồn của thời đại luôn làm trái tim chúng ta đau đớn”. Anh viết như ghi nhận những điều xấu - tốt của những cảnh đời. Văn của anh thuộc loại “tải đạo”, luôn nhắc nhở con người phải sống cho công bằng, đừng hại người khác.

Nhà phê bình văn học Trần Văn Nam đã nhận xét về văn chương của Nguyễn Văn Sâm: “Trong các truyện của Nguyễn Văn Sâm, phương ngữ rất dồi dào…/ ông tận dụng phương ngữ của người bình dân Sài Gòn” và “Ta thấy các nội dung trong các truyện của Nguyễn Văn Sâm không ngoài tình đất, tình quê hương, tình người nhân nghĩa, tình gia đình gắn bó…”

Cũng như Trần Văn Nam, nhiều người chú ý đến “những lời thoại rặc miền Nam của ông và xem đó là nét độc đáo”. Đúng, nhưng theo tôi thì chưa đủ! Vì phương ngữ chỉ là hình thức và thói quen sử dụng từ ngữ chứ bố cục và cốt truyện mới làm nên hồn vía tác phẩm.

Về tổng thể thì giáo sư Đàm Trung Pháp cũng đã nhận xét: “Anh là một nhà văn gốc nhà giáo có một tâm hồn hướng thượng, một trái tim nhân ái, một ước vọng chấn hưng đạo đức trong một quê hương đang băng hoại về lối sống; do đó, mỗi truyện của anh là một bài ngụ ngôn thấm thía”.

Rất tiếc là tôi không được đọc nhiều truyện ngắn của anh Sâm, vì không có sách nên thỉnh thoảng đọc tình cờ vì thấy anh đưa lên Facebook. Những truyện ngắn có dung lượng vừa đủ, không dài, không ngắn, và luôn khiến người đọc nhận ra những chi tiết với phong cách rất riêng. Theo tôi viết thế là “cao thủ”: Anh là người cẩn trọng chữ nghĩa. Nội dung thâm sâu mà không cường điệu.

Mới đây tôi có đọc truyện ngắn “Giữ tròn lời hứa” của anh: Theo tôi đó là một truyện ngắn đầy bất ngờ và kịch tính. Ở phần đầu nhẹ nhàng “Ngày mai em lên thành phố làm phụ bếp cho tiệm ăn của dì Sáu. Anh ở đây đừng lộn xộn với cô nào nha. Họ ỏng ẹo, trêu ngươi quá làm em sợ.” “Đừng sợ! Anh hứa!” nên người đọc không thể ngờ ở phần sau là một hiện thực khốc liệt và bi thảm đã và đang xảy ra ở miền sông nước trù phú miền Nam… Chỉ vài câu ngắn ngủi trong đoạn kết nhưng đã đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và trái tim đập liên hồi.

Ngoài việc nghiên cứu Hán Nôm anh Sâm còn là một nhà nghiên cứu uyên bác về Phật học và Hán học. Cư sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang đã ghi nhận trong “Lời Giới Thiệu sách Quan Âm Tế Độ”: “Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm là một trong số hiếm hoi các học giả có thẩm quyền về chữ Hán-Nôm của Việt Nam trong và ngoài nước hiện nay đã nỗ lực không ngừng để chạy đua với tuổi già sức yếu mà hoàn thành việc phiên âm sang chữ quốc ngữ nhiều tác phẩm văn học chữ Nôm.”

Thành công và nổi tiếng ở trong và ngoài nước hơn 60 năm, đến nay anh đã xuất bản hơn 10 quyển sách thuộc loại biên khảo và sáng tác, phiên âm 12 quyển từ sách Nôm, chú giải “U Tình Lục” của Hồ Văn Trung, và “Chuyện Đời Xưa” của Trương Vĩnh Ký… nhưng qua tiếp xúc tôi thấy anh Sâm là người nhân hậu có lối sống đơn giản và khiêm tốn: “Thưa phải nói cho đúng là tôi không có tác phẩm Nôm nào, tôi chỉ làm việc phiên âm, nghĩa là dịch từ tác phẩm Nôm của ông bà mình ra chữ quốc ngữ mà thôi. Ông bà mình ngày xưa viết gì quan trọng thì dùng chữ Hán, viết gì có tính chất tình cảm, truyện cho dân chúng thưởng thức thì viết bằng chữ Nôm, nếu ta không dịch ra quốc ngữ thì thấy đời sống văn hóa của Việt Nam thiệt nghèo nàn, nếu dịch ra hết thì thấy rằng không nghèo nàn chút nào”.Anh miệt mài làm việc và sống lặng lẽ, không khoa trương, khác với những kẻ bằng cấp đầy người mà chẳng có công trình đáng nhớ nào; Họ không hiểu là bằng cấp và học vị đều không làm nên văn hóa.

Vì văn hóa không phải là biết tất cả, là kho lưu trữ di động của các sự kiện, dữ liệu hay quan niệm và nhận thức. Tất cả chúng ta ai cũng đều có thể “biết” và “không biết” gì về mọi thứ.

Nhưng yêu văn hóa có nghĩa là luôn sẵn sàng học để nâng cao hiểu biết. Kiến thức chỉ đến từ sự khiêm cung. Không khiêm cung thì không có tò mò. Làm sao có thể học và khám phá những điều mới nếu tự cho rằng mình đã biết mọi thứ?