Chương 13: Giai Đoạn 1954-1963: Bối Cảnh - Tình Hình Trước 1954

Tình hình trước 1954

Đời sống vật chất

Từ ngày bùng nổ cuộc toàn quốc kháng chiến chống Pháp cho đến khi nước Việt Nam bị chia đôi theo hiệp định Genève, ở vùng quốc gia đời sống vật chất khá đầy đủ, sinh hoạt ở các đô thị lắm lúc trông có vẻ phồn thịnh, người dồn về đông đảo, làm ăn náo nhiệt, vui vẻ, hồ hởi nữa; nhưng đời sống tinh thần thì thực ra thường khi thảm não.

Theo Đoàn Thêm thì giai đoạn tươi sáng nhất là khoảng thời gian cuối năm 1949 đầu 1950, lúc cựu hoàng Bảo Đại về nước. “Trong khi các giới trí thức và chính trị xôn xao cựa cậy, thì dân chúng tấp nập hồi cư về các thành thị. Từ tháng 7, mỗi ngày có tới vài ngàn người. Số này lên tới 35.000 riêng ngày 30-10, ở Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây. Phải chăng vì giao thông dễ dàng từ khi quân đội Pháp lan tràn kiểm soát vùng duyên hải đông dân Bùi Chu và Phát Diệm (16-10-49). Công chức kéo về rất nhiều nên tới đầu 1950, các công sở Việt Nam đã tái thu dụng được quá nửa số nhân viên các ngạch thời Pháp thuộc.

Chính giới Pháp và Việt đều hoan hỉ, và coi trào lưu hồi cư đó như một thắng lợi của giải pháp Bảo Đại: dân bỏ già Hồ về với cựu hoàng; diện tích và dân số vùng chiếm đóng, riêng ở trung châu Bắc Việt tăng lên gấp ba.

Cũng tăng rất nhiều, số ruộng cày cấy; và số gạo xuất cảng: từ 59.000 tấn (1945) lại lên 379.000 tấn (1950). Nhân công dồi dào, an ninh khá hơn, các ngành sản xuất đều tiến, lụa, cao-su, than đá, vải sợi, xi-măng, đường, thủy tinh v.v... Trị giá nhập cảng từ 16 tỷ quan (1946) vọt tới 73 tỷ (1949). Hàng hóa tràn ngập các cửa tiệm và sạp chợ. Mức lương bổng công tư đều khá cao, giá sinh hoạt tương đối rẻ. Một thư ký nhà nước hay tiệm buôn lớn, có vợ và ba con, kiếm hàng tháng chừng 2500-3000đ, trong khi giá gạo số 1 tại Sài Gòn là 200đ mỗi tạ, thịt bò 8đ50 một kí, thuốc lá đen 2đ50-3đ một bao...” 1

Trước 1954 đất nước chưa phân chia cho nên những điều Đoàn Thêm nói là nói chung cho cả nước, cho tình hình vùng quốc gia từ Bắc chí Nam. Riêng tại miền Nam lúc bấy giờ cuộc sống còn hơn ở Bắc: dễ dàng hơn, “vui” hơn. Vì vậy ngay trước 1954 đã có nhiều đồng bào Bắc đi vào Sài Gòn sinh sống, trong số đó có những văn nghệ sĩ hoặc vừa rời bỏ kháng chiến trở về hoặc vẫn ở trong thành từ trước: Phạm Duy, Hồ Dzếnh, Phạm Đình Chương, Thanh Nam, Trần Lê Nguyễn v.v... Trần Lê Nguyễn vào Nam trước Thanh Nam và viết thư rủ rê bạn. Thanh Nam kể: “Khoảng đầu năm 1953, Trần Lê Nguyễn ở Sài Gòn viết thư rủ rê tôi vào Nam (làm ăn). Sài Gòn với Trần Lê Nguyễn lúc đó đúng là một thiên đường. Thư nào anh cũng ca ngợi cảnh Sài Gòn, người Sài Gòn và nhất là những nơi chốn ăn chơi đặc biệt Tây phương của Sài Gòn như các sòng bạc Kim Chung, Đại Thế Giới...” 2. Thanh Nam muốn soát lại cho cẩn thận bèn viết thư hỏi Vĩnh Lộc. “Lộc cũng trả lời đại khái như Nguyễn, rằng Sài Gòn rất dễ sống, dễ kiếm tiền nếu chịu khó và vấn đề ăn ở cũng giản dị hơn ở Hà Nội nhiều.” 3

Đời sống tinh thần

Như vậy, dù có là thiên đường dù không, Sài Gòn trước 54 vẫn sung túc, và Hà Nội vẫn dễ sống. Nói chung, về mặt kinh tế, sinh hoạt ở vùng quốc gia khá tốt đẹp. Tuy nhiên dù được hưởng một đời sống đầy đủ người dân thành thị vẫn không bằng lòng, họ bất bình đối với sự thối nát của nhà cầm quyền; còn ở thôn quê thì dân chúng lại phải chịu nhiều tai họa, cuộc sống luôn luôn bất an. Ông Đoàn Thêm mô tả: “Dân chúng ở các thành thị tuy được tương đối yên ổn, cũng không vì thế mà có ý ủng hộ chính quyền. Trái lại, ở mọi giới, trong các gia đình, giữa tiệc cưới, đám ma, hay buổi họp bạn, câu chuyện chỉ chạy quanh thời sự. Mà thời sự là: Thủ tướng này sắp đổ, vì De Lattre không ưa; Thủ hiến kia mắc việc bê bối đương cầu cứu đức Từ; chạy tỉnh trưởng hay xin giấy nhập cảng phải tặng bao nhiêu tiền; lại còn đầu cơ, tích trữ, chuyển ngân lậu, trốn quân dịch, tuyển lính ma, biển thủ, hối lộ v.v... Tĩnh từ hay được dùng nhất, là thối nát.

Đồng bào thôn quê không biết những chuyện đó, nhưng lại ta thán về bao nhiêu tai ương dồn dập: càn quét, đốt phá, hãm hiếp, giam giữ, tra tấn; Tây tha Ta bắt, bắt đi làm xâu hay đắp ụ, xẻ đường, khuân xác chết; gần ngày gặt hái, vẫn phải chạy lánh bom đạn; có chút tiền hay con gái lớn thì đành đem gửi trên tỉnh lỵ; sợ lắm, sợ quá, sợ tất cả mọi người, ông xã ủy, ông đồn, ông lê-dương, ông quận, ông du kích, ông cán bộ... vì ai cũng có thể đánh trói hay bắn giết, theo ngoài kia thì khó sống, theo trong này cũng dễ chết toi. 4

Dân chúng ở thôn quê sống dưới sự uy hiếp, sống trong bất trắc thì sợ hãi chính quyền; dân chúng thành thị sống no đủ nơi “thiên đường” thì khinh bỉ chính quyền. Một hạng người khác sống tại tầng cao nhất của cái “thiên đường” nọ thì lại càng tệ hại hơn: họ vừa khinh bỉ chính quyền vừa tự khinh bỉ mình, họ loay hoay, họ khổ sở, họ trùm chăn tức là rúc đầu trốn lánh không chịu ló mặt, họ sống bên này mà xấu hổ về bên này, họ xa lánh bên kia mà cứ mơ tưởng ca ngợi bên kia, họ xỉa xói chính quyền như thù nghịch, họ tự dày vò mình như những kẻ tội lỗi... Họ sống một đời sống tinh thần hết sức bất an.

Hoàn cảnh của người trí thức chọn sống ở vùng quốc gia lúc bấy giờ quả có chỗ lúng túng, khó xử. Sống ở đây tức là sống dưới sự che chở của người Pháp; mà người Pháp thì cứ đeo lấy dã tâm đế quốc, nhất định không chịu trả độc lập cho Việt Nam. Ngày nào Pháp còn cai trị người Việt Nam không thể sống bên cạnh Pháp trong an tâm, ấy là chưa nói đến sự che chở của Pháp, sự cộng tác của ta. Chống lại Pháp? Chống bằng chiến tranh thì chính là chuyện Việt Minh đang làm, nhưng họ làm thế để rồi thiết lập một chế độ độc tài nên không thể theo họ được. Chống lại Pháp bằng cách... tạm hợp tác, để rồi thương lượng, điều đình, thì chính là chuyện bác sĩ Nguyễn Văn Thinh đã làm và Bảo Đại đang làm, nhưng kết quả rất khó tin. Nguyễn Văn Thinh đã thất vọng đến tự tử; Bảo Đại nhì nhằng trong năm năm, mỗi ngày mỗi mất thêm uy tín trong dân chúng.

Bảo Đại thoạt tiên tập trung được sự tin cậy của nhiều người. Sau khi Nguyễn Văn Thinh thất bại, người ta cố tìm một nhân vật, và xoay hướng về Bảo Đại. Trước khi nhận lời về nước, ông đã gặp Bollaert ở vịnh Hạ Long ngày 6 tháng 12 năm 1947, được Bollaert tuyên bố thừa nhận Việt Nam độc lập trong Liên hiệp Pháp ngày 5-6-1948; rồi ông lại đi Pháp và đã thuyết phục được Pháp ký thỏa ước Elysée ngày 8-3-49. Với thành tích ấy trong tay, ông đặt chân về nước lần đầu tiên ngày 28-4-49 tại Đà Lạt.

Năm 1949 tình hình vùng quốc gia tốt đẹp, đồng bào bỏ kháng chiến về đông đảo, Bảo Đại tỏ ra thành công. Nhưng rồi cơ sự bắt đầu tồi tệ dần; thỏa ước Elysée trên giấy tờ đã trí trá lăng nhăng mà sự thi hành lại càng rắc rối. Trên giấy tờ bảo rằng Việt Nam độc lập, nhưng lại trói buộc ta vào tổ chức tứ quốc (Pháp, Việt, Miên, Lào), bắt ta theo chính sách do Thượng Hội đồng (Haut Conseil) và Nghị viện Liên hiệp Pháp (Assemblée de l'Union Francaise) hoạch định, bắt đồng bạc ta thuộc khu vực đồng quan Pháp, bắt toàn thể lực lượng quân sự ta trong thời chiến phải đặt dưới quyền sử dụng của tư lệnh hành quân Pháp v.v... Đã thế, trong thực tế người Pháp lại không chịu nghiêm chỉnh thi hành thỏa ước: họ không chuyển giao công sở, không chuyển giao quyền hành, khiến người dân không thấy đâu là sự khác nhau giữa một nước Việt Nam đã được “thừa nhận độc lập” với nước Việt Nam bị trị trước kia!

Một thỏa ước như thế chỉ có thể là bước khởi đầu trên đường tranh thủ chủ quyền, Bảo Đại cố tiến thêm những bước khác, nhưng không đạt kết quả. Về nước năm năm ông không tiến xa hơn thỏa ước Elysée. Dần dần người ta thất vọng về ông. Sự thất vọng bắt đầu từ năm 1951, theo Đoàn Thêm 5.

Ông Đoàn ghi nhận sự việc, nhưng đối với Bảo Đại ông vẫn dè dặt không muốn buông lời phê bình nghiêm khắc. Còn linh mục Cao Văn Luận thì ngay cuộc gặp mặt đầu tiên đã đâm chán con người có “dáng mệt nhọc” này, linh mục chỉ nói chuyện vài phút rồi cáo từ. Ở một chỗ khác trong cuốn hồi ký BÊN DÒNG LỊCH SỬ, ông nhận xét Bảo Đại “ham săn bắn chơi thuyền hơn là ham việc nước” 6. Ấy là không kể những ham mê khác, gây lắm tai tiếng.

Đất nước như thế, lãnh tụ như thế: kẻ thức giả có mặt trong vùng quốc gia phần nhiều “trùm chăn”. Chỉ trong vòng vài phút gặp linh mục Cao Văn Luận, Bảo Đại đã than phiền về chuyện thiếu sự hợp tác của những người quốc gia chân chính. Và linh mục Cao cũng có nói đến tình trạng của hạng này: “Ít lâu sau, một số nhà trí thức bất hợp tác với Pháp, vừa từ vùng Việt Minh trốn về đến gặp tôi như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Dương Đôn v.v... Họ là những người không có một lập trường hay một thái độ nào rõ rệt, dứt khoát.

Họ còn được gọi, đôi khi tự gọi, là những nhà trí thức hay chính trị trùm chăn. Họ không chịu hợp tác với Việt Minh, có lẽ vì họ thuộc thành phần trí thức tiểu tư sản, không chấp nhận được chủ nghĩa cộng sản, và những thủ đoạn đàn áp tôn giáo, trí thức, địa chủ của Việt Minh. Nhưng họ cũng không muốn hợp tác với người Pháp. Nếu hỏi họ muốn làm gì, định làm gì, thì họ không thể nào trả lời được, ngoài câu chờ xem.” 7

Vừa rồi, tôi đã trích dẫn quá nhiều. Sự thực, trong khoảng thời gian trước 1954 tôi không có mặt ở vùng quốc gia, không nghe thấy gì, không biết gì đích xác về việc và người ở đây, cho nên nghĩ rằng tốt hơn nên trông cậy ở các chứng nhân. Và sau đây lại xin tiếp tục trích dẫn nữa, để mong hiểu thêm về tâm trạng của người trong vùng quốc gia lúc bấy giờ. Ông Đoàn Thêm tỏ ra rất chú ý đến tâm lý giới trí thức, trong cuốn NHỮNG NGÀY CHƯA QUÊN ông nói về vấn đề này nhiều lần. Có lúc ông cho rằng trùm chăn có hai hạng: “Hạng thứ nhất thực ra chẳng có ý thức chính trị nào cả. Vì sinh kế, họ phải sống lụy, lụy chế độ ngoài kia, hoặc lụy chế độ trong này. Ở đâu họ cũng chịu đựng, nên chẳng ưa ai, hễ thấy sơ hở là kêu ca. Bởi họ không lý tưởng, họ có mặc cảm bị coi là thấp kém, là sợ Việt Minh hay sợ Pháp, tuy sự thực thì sợ cả hai, nên đối với họ cũng như đối với người khác, họ phải lên tiếng này nọ, để tỏ ra mình bất khuất: có thế thôi.? Hạng thứ hai, thì tương đối cao hơn một bậc. Họ có quan tâm đến hiện tình xứ sở. Họ muốn Pháp nhả bớt nhiều quyền mà chúng còn bo bo nắm giữ, nên chê trách Pháp là ngoan cố và lạc hậu. Nhưng họ sợ phá hoại, vì họ có tài sản hoặc ít ra cũng mong có một ngày kia, và nghĩ rằng phá hoại chỉ có lợi cho cuộc tranh đấu giai cấp hơn là cho sự tranh thủ độc lập. Nên khi ở ngoài kia, họ vẫn thì thầm chỉ trích sự lợi dụng kháng chiến để đảo lộn xã hội. Họ đòi Pháp từ bỏ chính sách thuộc địa, nhìn nhận tự do và tự chủ của Việt Nam, và nếu được thế thì nhường cho Pháp một ít mối lợi cũng không sao.” 8

Lại có lúc ông mượn lời “người trong chính giới” chia chính khách trùm chăn làm ba hạng. “Những vị đó tuy không mai danh vì cũng có tên tuổi, nhưng ẩn tích tại nhà chờ thời, và cho tới nay, đã một mực từ chối khi được mời ra giúp việc công. Lý do thường được viện dẫn, là chưa có hoàn cảnh thuận tiện và chưa thấy chính nghĩa trong vùng chiếm đóng. Nhưng nhiều người trong chính giới đã mỉa mai: có ông ngại bị chê là Việt gian tuy thực tình vẫn thân Pháp; có ông bất lực, giá có được giao việc cũng chẳng làm nổi, bởi thế cứ thoái thác hoài, nhảy ra e lộ chân tướng; lại có ông quá yêu sự sống, chỉ lo đối phương ám hại nên lẩn trốn mà còn lên vẻ cao sĩ.” 9

Tình hình văn nghệ

Hoặc sợ hãi “quốc gia” mà oán trách hoặc chê bai “quốc gia” mà xa lánh, tẩy chay, trùm chăn, như thế chưa lấy gì làm tệ. Tệ nhất là thái độ của giới văn nghệ lúc bấy giờ: họ công khai bỉ báng “quốc gia”, ngưỡng vọng “ngoài kia”. Thân họ gửi “trong thành”, lòng họ hướng về “ngoài khu”. Họ rất hăng hái trong sự đề cao ca ngợi phía bên kia. Họ nâng công việc ấy thành phong trào, thành cái “mốt” văn nghệ. Ở đây lại xin trích dẫn dông dài. Xin nhường lời cho kẻ có thẩm quyền, nhà văn Thanh Nam, có mặt ở cả Hà Nội lẫn Sài Gòn trước 1954: “Trước kia ở Hà Nội, tôi cũng đã có nghe tiếng Trúc Khanh và có đọc ở đâu đó một vài bài thơ của anh. Tuy không được nổi tiếng như Vũ Anh Khanh với ‘Tha la xóm đạo’ nhưng Trúc Khanh cũng có những vần thơ ‘bốc lửa đấu tranh’ như đa số thơ văn đề cao kháng chiến tại Sài Gòn những năm cuối thập niên 40, đại khái tôi còn nhớ hai câu trong bài ‘Người qua sông Dịch’ của anh đăng trên một tờ báo xuất bản ở Sài Gòn:

‘Thu xưa khói lửa tơi bời
Từng đoàn xanh tóc cả cười ra đi...’

Thời đó, những bài thơ như vậy đã thành một cái ‘mốt văn nghệ’, ngay cả trên tờ TIỂU THUYẾT THỨ BẢY tục bản của nhà xuất bản Tân Dân ở Hà Nội cũng đăng đều đều những loại thơ văn ca ngợi các ‘chiến sĩ ngoài kia’ như vậy. Ngoài những bài thơ của Hoàng Cầm được chuyển lén lút vào thành như bài ‘Bên kia sông Đuống’, ‘Đêm liên hoan’... tất cả những người viết văn, làm thơ tại Sài Gòn, Hà Nội bấy giờ đều hướng đề tài vào hình ảnh cuộc kháng chiến chống Pháp. Ở Hà Nội thì còn dè dặt, xa xôi, chỉ nói bóng gió tới những người trai ‘ra đi vì nước’, những ‘cô gái một lòng chờ đợi người hùng chiến thắng trở về’ nhưng trong Sài Gòn thì khác hẳn, hầu hết báo chí, sách truyện, thi ca đều nói thẳng đến những chiến sĩ cầm súng chống Pháp trong ‘bưng’. Tôi còn nhớ có những loại sách mỏng khoảng 30, 40 trang như loại Sách Hồng, Truyền Bá thời tiền chiến tên là loại sách Bạn Trẻ của nhà xuất bản Nam Việt, mỗi tuần ra một cuốn; trình bày rất đẹp mang những cái tên rất khêu gợi, hấp dẫn như: EM KHÔNG VỀ NỮA, CHỊ ƠI, XIN ĐẮP MẶT TÔI MẢNH LỤA HỒNG, CÁI CHẾT CỦA ANH TIỂU ĐỘI TRƯỞNG, MÂY TRÔI VỀ BẮC v.v... Bên cạnh những loại truyện mỏng dành cho học sinh đó là những tiểu thuyết dài cũng mang những cái tựa thật kích thích như NGƯỜI YÊU NƯỚC, TRÁI LỰU ĐẠN KHÔNG KỊP NỔ, HỜN CHINH CHIẾN của một số nhà văn mà sau này hầu hết đã bỏ ra khu như Vũ Anh Khanh, Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang... Tuyên truyền lộ liễu nhất là tập truyện NỬA BỒ XƯƠNG KHÔ của Vũ Anh Khanh, cuốn tiểu thuyết kêu gọi học sinh bỏ thành ra bưng chiến đấu này lại bán chạy ngoài sức tưởng tượng, cả ở trong Nam lẫn ngoài Bắc đến nỗi sau khi bị tịch thu, cuốn truyện còn được bán giá chợ đen trong giới học sinh mê kháng chiến (...) (Cựu thủ tướng Nguyễn Văn Lộc hồi đó cũng là một trong số những nhà văn viết chuyện kháng chiến trong thành rất hăng say với bút hiệu Sơn Khanh.)” 10

Lý thuyết gia Mác-xít trong thành bấy giờ là các ông Thiên Giang, Thê Húc, Tam Ích.

Ngoài cái xu hướng mà Thanh Nam vừa nói có một xu hướng phi chính trị. Ông Nguyễn Hiến Lê lúc ấy vừa viết vừa dịch và nhà Phạm Văn Tươi xuất bản những cuốn sách thuộc loại “Học làm người”. Ở đây không có bóng dáng thời cuộc. Chuyện chính trị bị lờ hẳn đi. Chỉ có những phương pháp học hành, làm ăn sao cho có kết quả, chỉ có chuyện tổ chức công việc, rèn luyện tính tình v.v...

Lại còn có một xu hướng khác, gồm những nhân vật từng biết cộng sản, không tán thành nhưng cũng không quyết liệt chống lại cộng sản. Đó là các ông Trần Văn Ân, Nguyễn Đức Quỳnh với tờ ĐỜI MỚI, Hồ Hữu Tường với tờ PHƯƠNG ĐÔNG; kẻ chủ trương một chủ nghĩa “nhân bản mới” người chủ trương trung lập chế. Nhưng ảnh hưởng rộng rãi nhất vẫn là của loại văn nghệ kháng chiến trong thành. 11

Tóm lại vùng quốc gia miền Nam trước 1954 sống đời vật chất đầy đủ, nhưng tình trạng xã hội, chính trị, văn hóa thật là bại hoại. Xã hội bất công, nạn tham nhũng lan tràn, cờ bạc đĩ điếm công khai tổ chức dưới sự bảo trợ của chính phủ; nhân tài xa lánh chính quyền, quốc gia lệ thuộc ngoại nhân, lãnh đạo bê bối làm dân chúng thất vọng; trong hoàn cảnh chán nản lòng người hướng về “ngoài kia”.

Trong sự tưởng tượng của người “trong thành” thì “ngoài kia” là một cái gì mơ hồ, bởi mơ hồ nên đẹp đẽ. “Ngoài kia” không ai biết thực sự mặt mũi nó ra làm sao, mà cũng chẳng ai cần biết. Thỉnh thoảng người “trong thành” có được những kẻ mới dinh tê từ “ngoài kia” về mô tả bộ mặt thật của “ngoài kia”, kể xấu về “ngoài kia” thì họ lại không muốn nghe: họ muốn bảo vệ giấc mơ của mình, không để nó bị xâm phạm, thương tổn. Vì “ngoài kia” là giấc mơ của người “trong thành”, là một chỗ tưởng tượng cho người “trong thành” ký thác bao nhiêu nỗi ước mơ của mình, cho người “trong thành” lẫn trốn các bực dọc, tủi hổ, uất hận, bất bình. “Trong thành” bị Tây ức chế thì “ngoài kia” là “độc lập”; “trong thành” tham nhũng mục nát thì tất nhiên “ngoài kia” phải trong sạch; “trong thành” giàu nghèo chênh lệch, thì “ngoài kia” bắt buộc phải có công bình xã hội, phải là thiên đường của người nghèo v.v...

Trong giai đoạn chót của thời kỳ 1945-1954, “trong thành” có mặc cảm thất bại, thua trận, xấu xa, bẩn thỉu, trụy lạc...

Bấy giờ cuộc đình chiến 1954 và những biến cố khác liên tiếp xảy đến đổi hẳn tình thế, đem lại niềm tự tin và hy vọng tưng bừng cho Miền Nam.

Chú thích

1 Đoàn Thêm, Những ngày chưa quên, Nam Chi Tùng Thư xuất bản, Sài Gòn, 1967, trang 153, 154.

2 Thanh Nam, ‘Hai mươi năm viết văn làm báo ở Sài Gòn’, tạp chí Văn, Hoa Kỳ, số 1, trang 35,36.

3 Như trên.

4 Đoàn Thêm, sđd, trang 176.

5 Như trên, trang 177.

6 Cao Văn Luận, Bên giòng lịch sử, Đại Nam tái bản tại Hoa Kỳ, trang 202.

7 Như trên, trang 163-164.

8 Đoàn Thêm, sđd, trang 126-127.

9 Đoàn Thêm, sđd, trang 151.

10 Thanh Nam, bài đã dẫn, trang 71, 72.

11 Ngoài ý kiến của Thanh Nam, xin ghi nhận thêm ý kiến của Nguyễn Hiến Lê là nhân vật đã hoạt động văn nghệ ở Sài Gòn từ trước 1954: “Trong thời kháng Pháp, văn học ở thành (vùng bị chiếm) từ Bắc tới Nam không có gì cả. Hầu hết các nhà văn tên tuổi thời tiền chiến đều theo kháng chiến, tôi không biết họ sáng tác được những gì, có lẽ chỉ một số bút ký, và một số bài thơ ái quốc, hô hào diệt địch, nhiệt tâm tuy nhiều, nhưng nghệ thuật có phần kém tiền chiến.

Ở miền Nam Lý Văn Sâm viết được vài tiểu thuyết rồi ra bưng. Nhóm đệ tứ Triều Sơn, Thê Húc, Tam Ích, Thiên Giang viết được ít bài phê bình có tư tưởng xã hội, sau in thành vài tập mỏng. Triều Sơn viết khá hơn ai cả, nhưng chết sớm. Hồ Hữu Tường năm 1945 (?) còn ở Hà Nội cho ra một tập mỏng về văn hóa Việt Nam. Khi vào Nam, ông xuất bản tờ Phương Đông chủ trương trung lập, vài cuốn trào phúng Nga, Trung Cộng.” (Đời viết văn của tôi, Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1986, trang 152).