Vì sao các công trình kiến trúc cổ thường quay về hướng nam?

An Hòa

Cố Cung ở Bắc Kinh có hơn 9.000 gian phòng lớn nhỏ với các hình thức và chức năng khác nhau, đáp ứng nhu cầu khác nhau của các Hoàng đế đời Minh và đời Thanh. Mặc dù vậy, nó có một điểm chung: chỉnh thể Cố Cung là “tọa bắc triều nam” (quay lưng về hướng bắc quay mặt về hướng nam). Không chỉ Cố Cung mà các kiến trúc thời cổ như nhà ở, lăng tẩm đều theo quy tắc này.


(Ảnh minh họa: Walkdragon, Shutterstock).

Kiến trúc “tọa bắc triều nam” có nguồn gốc từ rất lâu đời. Các nhà khảo cổ phát hiện tuyệt đại đa số nhà ở Trung Hoa thời cổ đại đều là cửa chính quay về phía nam.

Tới thời nhà Thương và nhà Chu, đo lường phương hướng là bước đầu tiên để lựa chọn địa điểm xây nhà.

Tới thời nhà Hán, một vị quan là Triều Hôn đã đề xuất rằng khi lựa chọn vị trí xây dựng thì phải xem xét sự cân bằng âm dương, nếm vị của dòng nước ở đó, xem xét sự thích hợp của đất đai ở đó. Âm dương ở đây là chỉ bắc là âm, nam là dương, núi bắc nước nam là âm, núi nam nước bắc là dương. Đây là những tiêu chuẩn cơ bản nhất.

Trong suốt hàng ngàn năm, người phương Đông luôn tín phụng lý niệm “Thiên nhân hợp nhất”. Hết thảy những “sinh, lão, bệnh, tử”, ăn, mặc, đi lại…. của con người nhỏ bé trong vũ trụ đều chịu chi phối bởi những biến hóa trong vũ trụ. Vì vậy, lựa chọn hướng nhà ở cũng nên thuận theo tự nhiên, từ đó hình thành nên một loại tiểu đạo gọi là phong thủy. Người xưa rất xem trọng phong thủy. Họ cho rằng hoàn cảnh sinh sống có ảnh hưởng lớn đến vận thế mọi mặt của một người. Cho nên, kiến trúc cổ phần lớn là dựa theo lý niệm phong thủy để xây dựng.

Về mặt địa lý, do Trung Hoa nằm ở bắc bán cầu, và phần lớn đất đai nằm ở phía bắc chí tuyến. Theo quy luật tự nhiên, mặt trời mọc ở phía đông lặn ở phía tây, nên các công trình kiến trúc “tọa bắc triều nam” sẽ có thể điều tiết được ánh nắng, có tác dụng mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Hướng mọc và hướng lặn của Mặt trời mỗi ngày đều có sự biến đổi nho nhỏ. Mùa hè, bán cầu bắc của Trái đất ngả về hướng Mặt trời, cho nên hướng Mặt trời mọc lệch về phía bắc, khi ấy nhà quay lưng về phía bắc sẽ tránh được nắng nóng. Vào mùa đông, bán cầu nam của Trái đất ngả về hướng Mặt trời, cho nên hướng Mặt trời mọc lệch về phía nam, cửa chính và cửa sổ của nhà quay về hướng nam sẽ đón được nắng khiến nhà trở nên ấm áp.

Do chịu ảnh hưởng của địa thế, Trung Hoa thuộc loại khí hậu gió mùa. Mùa hè, bão từ Thái Bình Dương đi lên phía bắc mang theo gió lạnh và mưa. Mùa đông, không khí lạnh xen lẫn gió bắc và tuyết thổi xuống phía nam. Do đó kiến trúc “tọa bắc triều nam” có thể giúp ngôi nhà tiếp nhận được gió mát vào mùa hè và ngăn cản được gió lạnh vào mùa đông, làm ấm ngôi nhà.

Trong “Lễ ký” viết: “Thiên tử phụ ỷ hướng nam nhi lập”, ý nói Thiên tử muốn gây dựng cơ nghiệp thì nên nhìn về hướng nam. Trong “Kinh Dịch. Thuyết quái truyện” cũng viết: “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trì”, ý tứ là bậc thánh nhân quay mặt về phía nam nghe việc thiên hạ và hướng về chỗ sáng mà trị nước. Điều này cho thấy phía nam là thể hiện của tôn nghiêm và quyền uy.

Thời cổ, Hoàng cung, quan nha, chùa chiền, đạo quán là những nơi tôn quý. Cho nên, trong kiến trúc thời cổ đại, hướng chính của Hoàng cung, quan nha, chùa chiền, đạo quán là hướng nam, thể hiện địa vị cao nhất. Còn nhà dân bình thường đều hướng về phía đông một chút, do vậy thường cửa sẽ có hướng đông nam. Ngoài ra, chùa chiền, đạo quán thường sẽ có hướng phía lưng tiếp giáp với núi, phía trước mặt nhìn ra sông nước hoặc cây cối xanh tươi. Đây cũng được coi là “phong thủy bảo địa”, vừa cản được gió bắc vào mùa đông, lại vừa đón gió mát mẻ vào mùa hè.

Trong kiến trúc nhà dân thời cổ thì kiểu nhà Tứ hợp viện chiếm ưu thế. Nó là kiểu kiến trúc được tạo thành bởi phòng ốc ở bốn phía bao quanh sân vườn ở giữa, hình thành nên một kết cấu hình chữ “khẩu” (口). Việc chọn hướng của cổng Tứ hợp viện là rất quan trọng. Thông thường cổng của Tứ hợp viện sẽ nằm ở phía đông nam. Từ bố cục kiến trúc mà xét, cổng sẽ nằm ở phía trước bên trái của toàn bộ tòa nhà và được gọi là “Thanh long môn”. Theo phong thủy vị trí này là “Khảm trạch tốn môn”, là may mắn nhất.

Trong bốn gian nhà của Tứ hợp viện thì gian nhà phía bắc được mệnh danh là “chính phòng”, là tôn quý nhất, nhằm khẳng định hướng chủ đạo của Tứ hợp viện là từ bắc nhìn về nam. Gian nhà này do người lớn trong nhà sinh sống, nên nó cũng thể hiện tôn ti trật tự và hiếu đạo truyền thống của người xưa. Gian phòng hai bên phía đông và phía tây được gọi là “Sương phòng”. Dựa theo quan niệm truyền thống “tả là quý” thì “Đông sương phòng” cao quý hơn “Tây sương phòng”. Gian phòng phía nam là “đảo tọa phòng”, là nơi người giúp việc, địa vị thấp sinh sống.