VTV rút tên Petrus Trương Vĩnh Ký khỏi chương trình Xuân

BBC


Nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký vẫn là nhân vật nhạy cảm đối với chính quyền Việt Nam hiện tại.

Kênh VTV Cần Thơ vừa có động thái xóa tên nhà văn hóa, ngôn ngữ học Petrus Trương Vĩnh Ký khỏi số Tạp chí Xuân “Năm rồng trên đất chín rồng”.

Cụ thể, trong phóng sự dài khoảng 55 phút, VTV Cần Thơ có đoạn đầu giới thiệu về vùng đất Tây Nam Bộ với những “địa linh nhân kiệt” và nhà đài đã lần lượt chiếu hình ảnh các nhân vật lịch sử như Bác Vật Lang, Trần Văn Khê, Nguyễn Đình Chiểu, Lương Định Của, Cao Văn Lầu, Lưu Hữu Phước, Trương Định, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng... và Trương Vĩnh Ký.

Đi đôi với những hình ảnh này là lời bình: “Trải qua bao thăng trầm biến động, vượt lên bao mất mát hy sinh, vùng đất địa linh nhân kiệt luôn tự hào với những con người luôn sống mãi trong lịch sử dân tộc.”

Điều đáng nói, chân dung và tên tuổi của nhà văn hóa Petrus Ký ở phút thứ 4:28 đã bị nhà đài đục bỏ, đè lên bằng hình nền cùng màu. Video này trên YouTube của VTV Cần Thơ cũng đã bị gỡ bỏ.


Hình chân dung nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký đã bị xóa (bên phải) trong video “Năm rồng trên đất chín rồng” của VTV Cần Thơ.

Trước đó, trang Facebook Tifosi với khoảng 250.000 lượt theo dõi đã chỉ trích đài VTV, cho rằng ban biên tập VTV đặt Pétrus Trương Vĩnh Ký cùng với những “anh hùng, nhà cách mạng, nhà tư tưởng và yêu nước lớn của dân tộc” nói trên “là một sự xúc phạm to lớn.”

Trang này còn cho rằng VTV đã cố gắng “tẩy trắng” cho Trương Vĩnh Ký, gọi đây là “những âm mưu rõ ràng là có ý đồ, như muốn len lỏi bào chữa cho những con người phản bội lại lợi ích quốc gia, dân tộc.”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định với BBC ngày 15/2 rằng VTV quyết định rút tên cụ Trương Vĩnh Ký ra khỏi chương trình là “chính trị”, để tránh gây tranh cãi trong dư luận.

Quan điểm chính trị khác biệt

Đây không phải lần đầu mà những chương trình, sự kiện liên quan đến nhân vật Petrus Trương Vĩnh Ký bị “thổi còi”.

Hồi tháng 1/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ra chỉ thị cho các địa phương từ tỉnh đến thành phố không được dùng tên của hai nhân vật Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản để đặt cho đường phố hoặc các công trình công cộng.

Lý do được nêu là vì đây là những nhân vật “còn có những ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ về mặt lịch sử”.

Định nghĩa của Ban Tuyên giáo đối với danh nhân phải là người “nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như địa phương...”.

Vào tháng 1/2017, cuốn sách “Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ” do nhà nghiên cứu nổi tiếng Nguyễn Đình Đầu chủ biên đã bị thu hồi khỏi các hiệu sách và bị cấm phát hành ở Việt Nam. Buổi ra mắt sách đã bị hủy theo “một chỉ thị miệng” và báo chí được cảnh báo không đưa tin về cuốn sách này.

Đài VTV1 từng có chuyên mục Khát vọng non sông, trong đó có đoạn phim hoạt hình ngắn “Tuổi thơ Trương Vĩnh Ký”. Hiện video này đã bị gỡ bỏ trên website của VTV.

Là người có tên trong nhóm cố vấn của chương trình Khát vọng non sông, ông Dương Trung Quốc nói với BBC rằng chương trình khi đưa ra xã hội lúc nào cũng sẽ có thử thách, có những ý kiến khác nhau.

“Vì khát vọng chung là mong muốn cho đất nước phát triển nhưng có những người cho đó là con đường đi ngược lại với lợi ích quốc gia. Tôi cho là nên tôn trọng lẫn nhau và nhà nước có vai trò cân nhắc làm sao đừng tạo ra những xung đột trong nhận thức xã hội.”


Tập nói về nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký của chương trình Khát vọng non sông đã bị gỡ khỏi website của VTV.

Còn PGS, TS Hoàng Dũng nói với BBC rằng, trong bối cảnh những sự kiện nói trên, việc VTV rút tên cụ Trương Vĩnh Ký là điều dễ hiểu, ông lý giải:

“Chỉ vì họ sợ hãi một không khí học thuật sôi nổi tranh luận về công-tội trước lịch sử! Không cứ gì Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký, những người sống cách ta hàng trăm năm mà cả những nhân vật ngay thời hiện đại cũng không dễ gì đạt được sự đồng thuận thực sự trong học giới về công-tội trước lịch sử,” ông Dũng nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc bình luận với BBC rằng, việc đánh giá một con người trong giai đoạn lịch sử của họ là “không đơn giản”, nhất là ở Việt Nam, một đất nước trải qua nhiều biến cố.

“Đặc biệt là thời hiện đại và cận đại để lại nhiều dấu ấn mà đòi hỏi một sự nhạy cảm hết sức để đánh giá. Tôi là người làm công tác lịch sử, làm báo, tổ chức các hội thảo thì có thể đo đếm được tính nhạy cảm ấy.

“Ví dụ cụ Trương Vĩnh Ký, nếu nói đến đóng góp của cụ đối với văn hóa, báo chí thì cụ có vị trí rất quan trọng, để lại nhiều công trình nghiên cứu, di sản rất quý giá. Nhưng đối với người Việt Nam, điều quan trọng là quan điểm chính trị, mà trong đó, quan trọng bật nhất là chủ nghĩa yêu nước.

“Trong chủ nghĩa yêu nước là giữa địch và ta, tức giữa Pháp và Việt Nam. Nên khi nói đến những nhân vật như Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản thì phải phân định rõ những chuyện đó. Nên khi làm những chương trình có tính chất công chúng thì phải hết sức nhạy bén,” ông Dương Trung Quốc nói với BBC.

Nhà sử học phân tích thêm rằng, thời đại của Trương Vĩnh Ký có những bi kịch lớn, khiến cho cả một thế hệ trí thức Việt Nam phải đứng trước lựa chọn, bằng phương thức nào để thể hiện trách nhiệm của mình với dân tộc.

“Cũng có khuynh hướng hợp tác với Pháp để tránh đổ máu nhưng điều này đi ngược lại ý chí chung là tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống đô hộ, chống xâm lăng,” ông Dương Trung Quốc nhìn nhận

Luận công-tội thế nào?

Trước đây, tượng Petrus Ký được đặt ở công viên đối diện Dinh Độc Lập, hướng ra phía nhà thờ Đức Bà. Nhưng khi Sài Gòn sụp đổ vào tháng 4/1975, tượng Petrus Ký đã bị di dời, thay bằng một tấm bia tưởng niệm Cách mạng tháng Tám. Cùng lúc, con đường và ngôi trường mang tên Petrus Ký cũng bị xóa tên và cùng được đổi thành Lê Hồng Phong.

Tác giả Phúc Tiến viết trên tạp chí Xưa và Nay số Xuân Giáp Thìn rằng tượng đài Petrus Ký tuy không bị “hóa kiếp” thành tro bụi nhưng luôn trong tình trạng tản mát. Hiện bức tượng được đặt ở Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM nhưng chỉ được giới thiệu như một tác phẩm điêu khắc chứ không bàn gì về thân thế, sự nghiệp của ông.

“Thật là lạ, tượng Petrus Ký bị di dời ra một xó kẹt tại mặt hậu của tòa nhà chính. Hiện tại, khách đến thăm vẫn thấy tượng đặt bên vách tòa nhà, cách vài bước là khu vệ sinh”.

Còn bệ và bia của tượng Petrus Ký, theo ghi chép của tác giả Phúc Tiến, đã bị tách rời và giữ ở Bảo tàng TP HCM nhưng gần đây, chúng bị bỏ trong một lùm cây sau tòa nhà chính khiến tác giả “xót xa, buồn giận về cách ứng xử phi văn hóa tại ngay hai địa điểm làm công tác văn hóa”.

Cùng với những diễn biến trên, việc VTV Cần Thơ rút tên Trương Vĩnh Ký khỏi phóng sự của mình khi nói đến “địa linh nhân kiệt” vùng Tây Nam Bộ phần nào cho thấy hình ảnh của nhân vật như Trương Vĩnh Ký không được chính quyền hiện tại đón nhận.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu buồn vì cuốn “Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ” do ông chủ biên bị cấm.

PGS, TS Hoàng Dũng nói với BBC rằng, lẽ ra, chính Ban Tuyên giáo Trung ương phải có những động thái thúc đẩy công việc nghiên cứu về các “nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử” để giải quyết điểm tắc trong chính sách về các nhân vật ấy. Nhưng, trên thực tế, chính Ban Tuyên giáo lại cản trở công việc này.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng giới nghiên cứu lịch sử phải đi đầu trong việc nghiên cứu, công bố về các nhân vật đang tranh cãi ấy, thuyết phục người đọc bằng chứng cứ, bằng tư liệu.

“Trước hay sau, ngay trong sách giáo khoa cho trẻ con học, cũng có những đánh giá thể hiện sự công bằng lịch sử. Vô phương chạy trốn!” ông Dũng bình luận với BBC.

Về vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng “nhà nước cũng không quá gay gắt đâu” vì vẫn có những hội thảo về Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản nhưng rõ ràng, được chấp nhận trong một sự dè dặt.

“Những kênh có tính chất chính thống như đài truyền hình, sách giáo khoa thì nhà nước phải có thái độ của mình. Tôi nghĩ thái độ của nhà nước cũng đúng mức thôi, trong lúc chưa tạo được sự thống nhất, còn xung đột trong nhận thức thì cố gắng né tránh, đừng gây sâu sắc thêm.

“Điều quan trọng là mỗi người dân nhận thức vấn đề về lịch sử trong bối cảnh của nó, có sự cảm thông đối với quá khứ. Mỗi người đứng ở quan điểm nào thì cũng cần nhìn nhận phía bên kia, từng bước, cùng với thời gian tạo ra nhận thức chung,” ông Dương Trung Quốc đúc kết.