Đờn bầu năm xưa: Ngày thơ mơ mấy cung tơ

Đặng Kim Hiền

ĐỜN BẦU NĂM XƯA

(gồm có 9 tùy bút ghi lại những kỷ niệm và suy nghĩ của tác giả về một cây đờn)

Tùy bút một

NGÀY THƠ MƠ MẤY CUNG TƠ



         Trăm năm vọng lại tiếng tơ,
Nhớ ngày tuổi nhỏ ngồi mơ độc huyền.

Đờn nào tôi cũng mê, nhưng duyên số lại đưa đẩy tôi theo nghề đờn tranh. Đúng 10 năm sau ngày bước chân vô trường nhạc tôi mới có dịp thử cây đờn một dây, lập tức có cảm giác như mình đã biết nó từ tiền kiếp, để tay vô là đờn được. Chắc cũng có bạn cảm nhận giống tôi, vì khảy ra tiếng đờn này tuy khó mà cũng rất dễ với những ai từng thấm sâu âm điệu và bài ca xưa. Có lẽ từ một cõi đàn xa xăm nào đó cùng trên xứ Việt, mình đã trở lại làm người chơi nhạc ở kiếp này.

Tiếng đờn bầu như giọng người nên tôi chỉ cần uốn nắn cung bậc theo giọng mình ca chứ không cần có bài để học. Chỉ tự mày mò chơi, khi nào hứng hay cần thu nhạc tôi mới mang đờn ra khảy vài bữa rồi thôi. Hơn 20 năm rồi mê mải với nhiều dòng âm thanh, tưởng đâu mình đã quên cây đờn cũ, cho đến khi nghe một bài đờn đã thất truyền được ghi âm trăm năm trước của danh cầm Nguyễn Văn Minh. Tiếng đờn êm dịu ấy đã khơi dậy những hình ảnh thân thương ngày trước, đầy lòng biết bao kỷ niệm xưa xa. Ký ức bỗng như hiện về trước mắt, thúc giục tôi ghi lại đây những câu chuyện và suy nghĩ của mình về cây đờn này.

Nhơn Duyên Đã Tự Bao Giờ

Ba má tôi từ miền Bắc vô Sài Gòn đầu thập niên 1940, chị em tôi lần lượt ra đời trong căn nhà lá của ông ngoại ở khu Bàn Cờ. Thời đó nhà mái tranh đã rất hiếm ở đô thành Sài Gòn. Căn nhà lụp xụp nhưng sân rộng và thông thoáng. Tôi vẫn còn nhớ màu đen và mùi ẩm mốc của những tàn lá mục bốc lên mỗi khi trời mưa xuống.

Trí nhớ nhiều khi kỳ lạ ghê, việc hôm qua thì quên mà nhiều chuyện xảy ra hồi bốn năm tuổi lại nhớ rất rõ. Năm mới biết đọc chữ, lần đầu tiên tôi được thấy cái gọi là “cây đờn”. Bữa đó thấy ông già tía ngồi khảy từng tưng. Chỉ là một cái thùng đơn sơ có mấy tấm ván, một cọng tre, thêm sợi dây thắng xe đạp và cái lon sữa bò. Ông nói, đờn bầu bố làm đó. Rồi ông say sưa đờn “Nâm” Thương, “Nâm” Khốc. Gần đây nhờ ông thầy Youtube tôi mới biết Lâm Thương và Lâm Khốc là hai bản nhạc lễ miền Bắc, gọi là “nhạc Hiếu” (nhạc lễ miền Trung và Nam chắc cũng từ đó mà ra). Nói thiệt là nghe khoe thôi chớ đâu biết ổng đờn có đúng bản không! Phải kêu tên nó là “đờn lon” mới đúng vì chẳng có trái bầu. Đây là “live show” đờn bầu đầu tiên trong đời nên tôi có ấn tượng mạnh lắm. Ba tôi đẹp trai hai ba vợ nên má tôi ở riêng, tôi chỉ nghe và thấy cái “cây đờn nhà lá vườn” này có một lần nhưng không hiểu sao đã gần 60 năm qua rồi mà tôi vẫn còn nhớ rõ chi tiết của tiếng đờn tới giờ.

Mấy năm sau, có một biến cố lớn xảy ra trong cuộc đời tôi. Sau bao năm vất vả buôn bán chắt mót từng đồng, má tôi mới xây được một căn nhà gạch khang trang, vậy mà mới ở có chín tháng đã cháy tanh bành trong những ngày đầu chiến cuộc Tết Mậu Thân 1968. Chuyện nhà cháy này vẫn còn ám ảnh tôi đến giờ: Năm chị em chạy ra khỏi đám cháy như gà con lạc mẹ, suýt nữa đã làm mồi cho ngọn lửa! Suốt năm đó, cả nhà tôi sống lây lất ở các khu tạm cư cho những nạn nhân chiến cuộc. Hơn nửa thế kỷ qua rồi mà sao vẫn nhớ như mới hôm qua: Thời ở khu Petrus Ký (Cư xá Hỏa xa) trong những dãy nhà gỗ nhỏ téo, chính là lúc đôi tai nhỏ bé 9 tuổi đời của tôi đã được nghe những dòng âm thanh huyền diệu: Gia đình bác Ba Taxi ở gần bên có cái máy hát may mắn còn sống sót sau trận hỏa hoạn nên thường mở những dĩa ca Vọng Cổ lồng lộng cả xóm. Những hạt giống quý này được gieo vào lòng tôi, trở thành những bài học âm nhạc mà tôi nhớ hoài. Nghe đến đâu thì nhập tâm nhập trí đến đó, rồi đâm mê những tiếng đờn, giọng ca quyến rũ này lúc nào không hay. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao có người ghiền Cải Lương tới già, chắc vì họ cũng như chị em tôi, nhiễm hồn nhạc miền Nam từ thuở tâm hồn còn như một trang giấy trắng.


Hình 1. Năm chị em tôi và hai cô hàng xóm ở khu tạm cư Petrus Ký năm 1968. Tôi là đứa nhỏ đầu bự. Chị kế tôi bồng em trai (ẩn sau lưng cô hàng xóm).

Khu nhà cháy được chính quyền thời đó san bằng và dựng lên những dãy nhà chung cư cao tầng. Cuối năm 1969, chung cư xây mới xong, mỗi gia đình được cấp miễn phí một căn, nhà tôi được ở lầu một. Sau những ngày cực khổ, tôi vẫn nhớ cảm giác sung sướng khi được vô ở nhà mới. Ở đây rất ấm áp tình chòm xóm, má tôi một mình nuôi bầy con nên bà đi đâu có thể gởi chủ nhà kế bên dòm chừng giùm sắp nhỏ. Thầy bói nói má tôi phải ở cách mặt đất mới thọ, nên tuy mất nhà mất đất mà coi bộ bả chẳng tiếc, vì tin là được ở nhà cao bằng bê tông cốt sắt của Mỹ sẽ tốt số hơn. Đúng là tốt thiệt, vì về đây ở được hai năm thì bà sinh hạ thêm được một cậu út. Út cưng đúng là “quý tử chung cư”, sau này du học đỗ đạt khá giả xây nhà lầu ba tầng mời má về ở nhưng bà từ chối, vì nơi đây mới thiệt là “hoàn toàn cách mặt đất”, an toàn hơn. Má tôi khổ lắm, chỉ cân nặng có 30 kí lô mà sản xuất ra tới 6 mạng! Cứ sợ chết sớm bỏ con nên nhứt định bám nhà này ở mãi tới giờ. Ông thầy bói đoán cũng hay ghê, nay bà sắp tới tuổi 97 mà vẫn khỏe, hồi năm 2021 bị dính Covid Delta, vô ra bịnh viện mà rồi cũng qua khỏi.


Hình 2. Ba tầng lầu Chung cư Nguyễn Thiện Thuật.

Sớm Tiếng Đờn Tranh, Tối Độc Huyền

Có lẽ số tôi phải theo nghề nhạc nên ông Trời đã sắp đặt cho gia đình bác Ba Taxi về ở cách một căn bên phải. Nhà bác Ba có máy quay dĩa nhựa giờ lại sắm thêm dàn Akai mới toanh, bác khoe là máy chính hiệu Nhựt Bổn. Mỗi lần đi ngang là tôi lại liếc vô dòm hai cuốn băng tròn như mặt cối, xoay xoay phóng ra những âm thanh hấp dẫn mê ly. Dàn amply và loa xịn này đã thu hết hồn vía người mê nhạc trong xóm. Ngộ ở chỗ là họ mở suốt ngày không bao giờ biết chán. Mình ở gần một bên, không muốn nghe cũng đâu có được! Cứ tảng sáng còn ngái ngủ chưa ra khỏi mùng là đã vọng qua thánh thót tiếng đờn tranh mở màn tuồng Sơn Nữ Phà Ca, kế đó là giọng cô Út Bạch Lan ngọt còn hơn mật ong pha đường phèn. Các tuồng Tàu, kiếm hiệp, hương xa thì sắp hàng dài dài cho tới chiều tối cùng với hàng trăm bản Vọng Cổ của bác Viễn Châu. Tiếng đờn bầu đệm cho bác Út Trà Ôn nói thơ Vân Tiên trong bản này dù chỉ nhỏ giọt chút xíu ở mấy câu đầu cũng làm tôi nhớ hoài:

Ông Lão Chèo Đò, Út Trà Ôn ca.

Ban ngày mà nghe bây nhiêu đó thiệt là hơi “quá tải”, nhưng rồi cũng quen. Ghiền hơn hết là loại nhạc êm dịu đêm đêm từ radio của nhà bên trái. Đài Phát thanh Sài Gòn có chương trình Ngâm thơ Tao Đàn do thi sĩ Đinh Hùng khởi xướng từ năm 1955, phát đều đặn mỗi tuần ba lần. Nhà thơ và bộ sậu của ban này cùng nhau sáng tạo ra một nghệ thuật để đời là lối ngâm gần với âm điệu hơi Oán của nhạc Tài tử. Hồn nhạc phương Nam mà lại phát âm giống các lối ngâm cổ xưa như trong Hát Chèo mới ngộ chớ! Người mình hay thích “của lạ” nên mê luôn môn ngâm thơ mới mẻ này.

Tôi yêu mấy bài lục bát “học thuộc lòng” từ năm lớp hai, nên 12 tuổi là đã biết chép thơ tình vô vở học trò. Ban đầu thấy chị lớn chép Bài Ca Bình Bắc hay quá, sau thấy trong vở của chị nhỏ đầy thơ Nhất Tuấn, Nguyên Sa tình tứ lãng mạn hơn nhiều, tôi copy hết của hai bà, lượm lặt thêm đủ thứ và sắm luôn một sổ chép ca dao tục ngữ nữa cho đủ bộ. Cứ tới giờ gà lên chuồng lại được nghe những tiếng lòng thổn thức, thêm nhạc đệm êm ái vi vu nhỏ nhẹ thấp thoáng xa xa, bảo sao mình không mê mẩn! Mở đầu chương trình thường là giọng thanh tao êm ái của các cô, rồi tới giọng trầm mê hoặc của mấy bác trai. Tiếng dương cầm thường chẳng ăn nhập gì với đờn tranh đờn bầu, vậy mà vẫn hoà hợp một cách kỳ lạ với tất cả. Thương ghê những giọt đờn bầu đậm đà thong thả nhỏ giọt, nghe như lời nỉ non tâm sự của kiếp người. Đờn bầu ngày xưa không oang oang mạnh mẽ như bây giờ, mà thanh tao mộc mạc đến thương. Cái hay là ở chỗ thưa thớt ít lời, giọng đờn ấm mà trong, uốn lượn mềm mại như tơ lụa và nổi bật lên hẳn giữa tiếng đờn tranh réo rắt và sáo trúc véo von. Hòa quyện vào ban nhạc mà những chữ đờn rời rạc vẫn như đứng riêng lẻ cô độc một mình. Cái que bật vào sợi dây ra một tiếng cộc, ẩn trong âm thanh đó tựa như có một người cất giọng khàn khàn thổ thổ, mới nghe thấy nặng, chừng quen rồi mới cảm được cái hồn nhẹ mà thanh, mỏng mảnh mong manh như sương khói. Nhờ mê nghe ngâm thơ mà tiếng đờn bầu đã nhè nhẹ đi vào lòng tôi từ thuở đó. Mỗi khi tiếng đờn một dây nỉ non sầu diệu vợi điểm nhẹ vô là tôi luôn cảm thấy đắm chìm trong cung nhạc, có lúc lâng lâng lãng đãng, tưởng như mình đã lạc qua cảnh giới khác.

         Đêm thanh sáo nhẹ mơ màng
Long lanh trăng rọi ánh vàng ngoài song
        Đàn rơi từng giọt vào lòng
Tiếng thơ dìu dặt năm cung u huyền
        Hồn chìm giữa giấc mộng êm
Lơ mơ nào biết cõi tiên hay trần
        Mãi khi nhạc lắng tan dần
Mới hay mình vẫn lần quần thế gian!

Xin Hãy Yêu Tôi (Đinh Hùng), Hồ Điệp ngâm.

Cái giờ thi văn thơ thẩn này cứ đêm đêm trỗi giọng đờn sáo, không phải chỉ có người đô thành, mà miệt lục tỉnh Cà Mau hay Kon Tum, Pleiku chỗ nào có tiếp vận đài Sài Gòn thì cũng có lắm người mê. Ngâm thơ mở đầu một bản tân nhạc đã một thời là cái ‘mốt’, bản nhạc có chút âm hưởng Việt thì cứ vô đầu bằng Tao Đàn là ăn tiền! Chị nhỏ tôi từng ngâm thơ mở đầu bản Về Miền Trung của Phạm Duy cho hợp ca, trong chương trình Văn Nghệ Học Đường năm 1974, có chiếu trên ti vi nên tôi nhớ rất rõ. Mốt đâu tự dưng mà có! Người khởi đầu làm say lòng người chính là cô Hoàng Oanh.

Hoàng Oanh Paris By Night (Collection 1).

Bốn Phương Tám Hướng Ba Tầng Lầu

Nhà tôi ở tầng một thiệt có lợi, không phải như ở giữa vườn “trăm hoa đua nở”, mà là “trăm nhà khoe tiếng”: Bốn phương tám hướng ba tầng lầu chung cư ai nấy đều mở máy hát thiệt to để không bị nhạc nhà bên cạnh lấn át. Đâu phải chỉ là nhạc, với tôi, đó là những áng văn tuyệt tác, là những tâm tình sâu kín của các nhạc sĩ tài ba ẩn trong tiếng hát ru hồn, tựa như là gió mùa thu thổi lá vàng rơi nhẹ vào mảnh hồn nhỏ của mình. Tôi có bộ não nhớ nhạc cực tốt, thuộc lòng vô số lời ca, có bài chẳng thích mà nó cũng cứ in vô đầu. Thẩm thấu âm nhạc của nhiều “trường phái” cũ mới, Tây hay Ta gì tôi cũng mê hết. Đâu phải chỉ có Cải Lương từ nhà bác Ba, vọng tới tai tôi là đủ thứ tân nhạc kỳ thú: Từ tiền chiến tới phản chiến, từ Văn Cao tới Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, từ Ban Hợp Ca Thăng Long tới song ca Lê Uyên Phương. Biết bao nhân tài tụ hội ở dòng nhạc này, không thể kể hết. Nhạc của Văn Phụng, Lam Phương hay Hoàng Thi Thơ cũng hấp dẫn lắm, thậm chí tôi từng nhái lại phong cách sáng tác của họ.

Sau này tôi mới hiểu, đó là thời kỳ bùng nổ băng cát-sét, máy đã rẻ lại kêu to nên cái vườn nhạc công cộng này như được truyền thêm sức sống. Từ khi học trường nhạc, phải lội bộ qua nhiều con đường, tôi có dịp thơ thẩn dạo chơi trong cái thế giới băng từ phong phú này. Các tiệm sang băng mọc ra như nấm tự bao giờ, sơ sơ đường Nguyễn Thiện Thuật gần nhà là đã có 3 tiệm. Tiệm nào cũng có Cải Lương và tân cổ giao duyên, tiệm to thì có nhiều đồ quý hiếm hơn: Từ Ca Bắc, Ca Huế, Hát Chèo, Chầu Văn, ngâm Kiều cho tới nhạc trẻ, nhạc ngoại quốc và cả nhạc sống phòng trà, muốn chi cũng có! Tôi chỉ ghé vô để ngắm hình ca sĩ trên mấy cái bìa băng cho đỡ ghiền, chưa bao giờ có ý tưởng sắm máy, vì đã có nhạc “free” rồi còn gì (nghe thêm nữa chắc chết)!

Thời đó tân nhạc bình dân đang thịnh, tuy có người ỷ sang miệt thị là nhạc “sến” nhưng bà con xóm nghèo thì rất mê. Loại nhạc này có thời bị kêu là “nhạc vàng”, gần đây lại được gắn “mác” là “bolero”. Dù có ban đờn Tây xập xình nhưng đa số giai điệu bài ca đều mang cốt cách nhạc Việt nên thường có đờn tranh hay bầu phụ họa. Tiếng đờn một dây làm tôi thương nhớ tới giờ chính là từ bản “Tôi Đã Yêu Em Từ Muôn Kiếp Nào”. Gần nửa thế kỷ rồi đâu có nghe lại mà vẫn nhớ rõ như hôm qua, nhưng nhớ lời chớ hổng nhớ tựa. Ông xã tôi biểu, bà cứ “gúc-gồ” câu đầu thử. Mới viết ba chữ “Tôi đã yêu” là lập tức lòi ra nguyên một mớ cả trăm video có tựa Tình Chỉ Đẹp. Không dè bản nhạc bình dân ăn khách hồi xưa mà giờ sống lại cũng “hot” quá xá! Giọng bác Chế Linh muồi không chỗ chê, cứ một câu ca lại tới một câu đờn bầu nức nở, nghe mà nhức nhối cả tim gan! Tiếng đờn bầu xưa nhỏ nhẹ đơn sơ, nhưng nhiêu đó đủ làm cho mình mang thương mang nhớ, ghi tâm khắc cốt từng âm từng chữ, từng cái rung cái nhấn. Ngày mới sở hữu cây đờn tranh (chưa đọc nhạc trôi) là tôi lập tức mò và khảy “thể nghiệm” bản này trước tiên! Vậy mà vô tình, mãi tới giờ mới biết tên tác giả, té ra chính là ông chú họ tên (Bùi) Vinh Sử của tôi chớ ai!

Tình Chỉ Đẹp (Vinh Sử), Chế Linh và Thanh Tuyền ca.

Thái Bình Mà Sính Đờn Huế

Ngoài các loại nhạc kể trên, tôi cũng có chút duyên nợ với nhạc Huế. Từ nhỏ đã biết đến tên cụ Bửu Lộc là nhờ ba tôi. Quê tận Thái Bình mà ổng ghiền đờn ca Huế mới ngộ chớ! Hai ngày cuối tuần chị em tôi thường ghé nhà ông để lấy hàng họ cho má bán. Tôi thường tới buổi trưa, giờ ông nghe radio chương trình ca Huế và được ông giới thiệu: “Thu Tâm ca với Bửu Nộc (Lộc) đàn đấy!” Mãi sau này tôi mới biết đó chính là Ban Ca Huế Hương Bình. Có bữa vui miệng ông hỏi “Đứa nào muốn học đờn bố cho”. Nhờ xí phần liền nên có mình tôi được học. Âu cũng là cơ duyên cầm nghiệp nặng nợ tự kiếp nào. Bao năm qua rồi, giờ nghe lại giọng cụ Minh Mẫn ca Tương Tư Khúc càng thấy nhớ thấy thương những giọng ca trọ trẹ độc lạ từ cái radio cũ kỹ của ba tôi. Tiếng đờn bầu này không biết của danh cầm nào mà đậm quá hồn quê xứ Việt.

Tương Tư Khúc (Minh Mẫn ca).

Trăm Nghe Sao Bằng Mắt Thấy

Đâu phải chỉ có Akai, đĩa nhựa, băng cát sét và radio, truyền hình mới là thứ giải trí “thượng hạng”. Truyền Hình Việt Nam băng tầng số 9 ở Sài Gòn không có game show, tấu hài hay nhiều mục vui như thời bây giờ, chỉ vài giờ buổi tối, nhưng ngày nào cũng có gì đó hấp dẫn và mới lạ. Điểm nổi bật mà tôi nhớ mãi là văn nghệ truyền thống chiếm đa số so với các chương trình khác. Con nít không phải đi học thêm, cũng đâu có gì để chơi, ngày thì tạt lon hay nhảy cò cò, nhong nhóng tới tối coi văn nghệ. Trong xóm chỉ vài nhà có ti vi, tôi toàn coi cọp từ cửa sổ. Thấy được ca sĩ mình từng ái mộ, biết đờn tranh có nhiều dây, và đờn bầu được khảy bằng cái que, thiệt là không có gì sướng hơn!

Mở đầu chương trình luôn luôn là các tiết mục cho trẻ em, từ kịch ngắn cho đến phim ảnh và các nhóm văn nghệ đặc biệt như Tuổi Xanh, Gió Khơi. Ai cũng thích văn nghệ sân khấu, vì ngoài ca hát còn có điệu bộ và tuồng tích hấp dẫn. Má tôi vô Nam từ nhỏ nên ghiền Cải Lương hơn cả Hát Chèo! Vở Tuyệt Tình Ca hơi giống cuộc đời của ba má tôi, nên hễ coi tới chỗ hai nhân vật chính gặp lại nhau thì thế nào bà cũng sụt sịt khóc, là y như rằng lúc ấy tôi cũng len lén chùi nước mắt nước mũi (sợ người ta cười). Không phải tại tôi có gen mít ướt, mà tại nghệ sĩ họ ca diễn quá tài, làm mình tưởng thiệt.

Tôi cũng mê làn điệu và tiếng trống Chèo, mê giọng nói sử ẻo lả của bà Hồng Vân (là nghệ nhơn Hát Chèo hồi xưa chớ không phải nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân bây giờ), nghe giống giọng má tôi ngâm ban đêm mỗi lần em tôi bị bịnh. Hát Bội ít ai coi, chị tôi chê khó hiểu, nhưng tôi rất thích các “dị nhơn” với giọng ca “siêu thực” nên thường kiên nhẫn chầu rìa cho tới vãn tuồng, mặc cho muỗi đốt chưn. Giọng óc của các nghệ nhơn hồi xưa ré dữ dội hơn bây giờ nhiều, nghe còn ngầu hơn opera của Tây. Họ vẽ mặt mày vằn vện rất nghệ thuật, trang phục thì xênh xang với mũ mão cầu kỳ, cờ xí đầy lưng nên càng ra vẻ oai phong lẫm liệt, hào khí ngút trời. Ông tướng Phàn Định Công chém sứ đề cờ ngó còn sang hơn các anh hùng Siêu Nhơn, Người Dơi (hay mặc đồ lót) của Mỹ.

Hát Bội, Hát Chèo và Vũ Cung Đình (múa Lục Cúng) trình diễn tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn tháng 9 năm 1969.

Thấy Thời Thêm Thấm

Nãy giờ lo kể chuyện Akai rồi lại cát sét mà quên nhạc sống. Những ký ức trên là về nhạc máy hát, nhiều năm sau nữa tôi mới được coi Cải Lương thứ thiệt lần đầu tiên. Bữa đó người ta sắp hàng mua vé vòng trong vòng ngoài. Bà già kia đứng kế tôi hãnh diện kể: “Tui coi cái tuồng Tô Hiến Thành Xử Án này 19 lần rồi!”. Vô coi rồi mới tin là bả nói thiệt. Phải đến đây mới cảm thấy hết được nghệ thuật sân khấu là như thế nào. Vô cùng hấp dẫn, sống động và đầy màu sắc. Khác trong ti vi quá xa! Hèn chi mà bà con ghiền dữ vậy. Nghệ sĩ Trường Sơn dưới ánh đèn sân khấu thiệt là oai phong lẫm liệt, giọng vị tướng sang sảng phóng đại qua dàn âm thanh vang dội, nghe ổng hét lên mà lạnh cả gáy! Dàn nhạc xưa có nhiều âm sắc mộc, chỉ để cái míc. Nghe nhạc sống đúng là rất khác với thứ âm thanh qua máy. Dòm thấy rõ mấy cây đờn dưới ánh sáng mơ huyền hắt xuống từ trên sân khấu, sao mà thấy thương đứt ruột!

         Đờn bầu ngồi cạnh đờn kìm
Ghi ta, ki-bốt xập xình cò cưa

Viết tới đây tôi mới sực nhớ ra, từ hồi bé xíu xiu mình từng được sống trong không gian âm thanh thực, không những được ngồi cạnh nghệ nhơn đờn hát mà còn được xem múa quạt, múa kiếm, múa lụa, múa chèo thuyền, và cả múa lửa! Người múa trẻ đẹp nhất trong số đó không ai xa lạ, chính là má tôi! Gia tộc tôi có truyền thống hầu đồng, nhà bà thím và bà cô của má tôi là chỗ cho người làng đến làm lễ hầu. Truyền thống thờ Mẫu có từ ngàn năm trước ở quê tôi. Má tôi có cả kho cổ tích về những chuyện xưa, nghe hoài không chán là những cảnh bà từng xem tận mắt trong các cuộc lễ trừ tà ma ở đền thờ Đức Thánh Trần: Các cô đồng cắt cái lưỡi bỏ lên đĩa giãy tê tê còn đầy máu tươi (lát bỏ vô mồm lại lành), lại có cậu xiên dùi sắt xuyên qua hai bên má, rồi rút ra như chơi (mà không chảy máu). “Làm thế cho ma nó sợ mà xuất ra khỏi người bệnh, con ạ!”

Song Đăng, Cô Ba Thoải múa hầu Mẫu Vương.

Hồi tôi nhỏ xíu má tôi bị bệnh nặng lắm, cạo trọc cả đầu để cầu cho đừng chết sớm bỏ bầy con. Các cụ khuyên phải ra hầu thánh sẽ khỏe (sau đó tôi mới có thêm em út). Ngày má tôi bắt đầu hầu đồng là ngày tôi đi thi vô lớp 6 trường công. Tò mò nhứt là lúc bà trùm khăn đỏ lên đầu chờ thánh nhập. “Thế má có thấy ai nhập vô người má không vậy? Bả nói, chả thấy gì cả. Nhưng đương nhiên là bà cứ múa thôi. “Có thờ có thiêng con ạ!” Hồi ấy tôi nghĩ, chắc lâu lắm các ngài mới giáng trần một lần, mà mỗi lần có phải một giá đồng đâu, cả đến chục cô cậu ấy chứ! Đến xem múa đã mắt lại được ăn ngon, nên nhớ rõ lắm: Nhớ các cô, các cậu đồng (thiệt ra chỉ toàn mấy bà già) với xiêm y đẹp như ngôi sao Cải Lương, nhớ cảm giác hí hửng được nhận “lộc” của các thánh ban cho, nhớ phong bao lì xì màu đỏ, nhớ cái trứng luộc gói trong giấy hoa và nhớ nhứt là mấy cái (bánh) oản nho nhỏ gói bằng giấy bóng kiếng xanh đỏ, có thể để dành ăn dần. Nói thiệt là hồi nhỏ tôi mê cái mâm cỗ thịt gà chả lụa và các món lộc này còn hơn là nghe đờn hát nữa!

Công Hưng đàn nguyệt, Cô Chín Sòng Sơn

         Cung văn là cụ Cai Tiêu
Đàn hay hát ngọt làm xiêu hồn trần

Cụ Tiêu là người làng của ba tôi, có cô con gái rất xinh đẹp đi theo gõ chiêng trống cho bố. Chỉ có mỗi cây đờn nguyệt mà cụ vừa đờn vừa hát khéo làm sao, gây được một không gian lễ nhạc sinh động mà vẫn rất trang nghiêm. Cuộc lễ có gì đó thiêng liêng huyền bí mà hồi nhỏ mình chưa đủ sức để hiểu, nhưng âm nhạc thì rất dễ cảm. Được nghe thứ lễ nhạc này rất nhiều lần, dần dần tôi tưởng tượng như hồn của ông bà mình nằm trong những cung bậc ấy. Các cụ vào Nam đã mang cả tín ngưỡng truyền thống từ quê nhà, mang cả âm điệu của đất tổ quê hương nghìn năm văn vật. Có lần tôi nổi hứng hát Ngồi Tựa Song Đào cho bà cô già nghe, chắc hát cũng không tệ nên bà nói ngay, “Hát Quan họ của mình đấy!” Sau này gom tất cả hồn quê Bắc Việt, từ Ca Trù cho tới Hát Xoan, Hát Xẩm, Hát Chèo, rồi mang ra so với nhạc Huế và nhạc Tài tử để tìm ra những điểm tương đồng và dị biệt, tôi thấy rất rõ những sợi chỉ vô hình tương tợ nhau xuyên suốt dòng âm thanh từ Bắc chí Nam: Mỗi bước đi về phương Nam là mỗi lần âm điệu lại đổi thay chút ít, nhưng vẫn đồng nhất như đàn con cùng một mẹ Âu Cơ.

Nhớ Mẹ Ta Xưa, Đình Cương Hát Văn.

Sau khi vô học trường nhạc, tôi định bụng sẽ xin học nghề với cụ Tiêu, nhưng chưa kịp hỏi thì thời thế đổi thay, lễ thần linh nhập thế này bị xem là mê tín dị đoan. Má tôi phải làm một lễ tạ tội, vì phải bán tất cả quần áo đồng bóng này đi để mua gạo. Đâu còn dịp đến hầu các thánh nữa. Dứt tiếng chập cheng này cũng coi như là chấm dứt cả thời kỳ mộng mơ tuổi nhỏ của tôi. Tín ngưỡng thờ Mẫu giờ đây đã được UNESCO công nhận là di sản, tiếng nhạc lại vang rền khắp ba miền đất nước (và trên Youtube). Xưa mà đủ duyên thì biết đâu mình đã được ngồi vào chỗ của cụ Cai Tiêu, thong dong đờn hát và hưởng lộc thánh cả đời rồi!

Chầu Văn cổ, Văn Mẫu Đệ Nhất.


Chầu Văn cổ, Mẫu Đệ Nhất (Cụ Bà Hát Văn).

Thấm Thời Thêm Thương

Đã kể ra đủ thứ rồi, mà hình như cũng chưa có hết. Tôi như người đứng giữa trời, được hưởng nhiều ngọn gió mát từ bốn phương tám hướng: Có làn gió vừa thổi qua ruộng nên thơm nức mùi lúa mới, có ngọn chỉ hây hây nhè nhẹ mơn man trên tóc, cũng có cơn gió thổi mạnh tới rơi cả khăn áo. Gió kiểu nào thấy cũng đã, mạnh kiểu nào tôi cũng chứa hết vô kho.

Giáo sư Trần Văn Khê có lần viết thư khen mấy CD chúng tôi tặng, ông thắc mắc: “Không biết Kim Hiền là người miền nào (nghe ca đủ giọng nên không đoán được)?” Tại vì lối ca nào mình cũng thấy hay tuyệt, nên ráng nhái giọng thôi (thiệt ra cũng chưa được giống lắm). Mê cổ nhạc mà cũng say tân nhạc, nhưng từ khi được đi học đờn tranh rồi tôi mới thấy lòng mình nghiêng về một bên. Sài Gòn thời ấy là nơi hội tụ các danh tài cổ nhạc ba miền, điệu nhạc nào cũng độc đáo, tiếng đờn nào nghe cũng mê hồn.

Hồi nhỏ tôi thường bị má chê, ca gì mà hông có “hơi”! Cho nên ít khi dám trổ tài, hễ muốn ca là phải hạ thấp giọng xuống. Bị “lép” như vậy là vì chị kế tôi ca hay lắm, giọng chuẩn và sang gần bằng cô Hương Lan. Khi nào không có mặt bà chị thì tôi mới dám mở giọng to hơn, nên ở trường học tôi vẫn nổi bật như là một “ca sĩ”. Mỗi đứa có một tập chép nhạc dầy cui, đầy những chữ tô xanh, tô đỏ. Bản nào mới ra lò thì chị ca trước rồi em nhái theo. Có lần hai đứa đóng tuồng Lương Sơn Bá nhảy nhót sao mà sập luôn cái vạt giường! Hàng xóm nói với má tôi, “Nữa bà giàu nhờ cô này”, đương nhiên là nói về chị tôi, người có giọng ca thiên phú (có thể hái ra tiền). Mỗi lần về lại nhà xưa, nay đã xuống cấp nhiều, tôi lại thấy bùi ngùi, nếu như mình không giành suất học đờn, người vô nghề nhạc là chị, thì biết đâu giờ này má tôi giàu thật rồi!

Chất giọng hơi yếu nhưng tôi được cái khéo tay, khi để ngón tay trên dây đờn, tôi luôn biết nương theo tiếng ca và tự mò mẫm mang giai điệu vào trong ngón đờn. Bản gì tới tay tôi cũng đờn ra cái chất ngay, không tốn nhiều công sức tập dợt. Hơi gì hay rung mổ ra sao là tôi tự lấp vô mình ên. Cô giáo chỉ là khen thôi chớ ít khi phải sửa. Thầy tôi cũng nói, em không cần nhờ ông thầy. Không nhờ sao được, phải có bí kíp chớ! Không thầy đố mày làm nên. Tôi may mắn lắm nên mới vô đúng cửa, đúng thời. Ý của tôi là: Nếu không được học những bản đờn căn cơ, không hiểu được cái hay của ngón đờn tranh xưa được dạy ở trường nhạc Sài Gòn thì tôi cũng khó mà được như bây giờ.

Tôi nhớ hoài năm thứ ba ở trường nhạc được học bản Lý Ngựa Ô Nam đờn tranh. Sau này thầy Nguyễn Văn Đời kể là ông đã soạn bản này theo ngón của cụ Ba Dư, nhưng tôi biết thầy có điểm vào đó các chữ nhấn tỉ mỉ đặc biệt của mình. Bản đờn nhỏ mà câu cú sắp xếp có nghệ thuật, nghe đẹp như bài thơ có ý tứ ăn với nhau từ điệp ngữ tới vần điệu. Tôi đờn y chang để lắng nghe cái đẹp trong từng chữ, nếu thêm thắt vô không khéo sẽ làm cái hay bị lạt đi. Đờn tới đâu sáng lòng ra tới đó, cảm xúc khó tả lắm. Hay quá, bản này quen mà! Giống tiếng đờn từng nghe trong Akai chớ đâu, cho nên nhìn vô nốt nhạc là nhấn ra chữ liền. Sau này đờn bản cầu kỳ tới đâu cũng không cảm giác “đã” cho bằng cái thuở ban đầu này.

Nhiều bạn trẻ nói, nghe cô Hiền đờn có cảm giác như nghe giọng người chứ không còn là tiếng đờn nữa! Tới khi thôi làm cô giáo rồi tôi cũng chưa tự hỏi sao mình lại đờn “ra” được như vậy. Gần đây mới ngẫm lại đời mình: Nhờ hồi nhỏ được nghe nhạc nhiều chớ không hẳn là nhờ vào năng khiếu. Rồi lại ngẫm chuyện dạy đờn: Tôi để ý, ai chỉ quen coi tờ giấy mà không nghe nhạc thì có siêng học mấy cũng không khá, chỉ xoàng xoàng bậc trung hoặc chỉ có danh mà không thực. Nhớ lại thời mới làm cô giáo thập niên 1980, tôi còn không có gì để nghe (ý nói cổ nhạc) thì làm sao chỉ cho học trò? Nên đành phải dạy kiểu mà mình được học, tức là học qua cái bản ký âm, bấu víu cả vô đó. Không biết đã có mấy thế hệ hụt hẫng vì thiếu “nghe”?

Có mấy em nhỏ sinh vào thời đầu thế kỷ 21 than vãn trong video của tôi: “Con ước gì dân ca của mình sống lại như thời 1990”. Vậy là hồn xưa cứ mất đi dần sao? Phải rồi. Ở xứ nào cũng vậy thôi, mà nhứt là ở xứ mình. Cát bụi thời gian thêm cái kỹ thuật tân tiến đã cày nát tất cả, nói chi tới thứ vô hình vô tướng lại mỏng mảnh mong manh là âm nhạc. Trước khi có nhạc Tây đến hình như không có xảy ra hiện tượng này, các truyền thống âm nhạc Việt xưa gắn bó với nhau, mỗi loại cũng tự thân phát triển, thay đổi theo tâm hồn người mỗi thời, cứ như thế đã hàng nghìn năm: Hồn xưa tiếp nối hồn xưa, cây con lại nẩy tại gốc vừa mới khô. Nghĩ mà buồn, vì ngày nay gốc khô thì gần rụi cả rồi, mà cây con lại đi nhóng nhạc ngoài xứ ai!

Nghệ nhân Hoàng Trọng Kha. (Cây Khô Đã Héo mà vẫn ra Video).

Bây giờ trên Youtube có nhiều thứ nhạc xưa mà hồi nhỏ tôi còn chưa được nếm. Nhưng dường như người trẻ không mấy chú ý, họ mải bận rộn với nhiều món ăn tinh thần mới, phong phú quá mà! Người học chuyên đờn Việt cũng thế, đa số đều học cách của người ở thế kỷ 21: Chỉ cần học cổ nhạc vừa đủ (để thi thôi), vì ra đời đâu có dùng! Nhưng dĩ nhiên là ai cũng muốn đờn thiệt hay. Ngặt một điều là hay cũng có nhiều kiểu: Kiểu Tây, kiểu Tàu thì ắt vui tai nhưng thiếu hồn nhà, cũng như tô phở mà nấu với mì ống của Ý, hay nêm nếm bằng nước tương Tàu vậy.

Thiệt ra, muốn có ngón đờn thấm hồn Việt tuyệt hay không dễ cũng không quá khó. Cái khó nhứt, chính là tình thương. Bí quyết là ở đó. Ủa, đờn thì đờn chớ sao có vụ “thương” gì vô đây? Để tôi kể thêm chuyện này, tuy có hơi lạc đề chút xíu, nhưng sẽ soi sáng phần nào cái bí mật này.

Thương Từ Thuở Còn Thơ

Tôi đã ngưng việc việc dạy đờn từ lâu, cho đến khi có một bạn trẻ tên Kha tha thiết xin học. Kha mới tự học vài tháng. Cách tôi dạy thật kỳ quái: Không trực tiếp online, cứ thu âm gởi từng câu ngắn rồi tôi phê chi tiết cho. Tôi cũng không dạy vỡ bài, tự mà học, tôi chỉ dạy đờn làm sao cho đúng và có hồn. Muốn đờn ra chất nhạc Tài Tử cần học thiệt kỹ một bản vui và một bản buồn, cho đến khi thật chuẩn, bao nhiêu bản thì cũng chừng ấy ngón mà thôi. Kha vô thẳng một bản Bắc lớn và Lý Ngựa Ô Nam. Nhịp nhàng tệ quá, tôi khuyên: “Con cần có một thầy dạy trực tiếp nữa”. Kha xin thọ giáo với thầy tôi. Không biết òn ỉ khoe ngón kiểu gì (chắc nhá vài chữ nhấn cô Hiền) mà thầy Đời chịu dạy thẳng vô bản trên trời là Tứ Đại Oán. Được học với một bậc danh sư, Kha thật là may mắn.

Cuối tháng 8 năm 2022 tôi mới gặp Kha. Vì ham nhảy lên bản lớn nên thiếu căn bản trầm trọng: Không đờn ra một câu lớn câu nhỏ nào hết, nói chi tới một bản! Bị tôi chê tan nát, phải về học lại ABC. Tôi ân cần dặn thêm: “Con người gốc Đồng Nai thì nên học Tài Tử trước cho giỏi đã, đừng tham lam ôm đồm cả ba miền, sẽ bị lai ngón loãng hồn hết, ‘Nhứt nghệ tinh mới vinh hồn nhà’ nhen con! Các nghệ nhân danh tiếng cả đời chỉ chuyên có một loại nhạc.”

Tôi cho Kha quay phim những câu dạo, những ngón “độc”. Vui ghê, ẻm kê cái phôn sát vô ngón tay tôi đặng copy cách nhấn chữ lạ cho thiệt đúng: Con thích chữ nhấn này, nghe nó “tức tưởi” dữ lắm! Cậu này dùng chữ nghe còn mắc cười hơn cô Hiền.

Một năm trôi qua rồi, Kha tiến bộ vượt bực. Ai cũng khen có ngón giống cô Hiền quá! Chỉ mới học hơn một năm, sao đờn ra mướt như vậy được? Thật sự đâu phải chỉ bắt chước thầy Đời và cô Hiền, từ bé xíu Kha đã được bà ngoại (ở Đồng Nai) tiêm cho cái máu mê Cải Lương rồi, tới 18 tuổi mới lên Sài Gòn. Trước khi học tôi, Kha may mắn được Lữ Phú Quốc, một đàn anh giàu kiến thức về nhạc Tài Tử, nhiệt tình hướng dẫn, chỉ đường vẽ lối để tìm tới cô Hiền. Từ đó, Kha chỉ mơ tới bản đờn tranh Hò Đồng Tháp. Bản này lâu quá rồi, nên cũng có người chê nó chỉ là câu dạo chớ chả có ‘sáng tạo’gì, vậy mà Kha mới nghe đã cảm đến nổi da gà! Có lẽ nó chỉ hấp dẫn với ai đã thấm hồn nhạc đất phương Nam, vì kiểu dạo”mênh mông nước chảy” này đã được”áp dụng” nhiều, coi bộ nhàm rồi! Tôi nói,”Con muốn đờn ra bản ấy thì khi nhanh lúc chậm cũng đều phải giữ được cao độ chính xác như nhái giọng đờn bầu. Không dễ. Hãy tập bản nhỏ cho thật hay đã.”

Người học trò này ghi tâm khắc cốt lời dạy của cô giáo, và tuân thủ y chang: Nhái tôi tỉ mỉ từ câu dạo tới cách khảy sao cho ra chữ to chữ nhỏ, tiếng trong tiếng đục cho tới cách nhấn nổi nhấn vuốt, từ độ rung đậm rung lợt cho đến cách mổ tròn trịa. Sợ mang tiếng “tạo ra bản sao” nên tôi phải dặn thêm: “Rung như cụ Vĩnh Bảo nghe cũng hay nghen con, đậm như cô coi chừng lố, giống nấu canh mặn khó nuốt á!” Kha cười, “Con thích rung chữ Xang giống cô!”, “Con chỉ nghe tới lui mấy bản của cô thôi. Sợ lên dây phô!” Bởi vậy nên giờ Kha đờn Lý Ngựa Ô Nam y chang cô Hiền hồi năm 1976.

Ông xã tôi khen: “Nghe cậu này đờn làm tui nhớ một cô bé gặp ở Paris năm 1987: Được nuôi dưỡng hàng ngày bằng những tuồng Cải Lương, lại được học đờn tranh với nghệ sĩ Chí Tâm nên mới 14-15 tuổi mà đờn sáu câu Vọng Cổ nghe thiệt đã tai lắm.”

Hoàng Trung là bạn của Kha, quen tôi trước đó hai năm, cũng khen Kha: “Nó hay lắm cô ơi, cô phân tích ngón ‘độc’ của cô cho con bắt chước mà cả năm sau con mới nghe ra, còn nó từ hồi chưa học cô là đã ‘thấy’được cái chỗ ấy.” Chưa học mà đã ‘thấy’? Chắc là nhận ra cô Hiền đờn rất giống hồn nhạc mà bà ngoại cho nghe. Tình thương đầy trong tim rồi, cũng y như tôi từng có. Kha mong có ngày rung ra được chữ Xang “muồi” như cô Hiền, giống như tôi thuở ngây thơ từng ước mơ đờn được như bác Bảy Bá đệm cho cô Lệ Thủy ca trong Akai vậy.

Lý Ngựa Ô Nam, Trần Hồ Nhật Kha.

Bí Quyết của Tình Thương

Có bạn trẻ hỏi tôi, “Xin cô chỉ cách để làm sao nắm được các hơi điệu ba miền?”, “Cô giáo kia dạy con: Muốn đờn ra Sa Mạc thì ra Hà Nội ở ít lâu, muốn ra chất Huế thì phải ra ngắm giòng Hương nước chảy; muốn đờn thứ nào phải sống ở xứ của loại nhạc đó mới thấm được cái hồn. Vậy có đúng không cô?” Cách ấy cũng hay, biết đâu có thể giúp người học hiểu được phần nào tâm cảm của âm nhạc mỗi vùng. Tôi từng có cảm giác đó. Khi ngồi ngắm những hàng me trên bến sông trước chùa Thiên Mụ, tôi bỗng hiểu tại sao nhạc xứ này lại nhẹ nhàng nên thơ mơ mộng như vậy. Ủa, mà hình như có ngắm hết trơn cảnh Hương Bình rồi thì cũng chưa chắc nhái được đúng giọng Huế chớ nói chi đến chuyện đờn cho ra! Có lẽ tự học với ông thầy Youtube sẽ đỡ tốn kém hơn? Tôi chợt nhớ về kinh nghiệm của mình.

Thời tôi còn học trường nhạc, cô Phạm Thúy Hoan có nói: “Tôi chỉ thích ngón đờn Huế của Kim Hiền thôi!”. Năm đó tôi tròn 20, mãi tới 34 tuổi mới có dịp ra Huế. Bí quyết gì đâu hả trời, toàn là nghe “nhạc sến” rồi biến ra ngón đờn, chớ nhà nghèo thấy mồ, tiền đâu mà đi chơi xa! Thời của tôi đâu có Youtube để được nghe các mệ ca Huế đậm đà ngọt bùi như bây giờ, nhưng bản Mưa Trên Phố Huế cô Hoàng Oanh ca cũng có đủ cung bậc xứ Thần Kinh; tôi đã uốn từng cọng dây đờn theo các luyến láy của cổ, ngón tay cứ thế tự động hoa mỹ đúng vô chỗ, thành ra muồi mẫn, đơn giản là vậy thôi.

Ông xã tôi từng đến Thị Cầu nhai trầu bõm bẽm nghe các cụ hát Quan Họ, mà chắc chỉ mới cưỡi ngựa xem hoa nên khi cần cũng phải mở băng cát-sét nghe lại. Ổng cũng lê gót tới đủ 6 tỉnh Nam Kỳ, lại từng uống và tắm nước sông Hương hằng ngày, mà rồi chẳng thấy ông này có ngón đờn nào kêu là muồi cả! Hỏi sao không chịu luyện thêm, thì ông cười toe, “Luyện chi cho mệt bà, nhiêu đó đủ xài rồi!” Tôi đoán là do ổng “thương” chưa có đủ. Đâu phải nói thương là thương, đâu phải muốn hay là hay!

Chồng tôi nghe nhạc nào cũng vậy, coi như nhau. Nghe là để ngẫm ngợi nghiên cứu, hay nghe để nghỉ ngơi. Tôi thì thương thứ âm điệu ngọt ngào này tới từng chân tơ kẽ tóc, nghe nhạc nguồn để ngậm ngùi nhớ nước nhớ nhà, không thút thít thì cũng không mấy thanh thản, không tưởng tượng tới tê tái trong tim thì cũng thẫn thờ than thở, thả trôi tâm tư trên tận tám tầng thanh thiên! Cũng nhờ vậy mà hồi còn trẻ măng tôi chỉ ngồi ở nhà (chung cư) nhớ tới cái điệu buồn buồn phương Nam để đờn ra bản Hò Đồng Tháp, đã một thời làm nổi da gà và rụng rơi bao trái tim. Thiệt ra là tôi biến hóa câu hò ơ từ giọng bác Hữu Phước ca bản Nhớ Mẹ, chớ đã có tới tỉnh miền Nam nào đâu mà biết sông nước nó chảy ra làm sao! Kể ra thì mắc cỡ, vì từng tuổi này mà cũng chưa biết tới thủ đô sang cỡ nào. Vậy mà từ hồi còn đi học thầy cô nào cũng khen tôi đờn Trung Nam Bắc đều ngọt. Đó là nhờ sức mạnh của tình thương thổn thức trong tim, thêm trí tưởng tượng tinh tế, lại phải tỉnh táo hằng đêm để mà miệt mài mân mê mấy cọng dây đờn, trộn cho kết dính tình thương và âm thanh lại với nhau.

Năm 2004 cụ Vĩnh Bảo có viết thư cho ông xã tôi: “Lâu nay nghe nói đến Kim Hiền đờn nhạc truyền thống mà mãi cho đến bây giờ tận tai nghe mới thấy, ngón đờn của Hiền rất tốt, nhấn nhá rung mổ chính xác, đờn muồi và có hồn, rung động được lòng người nghe”. Cụ viết tiếp: “Ngón đờn hay là do thiên phú, .... nó y hệt như ‘giọng ca’ của ca sĩ, ông thầy dạy nhấn nhá rung mổ, chứ cái thiên phú này thì ông thầy đành chịu thua!”. Vậy là cụ cũng nghĩ như tôi; “Đờn hay thì phải giống y như giọng ca”; nhưng theo cụ Vĩnh Bảo thì phải có “thiên phú”, chớ người thầy không dạy được. Tôi lại tin là được.

Tôi biết phương pháp Suzuki của người Nhật, thầy cô có những cách hay để đào tạo ra tài năng âm nhạc: Cho các em bé nghe nhạc tới khi chúng ghiền quá rồi tự xin học thì cô giáo mới dạy, mà dạy bằng cách “nghe và bắt chước” là chính. Nói nôm na là dạy “thương” âm nhạc trước khi dạy thực hành. Nghe nhạc lập đi lập lại liên tục sẽ có tác dụng rất lớn với khả năng cảm thụ âm thanh. Quá trình này là “Phương pháp Tiếng Mẹ Đẻ” và hệ thống sư phạm này là “才能教育- Saino Kyoiku” (Giáo dục Tài năng). Ai cũng có khả năng nói tiếng mẹ đẻ, nên cũng có thể giỏi nhạc. Phương pháp này nhấn mạnh chuyện cần thiết của việc ‘nghe’ hơn là sử dụng bản ký âm, cũng đặc biệt nhấn mạnh sự quan trọng của tình thương: Cha mẹ cùng học và cùng nghe nhạc với con, tạo ra môi trường rèn luyện tài năng âm nhạc và nuôi dưỡng cả tâm hồn cho đứa con.

Rất nhiều người lại nói khác với cụ Vĩnh Bảo: Phải có tâm hồn (giàu cảm xúc) thì đờn mới hay. Tôi không nghĩ cần phải vậy. Trường hợp của tôi chỉ là do tình cờ, do có ‘duyên’, được nghe nhạc nhiều, rồi đờn ra giống như vậy thôi. Thiếu cái ‘duyên’ này thì dù có năng khiếu hay ‘tâm hồn’thì cũng không đủ. Duyên phải dầy đủ mới tới chỗ thương, mà thương tới thấu tim thì mới hiệu quả, tiếng đờn mới ra được chất ngọt muồi!

Hồi con tôi ở tuổi 13, tôi hỏi ông xã, “Hay là mình dạy nó làm sao để nó thương mình hơn?” Ổng gạt đi, “Tình thương phải tự phát sinh. Mình ăn ở sao để nó thương mình, chớ có dạy cũng không được!”. Đúng thiệt, má tôi đâu có dạy thương, mà nghiêm khắc lắm. Roi mây ốm nhom gác sẵn góc tường, đét vô da đau dữ lắm, lạng quạng là bả vụt cho xoắn đít! Vậy mà đứa nào cũng thương má, vì đều cảm được cái công lao trời biển và tình thương của bà đã cho ra, rộng lớn không thể tưởng.

Phạm Duy có câu ca nổi tiếng: ‘Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời’. Tiếng mẹ nghe từ thuở còn nằm nôi, thân quen lắm, nên lớn lên nói không bị ngọng. Tình thương âm nhạc cũng vậy, đâu phải tự nhiên mà có. Nói là ‘thương’thì không đúng, chỉ là thích nghe những âm thanh thân quen và dễ chịu. Ba má nghe thứ gì thì đứa con sẽ quen thứ ấy. Nếu phải ‘luyện công phu’ kiểu Suzuki để dưỡng năng khiếu âm nhạc thì cũng phải tới mức nào đó mới thành. Mà kỳ lắm, có luyện thì phải luyện từ nhỏ, chớ tới 12-13 tuổi thì muộn rồi: Cái tình đã trang trải ra, mê này mê kia, tâm hồn đâu còn ‘trong trắng’ nữa mà luyện! Con tôi có gen âm nhạc, nhưng không mấy thương nhạc của ông bà, là vì tôi đã quên cho nó nghe thứ nhạc này từ bé tí. Chỉ nghe ba má đờn chút chút thì đâu có nhằm nhò gì! Có lẽ mình quá ôm ‘phương pháp Nhạc Viện’ nên dạy con kém hiệu quả: Chỉ đưa cho cái tờ giấy ghi nốt nhạc chớ không mấy khi nghe nhạc thiệt (tới 2016 tôi mới biết tới Youtube). Tôi cũng tiếc là đã tham lam dạy cho con cả đờn Tây, cho nên rốt cuộc nhạc Việt chỉ có được một góc nhỏ trong lòng ẻm.

Tôi đã gom lại những câu chuyện kể về tình thương là để trả lời cho một bạn trẻ tên Long, hổm nay nhiều lần hỏi tôi, “Con hóng quá! Chừng nào cô mới ra hồi ký?”, “Con muốn tìm hiểu xem cái gì đã tạo nên một ‘cô Kim Hiền’của ngày hôm nay”. Chắc là Long cũng nóng ruột muốn biết kinh nghiệm để học đờn cho mau đạt.

Tôi chỉ là đứa nhỏ tình cờ được học đờn ‘bằng lỗ tai’, giống như cách của các nhạc sĩ mù, cũng gần giống như phương pháp Suzuki. Có nhạc trôi tới tai riết rồi đâm ghiền, cho tới khi gặp được cây đờn rồi thì cái cục ghiền này mới được nảy ra mấy đầu ngón tay, giống như nguồn nước đã có sẵn, chỉ chực chờ chảy tuôn ra sông ra suối. Được học các bản đờn xưa, thấm hiểu được nghệ thuật đúc kết từ nhiều đời của bao người đi trước, tôi phải dựa vô đó mới kết nối được với bộ nhớ âm thanh trong lòng.

Long cũng thích nhạc Tài Tử, nhưng mãi tới tuổi trưởng thành nhờ ham tìm hiểu mới biết mà thương. Trường hợp này có thể gọi là “bộ thương có trước bộ nhớ”, vậy thì từ từ ‘luyện nhớ’ sau cũng được, tức là muốn đờn hay thứ nhạc nào thì phải nghe thứ đó cho đến mức nhập tâm. Bộ ‘thương’thì khó chớ ‘bộ nhớ’thì còn luyện kịp. Muốn luyện thì nên nghe ca, học ca, chớ chỉ nghe tiếng đờn thôi thì e là không có đủ; là vì danh ca thì nhiều chớ người đờn chuẩn và hay thì rất hiếm.

Học trò của tôi thời 1980 đâu có nhạc xưa để nghe như bây giờ. Nhiều em cũng có khiếu, bắt chước cô giáo được tới 7- 8 phần, mà rồi quên lẹ lắm, là vì họ chỉ bắt chước được cái ngón tay thôi, không thể đờn ra đủ cái hồn. Học âm nhạc mà chỉ nhìn bản đờn trên tờ giấy (vô tri giác) thì rất là khó mà nảy ra cái tình. Có được Tình thì cũng là nhờ ở nhơn duyên, như Kha có bà ngoại còn tôi thì có bác Ba Taxi.

Tiếng Nước Hồn Nhà Cũng Đổi Thay

Bây giờ mỗi khi nghe cổ nhạc tôi thường tưởng nhớ về một quá khứ thân thương đầy kỷ niệm, vẫn thấy hay, nhưng không còn mê như hồi nhỏ nữa. Ngày xưa nhờ nghe những loại nhạc này mà tôi mới thấm tình yêu non nước. Nhạc dân tộc hiện đại ra đời sau này cũng có cái hay riêng, nhưng hồn cốt chỉ lơ thơ còn được vài phần, dấu xưa lạc nẻo bụi trần thời gian rồi.

Thầy Đời và thầy Thuỵ là hai môn đệ của ông Giáo Thinh, một danh sư thời giữa thế kỷ 20, cũng từng lên tiếng than là họ cảm thấy bị lạc lõng giữa thế giới “Đờn Ca Tài tử đương đại” của thế kỷ 21. Chỉ mới hơn nửa thế kỷ trôi qua, họ không còn nhận ra thứ nhạc đã từng thân quen. Hai thầy đều nói, “Tài Tử còn đâu nữa, là Cải Lương thôi!”. Đổi thay nhiều quá!

Cải Lương còn thay đổi nhanh hơn. Thời mà dàn nhạc còn đủ màu sắc tranh kìm cò, tức là còn giữ được chút hồn Tài Tử xưa, đã qua rồi. Khi guitar điện xuất hiện thì dần dần kỹ thuật ca hát của nghệ sĩ cũng thay đổi, giọng ngày càng ngân nga lồng lộng, như để đối ứng lại với tiếng đờn vang dội. Lúc đờn bầu điện vô góp mặt nữa thì nhạc Nam xứ mình đã chính thức chuyển qua thời kỳ điện khí hoá, lại có thêm nhiều danh cầm, danh ca và một tầng lớp khán giả mới.

Đoản Khúc-Phi Vân Điệp Khúc (Trí Làm Nông).

Bây giờ Youtube rền vang đủ thứ nhạc Tây, Ta, Tàu, mới cũ lẫn lộn. Bố mẹ nghe thứ nào thì con dễ thích thứ ấy. Người thời nào thích nhạc của thời đó, nhỏ nghe thứ gì thì sau thích thứ ấy. Mấy bạn trẻ mới vô học nghề đờn ở trường chuyên đào tạo nhạc sĩ bây giờ ít thích bản đờn cổ, họ chê “khó hiểu mà không thực tế”, vì sau này chỉ đi biểu diễn bản mới thôi mà, vậy chăm học cổ nhạc làm chi nữa? Thế hệ này rồi đây sẽ có vai trò chủ đạo ở Việt Nam để trao truyền kho tàng nghệ thuật âm thanh tổ nghiệp lại cho mai hậu sao? Chắc lại phải kỳ vọng ở lớp người đã nối tiếp bao đời giữ gìn tiếng nước hồn nhà, truyền ngón truyền khẩu xưa xa một thời mà thôi: Họ là các nghệ sĩ dân gian, những ‘tài tử’, người chơi nghiệp dư không bằng cấp, nhưng tôi chắc là tình thương trong lòng họ luôn đầy ắp.

Mấy bạn trẻ xứ Huế chắc là cũng không thích giọng ca cụ Thanh Hương, Minh Mẫn bằng các giọng ca Huế mới khoẻ khoắn và điệu nghệ. Không thích mà ráng nghe thì cũng như nước đổ lá me. Tôi thích nghe bản Tứ Đại Cảnh thời 1965 (Cô Tuyết Hương ca) hơn là thời 1920 (Mụ Dinh ca), và nếu không có những nghệ sĩ Cải Lương đoạt giải Thanh Tâm (1960) thì chắc là tôi cũng ghiền cô Năm Cần Thơ (1940) rồi. Vậy là người sau hay hơn người trước sao? Không hẳn vậy. Mình thích kiểu nào thì cái đó là hay. Một số bô lão cho tới năm 1980 vẫn còn thích giọng ông Năm Nghĩa.

Danh Ca Chim Hoạ Mi. Cô Năm Cần Thơ (phim tư liệu).

Bản này thu âm tệ quá, so với kỹ thuật bây giờ. Giọng ca gần trăm năm trước của cô Năm nghe cũng “quê” hơn các danh tài sau này, nhưng cái kiểu mộc mạc chơn chất này mới gợi cho tôi đúng hình ảnh miền quê Nam ngày xưa. Giọng các danh ca Cải Lương thời 1960 thì lại là hình ảnh của Sài Gòn. Tiếng đờn bầu trong tâm tưởng của tôi cũng vậy, không ngân vang lộng lẫy mà nhỏ nhẹ chơn chất, ăn ý hoà đồng với các bạn tranh, kìm. Tiếng đờn xưa nào cũng không có những kỹ thuật cầu kỳ, như thể người đờn chỉ lo nắn nót hoa mỹ từng chút các dấu hỏi, dấu nặng. Những tiếng nước hồn nhà đó dường như thuộc về một thời nào đó rất xa.

Chớ bộ nhạc bây giờ chẳng phải tiếng nhà hồn nước hay sao? Thế giới mà còn thay đổi chớ nói chi là mấy bản nhạc. Biết vậy thì phải vui vẻ mà chấp nhận thôi, nhưng tôi cũng như hai ông thầy của mình, không tránh khỏi cảm thấy lạc lõng. Họ ở ngay Sài Gòn chớ đâu, nên chứng kiến đổi thay từng ngày, trong suốt hơn nửa thế kỷ. Còn tôi, một người đi xa về, càng thấy ngỡ ngàng lúng túng, như vừa đi ngang đường xưa lối cũ của mình mà tìm đường vô nhà không ra, chỉ biết tần ngần đứng đó, nghĩ xem nên làm cái gì bây giờ đây?

Đờn Bầu Trong Tâm Tưởng

Nghĩ tới nghĩ lui riết rồi tôi mới viết hồi ký đờn bầu này. Ban đầu chỉ có ý định tìm cách phục chế ‘đờn xưa đã khuất’, sau lại muốn chia sẻ thêm các kinh nghiệm về việc dạy và học đờn Việt.

Nhiều bạn trẻ rất muốn biết bí quyết về cung bậc, mong chạm đến cái hồn cốt của âm thanh, nhưng họ thường chỉ lo nấng níu ở những bản đờn rôm rả bay bướm. Nếu chưa cảm nhận được sự ngọt ngào của giai điệu mà đã lo nắm níu cái bề nổi, là những tiết tấu rộn ràng và lối xếp chữ nhạc cầu kỳ điệu nghệ, thì cũng giống như làm nhà mà xây móng chưa vững đã lo dựng cái mái chạm trổ đầy hoa văn. Nhiều người cứ đi lang thang như vậy tới vài mươi năm, nghĩ là mình đờn rất hay, và rồi cũng hấp dẫn thêm vài thế hệ nữa. Có bạn lại rất coi trọng những bản đờn căn cơ từ các “môn phái chánh tông”, mê ngón nghề của các bậc thầy danh tiếng: Mới vô học vài tháng là đã muốn đờn ngón của cụ Vuỹ Chỗ rồi! Chỉ muốn ‘đúng chữ’ của danh cầm, chớ không để ý là âm thanh mình làm ra đã chẳng có chuyên chở được bao nhiêu hồn nhạc Việt mà còn lạc quẻ và phô dây. Rất ít ai chịu nghe kỹ tiếng đờn của chính mình, mà có nghe cũng khó mà biết là đúng sai chỗ nào.

Chỉ bắt chước ngón đờn của ông thầy thì không đủ: Cái hồn này nằm 10 phần trong tiếng ca, tiếng đờn bầu tuyệt hay mới có thể nhái được tới cỡ 7 phần, tiếng đờn tranh thường rụng rơi gần một nửa. Bạn muốn hiểu tường tận cội rễ của hồn nhà thì hãy thử thuộc bài ca rồi khảy trên đờn bầu xem: Chân phương hay giai điệu cũng là ở đấy. Đờn được cái ấy trước đã rồi hãy hoa lá sau, như vậy mới rung động được lòng người. Nếu tiếng đờn của bạn không có nhiều người thích thì đừng nghĩ người ta không biết nghe, có thể là do bạn bị phô dây hay lạc bậc sao đó.

Đâu phải ai cũng học nhạc bằng cách luyện nghe trước? Cũng đâu cần phải học đờn bầu thì mới giỏi? Đúng rồi! Đây chỉ là kinh nghiệm của riêng tôi: Không cần cho tất cả nhạc khí, nhưng rất hiệu quả với cây đờn một dây. Tôi chắc chắn rằng: Đờn tranh chênh phô chút đỉnh cũng được châm chước, nhưng ai muốn chơi đờn bầu hay thì phải diễn ra được cao độ đạt mức “chín muồi”. Vì tiếng đờn này là tiếng ca, mà ca không chuẩn thì đâu có thể thành ca sĩ được!

Truyền thống nhạc Việt luôn gắn bó với lời ca, tiếng đờn là để nâng niu cho giọng người, khi kết hợp cùng nhau mới chuyên chở hết khả năng ghê gớm của văn chương. Những lời tự tình bay bổng đâu đó ngoài không gian mang đầy xúc cảm đã dẫn dắt tôi vô thế giới của âm thanh. Có cô bạn cũ từng học đờn bầu không tin chuyện tôi không học mà lại đờn được, nên phải kể kỹ như vậy để bạn hiểu. Trường Quốc Gia Âm Nhạc xưa có môn Ca Xướng Ba Miền, nhưng tôi chưa được học ngày nào thì những môn ấy không còn được dạy nữa. May là tôi đã có cái kho lưu trữ từ Ngôi Trường Chung Cư, tình yêu tiếng tơ cung nhạc đều chứa trong ấy.Thành cô giáo dạy đờn tranh rồi tôi mới có dịp rờ vô cái cọng dây đơn độc này, chính lúc ấy mới thấy lợi thế của chuyện biết ca hát, cứ ca sao thì đờn vậy. Tôi thích nắn nót một âm thanh qua nhiều cung bậc: Không được hoa lá cành, không nhiều lời thừa thãi, chỉ cần ra được giai điệu chính là đủ hay rồi. Mỗi lần cầm cái que lên khảy là tôi cứ để mặc cho tiếng đờn tuôn chảy, không cần chú ý đến kỹ thuật đặc trưng hay thủ pháp gì cả. Thấm được âm điệu rồi sẽ thấy đờn bầu còn dễ chơi hơn các cây đờn Việt khác.

Nguồn Cảm Hứng Vô Tận

Có lẽ chính chuyện ‘thương’này đã dẫn dắt tôi trở thành người như ngày nay. Từ bao giờ không rõ, khi nắm ‘hơi điệu’ trong giọng ca là tôi đã lưu giữ vô bộ nhớ cả một kho vô tận, ẩn chứa trong đó là lý thuyết về âm luật và vô số mẫu câu nhạc (patterns): Một nguồn cảm hứng để sáng tác không bao giờ vơi cạn. Nó kích thích tôi phải làm ra cái bản nhạc riêng, đặng đờn cho đã tay thôi chớ không có tham vọng gì khác. Làm cô giáo dạy đờn cứ tới lui mấy bản với trò nhỏ riết, có lúc tôi bỗng lo cái “nghề” nó đứng ỳ một chỗ, nên cũng ham cái việc ‘sáng chế’. Bắt chước nhái được giọng ca đã là thích, biết bỏ tiếng ca vô ngón đờn thì thích hơn một xíu, đến khi nghĩ ra được bản nhạc (mới toanh) thì càng thấy đã hơn nữa! Cái này có thể kêu là ‘từ thương mà vươn tới tham’!

Tiếng Việt mình nói lên là đã giống như hát: Tôi làm nhạc chỉ giản đơn như cầm bài thơ lên ngâm đại ra hơi này hơi kia mà thôi. Đờn hay ca, hay viết nhạc, tôi đều có cảm giác chỉ là nói tiếng mẹ đẻ, nói một cách tự nhiên thông thạo, rõ chữ tròn vành những dấu giọng sắc huyền hỏi ngã. Âm điệu trong những câu hát mang mang vô tận như đã thành tiếng lòng của mình, mở miệng ra là có thể lưu loát, trôi chảy. Khi viết hay nghĩ ra một câu nhạc, tôi cũng có cảm giác y như thế: Chỉ như tôi đang lập lại một câu nói, phản xạ từ trong vô thức, rất xa xăm.

Biết mê bài ca, cảm được sức mạnh của nó, vậy mà không hiểu sao cuối cùng tôi lại theo con đường sáng tác nhạc không lời. Thiệt là thất bại! Vì người mình có mấy ai thích nghe thứ này đâu. Bạn tôi nói “Hổng hiểu gì ráo!”, “Bản này ca làm sao?” Nhạc gì mà hông có lời! Trở lại đâu có được, quá muộn rồi! Vì từ khi phiêu du trong thế giới không lời, tôi cũng thương luôn thứ âm thanh trừu tượng - kỳ bí - không từ ngữ này. Thương, vì nó giống giọng đờn bầu, chan chứa những lời ca mơ hồ không thành tiếng, luôn ẩn hiện những buồn vui rất đời thường và bình lặng.

Cô Đơn Như Tiếng Đờn Bầu

Kể chuyện đờn bầu nãy giờ chắc ai cũng tưởng tôi ham tập luyện dữ lắm, mà thiệt ra là không có. Sở hữu tới 9 cây đờn một dây lận, nhưng có rảnh đâu mà đờn! Cũng tại tham thứ đờn nhiều dây: Cao có hơn mét rưỡi mà vác hết cây 22 rồi tới 25, cũng thấy chưa đã tay nên thử luôn tới 29 coi nó kêu ra sao. Thiệt là quá ể! Gánh mớ đờn này nặng kí mà cũng nặng vía quá hay sao á ta, nên ê sắc (…ế) luôn. Bởi vậy không ít người đồn tôi là “gay”. Người ta chê, đờn thì ô-kê, mà hễ lên sân khấu là như bún ế, mặt quạu đeo! Có bạn còn nghĩ rất ngộ, “Bà Hiền bả kiêu hãnh vì cái nghèo của bả!” (ý là nghèo mà đờn giỏi nên làm phách?). Cô giáo Ngọc Châu cũng cười tôi, không biết bồ của Hiền là ai đó nghen. Bạn Hồ Thụy Trang thì chọc: “Nhìn chị Hiền trên sân khấu thiểu não giống thất tình quá!” Tình đâu mà thất hả trời! Tới 34 tuổi cũng chưa có được một mảnh vắt vai. Người ta tưởng tôi bị chai, lo đờn chớ hông biết mê trai. Trai không mê thì mê ai?! Nhưng đâu phải mê mà trời cho đặng thành. Anh nào thả thính mình cũng lạnh tanh, sơ tuyển mấy anh, mà chắc thấy nhà tranh hông khá lại đông quá nên họ xanh mặt chạy nhanh hết ráo. May là cuối cùng mình cũng gặp được một ông kỹ sư đào mỏ, mà ổng chỉ đào trúng cái mỏ đờn. Của cải hai người gộp lại thành cái bảo tàng nhạc cụ mini:

         Tủ áo có sáu tranh to
Gầm giường là cả một kho đờn bầu

Hồi mới bắt đầu thử đờn bầu, tôi nói với ông thầy dạy đờn tranh: “Lẽ ra em phải theo nghề đờn bầu, lộn đường rồi thầy!” Viết tới đây bỗng giựt mình: Nói là không chơi đờn bầu nhiều, nhưng hình như mình đã mang hồn của nó rãi ra khắp cùng rồi. Kiểu nắn nót tỉ mỉ này dường như hiện ra đầy trong nhạc của tôi, chính là biến thể của những tiếng ca được nghe hồi nhỏ chớ đâu nữa! Vậy mà giờ mới nhận ra. Té ra đờn gì rồi tôi cũng biến ra thành tiếng giống đờn bầu, thứ âm thanh cô đơn, có một mình. Mấy bản Tâm nhạc chậm rề rề, đúng là như nhái giọng đờn bầu rồi dán vô cây tranh 29 chớ còn gì nữa! Bản sông nước chầm chậm nổi giọng hò ơ không nói làm chi, tới bản con ngựa chiến phi nhanh như gió mà cũng nghe có tiếng người ca: Nhà nghiên cứu nọ nói tôi “làm xiếc”, một bạn già thì chê “hông có hồn chút xíu nào, chỉ là khoe kỹ thuật”, nhưng cũng có nhiều bạn thích lắm. Có lẽ họ hiểu được tư tưởng của tác giả qua tình tự của tiếng độc huyền nằm lót đầy dưới móng ngựa. Khen quá té hen, nghe chê mới phê.

Năm tôi 21 tuổi, thầy tôi nói, “Em theo nghề này rồi sau này sẽ đứng riêng một mình một cõi, không đứng chung với ai hết.” Ông thầy hay ghê! Thiệt là ứng nghiệm. Đứng riêng ra thì có hay ho hãnh diện gì đâu? Hơi buồn, nhưng đỡ bận tâm. Người ta đàm tiếu: “Hiền không chơi với ai, nên nhạc của bả người ta sẽ không có thích đâu!” Đâu phải tôi muốn rời xa bạn bè, chỉ tại lỡ tham lam ôm đồm, đành phải bớt ba hoa để đủ sức khám phá những tiếng ngân nga. May ra sau này có bạn trẻ nào ưa mà bắt chước nhấn nhá như mình là đủ mãn nguyện.

Tôi thích những lúc được một mình, cô đơn như tiếng đờn bầu, tự do lang thang trong vườn cây trên núi để hưởng những phút giây thư giãn, lắng nghe cái đẹp của đất trời, cảm nhận rõ cái vô thường trong thiên nhiên là như thế nào. Tự dưng hiểu ra được những khái niệm trước giờ vẫn mù mờ: Vô ngã vô biên, và vô thủy vô chung bỗng thấp thoáng ẩn hiện trong tâm. Nhìn về quá khứ bỗng thấy tương lai trôi đến, nhưng tất cả chỉ chớp lóe trong giây lát rồi lập tức trở thành khói sương mờ ảo như trong giấc mộng phù du.

Tôi cũng thích ngồi mơ màng để cho ngón tay phiêu lưu với những câu dạo, bắt đầu bằng một âm rung đơn độc rồi không biết sẽ kết về đâu. Khi toàn tâm ý lắng lòng trong những tiếng đờn chậm rãi, tôi có thể thoả trí tò mò khám phá những rẻo âm thanh uốn lượn ngoằn ngoèo này xem sao. Những nét hoa mỹ rất thanh mảnh nhẹ nhàng mà có vẻ sắc bén như dao, có thể đào sâu len lỏi vào những ngõ ngách trong tâm hồn mình, gọt đẽo hết những mảng rối bao bọc tâm trí để nhìn thấy rõ mình ở trong đó.

Sanh ra nhằm ‘xứ sở đờn bầu’ nên mình mê rồi mơ rồi vương cũng phải thôi. Đâu có bỏ nghề được. Cũng như con tằm ôm cọng tơ cho tới khi vô nồi nước sôi. Là do trời sinh ra thế, chớ con tằm nhỏ téo như vậy làm sao biết mê cái chi. Tại mình đa mang lãng mạn mơ mòng quá nên bị rối bòng bong, đâm cực. Nhớ lần đi đờn một chỗ có nhiều nhạc sĩ Úc nổi tiếng, ông kia khen nức nở: “Cây đờn một dây này quá độc đáo! Chị sẽ đi khắp thế giới với nó!” (ông nhạc sĩ này nghe tôi đờn tranh hoài mà không khen được nửa câu). Tiếc là sau đó tôi nghỉ biểu diễn luôn vì mắc ôm mấy cây đờn tranh quá bự.

Chồng tôi nói một hơi: “Nghe nói có bản đầu tay say lòng người, để đời được rồi mà? Phải mà ngưng liền ở đó thì đỡ khó rồi, chỉ cần mó vô cây đờn một dây là được khỏe thây. Khuân vác cũng nhẹ xác. Đờn có mấy dây thì bà cũng chây ra đầy tiếng đờn bầu. Tham nhạc, mà bạc cả đầu!”

Quở đúng quá, nên tôi giả bộ làm ngơ, nhưng mặt mày xụi lơ. Cũng tự mình thôi. Đã thơ thẩn mộng mơ mà còn nợ thêm cái đường tơ. Cho nên mới bơ phờ tới giờ! Thấy mặt tôi một đống như con chù ụ, ổng còn xỉa thêm một nhát nghe mà mất vía: “Các vị nghệ sĩ sao hay tự ví là tằm thế nhỉ! Bà có bị luộc chín rút ruột dệt lụa đâu mà rầu? Tơ thì nhả được nhiêu hay nhiêu, muốn ngưng giờ nào cũng được mà!”

Buồn Vui Mấy Chuyện Đờn Bầu

Nhiều người Việt ly hương nghe tiếng đờn bầu là thấy nhớ nhà, nhưng có một cô bạn tôi lại tâm sự: “Tui phải tránh nghe bản đờn bầu Ru Con. Vui thì không sao, chớ khi nào giận chồng mà nghe đờn chắc phải khóc. Tại sao mình phải chịu đựng như vậy? Tui cũng không muốn con gái mình bị nhiễm, nó đâu có sinh ra ở Việt Nam mà phải hứng chịu nỗi buồn của tổ tiên?” Bạn tôi cũng sinh ra ở Sài Gòn, học nhạc Tây từ nhỏ, đến tuổi 60 mới thử nghe Ca Huế, cô thấy thứ nhạc này thê lương nặng nề mệt mỏi, “Nghe mà bủn rủn cả người. May là tui không ở Huế!” Còn tôi có thể nghe cô Diệu Liên ca từ sáng tới tối không biết chán. Cho nên bạn tôi học piano mười mấy năm rồi đổi nghề, kiếm tiền như nước, còn tôi suốt đời cứ lui cui nắn mấy cọng dây đờn.

Nam Ai-Nam Bình (Diệu Liên ca).


Tứ Đại Cảnh (Diệu Liên ca).

Ba má tôi giận nhau suốt 5 năm, khi tôi còn ở trong bụng. Chắc do vậy mà tôi rất nhạy cảm với cái bể sầu thiên cổ muôn thu. Chắc là cũng bị nhiễm thêm cái sóng âm u từ hồi về ở chung cư (mới 10 tuổi), vì cứ nghe mấy cô đào thương nỉ non nức nở. Người ta buồn một thì mình buồn mười. Thời chuẩn bị đi biểu diễn nước ngoài, tôi tập vừa đờn tranh vừa ca bản tủ Nam Xuân qua Nam Ai. Ca bản trước không sao, qua tới Nam Ai ngay chỗ Tô Huệ ca “Từ chàng đi, biệt tin đợi chờ” là má tôi chê liền: “Con gái chưa có chồng mà ca cái gì vậy, nghe....xui! Có bản nào vui hơn không?” Làm mất hứng ghê! Lòng dạ đâu mà ca với hát nữa. Thiệt ra nghe má hù mình cũng ngán (sợ ế chồng) nên phải bỏ bản ruột để qua Tứ Đại Cảnh cho nhẹ nhàng hơn.

Nam Xuân (Kim Thanh ca).


Nam Ai (Kim Thanh ca).

Rất nhiều người nói là tiếng đờn bầu buồn, khó mà cãi. Người ta còn nói, “Nhạc buồn nghe mới hay!” Mấy anh bạn tôi từ 40 năm trước còn kỳ cục hơn, đờn tranh nhiều dây réo rắt vui tươi thế mà họ cũng nghe ra là buồn. Tôi phải ra sức giảng giải về hơi Nam hơi Bắc: Như vầy thì là vui đây nè, rồi tôi đờn Lưu Thủy Huế. Nhưng ảnh cũng nói là “nghe hông có vui gì hết trọi!” Ủa, vậy là ổng mang đi so với nhạc kích động Hùng Cường-Mai Lệ Huyền chắc? Tức mình, bèn thử đờn luôn bản Xang Xừ Líu, chừng đó mới thấy ảnh gật gù khen vui. Tôi nghĩ bụng, ông nội này chắc là con cháu của Liễu Thăng rồi!

Chuyện buồn vui này có nói cả tháng cũng chưa hết: Không ít người viết sách báo tả là nhạc Việt buồn quá, họ viết (khống) là do ảnh hưởng nhạc Chiêm nên nghe như là tiếng than thở của một dân tộc “mất nước”. Thiệt là khéo “đặt chuyện”! Những người từng nhai đi nhai lại ý này đã có nghe nhạc Champa xưa bao giờ chưa mà dám viết (và phát ngôn) như thế nhỉ? Bản Bình Bán Vắn tôi mần cho hai em nhỏ hồi 1988 dzui gần chết mà mấy bạn trẻ quen nghe nhạc Tây chê giống nhạc đám ma. Cô bạn còn nói móc: “... nhạc dân tộc của bà đó Hiền!” Chỉ là nhạc của tôi thôi sao? Còn bạn là ai mà lớn lên trên đất này? Nghe vậy lòng tôi u sầu còn hơn là nghe đờn bầu.

Mà tiếng đờn bầu nó buồn thiệt! Cái buồn ru hồn người nhứt là những âm rung dằn rồi luyến lên dịu nhẹ trong đờn Huế; là tiếng rung Xang ngân nga não nuột giống giọng ca của cô Hồng Nga; hoặc chữ Xảng, chữ Xể phải giựt nhẹ cái cần đờn để nhái cho rõ các dấu hỏi, ngã: Những rung động này đã kết hợp với âm thanh để biến thành biết bao giai điệu độc đáo đầy màu sắc và bản sắc riêng của dòng giống Việt. Đâu phải chỉ là giọng hát câu ngâm hay lời ru của mẹ, mà còn là giọng thì thầm của kẻ yêu đương, là tiếng quốc gọi nức nở buồn thương, là tâm sự trăn trở của bao kiếp đời tha hương lãng bạc, trôi dạt lưu lạc từ Lạng Sơn tới tận Cà Mau. Những âm thanh đơn chiếc, chỉ từ một sợi dây mà chất chứa biết bao nỗi niềm u uẩn của hồn nước, hồn nhà.

Đó là tôi viết ra như tôi nghĩ. Nhưng ông xã tôi không đồng tình, ổng lại thấy tinh thần thư thả, sảng khoái mỗi lần nghe đờn bầu Ru Con. Ổng lý luận cũng đúng: “Cái đẹp tùy thuộc vào đôi mắt của người thưởng ngoạn!” Màu sắc của một vật thể không tự nó là như thế, thực ra chỉ là màu của ánh sáng mà vật đó phản chiếu lại vào mắt người nhìn. Mà khả năng phân biệt màu sắc của mắt mỗi người lại có độ chênh lệch nhất định.

Đúng là người ta có thể cảm nhận nhiều cách khác nhau khi nghe cùng một bản đờn. Một nhạc trưởng nổi tiếng thế giới khi nghe ông xã tôi đờn Tứ Đại Cảnh đã nói: “Nét nhạc này như diễn tả hai người đang vuốt ve nhau!” Cảm nhận chuyện buồn hay vui trong tiếng nhạc có thực sự chỉ do tâm lý người nghe không? Vậy thì con cô bạn tôi có nghe bản Ru Con đó cũng chưa chắc phải hứng chịu buồn thương như má nó nghĩ. Bản Vọng Cổ đâu có vui, vậy mà cụ Văn Hường ca nghe thiệt là mắc cười! Vậy vui hay buồn cũng có thể do từ lời ca mà ra.

Ông chồng tôi chỉ thấy “hết vui” khi nghe những lời ca than thở, “Chớ còn tiếng đờn nó trung tính, không buồn cũng không vui”. Này là do ông xã tôi hơi “thiếu tình thương”, hay tại kiếp trước ổng là người xứ khác nên hổng có cảm giác về ‘nhạc dân tộc nước nhà”?! Chắc tại ông học kỹ sư trước rồi sau lại hành nghề nhạc nên có suy nghĩ “khoa học” hơn tôi? Thiệt là đồng sàng dị mộng! Hay là do tôi bị nhiễm ý tưởng của kỹ thuật hoa mỹ truyền thống (khi học đờn tranh) “vui rung La Mi, buồn rung Đô Son”?

Tôi nhứt định cãi: “Bản Nam Ai đầy chữ Xang với Xảng, người ta rung nhấn nghe như tiếng khóc nức nở thế mà kêu không buồn à?”. Ổng cười, “Vậy chứ bà coi bản Vọng Cổ kìa, mấy nghệ nhơn hòa tấu guitar điện với đờn tranh gắn EQ chạy chữ rôm rả, nghe tươi tắn hào hứng quá xá cỡ! Buồn chỗ nào đâu?”. Nhắm lý sự hổng lại nên tôi nói xuôi, “Cái buồn thời nay nó đã đổi rồi ông ơi!”

Nghệ sĩ mà sợ buồn thì không làm nghề được. Buồn thì chịu thôi chớ biết sao! Tôi không sợ, vì quen buồn từ nhỏ rồi, còn ông xã tôi có căn tu nên nhìn mọi việc với tâm tĩnh lặng: Buồn hay vui cũng như một dòng sông khúc trong khúc đục, trời hết mưa lại nắng, có gì mà lo! Nghệ sĩ thường thấy mưa là thuộc gam buồn, màu nắng mới vui; nhưng ông nhạc sĩ nhà tôi lại nói, “Mưa mới vui, tốt cho mùa màng ruộng lúa”, “Không mưa thì nước ở đâu mà xài?” (Thiệt là không giống ai!). Cho nên ổng là người mần nhạc mới kiểu hậu hiện đại, còn tôi luôn mơ màng tới việc làm ra loại nhạc có đậm âm hưởng Việt (tức là nghiêng về nhánh ‘Nam’, là ‘buồn’).

Nghĩ lại thấy ổng nói cũng có lý: Giờ nghe lại bản nhạc đầu tay của mình, tôi không cảm thấy chan chứa buồn thương như hồi nó mới ra lò nữa, chỉ thấy hình ảnh một sông quê mênh mông, gió thổi rạt rào êm ái. Tưởng đâu giọng hò nó làm cho mình buồn, mà thiệt ra ngược lại, là tại tôi đã làm cho nó buồn hơn là chính nó. Ngày xưa tuổi mới lớn đương mơ màng chuyện tình yêu (mà hông biết yêu ai) cho nên khi nghe một âm thanh vuốt nắn thì tưởng chừng như trong đó có ẩn những nỗi niềm ray rứt u uẩn. Giờ đây tôi đã là một bà già biết an ẩn tịnh tâm, nên cảm giác của mình đã thay đổi: Cũng dùng hơi Nam để làm nhạc, chất liệu nhiêu đó chớ có khác gì đâu, mà lại thấy ra một thứ nhạc bình lặng. Thiệt ngộ. Chẳng lẽ “Người vui cảnh có buồn đâu bao giờ”? Đúng là: Bon chen bể khổ mịt mờ, định tâm mới rõ bến bờ chân như.

Bạn nào đương buồn mà đọc xong đoạn này chắc sẽ thấy vui hơn.

Làm Thân Cỏ Dại

Hơn 40 năm trước là đã có người nói tôi sao mà “hoài cổ” quá! Có cô bạn ở rất gần khu nhà tôi, cũng nghe từng ấy thứ âm thanh, nhưng lại hoàn toàn không có cảm giác gì giống tôi, cô chỉ mê nhạc ngoại quốc lời Việt.Tôi chợt nghĩ: Cảm thấu được tiếng lòng của đờn bầu phải chăng chính là người đã trở lại xứ này từ bao kiếp cũ? Tôi biết không phải chỉ có mình tôi, nhiều người đã trở lại xứ này để có lúc tình cờ nhớ về những âm thanh quen thuộc cõi xưa. Từ nhỏ tôi đã cảm nhận được dễ dàng âm luật và sự đặc sắc của từng giai điệu, tựa như thấy rõ màu sắc xanh đỏ vàng tím; tôi lại có giác quan đặc biệt, phân định rõ ràng từng vi cung rất nhỏ, cái cao độ đặc trưng của nhạc Việt mà người ta hay lý luận sai là “non, già, lờ lợ”. Và còn nhiều điều lạ lùng nữa, tôi tưởng tượng đó như là những gì rất đẹp và tinh tuý của nhạc Việt, đang nhanh chóng mai một cùng thời gian và cùng với tuổi đời của tôi. Tôi tự hỏi, mình là ai, từ đâu đến đây? Nợ duyên gì? Mà để mỗi khi lòng tơ tưởng đến những âm điệu ấy thì lại như bức tranh được bàn tay ai đó tô tạo thêm cho một nét, đầu cọ dẫu đã cùn mòn theo thời gian mà màu xưa chưa bao giờ phai nhạt. Không chỉ có mình tôi đâu, tôi biết. Có những bạn trẻ tuổi như Kha, và trẻ hơn Kha nữa, họ cũng sẽ trở lại đất này; tạo hóa sẽ sắp đặt sao cho họ có thể cầm lại cây đờn và cất lời ca ru hồn, để mê hoặc thế hệ sau và thế hệ sau nữa.

Nhiều bạn đờn thường tự hào về ưu thế gia tộc ba bốn đời nhạc sĩ, nhưng tôi luôn tự hiểu: Mình chỉ là một loài cỏ dại đã vươn lên từ kiếp sống bình dân ở chung cư, trong một khu vườn âm thanh tự nhiên của đô thành hoa lệ. Vườn nhạc đầy hoa trái này hợp điệu hòa thanh cùng với giọng ru con của má tôi, đã giúp tôi dưỡng nuôi một tấm tình thâm và thẩm âm tự nhiên chân chất như suối nguồn tuôn chảy tự bao đời bao kiếp. Rồi thời gian cứ thế mà trôi đi. Nước từ vùng đất này trôi qua miền đất khác, mang theo những hạt cỏ dại, nhưng ở đâu đất cần thì hạt mới nẩy. Mà không có hạt thì cỏ cũng mọc. Đất nào thì cỏ ấy, cỏ không mọc dại, mà trời sinh ra cỏ để phục hồi và nuôi dưỡng đất. Đất cứng thì có cỏ thẳng mọc cắm sâu, đất mềm thì rễ chùm mới bám được. Sau này cỏ chết đi thì rễ thẳng vẫn ở lại hàng hàng lớp lớp giúp cho đất xốp, rễ chùm rễ gấu thì níu giữ phù sa cho đất. Loài cỏ dại là tôi lại tiếp tục nhả lại cho đất, cho trời, cho những tâm hồn đồng điệu chút mật ngọt chắt lọc từ hương lá, nhụy hoa quanh mình, và sẽ lại nằm làm phân bón cho những chồi non khác tiếp tục vươn lên.

         Vì sao mắt ở gần mi
Vì sao tóc lại mọc ngay đỉnh đầu
         Vì sao rừng đước vững sâu
Rễ thân chống giữ bền lâu cho đời
         Chở che sóng dữ biển khơi
Bão rung không chuyển gió lay chẳng sờn
         Trụ mầm tự nẩy sinh tồn
Đời đời đất mặn bám hồn nước non.


Hình 3. Rừng đước Việt Nam.

Một Duyên Hai Nợ Ba Tình

Hồi tưởng lại những ngày thơ mới thấm hiểu công dày của tiền nhơn. Biết bao thế hệ đi trước đã nuôi dưỡng lời ca tiếng nhạc và cho đi với tất cả tình thương, tôi mở lòng đón nhận và lại mang đi cho, để tiếp tục vòng luân chuyển, mong là sẽ lưu giữ được phần nào hồn nhạc cho những thế hệ đi sau. Tôi hiểu là mình may mắn được lớn lên trong thời hưng thịnh của nhạc truyền thống. Tưởng đã được giải nghệ sống đời ẩn dật, vậy mà giờ đây thấy mình vẫn đang còn bịn rịn chút tơ lòng năm cũ. Bây giờ “chiêm bao lẩn khuất bên mình năm canh”, đêm thường ngủ không yên giấc, vì cứ lo nhớ chuyện đờn tranh rồi lại đờn bầu, bảy cung đều với sáu câu xang hò! Đúng là tóc đã bạc rồi mới thấm hai chữ duyên và nợ. Là duyên mà nên nợ, là nợ mà cũng đầy là những tình, cái tình nồng đượm của những khi nếm trải cảm giác ‘thăng hoa’ cùng âm nhạc. Cám ơn các nghệ sĩ và các bậc thầy đã để lại cho đời giọng ca tiếng đờn, làm cho tôi mê mẩn, mê riết rồi thành cái nghiệp. Tiếc là ngày vui ngắn chẳng đầy gang, vừa mới lanh chanh tóc xanh đã bạc.

         Ngày thơ mơ mấy cung tơ
Vương mang đến lúc lơ thơ bạc đầu
        Mơ hoài mơ mãi về đâu
Trong mơ lạc đến ruộng dâu hóa tằm
        Tỉnh hồn nhớ lá dâu xanh
Ngẫm thân trăm mối bần thần ngẩn ngơ
        Lá ơi lá có mộng mơ
Sao tằm ăn phải nhả tơ không dừng?

——————————————————————

(Hết phần 1)
Xin đón xem Tùy bút Đờn Bầu Năm Xưa 2: Có mới nới cũ