Nhà báo Đặng Văn Nhâm - Con người & Tác phẩm

Đỗ Bình


GS Đặng Văn Nhâm - Nhà báo Mạc Kinh - Nhà thơ Đỗ Bình

Vài nét về Nhà báo Đặng Văn Nhâm:

Nhà báo Đặng văn Nhâm sinh năm 1933 tại Hà Nội. Quê nội làng Hành Thiện. Ông là một ký giả chuyên nghiệp, vào làng báo từ đầu năm 1950 với nhiều bút hiệu. Cựu chủ nhiệm báo Tiến. Ngoài ra ông còn là một họa sĩ vẽ tranh hí họa và biếm họa cho một số nhật báo ở Sài gòn. Đồng thời ông là giáo sư Hội Họa và Việt Văn một số trường trung học ở Sài gòn.

Ngoài viết báo ký giả Đặng Văn Nhâm còn là nhà biên khảo, viết tiểu thuyết và dịch thuật.

Sau năm 1975 Ông định cư ở Đan Mạch.

Từng đảm nhiệm: Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Cựu Phó chủ Tịch VNQDĐ Hải Ngoại. Hội viên hội Nhà Văn Chiến Đấu Pháp (L’Association des écrivains combattants (AEC)).

Sinh hoạt Báo chí:

Ký giả Đặng Văn Nhâm cộng tác với tờ Bách Khoa từ những số đầu, mà số ra mắt (sau hai tạp chí Sáng Tạo và Chỉ Đạo cũng ra mắt cùng tháng 10 năm 1956) vào ngày 15 tháng 1 năm 1957. Số cuối 426 ra ngày 20 tháng 4 năm 1975.

Tác phẩm

Về các lãnh vực như biên khảo, ngôn ngữ, tâm linh, chính trị cũng như dịch thuật. Vài tác phẩm tiêu biểu:

Elementaer vietnamesisk grammatik: Việt-Nam Văn-Phạm (1978). Dansk-vietnamesisk medicinsk billedorbog (1985). Đan-Việt Đại Tự Điển (Dansk-Vietnamesisk ordbog) (1990 & 1997). Vietnamesisk-dansk ordbog (Viet-Dan, Đại Tự Điển) (1997). Stalin: Tình Ái và Chánh Trị (1998). Lịch-sử Báo Chí Việt Nam Từ Khởi Thủy Đến Hiện Tại 1861-1999 (1999). Bí Mật Hậu Trường Chính Trị Miền Nam (các quyển I, II, III. 1999 và sau này). Quyển này được Huang San và Jean Blasse cùng Oreste Rosenthal dịch ra tiếng Pháp nhan đề là Moines et Nonnes dans l’Océan des Péchés do Picquier poche xuất bản. Trận Giặc Văn Bút (2000). Nữ Nhân Ngư (2003). Ông Trời Là Ai? Tôn Giáo Là Gì? Kiếp Người Ra Sao? (Khảo luận. 2003). Giặc Thầy Chùa (Điều tra

& Biên khảo. 1999 & 2007). Hậu Trường Chính Trị Miền Nam (2006). Nguyễn Chí Thiện, Kẻ Cắp Thơ (2009). Văn Hóa Dân Gian Huyện Tam Nông Tỉnh Phú Thọ (2012). Đời Tôi (Hồi ký, 2005).

Con Người:

Tôi định không viết về nhà báo Đặng Văn Nhâm trong cuốn Con Đường Văn Nghệ sắp in này vì ông là một khuôn mặt chính trị, nhưng giữa ông và tôi có sự giao tình liên quan đến những sinh hoạt văn nghệ, nhất là ông rất quý tôi, xem tôi như một người em và tặng cho tôi cây bút Mont Blanc, ông nói:

“Cây bút này như tấm lòng của Toi để viết những điều tử tế.”

Do đó tôi viết đôi dòng về ông để nói lên chút tình bằng hữu.


Nhà thơ Đỗ Bình và GS Đặng Văn Nhâm ở W.DC.

Ở trên đời có rất nhiều thứ quyến rũ, trong đó có người thích tiền tài danh lợi, có người thích quyền lực và có người thích văn học nghệ thuật… nhưng những thứ ấy muốn đạt được không tự nhiên có, mà phải đánh đổi với cái giá rất đắt. Nhà báo Đặng Văn Nhâm cũng rất thích mọi người biết đến danh mình nên ông đã cố gắng chịu khó học hỏi, nghiên cứu để có kiến thức uyên bác, và đã viết được những bộ Đại Tự điển Đan Việt Y Khoa, Đan Việt Đại Từ Điển, Văn Pháp Đan Ngữ, cuốn biên khảo Báo Chí Việt Nam, cuốn Stalin tình ái & chính trị…vv… Những bộ sách này đã đưa tên tuổi ông đi khắp nơi. Từ chỗ thích danh chính đáng, ông bị những tiếng vỗ tay, những lời khen ngợi tán thưởng đôi khi thái quá đã xô đẩy ông xuống vực sâu!

Nhà báo Đặng Văn Nhâm nhờ có kiến thức rất uyên bác, nói thông và viết thạo nhiều ngoại ngữ nên đã giúp cho ông rất nhiều trong việc giao tiếp và nghiên cứu các tài liệu thư viện. Trong lãnh vực báo chí, ông có khả năng viết trong ngày cho nhiều tờ báo với nhiều đề tài khác nhau mà vẫn giữ được chất lượng. Ông có nhiều năm dạy trung học, trong số học trò cũ có nhiều người đã thành đạt, học vị thạc sĩ tiến sĩ.

Nhà báo Đặng Văn Nhâm có chí lớn muốn làm những chuyện đại sự, nhưng do thói quen nghề nghiệp làm báo là muốn đi tìm sự thật, và trong quá trình đi tìm sự thật ông lại hay để ý viết những chi tiết nhỏ nên dễ làm hỏng những ước muốn. Trong công việc và đời sống ông luôn đưa ra những nguyên tắc hành động, nhưng ông chỉ thích lý thuyết và dùng nó như một thứ trang sức lóng lánh làm đẹp bản thân để khoe với đời hơn thực hành! Trong mấy chục năm sống ở hải ngoại GS Đặng Văn Nhâm đã tự bỏ tiền túi của mình để đi đó đây sinh hoạt cộng đồng, mà không lấy bất cứ một xu nào của ai, hay các tổ chức hội đoàn. Hồi còn trẻ ông thích đọc văn chương Pháp và thích đọc tiểu thuyết kiếm hiệp Tàu nên bị nhiễm, thích làm anh hùng, xem đời là chốn giang hồ đầy người gian xảo cần phải loại bỏ, do đó ông thích giao du bằng hữu khắp nơi nhưng lòng hay nghi ngờ, tính tình khó đoán nên ít người muốn gần!

Năm 1992 chúng tôi một đoàn mấy chục người gồm trí thức văn nghệ sĩ ở Pháp được mời qua thủ đô Hoa Thịnh Đốn dự một đại hội về Tự Do Nhân Quyền, do một số nhân sĩ, chính trị gia Việt, Mỹ tổ chức, trong thời gian đó chúng tôi được mời vào thượng viện Mỹ. Trong phái đoàn, nhà báo Đặng Văn Nhâm với vai trò chủ tịch HĐVN Âu Châu, còn tôi là Tổng thư ký, kiêm phó chủ tịch đặc nhiệm trung ương. Buổi tổ chức đó rất trọng thể được sự tham dự nhiều yếu nhân trong chính quyền Mỹ, và sự tham dự mấy ngàn người đồng hương tại một hội trường củasân vận động. Ban tổ chức lần lượt giới thiệu từng khuôn mặt quan trọng hiện diện, đến khi giới thiệu đến nhà báo Đặng Văn Nhâm vô tình người điều khiển chương trình giới thiệu nhầm chức vụ của ông với ông Nguyễn Hữu Vị trong phái đoàn Paris, khiến ông nổi giận, lên sân khấu với thái độ hằn học mất bình tĩnh! Sau khi trở về Paris,tôi xin từ nhiệm và ra khỏi Hội Đồng ấy, để dành thì giờ phụng sự văn hóa từ đó cho đến hôm nay.

Trong lãnh vực tác phẩm:

Năm 2005 tôi sang Cali để giới thiệu cuốn biên khảo Khung Trời Hướng Vọng của GS Nguyễn Thùy, khi trở về Paris tôi có mang giúp một số sách Stalin tình ái & chính trị của GS Đặng Văn Nhâm. Sau đó Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris tổ chức ra mắt sách cho ông. Nhưng đến cuốn Hậu Trường Chính Trị và Giặc Thày Chùa (có in ở Việt Nam) ông Nhâm có nhờ chúng tôi tổ chức ra mắt sách nhưng chúng tôi đã từ chối. Tôi cho ông biết những cuốn sách này gây nhiều tranh cãi vì liên quan đến văn hóa, tôn giáo và chính trị của đất nước. Tôi hỏi ông tại sao lại viết ra trong lúc này, và có cần thiết phải viết những cuốn đó không?

Ông trả lời: “Ở xã hội tự do này, ai cấm được nhà văn không được diễn tả ý tưởng của mình qua ngòi bút? Moi, tuổi đã cao rồi, trí nhớ ngày càng kém, nếu không viết ngay, sợ mai này trí nhớ lỡ có vấn đề sẽ không còn viết được!”

Tôi nói:

“Anh không ở trong quân đội, lại viết ra những chuyện liên quan đến các vị tướng lãnh, những khuôn mặt chính trị trong lúc này đó là điều hết sức tế nhị. Nhất là anh đã xoáy vào nỗi đau chung của lớp người lưu vong chắc sẽ gây ầm ĩ trong cộng đồng!”

Nhà báo Đặng Văn Nhâm:

“Moi là thằng làm báo chuyên nghiệp nên đã theo sát thời cuộc năm xưa nên biết đám tướng lãnh tham nhũng, bọn việt cộng đội lốt sư sãi phá hoại chùa chiền, đất nước, thì làm sao mà không viết ra được!”

Tôi nói:

“Ngày trước Tổng thống Thiệu có qua Paris gặp gỡ các cựu quân nhân do các cựu Đại tá Mai Viết Triết, Châu Hữu Lộc, Nguyễn Hồng Đài, Nguyễn Phúc Tửng cùng một số cựu sĩ quan cấp úy khác là: Đỗ Cao Muôn, Dương Tấn Lợi, Ngô Tất Thái, Phan Thanh Vân (Ông Phan Thanh Vân vào đầu thập niên 60 cấp bậc Đại úy phi công, nằm dưới quyền chỉ huy của Tư lệnh phó đoàn công tác sở liên lạc là Đại úy Trần Khắc Kính. Ông Kính năm 1974 mang cấp bậc Đại tá Quân đoàn 2). Nhiệm vụ chuyến bay ra Bắc ngày đó là của Ông Nguyễn Cao Kỳ, nhưng vì ông bận chuyện gia đình nên Đại uý Phan Thanh Vân bay thế cho ông. Đại úy Phan Thanh Vân, người lái chiếc C-47 chở biệt kích MACV-SOG bị bắn rơi ở Ninh Bình ngày 1 tháng Bẩy năm 1961. Ông bị bắt làm tù binh. Trong lúc đang chờ ký kết hiệp định Paris, đại úy Phan Thanh Vân được thả, và được Tướng Kỳ đề nghị thăng thưởng cấp bậc Đại tá, nhưng Tổng thống Thiệu sợ vây cánh ông Kỳ mạnh nên đã từ chối, và đưa đại úy Vân sang Paris.)”

Nhà báo Đặng Văn Nhâm:

“Moi sang Pháp nhiều lần, năm 1972 Moi có theo phái đoàn sang hội nghị Ba Lê có gặp Phan Thanh Vân ở Paris, lúc đó anh ấy đang là nhân viên làm việc trong tòa Đại sứ VNCH. Anh Vân cho biết mới được trao trả tù binh và đi thẳng từ Hà Nội sang Paris.”

Ông hỏi tiếp:

“Hồi ông Thiệu qua Paris nói gì?”

Tôi trả lời:

“Ông ấy chỉ nói về tình hình đất nước, nhất là đừng tin vào đồng minh Mỹ.Tôi có đặt một số câu hỏi với Tổng thống Thiệu là tại sao ông không ở lại chiến đấu mà bỏ đi sớm. Tại sao ông không tử tiết để lưu danh về sau?”

Ông Thiệu trả lời:

“Tôi muốn ở lại với các anh em nhưng Người ta đã xếp đặt sẵn, bắt tôi và gia đình phải đi. Anh hỏi tại sao tôi không dám tử tiết như các vị tướng anh hùng khác, thật ra chuyện chính trị rất phức tạp và khó hiểu. Tôi cũng muốn chết lắm chứ! Nhưng người ta đâu để tôi chết. Tôi còn sống sờ sờ mà Việt Cộng vu khống cho tôi là ăn cắp 16 tấn vàng mang đi. Do đó tôi cần phải sống để nói lên sự thật.”

Tôi kể tiếp là Ông Thiệu mời riêng tôi đến họp, và cho biết tùy tôi lựa chọn: Ngày Thứ hai, dành riêng cho thân hữu, ngày Thứ ba, dành cho các nhà báo và các nhóm đối lập. Ông muốn tôi đến tham dự nhóm thân hữu vào ngày thứ hai, nhưng tôi không đến ngày nào, và kể từ đó tôi không còn dịp gặp ông nữa.

Tôi chợt nhớ năm 2005 tôi sang Cali, lên Sacramento để giới thiệu cuốn sách: Thư Cho Con, của giáo sư Trần Minh Xuân, tôi đã ở nhà Đại tá Trương Văn Đệ là cháu 4 đời của một danh thần đời nhà Nguyễn là Cụ Trương Minh Giảng, ngày trước Đại tá Đệ coi an ninh trong phủ tổng thống. Ông nói với tôi dù ông giữ an ninh cho phủ nhưng rất ít khi được gặp Tổng thống Thiệu.

Tôi hỏi nhà báo Đặng Văn Nhâm:

“Trước năm 1975 anh gặp Tổng thống Thiệu vào dịp nào? Làm sao lấy tin?”

Nhà báo Đặng Văn Nhâm:

“Sau khi người Mỹ rút khỏi Miền Nam Ông Thiệu muốn gặp gỡ các nhà báo để giải thích về tình hình đất nước. Moi là Tổng thư ký Hội Chủ Báo VN, theo cánh của Tướng Kỳ. Moi lấy tin từ các tướng tá đàn em ông Thiệu ông Kỳ”.

Tôi nói với ông Nhâm:

“Các tin tức đó chưa chắc đã đáng tin!”

Ông Nhâm:

“Moi biết chứ, nhưng con mắt nhà nghề của moi biết cách lược tin và nhận định.”

Tôi nói:

“Trong cuốn Hậu Trường Chính Trị anh đã viết, có một số người tôi đã gặp ở Paris, họ phàn nàn vì sự phóng đại của anh khi viết về họ.”

Nhà báo Đặng Văn Nhâm:

“Toi nói cụ thể ra là ai?”

Tôi trả lời:

“Điển hình như chị Lê Thị Quý cựu chủ nhiệm nhật báo Đông Phương, ông bà BS Nguyễn Duy Tài… Bà Lê Thị Quý nói rằng bà chưa hề gặp mặt anh, nên anh đâu có ở trong phòng của ông bà ấy mà biết chuyện thầm kín của bà? (Bà Lê Thị Quý lên thay chồng là Nhà báo Phan Mỹ Trúc coi tờ báo, vì ông đã bị ám sát chết trước năm 1975 ở Sài Gòn.)”

Nhà báo Đặng Văn Nhâm:

“Moi với chồng bà ấy là Phan Mỹ Trúc, là những tay chủ báo. Moi biết nội tình vụ ông ấy bị bắn nhưng không viết đưa lên báo hồi ấy. Bà Quý làm báo chỉ ngồi trong tòa soạn mà không viết bài. Muốn báo bán chạy ngoài tin tức trung thực còn phải để titre giật gân câu khách. Viết về chuyện cũ mà chỉ nói khơi khơi khó lôi kéo người đọc!”

Tôi nói:

“Dù có câu khách anh vẫn phải tôn trọng sự thật chứ?”

Nhà báo Đặng Văn Nhâm:

“Dĩ nhiên, đó là cốt lõi bài viết. Moi chỉ viết ra có một nửa, chứ viết hết thì nhiều người còn bẽ mặt nữa! Moi bỏ bớt phần của ông bà Tài liên quan đến Phật giáo. Bà vợ cũ của moi hiện nay đang ở Hawaï ngày xưa đã sinh con gái moi tại dưỡng đường Duy Tân. BS Tài kéo dài thời gian nằm điều dưỡng cả tháng để câu tiền nên moi rất ghét ông ấy! Hồi ông ấy làm nghị sĩ đã chứa chấp CS Thích Trí Quang. Moi là thằng ngồi canh Thượng tọa Thích Trí Quang cả tháng ở trước nhà BS Tài để viết bài cho báo, nhưng sau đó bác sĩ Tài phải nhờ CIA Mỹ đến đón Thích Trí Quang đưa đi, moi mới chịu thôi!”

Tôi nói:

“Viết ra một nửa chưa chắc đã đúng sự thật, cái nhìn của người làm chính trị và cái nhìn của nhà báo rất khác nhau.”

Nhà báo Đặng Văn Nhâm mượn câu châm ngôn của Đại văn hào Pháp Nicolas Boileau của thế kỷ XVII:

“Rien n’est beau que le vrai: le vrai seul est aimable!

tạm dịch: (Không có gì đẹp bằng sự thật : sự thật đáng yêu!).

Ông nói tiếp:

“Moi là một thành viên lão thành của VNQDĐ và là nhà báo chuyên nghiệp, cầm bút và sống bằng nó hơn nửa thế kỷ. Moi phải trung thực với chính moi, và đánh giá cao sự nhận xét của độc giả. Moi tin vào sự công minh của độc giả.”

Tôi nói:

“Theo tôi anh là một nhà báo nhiều hơn người làm chính trị. Anh dám viết ra những điều khó viết là thái độ cầm bút can đảm. Nếu anh chọn thế đứng như một người chứng trung thực về thời cuộc, tôi nghĩ anh nên đứng độc lập, bỏ tất cả những đoàn thể, danh tước hão. Những thứ đó chẳng giúp gì cho sự thành đạt của anh từ trước đến nay.”

Nhà báo Đặng Văn Nhâm hỏi:

“Theo toi, moi nên làm gì?”

Tôi trả lời:

“Trên đời có nhiều điều tốt đẹp cần phải viết, chẳng hạn như những sách giá trị về Con Người và Đất Nước Đan Mạch, những tinh hoa đó rất cần những bản dịch ra ngoại ngữ. Anh có kiến thức uyên bác có thể chuyển dịch ra Việt ngữ. Điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho những người Việt định cư ở Đan Mạch, cũng như người Việt ở hải ngoại muốn tìm hiểu học hỏi về Đan Mạch.”

Nhà báo Đặng Văn Nhâm:

“Toi nói đúng, moi cũng đã làm, đã soạn những bộ đại từ điển, dịch những cuốn tiểu thuyết hay của Đan Mạch sang Việt ngữ. Nhưng đây là công việc rất khó khăn và đòi hỏi thời gian. Lớp trẻ ở Đan Mạch dù đỗ đạt cao nhưng muốn làm công việc này chắc cũng phải đợi thêm một thời gian nữa mới thấu đáo được cái tinh túy của hai nền văn hóa Đan Việt”.

Trong lãnh vực Văn Bút VN Hải Ngoại:

Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại được thành lập do nhóm văn nghệ sĩ ở Paris: Nhà báo Trần Tam Tiệp, Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh, Nhà thơ Nguyên Sa và LS Trần Thanh Hiệp. Một số các văn sĩ đảm nhận chức chủ tịch Văn bút Việt Nam ban đầu: LS Trần Thanh Hiệp, Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, Nhà thơ Trang Châu, Nhà thơ Viên Linh, Nhà báo Đặng Văn Nhâm, Nhà văn Sơn Tùng, nhà văn Phạm Quang Trình… Riêng Văn Bút Việt Nam Âu Châu được thành lập ngày 27 tháng 6 năm 1987 gồm các văn sĩ ở nước Anh, Pháp, Bỉ, Hòa Lan tạm thời do các vị LS Trần Thành Hiệp làm chủ tịch, GS Phạm Việt Tuyền làm phó chủ tịch, Nhà báo Đặng Văn Nhâm làm Tổng thư ký. Đến 30 tháng 1 năm 1988 Văn Bút Âu Châu được hợp thức hóa trở thành Trung Tâm Văn Bút Âu Châu, do Nhà báo Trần Văn Ngô làm chủ tịch, Nhà báo Đặng Văn Nhâm làm phó. Đến năm 1992 nhà báo Đặng Văn Nhâm rút khỏi Văn Bút Âu Châu. GS Phạm Việt Tuyền làm chủ tịch, Từ Nguyên phó chủ tịch, Nguyễn Hòa Tổng thư ký. Kể từ nhiệm kỳ sau nhà báo Từ Nguyên được tín nhiệm trở lại chức chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Âu Châu đến sau này. Nhà báo Từ Nguyên rất hăng say trong việc điều hành Văn Bút, hàng năm vẫn tổ chức những buổi ra mắt sách. Tập Thơ Buồn Viễn Xứ của tôi cũng do ông tổ chức. Kể từ khi Văn Bút xảy ra cuộc tranh chấp tôi đứng bên ngoài, nhưng vẫn giữ tình bạn với các văn hữu khắp nơi.

Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhà báo Đặng Văn Nhâm là một trong những người Việt tị nạn ở Âu Châu viết báo và viết sách nhiều nhất, ông rất hăng hái trong sinh hoạt văn bút nên hay qua Paris và các nước khác gặp gỡ với các văn hữu để trao đổi những đề tài văn hóa và tham dự những buổi ra mắt sách. Trong giai đoạn Văn Bút có nhiều biến động tranh chấp, ông là một trong những người xông pha đi tìm các cây bút trước năm 1975 để mời họ cộng tác cho ra đời những tác phẩm hay và đẹp. Ông quan niệm phải thanh lọc lại những hội viên gồm ký giả, nhà văn nửa mùa, những kẻ viết bậy, xuyên tạc sự thật gây chia rẽ… Ông đã liên lạc với hai nhà văn cũ là nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh, một thành viên còn xót lại của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn, và một người khác là nhà thơ kiêm họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật. Chính hai người này muốn cải tổ Văn Bút Âu Châu mở thêm một Văn Bút Đông Bắc Âu Châu nữa, mục đích để phổ biến sách báo văn hóa dân tộc với người bản xứ. Ông Bà Vinh & Nhật dịp đó sang thăm Paris và ở nhà tôi, vì là chỗ quen biết cũ nên tôi được các ông bà Vinh Nhật và Đặng Văn Nhâm cho biết đều đồng ý sẽ tiến hành việc mời những người viết cũ vào Văn bút. Một tháng sau tôi nhận được thơ của nhà báo Đặng Văn Nhâm cho biết là ông bà Vinh & Nhật đã hủy bỏ lời giao ước tham gia, với lý do già yếu! Từ đó nhà báo Đặng Văn Nhâm cắt đứt giao tình với nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật và nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh. Ông là người khơi bút tấn công ông bà Vinh & Nhật trên các mặt báo. Cuộc bút chiến bắt đầu gây xôn xao dư luận, sau đó càng lúc lôi kéo thêm nhiều người cầm bút tham chiến. Nhà báo Đặng Văn Nhâm vẫn đi tìm các cây bút cũ để tiến hành một Trung Tâm Văn Bút Đông Bắc Âu Châu, và ông được bầu làm làm chủ tịch. Sau khi Văn Bút tách ra thành đôi, mỗi Văn Bút gồm nhiều trung Tâm Văn Bút ở hải ngoại, một do nhà thơ Viên Linh làm chủ tịch, một do nhà văn Sơn Tùng làm chủ tịch. Hai Văn Bút đều quy tụ nhiều cây bút thành danh năm xưa ở Sài Gòn, và những cây bút thành danh ở hải ngoại.

Để giải thích sự việc ông viết cuốn: Trận Giặc Văn Bút, nhà văn Hải Triều viết cuốn Vũng Lầy Văn Bút. Sau đó ông khởi xướng, cùng một ít nhà văn nhà báo ở Mỹ thành lập Hội Ái Hữu Văn Nghệ Sĩ Việt Nam, nhưng thất bại! Những văn nghệ sĩ ở Paris không hưởng ứng. Riêng tôi để giữ tình bạn và tính độc lập, kể từ đó tôi ra khỏi Văn Bút, và cũng ra khỏi HĐVNTD lui về sinh hoạt thuần túy văn hóa cho đến hôm nay.

Khi Văn Bút bị đóng băng vì nội tình giữa hai nhóm Văn Bút chưa giải quyết, tôi khuyên nhà báo Đặng Văn Nhâm nên rút lui trả lại Văn Bút cho những người mới. Để giữ danh dự cho ông tôi sẽ giới thiệu ông một Hội Nhà Văn Chiến Đấu (Association des écrivains combattants) của Pháp, quy tụ những khuôn mặt danh tiếng hàng đầu ở trong đó. Tôi quen với ông chủ tịch của hội này hơn 20 năm trước, khi ông còn là nhà báo. Tôi cũng giới thiệu TS Nguyễn Tấn Phước vào hội. Chính ông chủ tịch hội là nhà văn, nhà báo Michel Tauriac và TS Nguyễn Tấn Phước là hai người đã bảo lãnh cho ông Đặng Văn Nhâm vào hội. Khi ông được vào hội, ông đã chính thức rút ra khỏi Văn Bút VN Hải Ngoại và trong bản tiểu sử của ông có ghi thêm Hội Nhà Văn Chiến Đấu.


Trong Thượng viện Pháp Nhà văn Michel Tauriac, nhà thơ Đỗ Bình. Đề Đốc Philippe De Gaulle

Sau một thời gian dài văn bút VN Hải Ngoại bị xáo trộn chia rẽ, cuối cùng những người mới lên thay, văn bút được phục hoạt. Tiếng nói của những người Việt quốc gia yêu tự do dân chủ lại thắp sáng ngọn cờ chính nghĩa trong các diễn đàn của văn bút quốc tế đến hôm nay.

Trong tình bằng hữu nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật và nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh vẫn sang thăm Paris và ở chơi với chúng tôi, những lần đó tôi đều không hỏi nguyên nhân tại sao ông bà Vinh Nhật không đi chung với nhà báo Đặng Văn Nhâm. Mãi đến cuối năm 2010 nhà văn Nguyễn Hữu Nhật sang Paris ra mắt sách cuốn tiểu thuyết Hoa Đào Năm Ngoái, anh ở nhà tôi chơi một tháng, nhân dịp đó tôi đem những lá thư cũ và hỏi ông Nhật chuyện cũ:

“Tại sao anh chị cùng với anh Đặng Văn Nhâm và một ít người khác khởi xướng, muốn làm cho Văn Bút tốt hơn bằng cách mời những cây bút có tác phẩm đứng chung trong Văn bút, bỗng dưng anh chị lại thay đổi ý kiến?”.

Nguyễn Hữu Nhật tâm sự:

“Mình không thể đứng chung với những người lập trường không rõ ràng!”.

Tôi liền nói:

“Anh Đặng Văn Nhâm lúc đó đang là một khuôn mặt nặng ký trong một tổ chức chính trị là Hội Đồng VN Tự Do, trong đó có nhiều khuôn mặt cao cấp cũ của Mỹ, đồng thời anh ấy còn là phó đảng trưởng VNQDĐ hải ngoại, thì làm sao mà mất lập trường được?!”

Tôi nói tiếp: “Anh Nhâm nói với tôi là anh ấy tin anh chị nhưng vì anh chị thất hứa và chính vì thế mà anh đã viết mấy cuốn sách muốn làm sáng tỏ sự việc cho bạn đọc!”

Nguyễn Hữu Nhật:

“Sự việc là ở chỗ đó, cái đuôi là ở chỗ đó, ông Nhâm nhìn những người cầm bút theo cách của ông; còn người khác nhìn theo cách của họ. Điều đáng nói ở đây ông ấy luôn viết bài chỉ trích chính khách, tướng lãnh VNCH, đụng chạm đến tôn giáo, điều đó chẳng giúp ích gì cho công cuộc đấu tranh cho sự tự do dân chủ quê hương, mà chỉ làm lợi cho CS!”

Tôi nói: “Tôi biết anh Đặng Văn Nhâm không bao giờ là CS và chẳng có ý định làm lợi cho CS; theo như anh ấy đã từng tâm sự với tôi những điều anh viết ra những mặt tiêu cực, lem nhem về những khuôn mặt chính khách, tôn giáo dẫn đến sự sập đổ của Miền Nam mà anh đã từng tiếp xúc hoặc quen biết.”

Nguyễn Hữu Nhật:

“Tôi và bà Nguyễn Thị Vinh biết ông ấy quá nên tránh né, nhưng vẫn bị ông lôi vào sách! Tôi định viết sách trả đũa nhưng bà Vinh khuyên nên thôi!”

Tôi nói:

“Anh và Anh Đặng Văn Nhâm tôi đều quý ở tài năng, hai anh lại dùng sách báo chống nhau, tôi đứng giữa khiến nhiều lúc không biết xử thế ra sao nên đành im lặng một thời gian không liên lạc với các anh! Cũng may hai anh không để ý chuyện nhỏ nên vẫn xem tôi là bạn , tôi xin cảm ơn”.

Những Trận Bút Chiến:

Sau biến cố năm 1975 người Việt bỏ nước ra đi và đến định cư ở Mỹ nhiều nhất, với nhiều diện khác nhau: Tị nạn, bảo lãnh, đoàn tụ, diện các sĩ quan VNCH bị tù CS, diện du học sinh, diện du lịch… nên làn ranh quốc cộng vẫn là đề tài tranh cãi trên báo chí, trong cộng đồng. Nhà báo Đặng Văn Nhâm là một cây bút lão luyện về bình luận thời sự, ông cộng tác với nhiều tờ báo ở Mỹ, và các báo khác ở hải ngoại qua nhiều bài viết này lửa gây sóng gió trên báo chí, trong cộng đồng. Khi nhận xét về một người nổi tiếng nào đó ông thường đẩy ngòi bút vào ngóc ngách vấn đề để tìm sự thật, thể hiện tính chuyên nghiệp nhưng vẫn mang tính chủ quan, điều đó làm tổn thương danh dự người bị phê phán!

Trong cuộc tranh đua bút tài, nhà báo Đặng Văn Nhâm thường không nhường ai, quyết bút chiến cho đến cùng. Ở Âu Châu những cây bút lão thành như Trần Văn Ân, An Khê, Nguyễn Ang Ca, Phạm Việt Tuyền, Mạc Kinh... người thì mất sớm, người ở ẩn, người chỉ chăm lo văn hóa, xã hội, nên nhà báo Đặng Văn Nhâm không có đối thủ. Những cây bút như Duyên Anh, Phạm Hữu, Trần Tam Tiệp họ chỉ chăm lo viết sách, làm báo và giúp đỡ bằng hữu. Từ Nguyên, Tô Vũ thích làm bản tin hơn là viết những bài bút chiến. Nguyễn Đình Nhân, Đặng Phương Nghi chỉ lo viết báo Pháp. Đỗ Bình, Nguyễn Vân Xuyên, Đỗ Việt, Nguyễn Vô Kỷ, Nguyễn Đức Tăng, mải lo cho báo Lính. Lê Minh Hải chăm lo tờ Tân Dân Xã, Võ Văn Ái chăm lo cho tờ Quê Mẹ. Lê Trân Diễm Thy lo cho tờ Ngày Mới, Nguyễn Hòa lo tờ Viên Giác. Riêng Nguyễn Thị Vinh Nguyễn Hữu Nhật ngoài việc lo cho tờ Hương Xa, ông bà còn cộng tác với nhiều tờ báo ở hải ngoại. Nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật khoe với tôi ông vừa ra cuốn Sắc Không, mượn chữ Sắc Không mang chút thiền trong Phật giáo để cảnh tịnh ông Nhâm nhưng nội dung chứa toàn là đao bút. Nhà thơ nói: “Cây đao này có khi chém bay đầu người, rớt xuống đất rồi người đó mới biết là đao sắc!” Nhưng ông Nhật vẫn không phải là đối thủ của ông Nhâm, vì ông Nhật bản chất vẫn là nghệ sĩ, không thể đẩy ngòi bút hạ nhân phẩm con người.

Như câu truyện kiếm hiệp của Kim Dung, nhà báo Đặng Văn Nhâm muốn thử tài bút chiến của mình nên tìm người đấu trí. Ở Paris trong lãnh vực văn học đa số là những cây bút biên khảo và sáng tác, nhưng giới làm báo vẫn còn một người nữa chưa nhắc tên, đó là nhà báo Trần Trung Quân, ông làm báo chuyên nghiệp, ngoài ra ông còn là nhà văn, nhà soạn giả cải lương. Ông đang trông coi tờ báo Ép Phê, một tờ báo sống lâu đời nhất ở Paris. Dù nhiều lần nhà báo Đặng Văn Nhâm qua Paris nhưng chưa hề gặp mặt nhà báo Trần Trung Quân, mà chỉ nghe danh. Trong một bài viết phiếm luận, nhà báo Đặng Văn Nhâm đã châm chích về tài làm báo của báo Trần Trung Quân, được đăng trên các tờ báo Việt ngữ ở Mỹ. Để lên tiếng trả lời bài báo của nhà báo Đặng Văn Nhâm, nhà báo Trần Trung Quân đã thực hiện một số báo đặc biệt tên là: Người Cõi Trên, viết toàn những điều hư hư thực thực về gia đình GS Đặng Văn Nhâm. Ông Nhâm ngoài viết văn làm báo ông còn là một nhà chính trị, thường viết những bài ca ngợi tình quê hương, nhưng thực ra ở trên đời đối với ông gia đình là quan trọng, và quý nhất. Ai đụng vào gia đình ông là đụng vào chỗ bất khả xâm. Thế mà nhà báo Trần Trung Quân đã xoáy vào một số chuyện thật của gia đình ông rồi tưởng tượng phóng đại thêm. Ông Trần Trung Quân đem hàng trăm tờ báo đứng trước của chợ Tang Frères trong khu Á Châu, 13 Paris, liên tục một tuần lễ phát không báo cho người đi chợ và người đi đường. Người ta trao tay nhau phổ biến vì ghét ông Nhâm viết sách đụng chạm đến tôn giáo, đến những vị tướng tá VNCH. Nhà văn Trần Đại Sỹ thấy vậy phôn cho nhà báo Đặng Văn Nhâm biết, ông vội bay sang Paris đến nhờ tôi đi gặp nhà báo Trần Trung Quân giảng hòa, và yêu cầu ngưng phát hành ngay số tới.

Tôi nói với nhà báo Đặng Văn Nhâm:

“Nhà báo Trần Trung Quân không đụng chạm gì đến anh tại sao anh viết bài châm chọc anh ấy?”

Nhà báo Đặng Văn Nhâm:

“Moi đâu có biết mặt mũi Trần Trung Quân, thấy hắn viết cuốn Cụm Tình Báo A 22, Trong Lòng Địch, moi thắc mắc hắn lấy tài liệu ở đâu mà có nhiều chi tiết liên quan đến cộng sản thế?”

Tôi nói:

“Đó là tài liệu do cựu Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình Tư lệnh cảnh Sát Quốc Gia VNCH trao cho anh ấy ở San Francisco nhiều năm trước.

Anh Trần Trung Quân rất đa tài, ngày xưa là soạn giả cải lương, và cũng là một nhà văn nên sự tưởng tượng rất phong phú. Anh ấy còn là cây bút toàn thời cho tờ Tiền Phong của anh Nguyễn Thanh Hoàng. Anh Trần Trung Quân mà viết thêm, sẽ còn nhiều chuyện về gia đình anh nữa!”

Nhà báo Đặng văn Nhâm:

“Anh Nguyễn Thanh Hoàng cũng là chỗ quen biết lâu ngày ở Việt Nam. Moi cũng viết cho tờ Tiền Phong, anh em không biết nhau nên va chạm. Hãy xử thế như người xưa: Tứ hải giao huynh đệ, nên bỏ qua chuyện cũ. Ngày xưa ở Sài Gòn vì tranh chấp nhau báo, Moi với nhà văn Duyên Anh cũng đụng nhau toé lửa nhưng sau đó anh em làm hòa và đi chơi với nhau. Toi làm hòa giúp Moi chuyện này”.

Nhà văn Trần Đại Sỹ phôn trước cho nhà báo Trần Trung Quân, và tôi đã gặp ông để chuyển lời của nhà báo Đặng Văn Nhâm. Ông Trần Trung Quân đã bằng lòng giảng hòa và hứa sẽ đình bản tờ Cõi Trên.

Nhà báo Trần Trung Quân nói:

“Đó là do ông Nhâm viết bài châm chích tôi trước, những bài ông ấy viết trên sách báo tôi đọc bấy lâu nay có nhiều điều tôi không đồng ý, nhưng vẫn giữ im lặng. Ông ấy thích viết tưởng tượng thì tôi viết lại. Cảm ơn anh đã giúp giảng hòa để tránh dư luận đọc những điều khó chịu!”

Tôi nói:

“Vì thế, tôi thích làm thơ thả hồn trong cõi riêng chẳng đụng chạm ai hơn viết báo. Có lẽ đây là lần đầu tiên nhà báo Đặng Văn Nhâm phải lùi bước, và thận trọng hơn khi viết!”

Kể từ khi tôi không còn sinh hoạt chung với ông gần hai chục năm, thỉnh thoảng nhà báo Đặng Văn Nhâm vẫn qua Paris vẫn đến ở chơi với tôi. Nhưng từ khi ông trở về thăm quê hương và in sách trong đó nên ông ít liên lạc với tôi. Về trong nước ông được các bạn cũ là nhà văn nhà báo ở Sài Gòn khi xưa như nhà văn Sơn Nam, nhà báo Phạm Xuân Ẩn, GS Lý Qúy Trung… những người này ngày xưa hoạt động bí mật cho cộng sản ở SàiGòn. Khi còn ở chơi trong nước ông gọi phôn qua Paris cho tôi và nói rằng “Ông không bao giờ là cộng sản, và không thể là cộng sản được. Nếu ông có muốn trở thành người cộng sản thì họ cũng chẳng tin, muốn biến thành con mèo trong nhà để gần gũi họ thì ông vẫn là con cọp còn lòi cái đuôi. Ông cho biết những nhà văn nhà báo nằm vùng khi xưa hiện nay sống rất cơ cực, vì họ cũng chẳng được chính quyền Hà Nội tin”. Khi ông trở lại Đan Mạch, ông liền bay sang Paris nhằm lúc chúng tôi sắp có buổi sinh hoạt nghệ thuật, chúng tôi dành cho ông 20 phút nói về chuyện về đề tài: Sự Suy Đồi Văn Hóa Qua Ngôn Ngữ.

Sau nhiều năm ở xứ người nhà báo Đặng Văn Nhâm nay trở về thăm quê hương, ông đi từ Nam ra Bắc được chứng kiến và nghe những ngôn ngữ thường dùng hàng ngày là những câu chửi tục. Ông đã kể một câu chuyện tiếu lâm về chửi tục rất dí dỏm và châm biếm xã hội Việt Nam hiện nay.

Sau lần đó, có lẽ vì bận rộn viết sách nên ông ít liên lạc với tôi!

Ngày đó trên báo chí có một số ý kiến, nhận xét trái ngược nhau về nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, tôi muốn viết về ông nhưng ngại có thêm ý kiến làm tăng sự mâu thuẫn nên thôi. Tôi đứng bên ngoài những quan niệm, phán xét, tranh chấp của bằng hữu nên tôn trọng những suy nghĩ riêng của mỗi người. Khi tôi đang viết về nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, bỗng nhận được cú phôn từ Đan Mạch GS Đặng Văn Nhâm gọi cho biết, ông đang chuẩn bị viết về Nguyễn Chí Thiện vì đó là gián điệp cộng sản trá hình.

Tôi nói:

“Tôi đã gặp anh Nguyễn Chí Thiện lần đầu ngay từ khi anh mới ở Việt Nam sang Mỹ, và qua Paris, sau đó được hội nhà văn Pháp bảo trợ ở lại nhiều năm và chúng tôi gặp nhau nhiều lần. Tôi còn được nghe nhà văn Vũ Thư Hiên bạn tù ở chung Hỏa Lò với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện kể nhiều chuyện về anh ấy bị công an hành hạ cực hình! Anh chưa bao giờ gặp và tiếp xúc với anh Nguyện Chí Thiện làm sao anh viết? Tôi e rằng sự suy nghĩ của anh về Nguyễn Chí thiện sẽ có tính suy diễn chủ quan!”

GS Nhâm không đồng ý sự góp ý của tôi nên chúng tôi tranh luận cả giờ mà GS Đặng Văn Nhâm vẫn không thay đổi ý định viết. Cuộc đời của ông Nhâm gắn liền với làm báo và đảng phái nhưng không hề bị một ngày tù CS, tôi chợt nhớ đến nhà thơ Nguyễn Chí thiện mà bùi ngùi, ông Thiện là nạn nhân của cộng sản, bị tù 27 năm tù ngục tối mất hết đời trai trẻ chỉ vì hai chữ Tự do mà lại bị nghi ngờ làm gián điệp cộng sản!

Tôi ngao ngán và chán ghét sự ganh đua vì cảm thấy cuộc đời quá ngắn ngủi. Được thua tất cả rồi cũng xuôi tay chẳng mang theo được gì, do đó tôi chọn một thái độ im lặng để đừng mất thêm bạn! Để tránh gây thêm sự mâu thuẫn nhau, tôi dừng bài viết, và cũng từ ngày đó cho đến ngày nhà báo Đặng Văn Nhâm qua đời năm 2017 dù chúng tôi không còn liên lạc nhau nữa, nhưng tôi vẫn quý mến ông.