Thôn Tân Hội Tây: Từ ruộng đất hoàng tộc tới ruộng đất hoàng gia

Lê Công Lý*

Tóm tắt

Thôn Tân Hội Tây (nay thuộc xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) được Tôn Thất Chương tổ chức khai phá và thành lập vào cuối thế kỉ XVIII, đến năm 1839 toàn bộ trở thành công điền do không có người thừa kế. Đến thời Pháp thuộc, phần lớn ruộng đất thôn này thuộc sở hữu của gia đình Nam Phương hoàng hậu trước khi được cấp phát cho các nông hộ.

Do đó, Tiền hiền thôn Tân Hội Tây là Tôn Thất Chương chứ không phải Đỗ Tấn Đồng như lời truyền khẩu của một số hương chức từ năm 1959 đến nay.

Từ khóa: Tôn Thất Chương, Đỗ Tấn Đồng, Tiền hiền thôn Tân Hội Tây.

Abstract

Tan Hoi Tay village (now belonging to Tan Hoa Thanh commune, Tan Phuoc district, Tien Giang province) was discovered and established by Ton That Chuong in the late 18th century, until 1839, the whole estate became communal land due to no descendant. During the French colonial period, most of the land was owned by the Queen Nam Phuong hoang hau’s family before being distributed to farmers.

Therefore, the Tan Hoi Tay village founder is Ton That Chuong, not Do Tan Dong as the oral tradition of some commune officers since 1959.

Keywords: Ton That Chuong, Do Tan Dong, Tan Hoi Tay village founder.

Thôn Tân Hội Tây được thành lập khá sớm vì nằm ở vùng tiếp giáp giữa giồng Trấn Định thuộc đất Ba Giồng (nơi lưu dân người Việt đến từ giữa thế kỉ XVII) và Đồng Tháp Mười. Vào thời Gia Long, thôn Tân Hội Tây thuộc tổng Hưng Xương, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, trấn Định Tường. Sang triều Minh Mạng thuộc tổng Hưng Nhơn, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường. Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức vẫn thuộc tổng Hưng Nhơn. Đến đầu thời Pháp thuộc, đặt thuộc hạt thanh tra Kiến Hưng rồi Mĩ Tho. Từ 5/1/1876 gọi là làng, thuộc hạt tham biện Mỹ Tho. Từ 1/1/1900, thuộc tỉnh Mỹ Tho. Từ 22/3/1912 thuộc quận Châu Thành cùng tỉnh. Từ 9/2/1913 thuộc quận Bến Tranh cùng tỉnh. Từ 1/1/1928 lại thuộc quận Châu Thành. Đến ngày 24/10/1925, ba làng Tân Hội Tây, Tân Thành và Dương Hoà hợp lại thành làng Tân Hoà Thành thuộc tổng Hưng Nhơn, quận Châu Thành, tỉnh Mĩ Tho. Sau 1956 gọi là xã thuộc quận Bến Tranh, tỉnh Định Tường. Sau 30/4/1975 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Từ ngày 11/7/1994, thuộc huyện Tân Phước (huyện mới thành lập)[1].

Trong Địa bạ Minh Mạng (lập năm 1836) có ghi: Thôn Tân Hội Tây ở xứ Mộc Bản 木本 (Gốc Cây[2]). Đông giáp rạch và thôn Bình An (tổng Hưng Long), lại giáp địa phận thôn Long Hội Đông. Tây giáp hai thôn Dương Hoà, Phú Mỹ và giáp rạch nhỏ. Nam giáp địa phận hai thôn Tân Hội Đông và Dương Hoà. Bắc giáp thôn Phú Mỹ và rạch Chanh.

Hình 1: Trang đầu tập địa bạ thôn Tân Hội Tây, 1836. Ảnh: Lê Công Lý.

Hình 2: Tên nguyên chủ đất là Tôn Thất Chương và người phân canh là Tôn Thất Bằng trong địa bạ thôn Tân Hội Tây, 1836. Ảnh: Lê Công Lý.

Địa bàn thôn Tân Hội Tây nay là 3 ấp Tân Quới, Tân Phú và Tân Vinh của xã Tân Hoà Thành.

1. Từ ruộng đất hoàng tộc

Theo Địa bạ Minh Mạng năm 1836, thôn Tân Hội Tây thực canh thảo điền[3] 757 mẫu 7 sào 4 thước 4 tấc[4]. Đất thổ cư 36 mẫu 4 sào 9 thước 7 tấc. Đất đình 13 thước 5 tấc.

Không tính diện tích đất thổ cư, trước đợt đạc điền năm 1836, diện tích ruộng đất thôn Tân Hội Tây khai báo để nộp thuế chỉ gồm 2 sở, nhưng sau khi đo đạc thì diện tích thực canh ghi vào địa bạ tăng gấp nhiều lần. Cụ thể:

Bảng 1: Thống kê ruộng đất (trừ thổ cư) thôn Tân Hội Tây nửa đầu thế kỉ XIX. Lê Công Lý thực hiện trên tư liệu địa bạ và Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện.

Thời điểm

Số

sở đất

Hạng đất

Diện tích

Tên chủ đất cũ

Tên chủ đất

đương thời

Loại đất

Trước 1836

2 sở

Hạng 1: 1 sở

Hạng 2: 1 sở

Không

xác định

Tôn Thất Chương

Tôn Thất Chương

Quan điền

(tư điền)

Từ 1836

50 sở (757 mẫu

7 sào

4 thước 4 tấc)

Hạng 1: 3 sở

358 mẫu

5 sào

8 thước 6 tấc

Tôn Thất Chương

Tôn Thất Bằng

phân canh[5]

Quan điền

(tư điền)

Hạng 2: 47 sở

399 mẫu

1 sào

10 thước

8 tấc

Tôn Thất Chương

Tôn Thất Bằng phân canh (3 sở): 39 mẫu 9 sào 6 thước

Quan điền

(tư điền)

Các hộ lãnh canh[6] (44 sở): 359 mẫu 2 sào 4 thước 8 tấc

Công điền

Từ 1839

-

-

Tôn Thất Bằng

Các hộ lãnh canh

Công điền

Như vậy, toàn bộ 757 mẫu 7 sào 4 thước 4 tấc ruộng thảo điền của thôn Tân Hội Tây ban đầu đều thuộc Tôn Thất Chương.

Theo Đại Nam thực lục[7], Tôn Thất Chương (1771 – 1813) là con của Hiếu Võ hoàng hậu, tức chú ruột của chúa Nguyễn Ánh. Đại Nam liệt truyện cho biết, Tôn Thất Chương từ năm 15 tuổi đã vào Gia Định theo chúa Nguyễn Ánh đánh giặc, rất được tin dùng, từng thăng chức Thần sách Hữu doanh Đô thống chế, Đốc trấn Thanh Hóa. Ông mất năm 1813, thọ 43 tuổi ta, được tặng Dực Vận tôn thần Đặc tiến trấn quốc đại tướng quân. Đến năm Tự Đức thứ 5 được liệt vào thờ ở miếu Trung Hưng công thần[8].

Do có vị thế lớn như thế nên đương thời ông được ân chuẩn cho tổ chức khai hoang thành lập thôn Tân Hội Tây và làm chủ sở hữu toàn bộ đất đai thôn này theo chế độ quan điền. Tuy nhiên, trong quá trình phát canh, ông thường xuyên đi trấn nhậm miền Bắc, không trực tiếp quản lí phần đất này, nên có nhiều tá điền tự ý chiếm giữ rồi bán chuyền nhau, dẫn đến lộn xộn về sở hữu chủ. Chính vì vậy mà ngay sau khi hoàn thành việc đạc điền vào tháng 6 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Kinh lược sứ Trương Đăng Quế dâng sớ tâu bày 14 khoản đề nghị để vua xét duyệt liên quan đến vấn đề ruộng đất ở Nam Kì, trong đó có khoản thứ 11 tấu riêng về trường hợp hơn 757 mẫu ruộng quan điền của Tôn Thất Chương ở thôn Tân Hội Tây như sau: “Ở Định Tường, trước kia Tôn Thất Chương để lại 2 sở ruộng thảo điền, từ trước vẫn cho người tá canh, nửa vời, các điền hộ chuyền tay nhau bán đi; nay khám ra là 50 sở, mà dấu tích tá canh hãy còn rõ ràng thì có 6 sở đạc được hơn 398 mẫu, vẫn giao cho chủ trước. Còn 44 sở đạc thành hơn 359 mẫu, thì cho dân nhận lĩnh trước nộp thuế, liệt vào hạng ruộng công điền”. Vua cho là phải nên cho thi hành[9].



Hình 3: Khoản thứ 11 về trường hợp hơn 757 mẫu ruộng quan điền của Tôn Thất Chương ở thôn Tân Hội Tây trong Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỉ, Quyển 171, tập 11 (chữ Hán)[10]: “Định Tường nguyên Tôn[g] Thất Chương lưu hạ thảo điền nhị sở, tòng tiền hứa nhân canh. Trung nhàn điền hộ tự tương truyền mại. Kim khám thị ngũ thập sở, kì hứa tá sự tích minh bạch giả lục sở đạc thành tam bách cửu thập bát mẫu linh, nhưng giao nguyên chủ. Dư tứ thập tứ sở đạc thành tam bách ngũ thập cửu mẫu linh, thính dân nhận vi tương vi công điền”. Ảnh: Lê Công Lý.

Điều đó có nghĩa là, sau quyết định này, hơn 757 mẫu đất của Tôn Thất Chương chỉ còn giữ được hơn 398 mẫu, còn lại hơn 359 mẫu trở thành công điền của thôn. Theo miêu tả tứ cận từng sở ruộng trong địa bạ thì 6 sở ruộng còn lại của Tôn Thất Bằng gồm:

  • 3 sở ruộng hạng nhất tọa lạc ở cạnh phía nam, giáp với thôn Tân Hội Đông;
  • 3 sở ruộng hạng nhì tọa lạc ở cạnh phía tây nam, giáp với thôn Dương Hòa.

Bảng 2: Sơ đồ ruộng đất thôn Tân Hội Tây năm 1836. Lê Công Lý thực hiện theo miêu tả của địa bạ.

6 sở đất gồm hơn 398 mẫu đó gọi là ‘giao cho chủ trước’, thực chất là giao cho Tôn Thất Bằng, con trai của Tôn Thất Chương (vì lúc này Tôn Thất Chương đã mất 23 năm). Theo Đại Nam liệt truyện, Tôn Thất Bằng là con đích trưởng của Tôn Thất Chương, được vua Gia Long khen là thật thà, cần mẫn giống cha nên được hậu đãi, từng thăng đến chức Thống chế doanh Long Vũ rồi Tổng đốc Thanh Hóa. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839) bệnh mất lúc tại chức, thọ 48 tuổi, không con thừa tự.

Như vậy, hơn 398 mẫu ruộng của Tôn Thất Bằng thừa kế của cha là Tôn Thất Chương tại thôn Tân Hội Tây mới được hợp thức hóa chỉ 3 năm thì ông mất.

Cũng theo nội dung tấu sớ của Kinh lược sứ Trương Đăng Quế dâng lên và được vua phê duyệt vào tháng 6 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), trong đó có khoản thứ 6:… “Chủ ruộng trốn đi hoặc chết mà không có con cái thì giao cho dân sở tại cày cấy, nộp thuế theo hạng ruộng đất công”[11].

Như vậy, được khai phá từ thời chúa Nguyễn Ánh (cuối thế kỉ XVIII) theo chế độ quan điền/ tư điền, cho đến năm 1839 thì toàn bộ 757 mẫu 7 sào 4 thước 4 tấc ruộng của Tôn Thất Chương tọa lạc ở thôn Tân Hội Tây đều trở thành công điền.

2. Đến ruộng đất hoàng gia

Ruộng công điền thuộc sở hữu quốc gia, được ghi rõ là ‘công điền’ trong địa bạ thôn làng, do hội đồng kì mục thôn làng quản lí và được cấp phát cho dân trong hoặc ngoài thôn làng canh tác có thu thuế, gọi là thuế công điền.

Theo quy chế của nhà Nguyễn, hội đồng kì mục thôn làng chỉ có quyền quản lí, cấp phát công điền và thu thuế chứ không có quyền bán ruộng công điền và triều đình cũng không có tiền lệ thu hồi công điền của thôn làng.

Tuy nhiên, sau khi Nam Kì lục tỉnh trở thành thuộc địa của Pháp thì chế độ ruộng đất tất nhiên có thay đổi. Hiện chúng tôi chưa có đủ tài liệu để tìm hiểu cụ thể về sự thay đổi chủ sở hữu của hơn 757 mẫu ruộng công điền của thôn Tân Hội Tây ra sao trong giai đoạn Pháp thuộc. Tuy nhiên, theo tài liệu Annuaire complet (européen et indigène) de toute l'Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières...: Indochine, adresses, 1ère année 1933-1934/ éditeurs madame L. Lacroix-Sommé, messieurs R. J. Dickson et A. J. Burtschy thì những năm 1933 – 1934, bà Lê Thị Bình có 600ha đất ở 3 làng liền kề là Tân Lí Đông, Tân Hội Đông và Tân Hòa Thành (tên làng mới do sáp nhập 3 làng Tân Hội Tây, Dương Hòa và Tân Thành). Bên cạnh đó, ông Lê Phát An có 1000ha ở 2 làng Mĩ Thiện và Mĩ Đức Tây thuộc Đồng Tháp Mười (Plain de joncs)[12].

Lê Phát An và Lê Thị Bình là con của ông Lê Phát Đạt (Huyện Sĩ), quê ở Tân An, giáp giới địa phận làng Tân Hội Tây. Do sớm cộng tác đắc lực cho thực dân Pháp nên ông Lê Phát Đạt có nhiều cơ hội bao chiếm đất đai và nhanh chóng trở thành người giàu có nhất Nam Kì đầu thế kỉ XX (‘Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định’). Do đó, có thể suy đoán, 600 ha đất do bà Lê Thị Bình đứng tên, trong đó gồm phần lớn diện tích cũ của làng Tân Hội Tây là của hồi môn mà ông Lê Phát Đạt cho con gái sau khi bà Lê Thị Bình kết hôn với ông Nguyễn Hữu Hào.

Cuộc hôn nhân trên cho ra đời hai cô con gái mà cô em là Nguyễn Hữu Thị Lan đã đi vào lịch sử.

Thật vậy, sau 2 năm về nước chấp chính (1932) vua Bảo Đại cưới cô Nguyễn Hữu Thị Lan vào năm 1934. Nguyễn Hữu Thị Lan được nhập quốc tịch Pháp với tên Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào, lên ngôi lấy hiệu là Nam Phương hoàng hậu.

Không rõ bao lâu sau hôn sự nói trên, ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình lấy một phần hay toàn bộ 600ha đất nói trên, trong đó có diện tích đất thuộc thôn Tân Hội Tây cũ (từ năm 1925 thuộc xã Tân Hòa Thành) làm của hồi môn cho vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu.

Chỉ biết rằng, những người lớn tuổi ở xã Tân Hòa Thành hiện nay còn truyền lại rằng, trước 1954, toàn bộ diện tích ấp Tân Phú, cộng với một phần ấp Tân Quới và Tân Vinh của xã Tân Hòa Thành từng là đất của Nam Phương hoàng hậu[13]. Nhưng Nam Phương hoàng hậu chưa một lần về thăm các sở đất này. Đồng thời, người trực tiếp thu thuế ruộng cũng không phải Nam Phương hoàng hậu mà vẫn là bà Lê Thị Bình (dân gian gọi là ‘bà Bảy Bình’).

Mặc dù vậy, có lẽ do có tình cảm đặc biệt với làng Tân Hòa Thành, là nơi có ruộng đất của hoàng gia, nên vua Bảo Đại mới đặc cách sắc tứ cho ngôi chùa làng vốn bình thường nhỏ bé ở vùng sâu này là Sắc tứ Long Hội tự, theo sắc lệnh số 33, ngày 27/3/1941.


Hình 4: Chân dung hòa thượng Thích Hoằng Thông, bên dưới đề ngày được vua Bảo Đại sắc tứ cho chùa Long Hội do hòa thượng trụ trì, thuộc làng Tân Hòa Thành. Ảnh: Lê Công Lý.

Bà Bảy Bình cũng không về Tân Hòa Thành để trực tiếp thu thuế ruộng, mà đã có những người Bao tá đứng ra thu thuế ruộng rồi đem tiền lên Sài Gòn nộp lại cho bà, chẳng hạn: ông Chánh Phát (Nguyễn Tấn Phát) ở ấp Tân Vinh, ông Bảo Trà (Phạm Văn Trà) và ông Thân Hai (Huỳnh Văn Hai) ở ấp Tân Phú… Cũng dễ hiểu, vì vua và hoàng hậu có rất nhiều cung điện và biệt thự để thăm viếng và nghỉ dưỡng, trong khi đây chỉ là một làng vùng sâu ở rìa Đồng Tháp Mười. Riêng hoàng hậu còn có nhiều đất đai, biệt thự trên đất Pháp do thừa kế từ gia đình. Hơn nữa, từ năm 1947, Nam Phương hoàng hậu cùng các con (hoàng tử và công chúa) đã rời Việt Nam để định cư tại Pháp cho đến cuối đời (1963).

Mặc dù vậy, chúng tôi đã tìm được tờ bằng khoán ruộng đất cấp tạm cho một hộ gia đình thuộc ấp Tân Phú, xã Tân Hòa Thành, theo đạo Dụ số 57 ngày 22/10/1956 thuộc chương trình Cải cách điền địa của Tổng thống Ngô Đình Diệm, trong đó có ghi tên chủ đất cũ là ‘Marie tự Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Hào’, chính là tên trong Pháp tịch của Nam Phương hoàng hậu.

Đây chính là bằng chứng pháp lí cho thấy, trước ngày 22/10/1956, Nam Phương hoàng hậu vẫn còn đứng tên chủ sở hữu ruộng đất tại xã Tân Hòa Thành.

Cũng theo đạo Dụ 57 nói trên, địa chủ được quyền giữ lại 100ha (cộng thêm 15 ha ruộng hương hỏa), số còn lại sẽ bị truất hữu. Do chưa có nguồn tài liệu xác thực nên chúng tôi chưa biết chính xác ngoài diện tích bị truất hữu, gia đình Nam Phương hoàng hậu còn giữ lại phần đất nào thuộc xã Tân Hòa Thành hay không. Nhưng nếu giả sử hoàng gia còn giữ lại 100ha thì đến ngày 26/3/1970, luật 003/70 (luật Người cày có ruộng) có hiệu lực, chỉ cho phép địa chủ giữ lại 15ha với điều kiện địa chủ đó phải trực canh tính tới ngày 26/3/1970. Trong khi đó, hoàng gia có bao giờ trực canh, nên chắc chắn toàn bộ ruộng đất của hoàng gia ở xã Tân Hòa Thành đã được lấy và cấp không cho nông dân trong xã. Như vậy, ruộng đất hoàng gia đến đây coi như chấm hết hoàn toàn.


Hình 5: Bằng khoán tạm cấp theo đạo Dụ 57 ngày 22/10/1956 có ghi tên chủ đất cũ là ‘Marie tự Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Hào’ (tức Nam Phương hoàng hậu). Ảnh: Lê Công Lý.

3. Ai là Tiền hiền khai khẩn thôn Tân Hội Tây?

Người Việt có truyền thống uống nước nhớ nguồn, nên trong quá trình khai hoang lập ấp ở Nam Bộ, họ luôn tri ân người đầu tiên tổ chức khai phá gầy dựng sự nghiệp, gọi là Tiền hiền. Khi vị Tiền hiền qua đời sẽ được thờ cúng trang trọng trong đình làng, gọi là Tiền hiền khai khẩn (khác với Hậu hiền khai cơ là người có công xây cầu bồi lộ, lập chợ, v.v. giúp thôn làng phát triển). Đồng thời, con cháu thừa tự của vị Tiền hiền sẽ được cử chức Kế hiền, nằm trong ban quý tế của đình. Dó đó, trong chánh điện đình làng Nam Bộ thường luôn có bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền.

Tuy nhiên, đình làng Tân Hội Tây xưa nay không có bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền, nên việc xác định Tiền hiền, Hậu hiền rất khó khăn.

Trong quá trình truy tầm vị Tiền hiền của làng mình, các vị hương chức làng hầu như bất lực. Có lẽ vì toàn bộ diện tích canh tác của làng từ quá sớm (1839) đã trở thành ruộng công điền, nên dấu ấn cá nhân người khai phá buổi đầu sớm trở nên vô cùng mờ nhạt.

Trong tình hình đó, đặc biệt sau khi thực dân Pháp đã hoàn toàn rút khỏi Việt Nam, tinh thần dân tộc có dịp được phục hưng, nên vào năm 1959, chính quyền xã Tân Hòa Thành đã tiến hành dựng mộ bia nhỏ bằng cement cho một ngôi mộ nhỏ đắp bằng đất, tọa lạc tại gò Lứt (ấp Tân Quới) với nội dung như sau:

‘Ngôi mộ ông Đỗ Tấn Đồng, người sáng lập làng T.Hội Tây, nay kêu Tân Hòa Thành với 45 ông đồng chí khác vào thời vua Gia Long mông trần’.

Không biết đương thời, chính quyền xã làm mộ bia đó có căn cứ gì xác thực hay không, nhưng chỉ dựa vào nội dung mộ bia và nấm mộ cũng thấy còn quá nhiều vấn đề:

  • Một là, mộ bia lập quá trễ (trễ khoảng 150 năm) so với thời điểm mất và không ghi năm sinh cũng như ngày, tháng, năm mất. Đây là thiếu sót tối kị của mộ bia, vì sẽ dẫn đến không biết ngày giỗ.

  • Hai là, ngôi mộ quá sơ sài và không hề được chăm sóc, đến nỗi núm mộ đã bị san bằng hoàn toàn, chứng tỏ không có sự đồng tình của dân làng, thậm chí của số đông hương chức[14].

Hệ quả là, suốt mấy trăm năm, chỉ vài người biết đến ngôi mộ này và người mang tên Đỗ Tấn Đồng nói trên không thấy được cúng giỗ ở đâu, không có ai là hậu duệ, càng không được thờ cúng trong đình làng.

Tuy nhiên, từ năm 2008, bài vị ông Đỗ Tấn Đồng được khắc nhỏ gọn trên đá hoa cương và đặt trên bàn Hội đồng nội ngay giữa chánh điện đình thần Tân Hội Tây, nội dung:

Đỗ Tấn Đồng 杜進銅 - Danh nhân thế kỉ 18, thời Gia Long mông trần.
Hoằng khai sáng lập Tân Hội Tây thôn;
Bốn mươi lăm hiền nhân đồng nghĩa hiệp’
.

Hình 6: Mộ ông ‘Tiền hiền’ [sic] Đỗ Tấn Đồng tại tại Gò Lứt, xã Tân Hòa Thành. Ảnh: Lê Công Lý.

Hình 7: Bài vị ông ‘Tiền hiền’ [sic] Đỗ Tấn Đồng, thờ tại đình Tân Hội Tây từ 2008 đến nay. Ảnh: Lê Công Lý.

Như vậy, sau 49 năm kể từ ngày chính quyền xã dựng mộ bia cho ông Đỗ Tấn Đồng thì ông mới lại được nhắc đến và đưa vào đình thờ, mặc dù đình không bị ảnh hưởng chiến tranh.

Nhưng đó cũng chỉ là ý kiến chủ quan của ông Trưởng ban Khánh tiết đình đương thời, chứ không phải của đông đảo người dân. Bằng chứng là có nhiều mạnh thường quân đóng góp xây dựng đình, trong khi đó, ngày 07/5/2014, chánh quyền xã thành lập Ban vận động xây dựng ‘mộ cụ tổ Đỗ Tấn Đồng’ (sic) và ra lời kêu gọi nhân dân đóng góp tiền để xây mộ, nhưng ít người ủng hộ, nên số thu không được bao nhiêu, dẫn đến tới hôm nay (2021), công trình này vẫn chưa được xúc tiến.

Vậy nhân vật Đỗ Tấn Đồng thực ra là ai và có phải là Tiền hiền có công khai phá lập thôn Tân Hội Tây như lời ghi muộn màng trên mộ bia (1959) và bài vị thờ (2008) hay không?

Tra địa bạ thôn Tân Hội Tây (1836), trang 4b thấy có ghi:

壹所田拾五畝捌篙壹尺五寸,本總陽和村杜文銅領耕
東近阮文貞田,西近陽和村地分
南近武文結田,北近阮氏靖田。

Nhất sở điền thập ngũ mẫu bát cao nhất xích ngũ thốn, bổn tổng Dương Hòa thôn Đỗ Văn Đồng lãnh canh.
Đông cận Nguyễn Văn Trinh điền, Tây cận Dương Hòa thôn địa phận,
Nam cận Võ Văn Kết điền, Bắc cận Nguyễn Thị Tịnh điền.


(Một sở ruộng 15 mẫu 8 sào 1 thước 5 tấc do người thôn Dương Hòa thuộc bổn tổng là Đỗ Văn Đồng lãnh canh.
Đông giáp ruộng Nguyễn Văn Trinh, Tây giáp địa phận thôn Dương Hòa,
Nam giáp ruộng Võ Văn Kết, Bắc giáp ruộng Nguyễn Thị Tịnh).

Tra thêm địa bạ thôn Dương Hòa (1836), trang 3a thấy có ghi nhận:

原杜進銅田壹所今度成叁所田貳拾陸畝肆篙拾肆尺肆寸叁項,杜進銅分耕…

Nguyên Đỗ Tấn Đồng điền nhất sở, kim đạc thành tam sở điền nhị thập lục mẫu tứ cao thập tứ xích tứ thốn tam hạng, Đỗ Tấn Đồng phân canh…

(Nguyên 1 sở ruộng của Đỗ Tấn Đồng, nay đo thành 3 sở ruộng gồm 26 mẫu 4 sào 14 thước 4 tấc, ruộng hạng 3, do Đỗ Tấn Đồng phân canh…).

Đồng thời, trang 12a tập địa bạ này cũng ghi nhận đất thổ cư của ông Đỗ Tấn Đồng:

壹所土五畝捌篙拾尺捌寸叁項,原杜進銅田
東近新會西村地分,西近杜進銅田
南近新里東村地分,北近杜進銅田。

Nhất sở thổ ngũ mẫu bát cao thập xích bát thốn tam hạng, nguyên Đỗ Tấn Đồng điền.
Đông cận Tân Hội Tây thôn địa phận, Tây cận Đỗ Tấn Đồng điền,
Nam cận Tân Lí Đông thôn địa phận, Bắc cận Đỗ Tấn Đồng điền.

(Một sở thổ 5 mẫu 8 sào 10 thước 8 tấc, đất hạng 3, nguyên là ruộng của Đỗ Tấn Đồng.
Đông giáp địa phận thôn Tân Hội Tây, Tây giáp ruộng Đỗ Tấn Đồng,
Nam giáp địa phận thôn Tân Lí Đông, Bắc giáp ruộng Đỗ Tấn Đồng).

Hình 8: Trang 3a, địa bạ thôn Dương Hòa ghi nhận 26 mẫu 4 sào 14 thước 4 tấc ruộng của ông Đỗ Tấn Đồng. Ảnh: Lê Công Lý.

Hình 9: Trang 12a, địa bạ thôn Dương Hòa ghi nhận 5 mẫu 8 sào 10 thước 8 tấc đất thổ cư của ông Đỗ Tấn Đồng. Ảnh: Lê Công Lý.

Như vậy, đối chiếu 2 địa bạ nói trên, dễ dàng nhận ra: Ông Đỗ Tấn Đồng có hộ khẩu tại thôn Dương Hòa chứ không phải Tân Hội Tây. Chính vì vậy mà ông có tư điền (‘phân canh’) và đất thổ cư tại thôn Dương Hòa, còn ruộng của ông ở thôn Tân Hội Tây chỉ là ruộng công điền thuê mướn (‘lãnh canh’) mà thôi.

Chính vì ông có hộ khẩu, nhà cửa và điền sản lớn ở thôn Dương Hòa nên ông cũng có đông đảo hậu duệ sinh sống ở thôn này, trong đó có người làm đến chức Hội đồng: ông Hội đồng Đỗ Văn Củi. Hiện nay, ở ấp 1, xã Tân Hòa Thành có đến khoảng 20 hộ gia đình họ Đỗ sinh sống tại khu vực thuộc 26 mẫu ruộng tư điền của ông Đỗ Tấn Đồng theo miêu tả vị trí trong địa bạ năm 1836.

Cũng phải nói thêm rằng, tuy hai tập địa bạ gọi tên ông không hoàn toàn thống nhất (địa bạ Dương Hòa gọi là Đỗ Tấn Đồng, địa bạ Tân Hội Tây gọi là Đỗ Văn Đồng), nhưng thiết nghĩ, nên theo địa bạ thôn gốc Dương Hòa là nơi ông cư ngụ. Vả lại, ngày xưa người ta chủ yếu chỉ quan tâm đến họ và tên riêng, còn tên lót không quan trọng lắm.

4. Kết

Tóm lại, hai tập địa bạ nêu trên đã chỉ rõ: Toàn bộ hơn 757 mẫu ruộng của thôn Tân Hội Tây xuất xứ là ruộng quan điền do hoàng thân Tôn Thất Chương tổ chức khai phá vào cuối thế kỉ XVIII. Ông Đỗ Tấn Đồng nhỏ hơn Tôn Thất Chương hơn một thế hệ, chẳng những không phải là người khai phá thôn Tân Hội Tây mà còn không phải là người của thôn Tân Hội Tây.

Hơn nữa, trong địa bạ thôn Dương Hòa không hề có ghi chủ đất nào khác cùng họ Đỗ với ông Đỗ Tấn Đồng. Điều này chứng tỏ vào thời điểm lập địa bạ (năm 1836) ông Đồng còn trẻ, chưa chia ruộng đất cho con. Mà nếu như vậy thì ông là người sinh vào đầu thế XIX, chứ không thể là người tiên phong khai phá lập thôn vào cuối thế kỉ XVIII như phỏng đoán của người lập mộ bia và bài vị thờ sau này.

Điều đó cũng có nghĩa là là: Nếu cần xác định vị Tiền hiền lập thôn Tân Hội Tây, thì người đó không ai khác chính là hoàng thân Tôn Thất Chương. Bởi lẽ, điều đó đã được sử sách triều Nguyễn và địa bạ năm 1836 ghi nhận rõ ràng, chứ không phải mơ hồ với nhiều điều bất hợp lí như giả thuyết phỏng đoán về ông Đỗ Tấn Đồng trong mấy chục năm qua.

Chỉ có điều, hai cha con quan Tôn Thất Chương và Tôn Thất Bằng sinh thời làm quan lớn nơi đất Bắc, Tôn Thất Bằng lại không con thừa tự, dẫn đến toàn bộ ruộng đất ở đây sớm bị thu hồi và trở thành công điền, nên đến khi chấm dứt chế độ thực dân, không còn ai nhớ đến tên vị Tiền chủ có công tổ chức khai phá thôn làng nữa.

__________________

CHÚ THÍCH:

* Tiền Giang.

[1] Nguyễn Đình Tư (2008), Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.995, 998, 999.

[2] Hiện nay ở ấp Tân Vinh, xã Tân Hòa Thành vẫn còn địa danh Rạch Gốc và miễu thờ thần Gốc Cây.

[3] Thảo điền là ruộng cỏ (trũng), khác với sơn điền là ruộng gò.

[4] Tính theo đơn vị đo truyền thống: 1 mẫu = 4.894 m2; 1 sào = 489 m2; 1 thước = 32 m2; 1 tấc = 3 m2.

[5] Phân canh là ruộng đất tư hữu.

[6] Lãnh canh là ruộng đất do tư nhân thuê công điền và nộp thuế công điền cho thôn.

[7] Quốc sử quán triều Nguyễn (1821–1909, tái bản 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, Bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, tr.708.

[8] Quốc sử quán triều Nguyễn (1852, tái bản 1997), Đại Nam liệt truyện chính biên, Sơ tập, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.83 - 84.

[9] Quốc sử quán triều Nguyễn (1821–1909, tái bản 2004), Đại Nam thực lục, tập 4, Bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, tr.986.

[10] Quốc sử Quán triều Nguyễn (1821–1909, bản chữ Hán 1968), Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỉ , The Oriental Institute, Keio University, Tokyo, Japan, tr.3927.

[11] Quốc sử quán triều Nguyễn (1821–1909, tái bản 2004), Đại Nam thực lục, tập 4, Bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, tr.1051.

[12] Sđd, tr.870.

[13] Do ảnh hưởng Công giáo nên gia đình Nam Phương hoàng hậu có dành riêng một sở đất hơn 3ha để làm nơi chôn cất cho dân làng với tên gọi là Đất thánh Gò Tranh, nay vẫn còn tại xóm Tràm Một, thuộc ấp Tân Phú, xã Tân Hòa Thành.

[14] Vùng đất này xưa nay vẫn còn giữ phong tục ‘tảo mộ thí’ (tức tảo mộ cho những ngôi mộ hoang, không người chăm nom), vậy mà ngôi mộ ông Đỗ Tấn Đồng lại bị thời gian san bằng, chứng tỏ dân địa phương không quan tâm, thậm chí có khi họ còn xem đây là ngôi mộ giả.

__________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Cải cách điền địa và Phát triển nông – ngư – mục (1970), Sưu tập thắc mắc và giải đáp liên quan đến luật Người cày có ruộng.

2. Địa bạ Minh Mạng năm 1836, thôn Tân Hội Tây và Dương Hòa, tổng Hưng Nhơn, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường. Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, Hà Nội.

3. Hoài Phạm (2020), “Nhìn lại công cuộc điều chỉnh ruộng đất ở nông thôn Nam Bộ từ năm 1975 đến những năm 1980”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (159).2020, tr.32 – 53.

4. Nguyễn Đình Đầu (1992, tái bản 2016), Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kì lục tỉnh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

5. Nguyễn Đình Tư (2008), Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

6. Quốc sử quán triều Nguyễn (1821–1909, tái bản 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, Bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.

7. Quốc sử quán triều Nguyễn (1821–1909, tái bản 2004), Đại Nam thực lục, tập 4, Bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.

8. Quốc sử Quán triều Nguyễn (1821–1909, bản chữ Hán 1968), Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỉ , The Oriental Institute, Keio University, Tokyo, Japan.

9. Quốc sử quán triều Nguyễn (1852, tái bản 1997), Đại Nam liệt truyện chính biên, Sơ tập, Nxb Thuận Hóa, Huế.