Huyền tích hai ngôi Tây An Cổ Tự!

Lê Đại Anh Kiệt

Hơn 100 năm qua, ở tỉnh An Giang có hai ngôi chùa cùng mang tên Tây An Cổ Tự. Hai ngôi chùa mang hai phong cách kiến trúc, thờ cúng của hai pháp môn khác nhau nhưng cùng hàm chứa lịch sử thăng trầm và là cái nôi tâm linh, văn hóa sống của Nam Kỳ. Chùa Tây An ở Chợ Mới là nơi Đức Phật Thầy Tây An khai đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Chùa Tây An ở núi Sam, Châu Đốc là nơi Phật Thầy cư trú theo chỉ định của triều đình cho đến khi nhập tịch. Bửu Sơn Kỳ Hương là tín ngưỡng, tôn giáo bản địa sản sinh ra hai tôn giáo hậu thân là Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật Giáo Hòa Hảo và góp phần tạo ra văn hóa, cá tính con người Miền Nam như nhà văn Sơn Nam tổng kết.

Nằm ở rẻo đất hẻo lánh cực tây nam, Tây An Cổ Tự không phải là danh thắng, nổi tiếng như Thích Ca Phật Đài hay Nhà Thờ Đức Bà, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương không phải là tôn giáo có đông đảo tín đồ như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo. Thế nhưng người miền Nam trước 1975 ít nhiều ai cũng từng có căn duyên, trực tiếp, gián tiếp liên quan đến những cái tên này, trong đó có tôi.

Dấu ấn tâm thức trong nhiều thế hệ

Dù gia đình tôi theo đạo Cao Đài, nhưng danh xưng Phật Thầy Tây An đã quen thuộc với tôi ngay từ nhỏ. Nhà có bốn bàn thờ vị trí quan trọng nhất thờ Thiên Nhãn, hai bàn thờ ông bà cố và ông nội, còn một bàn thờ rất lạ chỉ có một khung kiếng phủ vải đỏ, bà nội tôi lại rất cung kính hương khói thay nước hàng đêm. Hồi nhỏ, nội đeo trên cổ tôi sợi dây, gắn túi vải nhỏ màu đỏ gọi là “Lòng Phái”, không cho tháo ra. Mãi đến tuổi đi học, tôi thường tắm sông, nghịch nước mưa bị ướt, nội mới lấy ra đặt trên bàn thờ này.


Tấm “Trần điều”. (Nguồn: VietnamNet)

Lớn lên chút nữa, tôi mới biết ông nội là thầy thuốc bắc (lương y) nổi tiếng trong vùng, vậy mà nội tôi sinh 6 lần đều không nuôi được. Mãi đến xin được cái phép nuôi con và lập bàn thờ với cái khung vải đỏ mới nuôi được ba tôi và cô út. Mỗi lần anh em chúng tôi ra đời, nội đều đi núi xin cái “phép”, mang Lòng Phái về. Trong xóm có 10 đứa trẻ thì quá nửa cũng đều mang Lòng Phái như tôi. Ông tổ của các vị ban “Lòng Phái” được mọi người tôn xưng là Phật Thầy Tây An.

Câu chuyện thời bé in đậm vào trong tâm thức âm ỉ thôi thúc tôi truy nguyên nguồn gốc. Năm 1991, việc đi lại hãy còn khó khăn, nhân có dịp đi Châu Đốc, không đủ mấy đồng bạc đi xe lam, tôi và Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Hồng Khanh đã cuốc bộ hơn 8km từ Châu Đốc vào núi Sam như cuộc hành hương tìm hiểu về Tây An Cổ Tự và đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Sau nhiều lần được trùng tu, Tây An Cổ Tự ở núi Sam là ngôi chùa lớn, đẹp, có kiến trúc độc đáo kết hợp khuôn mẫu chùa Phật Giáo Đại Thừa truyền thống với một ngôi lầu cao có mái vòm tròn của Hồi Giáo và những họa tiết trang trí hình đuôi rắn thần Naga của Phật Giáo Nam Tông. Trong chùa có gần 2000 tượng phật và bồ tát. Có lẽ đất An Giang là nơi công cư của bốn dân tộc Việt, Hoa, Khmer, Chăm nên các thầy đã tổng hòa các kiến trúc này.

Tây An Cổ Tự: Chùa Đại Thừa dung chứa, hoằng pháp Bửu Sơn Kỳ Hương!

Nhưng chuyến đi ấy chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, chỉ nhìn thấy hình ảnh trực quan. Phải mất nhiều năm tìm hiểu tôi mới khám phá ra những huyền tích thú vị sâu sắc của mối liên hệ Tây An và Bửu Sơn Kỳ Hương.


Chùa Tây An núi Sam. (Nguồn: Wikipedia do Thuydaonguyen tải lên)

Nguồn gốc của Tây An cổ tự núi Sam, Đại Nam Nhất Thống Chí đã viết về như sau: “Chùa Tây An ở địa phận thôn Vĩnh Tế, huyện Tây Xuyên; nguyên Tổng đốc Mưu lược tướng Tuy Tĩnh Tử Doãn Uẩn kiến trúc năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Chùa đứng trên núi, mặt trước trông ra tỉnh thành, phía sau dựa theo vòm núi, tiếng người lặng lẽ, cổ thụ âm u, cũng một thắng cảnh thuyền lâm vậy.”

Vị hòa thượng trụ trì đầu tiên pháp hiệu Hải Tịnh là một danh tăng của Việt Nam theo pháp môn Thiền Lâm tế của Phật giáo Đại thừa. Hòa Thượng Hải Tịnh đạo cao đức rộng đến mức từng được các vua triều Nguyễn điều động từ Gia Định ra Huế, bổ nhiệm làm Tăng Cang của các chùa Thiên Mụ, Giác Hoàng được xem là quốc tự.

Khi quay lại Miền Nam ông trụ trì chùa Giác Lâm, mở nhiều đại đàn truyền giới và được Kinh Lược sứ Nguyễn Tri Phương yêu cầu mở mang Phật giáo ở các vùng biên địa nên đã lần lượt mở thêm nhiều chùa trong ở vùng biên Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang trong đó có Tây An và đã từng có lần mở đại đàn truyền giới ở Tây An năm 1871.

Tây An cổ tự có vai trò quan trọng khai mở Phật giáo Đại Thừa trên vùng đất có truyền thống Phật Giáo Nam Tông lâu đời. Nhưng điều lạ lùng, chính Tây An lại dung chứa, thành danh và tịch diệt của vị tổ sư khai sáng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo bản địa độc đáo của Việt Nam. Người sáng lập đạo là Đoàn Minh Huyên được tôn xưng thành Phật Thầy Tây An từ chính tên ngôi cổ tự này. Ông viên tịch tại đây nhưng nhục thân không trà tỳ và đưa vào bửu tháp như các cao tăng Phật Giáo mà chôn khỏa bằng phia sau chính điện.


Tây An Cổ Tự – Chợ Mới – An Giang. (Nguồn: Mekong Delta Explorer)

Căn cứ vào mộ bia, vào linh vị thì đức Phật Thầy sanh năm Đinh Mão (1807), ở làng Tòng Sơn, nay là xã Mỹ An Hưng, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Tên họ là Đoàn Văn Huyên, rời quê đi từ lúc nhỏ. Vào khoảng đầu năm 1849, Ngài trở về làng Tòng Sơn tá túc ở mái sau đình làng.

Năm đó, dịch “bệnh thời khí” nổi lên, nhiều người chết. Hương chức làng nhóm họp lại tại đình bàn định việc cúng vái để “tống ôn dịch”. Ngài khuyên nên tin tưởng Trời, Phật không nên giết hại súc vật cúng kiếng vừa mê tín, vừa mang tội sát sanh. Thấy Ngài là người lạ, không rõ tông tích lại bàn trái ý, hương chức làng định đuổi đi, Ngài yêu cầu gọi hai người anh em chú bác đến, kể lại những chuyện xưa trong gia đình, chứng minh chính thật là người làng Tòng Sơn.

Ngài giảng giải đạo lý cho dân làng rồi đi xuồng đến rạch Trà Bư thuộc xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang, để lại một cây cờ ở sau đình để trị bệnh dịch. Người làng lấy cây cờ xé ra, đốt rồi pha nước cho người bệnh uống đều khỏi bệnh. Hết cây cờ, người ta lấy cột cờ đốt uống cũng khỏi.

Nghe tin ở Chợ Mới có dịch, Ngài rời Trà Bư bơi xuồng đến đình làng Kiến Thạnh cứu nhiều người khỏi bệnh, từ đó người ta lan truyền ra, thiên hạ đua nhau đến xin phép để trị bệnh. Ngài vừa trị bệnh vừa giảng dạy mọi người ráng làm lành lánh dữ, niệm Phật.

Hương chức làng dời Ngài sang cái cốc của ông đạo Kiến đang bỏ hoang tiện việc chữa bệnh, phát thuốc. Tại đây, Ngài thâu nhận đệ tử và sửa sang cốc, bài trí cách thờ cúng, trên bàn thờ có “Tấm Trần Điều” (vải màu đỏ), nước lã và hoa, chính thức khai đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (mùi hương lạ trên núi quý).

Có người mật báo, Tổng Đốc An Giang đã cho một người về thẩm tra. Ngài đã chứng tỏ mình là bậc chân tu, ăn chay, niệm Phật lo cứu dân độ thế, khuyến giảng cho người ta biết ăn hiền ở lành. Triều đình Huế nửa tin nửa ngờ nên đưa Ngài về chùa Tây An núi Sam buộc phải cắt tóc, quy y. Ngài được đặt pháp danh là Pháp Tạng. Dù cư trú ở Tây An núi Sam, nhưng Ngài không tu theo pháp môn Lâm Tế mà trị bệnh cứu người và truyền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ngày càng rộng khắp.

Đạo khẩn hoang: Trị sấu, phục cọp, chữa bệnh cứu người

Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương không có kinh sách, chỉ theo truyền ngôn của Phật Thầy và 12 ông đạo là đại đệ tử. Phương châm của đạo là “học phật” theo tam bảo Giới, Định, Tuệ, “tu nhân” thực hành Tứ Ân là ân cha mẹ, tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo Phật, Pháp, Tăng, ân đồng bào nhân loại.

Về nghi tiết, đạo cũng không có kinh kệ, chuông mõ, cúng vái. Trên bàn thờ chỉ có tấm vải đỏ, hoa quả và nước lã. Đạo cũng không bắt buộc ăn chay. Theo yêu cầu của triều đình Phật Thầy cắt tóc nhưng không cạo râu và cũng không quy ước buộc đệ tử cạo râu cắt tóc.

Đạo không kêu gọi cắt ái ly gia mà khuyến khích người tu sống tốt tại nhà, tạo ra công ăn việc làm lợi ích cho xã hội. Phật Thầy không xây chùa mà lập trại ruộng để vừa khẩn hoang vừa tu hành. Đây là mô thức đặc biệt của Bửu Sơn Kỳ Hương những ngôi chùa sau này trước đây đều là trại ruộng. Ngài lập trại ruộng ở Thới Sơn (xưa kia có tên là Hưng Thới), có trại để thờ phượng và tu theo đường lối Ngài chủ trương, sau nầy cất chùa là Thới Sơn tự. Cách đó chừng hai cây số, có trại ruộng khác dành cho hai con trâu (gọi là ông Sấm và ông Sét), sau nầy là Phước Điền tự. Hai nơi nầy Ngài giao cho hai đệ tử là ông Tăng Chủ và ông Đình Tây trông nom. Phật Thầy còn lập trại ruộng Bửu Hương Các ở Láng Linh, giao cho Cố Quản Trần Văn Thành trông nom. Về sau con đức Cố Quản là ông Hai Nhu cất chùa, đặt tên là Bửu Hương Các.

Thời đó đất đai hoang địa rừng sâu nước độc dưới sông cá sấu trên bờ cọp um, Công cuộc dinh điền của quan quân triều đình và cuộc khẩn hoang của người dân khó khăn vất vả trăm bề rất cần điểm tựa niềm tin tâm linh. Không chỉ Phật Thầy Tây An mà các đại đệ tử của Thầy nổi lên những huyền tích khuất phục cá sấu thành tinh có tên Năm Chèo, hàng phục, trị bệnh cho cọp dữ… Quan trọng nhất là Thầy đã đào lấy được mấy trụ đá trấn yểm khắc chữ Tàu và cho đại để tử là đức Cố Quản Thành đi cắm 5 cây thẻ, 1 cây cắm tại trung tâm là đỉnh núi Cấm và 4 cây cắm quanh vùng Thất Sơn. Vùng đất nằm trong phạm vi bốn cây thẻ ấy dần bớt đi thú dữ, bệnh tật, mưa thuận gió hòa và trở nên trù phú. Dù Đức Phật Thầy không nói nhưng sau này có tài liệu nghiên cứu ra rằng, đó chính là những vật phá trấn yểm đầy huyền diệu. Những huyền tích này khích lệ niềm tin của người dân, tạo thêm sức mạnh cho cuộc khẩn hoang,

Trị bệnh cứu người, khuyến khích, hỗ trợ khẩn hoang và qua đó giáo hóa việc tu hành đó là tuyệt chiêu lợi sanh nhi hoằng pháp của Phật Thầy Tây An. Nhờ thế mà chỉ sau bảy năm truyền đạo, những giáo lý đơn giản thiết thực của Bửu Sơn Kỳ Hương đã thành niềm tin của người dân.

Tái sinh nhiều hậu thân truyền đạo

Sau khi Phật Thầy nhập diệt đã có nhiều thế hệ những ông đạo kế tục hoặc là hậu thân (tương truyền Phật Thầy đầu thai vào người khác như Đạt lai lạt ma Tây Tạng) tiếp tục truyền đạo theo phương hướng này như ông đạo Trùm, Sài Vải Bán Khoai. Đặc biệt trong số đó có đức Bổn Sư Ngô Lợi hay còn gọi là ông Năm Thiếp đã khai sáng một chi phái mới là Tứ Ân Hiếu Nghĩa và đức giáo chủ Huỳnh Phú Sổ đã lập ra đạo Phật Giáo Hòa Hảo chỉ trong một thời gian ngắn đã thu hút hàng triệu tín đồ.

Một huyền tích khác về sự hóa thân của đức Phật Thầy thành Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ vẫn còn lưu dấu tại ngôi chùa thứ hai cùng mang tên Tây An Cổ Tự.

Trong các thị kệ để lại Phật Thầy có hai câu mà trước đó không ai hiểu nghĩa:

         Chừng nào gốc mục lên chồi,
Ta vưng sắc lịnh tái hồi trần gian.

Hóa ra hai câu kệ này ứng nghiệm tại Tây An Cổ Tự Chợ Mới.

Vào năm 1856, trước khi tịch bảy ngày, Phật Thầy cho phép xây chùa ở cốc ông Kiến nơi khai đạo ngày xưa, lấy tên là Tây An tự. Vị đệ tử được Đức Phật Thầy sai đi đặt tên chùa đã mang theo bốn cây dầu, trồng trước chùa một cây, còn ba cây thì trồng ở phía sau chùa.

Năm 1918 cây dầu ở trước chùa bị đốn làm cầu và cất trường. Năm 1927, chùa bị cháy ba cây dầu sau chùa đều chết. Hai chục năm sau, cái gốc cây trước chùa đã mục tự nhiên lại đâm lên một cái chồi. Năm sau, Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng Phật Giáo Hòa Hảo, ứng với lời tiên tri của Đức Phật Thầy Tây An trước đó cho thấy, Huỳnh Giáo Chủ là hậu thân của Phật Thầy.

Hiện nay dù nhiều lần được trùng tu, Tây An Cổ Tự ở Chợ Mới vẫn giữ cách thờ phượng đúng với chơn truyền của Đức Phật Thầy, nghĩa là thờ trần điều, không có bất kỳ tượng cốt Phật nào. Trong chùa có hai ban thờ đức Huỳnh Giáo Chủ và “Quan Lớn Thượng” (chức vụ do dân phong) Nguyễn Trung Trực cùng nhiều vị công thần ái quốc khác. Cây dầu linh ứng vẫn xanh tốt trước cổng chùa để người dân chiêm bái và đặc biệt chùa vẫn còn lưu giữ trang trọng mơ tóc đức Phật Thầy khi xuất gia và những di vật quý giá khác.