Nói về cải lương bằng bổn tuồng cải lương

Lê Minh Quốc

PNO - lần đầu tiên Nguyễn Phúc An đã sưu tầm được 173 bổn tuồng và bài ca nhằm cung cấp thêm văn bản cần thiết cho công trình nghiên cuwus cải lương của mình.

“Kể từ sau khi cải lương hình thành, nó đã không ngừng học tập, cải tiến bản thân, tạo ra nhiều lối mới mẻ, để lối nào hay, lối nào đẹp, phù hợp thì tồn tại thành nhiều nhánh khác nhau, đáp ứng thị hiếu của người nghe nhìn, lối nào không hay hoặc lỗi thời thì sẽ mất đi (đào thải)”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc An đã viết trong tập sách Tuồng hát cải lương - khảo và luận (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM - 2022).

Cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về cải lương của các ông Vương Hồng Sển, Trần Văn Khải, Lê Thương, Sỹ Tiến, Hoàng Như Mai, Nguyễn Tuấn Khanh… nhưng tập sách này, theo tôi là một đóng góp đáng kể. Trước hết, có thể nói đây là lần đầu tiên Nguyễn Phúc An đã sưu tầm được 173 bổn tuồng và bài ca nhằm cung cấp thêm văn bản cần thiết. Việc làm nhọc công này, tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của ông Nguyễn Tuấn Khanh: “Nếu chúng ta muốn tìm kiếm thì khá khó khăn vì đĩa hát tuy có, nhưng rất ít và chất lượng âm thanh nghe không rõ, vì kỹ thuật thu âm chưa được tốt. Còn sách in thì cũng có, nhưng chỉ còn một số ít trong tay của các nhà sưu tầm sách cũ hay ở thư viện”. Do đó, trước đây, khi đề cập đến vở tuồng nào đó, người ta khó thể nêu được các chi tiết cụ thể.

Khi thực hiện công trình này, ngoài văn bản nêu trên, Nguyễn Phúc An còn tìm được tập Phong trào cải lương (1917-1927) của nhạc sĩ Lê Thương. Tài liệu này, nay được công bố trọn vẹn. Nguyễn Phúc An đã đi sâu vào những vấn đề mà lâu nay vẫn chưa có ý kiến thống nhất, thí dụ “ca thay phiên” hay hát chập/chặp? Tuồng tích là gì? Cải lương nói lối, vậy nói lối là gì, có khác gì so với nói lối hát bội? Cải lương Nam Kỳ, cải lương Bắc Kỳ, khác nhau ra sao?… Đáng chú ý còn là lúc tác giả đặt vấn đề “Văn học cải lương trong văn học Việt Nam”, đặc biệt là nền văn học Quốc ngữ miền Nam thời kỳ đầu.

Thật thú vị khi Nguyễn Phúc An đã “cãi” lại nhận định của Việt Nam văn học sử yếu (1940), sau khi chứng minh từ thời điểm ra đời đến năm 1931 đã có gần 200 tuồng cải lương được in ấn, chưa kể các tuồng chỉ mới diễn xuất, quả là một con số “đồ sộ”.

Ông viết: “Nhưng Dương Quảng Hàm lại cho là “chưa sản xuất ra tác phẩm nào có giá trị đặc biệt”, xem về cách ông nói “lối tuồng chèo cải lương” thì có thể suy luận rằng ông chưa phân biệt được tuồng, chèo, cải lương hay chèo cải lương đang được thực thi ở miền Bắc bên cạnh cải lương Nam Kỳ”. Ý kiến này, cũng là một cách gợi mở để chúng ta thêm lần nữa đánh giá rõ hơn diện mạo cải lương miền Nam thuở ấy.

Ngay cả khi khảo sát về ý nghĩa của từ “cải lương”, Nguyễn Phúc An chứng minh: “Chúng ta thấy “cải lương” được giải thích như một động từ mang ý nghĩa thay đổi, cải cách, chuyển biến từ sự không tốt sao cho tốt hơn… chứ chưa có nghĩa là một loại hình hát xướng mang tính nghệ thuật với từ loại là danh từ”. Vậy, danh từ “cải lương” như hiện nay ta hiểu, là bắt đầu từ đâu?

Tất cả những điều thú vị này được trình bày trong hơn 600 trang in, khổ lớn, tôi tin chắc bạn đọc sẽ ưng ý và tìm ra nhiều kiến thức hữu ích. Với tôi, một người trẻ như Nguyễn Phúc An (sinh năm 1984 tại An Giang) lại dành nhiều năm tháng tìm về thuở bình minh của loại hình cải lương, là một lao động rất đáng ghi nhận.