Tam vị Thánh Tổ

Không rõ tác giả

Nghề nghiệp nào cũng có những bậc Tổ sư khai sáng và phát triển về sau, những vị ấy về sau được những người theo nghề suy tôn và thờ phụng gọi là “Tổ”. Và khi được ông Tổ chọn có nghĩa là bạn sẽ phải gắn bó với nghiệp này suốt đời dù con đường có lắm chông gai và sự nổi tiếng vốn dĩ là điều rất mơ hồ. Nghệ thuật sân khấu cũng có Tam vị Thánh Tổ của ngành.

Trong hậu trường của các gánh hát, các sân khấu từ xưa đến nay luôn có một bàn thờ gần nơi cánh gà, nghệ sĩ trước khi bước ra sân khấu, trong bàn thờ thường đặt bài vị hoặc cốt tượng của Ông, hai bên thường thấy treo hai câu đối: “Tổ truyền thiện nghệ thiên thu thịnh” và “Sư giáo tài năng vạn đại xương”. Các nghệ sĩ không rõ tên tuổi ông Tổ như thế nào, họ chỉ biết rằng từ khi vào nghề đã được các nghệ sĩ tiền bối dạy bảo rằng phải hết sức tôn trọng và biết ơn Tổ nghiệp.

Tổ nghiệp của nghệ thuật sân khấu gồm ba vị là Tiên Sư, Tổ Sư và Thánh Sư, gọi chung là Tam giáo Đạo Sư hoặc Tam vị Thánh Tổ. Trong đó Tiên sư là vị khai sáng ra nghề, Tổ sư là người tiếp nối và lưu truyền nghề và Thánh sư vị soạn tuồng có tài văn chương (theo NSND Thành Tôn). Nếu tìm hiểu về nguồn gốc tên tuổi của Tổ thì quả thật rất nhiều, như Phạm Thị Trân là tổ nghề hát chèo, Liêu Thủ Tâm và Đào Tấn là tổ hát tuồng, tổ cải lương lại là Tống Hữu Định, tổ kịch nói là Vũ Đình Long, tổ hát xẩm là Trần Quốc Đĩnh,... Vậy nên tên gọi Tổ nghiệp như một cách gọi chung tất cả những ai có công sáng lập và lưu truyền ngành nghệ thuật sân khấu. Sở dĩ thường gọi là Tổ nghiệp mà ít khi gọi là Tổ nghề như các nghành khác vì bởi công việc nghệ thuật là niềm đam mê, dù sống chết hay gian khổ vẫn làm, người nghệ sĩ đã trót mang cái “nghiệp” cầm ca vào thân thì không dứt được.

Truyền thuyết về Tổ nghiệp sân khấu:

Chuyện kể rằng ngày xưa có một vị vua lên ngôi đã lâu nhưng lại không có con, vua tìm mọi cách cúng tế cầu mong trời phật, mỗi lần làm lễ lại cho người đóng vai thần tiên bay lên trời múa hát ca diễn. Lòng thành được chứng giám, hoàng hậu mang thai và hạ sanh một cặp song sinh.

Hai hoàng tử lớn lên ham mê coi hát đến nỗi quên ăn quên ngủ khiến sức khỏe suy tàn, vua cha vì vậy mà cấm không cho xem hát. Trong một lần vì quá mê xem hát nên hai hoàng tử quyết định chui vào bộng cây vông để trốn theo gánh hát nhưng không may xảy ra hỏa hoạn, hai hoàng tử chết cháy bên trong cây vông nam. Tuy đã về suối vàng nhưng hai người vẫn hay hiện về để xem đào kép ca diễn, con hát quyết định lập bàn thờ phụng kính là Tổ. Từ đó người ta lấy gỗ vông khắc thành những tượng nhỏ như búp bê mặc áo vải đỏ để làm tượng Tổ, nghệ sĩ cũng vì vậy mà kị đi guốc vông. (theo NSND Đinh Bằng Phi)

Một truyền thuyết khác nói về ba vị hoàng tử là Càn, Chơn và Chất. Vì mê coi hát, ba người mỗi lần hẹn nhau trốn vua đi xem hát đều dùng mùi thơm của trái thị làm ám hiệu. Trong một lần chỉ có Chơn và Chất đi xem hát, trên đường về họ gặp mưa to gió lớn rồi chết rét. Ông Càn lên làm vua không bao lâu lại nhường ngôi cho mở gánh hát nhưng gặp nhiều khó khăn nên gánh rã. Ông đem tư trang trong hai chiếc rương rồi độc bước giữa trời khắc nghiệt rồi lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng, trước khi chết ông vẫn gọi tên hai em. Người ta nói rằng ở phút cuối ấy họ trông ấy hình bóng ba anh em ôm lấy nhau trong hương thơm của quả thị. Sau khi chết, họ thường hiện nơi những gánh hát thầm giúp đỡ cho đào kép tròn vai. Sau này, người ta lấy ngày ông Càn mất làm ngày giỗ tổ và tôn vinh họ là Tổ nghiệp.

Ngoài ra, để hoàn thiện một tác phẩm sân khấu còn phải có sự đóng góp của nhiều ngành nghề như: may mặc, da giày, hội họa, điêu khắc, thiết kế, âm thanh, ánh sáng,.... các ngành nghề phụ thường chia làm 12 ngành và từ đó nghệ sĩ còn thờ thêm Thập nhị Công Nghệ tri ân 12 ngành nghề này. (theo NS Bạch Long)

Trong các sân khấu tuồng, trống lệnh được xem như thân thể của Tổ vì vậy nếu không phải giờ diễn hay khônh có thông báo gì thì không được giống trống lệnh. Ở cải lương và đờn ca tài tử thì song lang chính là thân Tổ cho nên người ta cấm gõ song lang tùy tiện, như vậy là đánh thức Tổ vô cớ.

Lễ giỗ Tổ:

Ngày xưa, cứ hễ đến ngày 12 tháng 8, các gánh hát rong sẽ tìm một nơi ổn định để ốp đoàn tạm nghỉ, họ thỉnh bàn thờ Tổ ra giữa sân khấu và cử hành lễ giỗ tổ sau đó chia lộc tổ cho cả đoàn. Ngày nay, phong tục này vẫn được giới nghệ sĩ duy trì, cứ đến ngày 12 tháng 8 được xem là ngày mất của Huyền nữ Phạm Thị Trân và cũng là ngày giỗ của nhị vị hoàng tử, các nghệ sĩ thành tâm dâng lên Tổ nghiệp lễ vật thịnh soạn. Năm 2011, chính phủ Việt Nam chính thức chọn ngày 12 tháng 8 âm lịch là ngày Truyền thông Sân khấu Việt Nam.

Sự linh ứng:

NSƯT Thành Lộc cho biết: “Tương truyền thì một trong những điều cấm kị là trẻ con ở trong đoàn thì không được rồi lên rồi dọng chân vô cái rương đồ hát vì thế nào trong đoàn cũng có gây gổ đánh lộn với nhau. Hồi lúc tui còn nhỏ xíu ở trong gánh hát của ông cậu tui ở đình Cầu Quan thì chuyện đó nó xảy ra thiệt, cái này tui không lý giải được, cứ y như rằng lần nào mà tui lấy cái chân tui dọng “đùng đùng” là trong đoàn thế nào cũng có nghệ sĩ gây lộn với nhau ì xèo trong đoàn hát. Lúc tui còn là một cậu bé, tui chứng kiến ở trước cổng đình ngay chỗ gánh hát của cậu tui ngày xưa tui thấy có một ông già, người ngợm rất là hôi hám dơ bẩn và đứng trước gánh hát cứ xin tiền khán giả đi ra đi vào. Thì ba má tui có giải thích đó là một ông kép hát rất nổi tiếng vào thời ba má tui và người này rất là khinh suất coi thường tổ nghiệp. Có một lần ông ta cho rằng việc mình giỏi là tự mình giỏi chứ chả có ai phù hộ cho mình cả và có một lần ông ta đã thách thức tổ bằng cách lấy cây giáo đâm thẳng vào bàn thờ tổ. Sau đó một năm thì ông bị bệnh thần kinh, bị điên loạn luôn không đi hát được nữa. Theo tui thì “tổ trác” mang tính chất hài hước ví dụ như lâu lâu cho diễn viên quên thoại hay là té cái đùng trên sân khấu. Riêng tui có một trường hợp như thế này, tui đóng ở sân khấu 5B Võ Văn Tần trong vở “Dạ Cổ Hoài Lang” tui đóng vai ông Tư, vở diễn đó nó đeo đuổi tui 10 năm trời. Đường đi nước bước trong nhà hát kịch 5B là tui biết rõ hết, sau cái lớp tui hát bài Dạ cổ hoài lang, tắt đèn, chuyển cảnh là tui chỉ việc quay lưng ra đằng sau, vạch bức màn, tui đi vô phòng diễn viên và đèn sáng, giờ giải lao. Nhưng cái ngày hôm đó, sau khi tắt đèn và tui quay lưng lại thì tui không tìm được cái cửa để đi vô hậu trường mà tui cứ gặp vách tường không! Tui cứ va vào vách tường và khi mà MC mời khán giả giải lao thì có thể tưởng tượng được không? Đèn bật sáng lên thì tui thấy tui đứng ngay cổng ra vào của khán giả, có nghĩa là nó cách cái cửa tôi đi vô phòng diễn viên tới hơn 10 thước. Tôi vào tôi hỏi ngay Thanh Hoàng là tác giả của vở kịch ngày âm lịch hôm nay là ngày gì thì đó là ngày giỗ của cụ Cao Văn Lầu. Đêm đó chúng tôi không ai nhớ đó là ngày giỗ của cụ, ngày hôm sau phải làm một mâm cơm để làm đám giỗ muộn cho cụ”.