Trần Chánh Chiếu, vị Đốc-phủ-sứ có quốc tịch Pháp, nhưng... không bán nước bán dân

Nguyễn Bá Thế
Trần Chánh Chiếu
(1868 - 1919)

Đã từng có hàng quan lại Nam triều bỏ chức lo cứu nước: điển hình là cụ Nguyễn Thượng Hiền. Đã từng có thành phần Hội đồng dân cử do thực dân Pháp tổ chức mà không xu phụ kẻ cướp nước, đứng hẳn về phía nhân dân chống lại họ quyết liệt để đuổi họ đi: điển hình là cụ Nguyễn Thần Hiến. Đến như có vị tri phủ mang quốc tịch Pháp hẳn hoi, tỏ lòng yêu nước đến cao độ, có ai dám tin chăng? Thế mà lịch sử Việt Nam trong giai đoạn duy tân cứu quốc đã có một người như thế ấy. Xin thưa: cụ Trần Chánh Chiếu có tên Pháp là Gilbert, tục gọi Gilbert Chiếu, hay Đốc phủ Chiếu hoặc Phủ Chiếu.

Cụ Nguyễn Thượng Hiền bỏ chức đốc học dấn thân cứu quốc không lạ. Cụ Nguyễn Thần Hiến không vì cái chức Hội đồng... bù nhìn mà bán thân cho quỷ, rồi hy sinh cho tổ quốc đến chết gục trong tù, đáng kính đáng phục biết bao, mà cũng không lạ. Nhưng được thực dân ưu đãi mà không vong bản, nghe tiếng gọi đàn mà đứng lên đáp lời sông núi, trường kỳ tranh đấu, thật sự hy sinh, chuyện cụ Trần Chánh Chiếu vừa là chuyện lạ, lại vừa là chuyện cảm động, đáng cảm phục. Nhất là trong thời buổi nhá nhem, biết bao trò mập mờ đánh lận con đen đã diễn, tiểu truyện cụ Trần Chánh Chiếu càng đáng được đề cao, để soi đường cho những ai còn lạc lối, để thức tỉnh hàng trí thức gia nô.

Trần Chánh Chiếu hiệu Quang Huy, lại có các bút hiệu khác là Kỳ Lân Các, Nhựt Thăng, Thiên Trung.

Ông sinh năm Đinh Mão 1867, quê ở quận Vân Tập tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang), con cụ Trần Thọ Cửu và Lai Thị Dệt. Nhà có của, nên ông được đưa lên Sàigòn học bậc trung học, xuất thân là sinh viên Collège d’Adran. Ra trường, ông được bổ dạy ở trường làng, thuộc xã Vĩnh Thanh Vân (Rạch Giá). Ít lâu, ông nghỉ dạy. Lại được thân hào nhân sĩ trong tỉnh cử làm xã trưởng.

Lãnh chức xã trưởng, nhưng ông là một vị xã trưởng đặc biệt nhất, không một xã trưởng nào sánh được. Vì ông giỏi Pháp văn, bặt thiệp, quảng giao, cư xử theo đường lối tân học nên uy tín của ông khiến mọi người phải kính nể. Ông làm xã trưởng trong một tỉnh lẻ miền Tây, mà ông có cung cách như thị xã trưởng ở đô thành. Ông mang dây băng tam tài như xã Tây Sàigòn.

Tài cao, nhân cách chẳng tầm thường, ông được viên Chánh Tham biện (Tỉnh trưởng) Rạch Giá xin cho ông theo quốc tịch Pháp, rồi ít lâu được thăng thưởng làm Đốc phủ. Như ai thì đã tha hồ lên mặt, muốn gì mà chẳng được, chỉ cần quên mất hai chữ liêm sỉ đi, quên luôn cả giống nòi, thì tha hồ nắm quyền sinh sát ở trong tay. Nhưng Trần Chánh Chiếu nào phải con người vong bản, nên bao nhiêu sự mua chuộc của thực dân không đánh đổ được tâm hồn yêu nước của ông. Từ cuối năm 1906, ông đã bắt liên lạc được với các nhà ái quốc trong Nam như Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn Quang Diêu, Nguyễn An Khương, hiểu rõ về phong trào Đông Du đang diễn tiến ngoài Trung, Bắc và lan rộng vào Nam. Ông cùng các đồng chí hưởng ứng tham gia, tích cực hoạt động. Cụ thể hơn, ông cho người con trai là Jules Tiết sung vào hàng thanh niên xuất dương du học, phục vụ đảng cách mạng cứu quốc do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo tạo Hương Cảng. Chính ông cũng có sang Hương Cảng diện kiến với cụ Sào Nam và chấp nhận cho Jules Tiết sang hầu cận Kì Ngoại Hầu Cường Để tại Đông Kinh. Hơn nữa, ông còn lãnh nhiệm vụ phân phát tuyên truyền phẩm ở ngoại quốc gởi về, như các bản sách Kỷ Niệm Lục, Hải Ngoại Huyết Thư, Lưu Cầu Huyết Lệ Thư v.v...

Nhất là khoảng giữa năm 1907, sau khi tiếp xúc với cụ Mộng Vũ Bùi Chi Nhuận lãnh sứ mạng của Kì Nguoại Hầu Cường Để từ Nhật về tuyên truyền trong Nam, Trần Chánh Chiếu càng sát cánh với các đồng chí, hoạt động sôi nổi. Bấy giờ ông đã rời Rạch Giá lên Sàigòn để tiện xúc tiến công việc dự tính. Vả lại, ông cũng là một luật sư trong tòa án Sàigòn.

Rập theo quy củ của các đồng chí ngoài Trung, Bắc, nào mở hiệu buôn, nào mở trường học, để đẩy mạnh phong trào Đông Du và Duy Tân: cụ Nguyễn An Khương lập nên khách sạn Chiêu Nam Lầu tại Sàigòn vừa để kinh tài giúp quỹ cách mạng, vừa làm nơi trụ sở mật đưa rước thanh niên xuất dương du học. Trần Chánh Chiếu cũng đứng ra tổ hợp thành lập “Minh Tân công nghệ” với khẩu hiệu “Động vi binh, tịnh vi thương” (động thì tất cả công nhân trong nhóm “Minh Tân” sẽ là chiến sĩ đứng lên dưới cờ nghĩa, tịnh thì im hơi giấu tiếng lo việc kinh tài). Ông lại lập Minh Tân khách sạn, hãng xà bông Can Can (con vịt), tiệm “Mộng Tiên trà” ở Sàigòn, và lập “Duy Tân lữ quán” ở Mỹ Tho.

Đồng thời, ông hăng say viết sách, viết báo. Ông soạn quyển “Hương Cảng nhân vật” kể cuộc du lịch của ông sang Hương Cảng. Về Pháp văn, ông gởi đăng bài trên báo Le Moniteur des provinces; về Việt văn, ông viết rất nhiều trên tờ “Lục tỉnh tân văn”.

Nguyên tờ “Lục tỉnh tân văn” do người Pháp là ông Pierre Jeantet làm chủ, xuất bản từ ngày 2-11-1907. Ông P. Jeantet đứng tên chủ nhiệm, nhưng thật sự không ngó ngàng gì đến tờ báo, chỉ lo việc quản lý kinh doanh bộ biên tập, sau đó giao cho Trần Chánh Chiếu điều khiển. Nhân đó, Trần Chánh Chiếu ngấm ngầm dùng tờ “Lục tỉnh tân văn” làm cơ quan tuyên truyền chống Pháp và khuyến khích nhân dân rất đắc lực. Ông viết rất nhiều. Những bài báo của ông toàn là bài chứa chan tinh thần yêu nước. Ông đã biến cái lợi khí của địch - tờ Lục tỉnh tân văn của người Pháp - làm lợi khí của mình để tuyên truyền chống địch.

Ngày 17-10-1907, trên báo Lục tỉnh tân văn có bài “Lê Tài Vân” của ông, kể chuyện một ông cha ác nghiệt để gián tiếp chỉ trích sự tàn bạo của chế độ thuộc địa, sự ngu xuẩn ác độc của Nam triều.

Số báo ngày 12-12-1907, ông có bài “Thượng bất chánh hạ tắc loạn”, thẳng thắn cảnh cáo nhà cầm quyền Pháp. Rồi đến bài “Khi những nhân vật thượng đẳng khởi nghĩa”, bản sắc tranh đấu của ông thêm biểu lộ rõ rệt.

Đặc biệt hơn cả, số báo ngày 13-01-1908, ông viết bài “Sự hỗ tương phù trợ giữa đồng bào và bàn về nghĩa hỗ tương phù trợ”, rồi ngày 23-01-1908 viết bài “Dân tộc đoàn kết và thời đàm”, ông công khai lên tiếng gọi đàn và can đảm khen ngợi vụ tàn sát đồn lính Pháp xảy ra tại Rạch Giá.

Thái độ của ông đã làm cho nhà đương cuộc Pháp khó chịu, tìm cách ngăn trở ông. Ông không nao núng gì, vẫn cứ theo lương tâm, theo lý tưởng mà hành động. Không nói công khai được trên báo, thì ông xoay ra hoạt động ngầm. Khách sạn “Nam Trung” cũng do ông và các đồng chí thành lập theo mục đích của nó là một diễn đàn và một ước hội. Một ủy ban cách mạng đã thành lập tại đây một cách bí mật gồm các nhân viên trong ngành công chức hồi đó, như các ông: Nguyễn Háo Văn, thư ký tòa bố Cần Thơ; Đặng Thúc Liêng, thư ký tòa bố Sa Đéc; Xã Đinh ở Vĩnh Long, cai tổng Võ Văn Thiên ở Mỹ Tho.

Ông có nhiệt tâm, có chí hy sinh cao cả nên lôi cuốn được mọi người mọi giới theo về với ông, chung sức lo đại cuộc nước nhà. Thật ra vì ông có Pháp tịch, lúc ban đầu ai cũng nghi ngại ông giở trò... đối lập cuội với chánh quyền, nếu tin nghe theo ông thì chẳng khỏi... mắc bẫy.

Nhưng dần dần thấy rõ sự nhiệt tâm của ông, những người có tâm huyết đều cảm động, không ngần ngại gì nữa, sẵn sàng cùng ông dấn thân trên đường báo quốc.

Tánh ông rất ngay thẳng, thường mạnh dạn đả kích những phường xu nịnh, bán nước buôn dân. Dù là kẻ quyền thế đến đâu, khi ông bất bình ông vẫn nói thẳng, không kiêng nể gì cả. Có lần ông đến tiếp xúc với tri phủ Trần Bá Thọ (con tên Tổng đốc... gian Trần Bá Lộc, tức Tổng đốc Lộc), ông khuyên họ Trần nên chuộc lỗi lầm xưa bằng cách hãy tán gia tài giúp đỡ cho các hội đoàn cứu quốc, Trần Bá Lộc cười lạt bảo ông:

- Tri Hàn Tín bất tri bệ hạ (ý nói chỉ biết có chính phủ Pháp, không biết tới vua mình).

Ông khinh bỉ họ Trần ra mặt. Gặp Trần Bá Thọ, ông gọi mỉa là “Phước tôn” (Phước tôn có nghĩa lá cháu ông Phước, con ông Lộc, nhưng lại có nghĩa theo điệu xổ đề 36 hoặc 40 thì là... con chó!).

Lại một lần khác, bút chiến với các cây bút nặc mùi bơ sữa của báo “Nông cổ mín đàm” do ông Paul Canavaggio làm chủ nhiệm, Lương Khắc Ninh làm chủ bút, ông châm biếm đám người liếm giày thực dân toan tấn công với chủ, bằng hai câu lục bát:

“Nực cười rắn nọ nuốt voi,
Cóc kia lấp lửng lại đòi trèo thang”
.

Bởi thế, ông bị hạng gia nô căm hận ông thấu xương tủy. Trả thù ông, gã Trần Bá Thọ “mét” với ông Outrey, quyền Thống đốc Nam kỳ rằng Gilbert Chiếu làm phản. Rồi gã lại nhờ báo “Cochinchine libérale” của Jules Adrian Marx, tố cáo việc “Minh Tân công nghệ” là cơ sở kinh tài của nhóm Phủ Chiếu, là trụ sở mật của hội kín, mưu đồ đánh đuổi Pháp.

Dựa vào lời thóc mách của tên điềm chỉ cỡ... đốc phủ Thọ ấy, thực dân bắt ngay Trần Chánh Chiếu vào khoảng tháng Avril 1909, đồng thời khám xét sổ sách những cơ sở do ông đứng tên thành lập.

Nhưng thực dân không làm gì được ông, vì ông đã tổ chức rất khéo, không để lộ một hình thức gì để thực dân có cơ sở mà đàn áp. Lại nữa, ông là “dân Tây”, thạo luật nên ông không bị giam lâu. Ngày 21-4-1909 ông được trả tự do.

Được phóng thích, ông thừa biết thực dân đã ghim ông rồi. Từ đó không hoạt động công khai nhưng ông không đầu hàng, không bó tay trước cảnh ngộ khó khăn, vẫn âm thầm tiếp tay với các đồng chí đẩy mạnh mọi công tác cần thiết.

Để thực dân bớt dòm ngó, ông mở một hiệu buôn khác mang bảng hiệu “Quang Huy” (theo bút hiệu của ông) ở số 54 đường Viénor Sàigòn. Ông lại vờ chuyên tâm vào việc soạn sách xuất bản. Chính ông đã có sáng kiến in một tập sách nhan đề là “gia phổ” (có gạch thêm tiếng Pháp là Livret de famille), các trang đầu sách có in hình gốc da lớn rườm rà cành lá để gia chủ điền tên họ những người trong thân tộc từ gốc cho đến cành lá, theo như thể thức tông chi. Lại dành thêm hai trang để gia chủ ghi thêm những điều cần thiết. Phần sau sách thì trình bày từng bài ngắn về công dân giáo dục và những điều phổ thông thường thức.

Ông lại gom những bài báo của ông và các bạn đồng chí xuất bản thành từng tập sách mỏng, nhan là “Minh Tân tiểu thuyết” (hai chữ tiểu thuyết của ông dùng có nghĩa như bài xã luận trong sách báo hiện nay, chớ không phải như danh từ tiểu thuyết bây giờ).

Từ năm 1915, ông cho xuất bản bộ sách “Văn ngôn tạp giải” lần lượt in từng tập mỏng bán giá 0đ50; trọn bộ 20 tập bán 5đ, có đóng bìa da bán 6đ.

Dưới nhan sách “Văn ngôn tạp giải” có gạch thêm hàng chữ Pháp “Recueil du anguage fleuri” in tại nhà in Moderne S. Monrégorot ở Sàigòn. Ấy là bộ sách giải nghĩa về các danh từ mới trong lãnh vực Sử địa, Khoa học, Chính trị, Tôn giáo. Dù ông rất khéo làm ra vẻ không quan tâm đến việc chính trị nữa, ông vẫn bị liệt vào hạng tình nghi. Luôn luôn thực dân cho người theo dõi ông. Biết như thế, một số đông thân hữu dần dần tránh xa ông vì sợ bị liên lụy. Chỉ còn những bạn có gan ruột vẫn thường lui tới với ông như: Huỳnh Đình Điển, Đặng Thúc Liêng, đốc phủ Báu, Nguyễn An Khương, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Văn Sanh, Đỗ Văn Y.

Vượt mọi chướng ngại, Trần Chánh Chiếu vẫn thi gan với thực dân trong sự chống đối. Ông vẫn âm thầm hoạt động cho các tổ chức cách mạng. Ông hoàn toàn hy sinh thân mạng, tài sản cho đại cuộc nước nhà đến nỗi dần dần tiền bạc hao hụt, nhà buôn bị khánh tận. Trong sóng gió, ông vẫn hiên ngang đương đầu với sóng dữ gió cuồng, không sờn lòng, không nản chí.

Đến năm 1917, ông lại bị tòa án quân sự ra lịnh bắt giam lần nữa, vì nghi ông có ám trợ cho Phan Phát Sanh tức Phan Xích Long trong vụ võ trang quần chúng nổi loạn phá khám Sàigòn. Thật nguy cho ông. Nhưng vốn tánh cang cường, có Pháp tịch, có tài biến báo hùng biện, chẳng bao lâu ông thoát khỏi nguy nan. Thực dân thả ông ra lần nữa và lần này canh chừng ông gắt gao hơn. Chúng cố tình khủng bố khiến cho không ai dám gần ông nữa để cô lập ông. Ông luống than dài!

Thân xác dần dần suy yếu vì bao nỗi ưu tư tàn phá, tỉa mòn sức khỏe, nhưng tinh thần ông vẫn kiên cường, ý chí vẫn kiên trung sắt đá. Bạn sinh tử với ông lúc bấy giờ, chỉ còn một Nguyễn Thành Úc, người tỉnh Long Xuyên là vẫn sát cánh với ông.

Đời ông, luôn luôn theo đúng phương châm mà ông đã đề ra trong một bài báo ông viết: “Vì quốc dân, với quốc dân - Vì tổ quốc, với tổ quốc”.

Những lúc thất bại, ông thường than thở với các bạn đồng chí, “Có lẽ sau nầy rồi Trời cũng giúp cho nước ta độc lập chớ chẳng không”.

Cho đến năm 1919, giữa lúc ông đang bịnh, có cuộc đầu phiếu bầu cử thân sĩ Nam kỳ, hai người Pháp tranh nhau là luật sư Monin và quyền thống đốc Nam kỳ Outrey. Trần Chánh Chiếu có Pháp tịch, đứng về phe ủng hộ Monin. Ông gượng bịnh ra xe đi bỏ thăm cho Monin, có Nguyễn Thành Úc đi theo săn sóc cho ông. Bầu xong ông về đến nhà cầm tay Nguyễn Thành Úc mà nói một câu lịch sử: “C’est ma dernìere cartouche” (đấy là phát đạn cuối cùng của tôi). Không bao lâu thì ông mất.

Thương tiếc Trần Chánh Chiếu, hai câu thơ sau đây của ông Phương Hữu thật hay tuyệt:

Quốc tịch mang danh dân Phú Lãng,
Thâm tâm vẫn máu họ Hùng Vương
.

Tấm gương của cụ Trần Chánh Chiếu thật đáng để cho những ai thuộc hàng Tịch Đàm vong tổ, hãy soi lấy mà suy tư, hầu tự kiểm tự phê.