Đôi điều về tiếng trống chầu trong nghệ thuật Hát bội (phần 1)

Nguyễn Hồng Vĩnh

Gần đây tôi có xem một chương trình trên Youtube miêu tả về hình dáng, cấu trúc cái trống chầu và vai trò tiếng trống ấy trong nghệ thuật bội của Việt Nam. Diễn giả trình bày rất hay, “tiếng trống chầu trong sân sân khấu hát bội”. Nhưng nội dung diễn giả nêu vai trò của tiếng trống chầu chủ yếu là “thay mặt khán giả khen, chê trong quá trình hát”. Tôi rất đồng tình, về nội dung trên, nhưng là người cũng biết chút ít về nghệ thuật này xin góp thêm đôi điều về tiếng trống chầu.

Thực ra, tiếng trống chầu nó còn có nhiều chức năng nữa trong quá trình trước, trong và sau khi xuất hát bội kết thúc chớ không riêng một chức năng là “thay mặt khán giả khen, chê trong quá trình diễn, hát”. Những chức năng đó là: Thông báo, hiệu lệnh, khen chê và góp phần nâng cao nghệ thuật ca, diễn của đào, kép. Các giai đoạn thể hiện những việc đó gọi là: khai chầu, xây chầucầm chầu. Có khi 3 công việc ấy thực hiện bởi 3 người khác nhau.

Thông thường, trống chầu được để ở nơi công cộng, đền thờ, miếu mạo, chớ ít ai để nó trong nhà riêng. Mà hát bội thì thường diễn ra ở những nơi công cộng ấy, nên người ta sử dụng cái trống chầu của sở tại trong các xuất hát cho tiện. Ngày xưa phương tiện giao thông chủ yếu bằng đường thủy, trống chầu thể tích lớn, lại kỵ ẩm ướt, khó khăn cho việc di chuyển và bảo quản, nên sử dụng trống chầu của địa phương sở tại là tiện lợi và an toàn nhất.

Trong bài viết này chúng tôi chỉ nêu tóm tắt thế nào là khai chầu, xây chầu và cầm chầu.

1. KHAI CHẦU:

Có thể tích lớn, kêu to và vang xa, nên trước mỗi xuất hát người ta đánh trống chầu mục đích để thông báo làng trên, xóm dưới, nghe mà tới xem chớ không đi thông báo, phát loa từng nhà. Công việc đánh trống thông báo đó gọi là “khai chầu”. Ai đánh, và khai chầu cách đánh như thế nào chúng tôi sẽ trình bày một dịp khác. Nhưng ở đây muốn nói là, khi nghe tiếng trống chầu thôi thúc thì không những trẻ con, mà người lớn cũng bước thấp, bước cao mau tới nơi, có khi đến nơi rồi lại đi vòng ra phía sau xem đào kép còn đang hóa trang!

2. XÂY CHẦU:

Người ta quan niệm hát bội là để cúng thần linh, tiên tổ cao đường, còn bàn dân thiên hạ được cho là xem ké! Vì thế cho nên quan sát những võ ca (tạm gọi là sân khấu) trong các đình, miễu đều thiết kế đối diện với bàn thờ thần linh ở đình, miễu, hoặc bàn thờ cao đường ở những nhà thờ tộc. Ngụ ý là hát để cho các vị ấy xem.

Người ta cũng cho rằng, các vị thần linh và cao đường cũng có nhu cầu hưởng thụ vật chất và tinh thần, tức là khi cúng ngoài vật phẩm ăn uống còn phải được xem đờn ca, xướng hát. Khi dâng vật phẩm viên chấp sự tâu trình kể ra những thứ gì, mong thần linh, hoặc cao đường chứng giám song song với lời cầu nguyện tốt đẹp cho quê hương, xóm làng, con cháu, dòng tộc. Tương tự như vậy, khi dâng những thứ hát (lối gọi ngày xưa) thì viên chấp sự cũng phải đánh trống, trình tâu lên hát tuồng tích gì để bề trên chứng giám. Tất nhiên, nghi thức trình tấu cúng món ăn tinh thần có khác với trình tấu món ăn vật chất. Nghi thức đánh trống và trình tấu ấy người ta gọi là “xây chầu”. Thực hiện nghi thức này ngoài viên chấp sự còn có sự tham gia của một đào, một kép, hai quân sĩ và dàn trống chiến, ngụ ý trình diện để bề trên biết.

3. CẦM CHẦU:

Sau khi xây chầu xong, trống chầu được di chuyển đến sát với võ ca (tạm gọi là sân khấu) người cầm chầu đánh trống ra hiệu cho xuất hát bắt đầu, ra hiệu cho đào, kép khai khẩu sau động bước ra sân khấu múa một hồi. Tiếp đến sẽ điểm chầu khen, chê đào kép trong quá trình hát và cuối cùng là ra hiệu lệnh vãn hát. Mỗi hiệu lệnh bắt đầu và kết thúc cũng như khen, chê, có cách đánh khác nhau. Quá trình theo dõi đào kép hát, cũng như diễn biến nội dung tuồng tích người cầm chầu có cách đánh vuốt hơi, nâng hơi người ca, hoặc cầm chịch cho những động tác vũ đạo làm kích thích hưng phấn cho người diễn cũng như tác đông gây sự thích thú đối với người xem. Song song đó, người cầm chầu còn thưởng bằng tiền hoặc thẻ qui tiền những đoạn hay, cử chỉ này được phóng ngay lên sân khấu bằng những thẻ tùy theo qui ước của từng nơi.

Khi kết thúc đêm hát, ngày mai có hát nữa hay không tiếng trống chầu cũng có cách đánh khác nhau, người nghe tiếng trống đó tự họ biết mà không cần trực tiếp hỏi Ban tổ chức. Có khi vì một lý do nào đó cần phải ngưng hát giữa chừng thì người cầm chầu cũng có cách đánh để mọi người nghe mà nhanh chóng giải tán.

Do đó, tiếng trống chầu vang lên trong quá trình hát bội dù là do một chủ thể khác nhưng nó có tính điều khiển (cầm chịch) xuất hát và nó cũng hòa quyện với dàn nhạc, với lời ca, tiếng hát của đào kép trong đoàn hát. Cái độc đáo của tiếng trống chầu là ở chỗ đó!.

Nếu các bạn thấy đồng tình với ý kiến thô thiển trên, và được sự đồng ý của chủ tài khoản Nguyễn Tuấn Khanh, tôi sẽ trình bày sơ lược về: Khai chầu, xây chầu và cầm chầu theo sự hiểu biết của mình.

Trong dân gian Việt Nam có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt xung quanh tiếng trống chầu. Như là câu thành ngữ:

         Trên đời có bốn cái ngu
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu.

Hay là chuyện chàng rể ông bá hộ bỗng dưng hồi chầu nửa chừng xuất hát với câu nói:

“Nếu không hồi chầu thì đứt đầu c…c…”

Tôi cũng muốn tham vọng phục vụ các bạn một dịp khác.