Góp phần làm rõ “Truyện Tây Minh” trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Mạnh Hùng

Từ khi tác phẩm Lục Vân Tiên ra đời, Đồ Chiểu đã để lại một tồn nghi trong giới văn học, ngôn ngữ… mà chưa được lý giải rõ ràng có căn cứ. Đó là câu nhập đề trong tập thơ Lục Vân Tiên là:

“Trước đèn xem truyện Tây Minh
Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le”


Hình: Nguyễn Đình Chiểu (Nguồn: vi.wikipedia.org).

Truyện Tây Minh là truyện gì? Tình tiết ra sao? Có nhiều ý kiến -dẫn nhiều tư liệu- nhưng chưa có nguồn tư liệu nào thuyết phục được. Tác giả đã cho ta ý kiến có nguồn gốc tư liệu để giải thích về truyện Tây Minh. Đồng thời tác giả còn nêu lên ý kiến về truyện Đông Minh- như là một sự cân đối trong nền tảng triết học phương Đông.

Viết về Nguyễn Đình Chiểu, khảo cứu các tác phẩm của Cụ Đồ, xưa nay đã có nhiều sách báo, có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, nhà nghiên cứu, tây có, ta có. Nhưng có một vấn đề vẫn còn treo tranh đã hơn một năm nay:

Truyện Lục Vân Tiên đã đến với độc giả trong hơn một thế kỷ. Nhưng mãi đến ngày nay, vẫn chưa ai biết đích xác nguồn gốc cuốn truyện gì là, mặc dù câu:

Trước đèn xem truyện Tây Minh

Cứ trơ ra đó như một thách thức:

Không phải đến bây giờ, mà ngay từ hồi Nguyễn Đình Chiểu còn sống, người ta đã bắt đầu bàn cãi về vấn đề này rồi. Trần Nghĩa một nhà nghiên cứu, cũng như nhiều người khác, từng đặt vấn đề: Truyện Tây Minh là gì?[1]

Ông còn dẫn: “Trần Nguyên Hạnh cho rằng “Tây Minh” là tên một tủ sách của Tô Đông Pha đời Tống. Truyện Tây Minh có nghĩa là một cuốn truyện lấy ra từ trong ấy”.

A-Ben đê Mi-Sen (Abel des Michels) thì cho rằng “Tây Minh” ở đây không phải tên một tủ sách, mà tên một Triều đại do Nguyễn Đình Chiểu tưởng tượng ra. Và Truyện Tây Minh, có nghĩa là một câu chuyện xảy ra trong triều đại tương tự đó. Có lẽ Mi-Sen liên tưởng đến “rằng trong Gia Tĩnh Triều Minh” trong truyện Kiều cũng nên.

Giải thích khác hẳn nhau như vậy, vì ông Hạnh cho “Minh” (chữ Hán) nghĩa là “Khắc”, còn Mi-Sen thì bảo “Minh” là “Sáng”. Rút cục, đó cũng chỉ là phỏng đoán thiếu căn cứ.

E.Ba-Giô (E.Bojot) là người dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp thì giới thiệu Cụ Đồ thế này: “Nhân khi nhàn rỗi, Nguyễn Đình Chiểu có nhờ người ta đọc cho nghe một cuốn tiểu thuyết Trung Quốc tên là truyện Tây Minh. Vì thấy câu chuyện ấy có nhiều đoạn giống với cuộc đời mình, nên Nguyễn Đình Chiểu đã mượn đề tài đó để sáng tác ra tập thơ Nôm, lấy tên là Lục Vân Tiên”[2]

Ba-Giô lý giải như vậy cũng hơi hơi có lý, song truyện Tây Minh nào chứ? Câu chuyện xảy ra vào thời nào? Ở đâu? Và đầu đuôi câu chuyện ra sao? Vẫn bí ẩn quá!

Cũng trong bài “Thử bàn về nguồn gốc Lục Vân Tiên”, Trần Nghĩa có nhắc: gần đây, khi bàn về nguồn gốc Lục Vân Tiên, Hoàng Ngọc Phách, Lê Trí Viễn và Vũ Đình Liên có nói “Cứ theo Nguyễn Đình Chiểu, thì Lục Vân Tiên nguồn gốc ở một cuốn tiểu thuyết Trung Quốc nhan đề là truyện Tây Minh… Nhưng truyện Tây Minh thì đến nay vẫn chưa biết là có hay không vì những bảng kê tác phẩm trong các sách Văn học Trung Quốc không thấy đâu nói đến. Cũng có thể là chẳng có cuốn Tây Minh nào cả và cốt truyện Lục Vân Tiên là do tác giả dựa vào thân thế mình và những hiểu biết của mình về truyện Nôm của ta và các tiểu thuyết Trung Quốc mà sáng tạo ra”

Nhiều giả thuyết đã đặt ra. Song cái đinh của vấn đề chính là ở chữ truyện.

Xưa nay trong sách báo của ta từ truyện dùng để chỉ một loại hình văn học, như truyện Kiều, truyện Phan Trần, truyện Trê cóc, truyện Làng Nho… Kể lại sự tích của đời nàng Kiều, của Phan Trần… Truyện có truyện ngắn, truyện vừatruyện dài.

Nhưng từ truyện (nhân đứng + chuyên) trong Hán văn thì nghĩa khác hẳn với tự truyện của ta thường dùng:

Từ truyện có hai nghĩa:

– Theo Tư Mã Thiên, thì truyệnmột thể văn viết về tiểu sử một nhân vật, có từ đời Hán Trung Điệp (giữa đời Hán). Khi viết bộ Sử Trung Quốc, Tư Mã Thiên dùng từ tiểu truyện để nói về tiểu sử một nhân vật. Nếu là một tiểu sử một nhân vật quan trọng thì Tư Mã Thiên dùng từ “liệt truyện”, ví dụ Bá Di liệt truyện. Còn khi nói đến Khổng Tử, thì Tư Mã Thiên lại dùng từ “Thế gia”.


Hình: Tư Mã Thiên (chữ Hán: 司馬遷; 145 TCN – 86 TCN), tên tự là Tử Trường
Nguồn ảnh: https://vi.wikipedia.org/wiki.

Bộ sách Tứ Thư Ngũ Kinh của Trung Quốc gồm chín cuốn sách cơ bản nhất của Đạo Nho. Sách viết cô đọng, xúc tích, nên người đời sau viết sách giải thích bộ Tứ Thư Ngũ Kinh. Sách giải thích đó gọi là truyện. Khi Kinh Xuân Thu ra đời, đã có ba học trò viết sách giải thích gọi là tam truyện:

  • Công Dương Cao có cuốn Công Dương Truyện.
  • Công Dương Xích có cuốn Cốc Dương Truyện.
  • Tả Khâu Minh có cuốn Tả Truyện.

Khi viết mười bài Thập dực giải thích bộ kinh dịch của Phục Hy, Văn Vương, thì Khổng Tử cũng dùng từ truyện: Hệ từ (thượng, hạ) truyện, thuyết quái truyện, tự quái truyện, tạp quái truyện, tứ quái truyện, tạp quái truyện…

Như vậy, danh từ truyện trong cổ văn Trung Quốc khác xa nghĩa chữ truyện mà Việt Nam xưa nay vẫn dùng.


Hình: Khổng Phu Tử (tiếng Trung: 孔夫子) hoặc Khổng Tử (tiếng Trung: 孔子)
Nguồn ảnh: https://vi.wikipedia.org/wiki/.

Bạn đọc các tỉnh phía Nam vẫn thường nghe nói đến “Truyện Tàu”: truyện Tam Quốc, truyện Thuỷ Hử, truyện Hồng Lâu Mộng… Được biết, ngành viết sử ở Trung Quốc có hai cấp: cấp Một gọi là “sử“, loại này viết chặt chẽ, cô đọng, nhưng khô khan người ít học khó hiểu. Cấp Hai là “diễn nghĩa” tức là một loại tiểu thuyết hoá lịch sử, thịnh hành từ thời Minh về sau. Từ khi Bạch Thoại trở thành ngôn ngữ văn tự thông dụng của Trung Quốc thì loại sách “… diễn nghĩa” ra mắt bạn đọc ngày càng nhiều. Sách chữ Hán dịch ra quốc ngữ của ta cũng dùng hình thức diễn nghĩa này, mà cách gọi chung là “Truyện Tàu”. Chữ truyện đã được hiểu theo nghĩa Việt Nam.

Tóm lại, Tam Quốc Chí của Trần Thọ là loại sử cấp Một. Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung là loại sử cấp Hai (đã tiểu thuyết hoá sự kiện lịch sử) gọi là truyện Tam Quốc.

Thế còn truyện Tây Minh là gì? Có phải là Tây Minh diễn nghĩa không? Không phải: Bởi vì Tây Minh không phải là sử Trung Quốc, mà Tây Minh chính là một bài văn giải thích kinh nhà Nho, cũng giống như tam truyện giải thích Kinh Xuân Thu như đã nói trên vậy. Nhưng Tây Minh nội dung thế nào? Mà ta khẳng định là bài giải thích Kinh.

Trong từ điển Từ Hải, có nhắc đến một cuốn sách gọi là “thơ danh” với tên Tây Minh của Trương Tái, đời Tống soạn (Trương Tái tự Tử Hậu là người ở Trấn Hoàng Cừ, Huyện Mi, Trường An, Thiểm Tây, sinh 1019 (Bắc Tống): nên người đời thường gọi ông là “Hoàng Cừ tiên sinh”. Ông đã viết những sách: Chính Mông, Đông Minh, Tây Minh, Lý Quật, Dịch Thuyết. Trước có làm quan, sau về dạy học, thành lập một môn phái triết học riêng là “Quan phái”. Ông mất năm 1077, Ông còn để lại bộ Trương Tử toàn thư gồm 15 quyển trong số Tứ bộ bị yếu. Như vậy, theo Từ Hải, Tây Minh là sách chứ không phải truyện.

Trong bộ Nho giáo, học giả Trần Trọng Kim viết: Trương Hoàng Cừ viết hai bài minh ở hai bên tả hữu nhà học, gọi là Đông Minh và Tây Minh, có nhiều ý kiến rất sâu xa, cho nên Trình Tử (tức Trình Y Xuyên) mới chép mà truyền cho học giả.


Hình: Trần Trọng Kim (chữ Hán: 陳仲金; 1883 – 1953)
Nguồn ảnh: http://vanhoahoc.vn/.

Trong bài Tây Minh, Trương Hoàng Cừ nói rằng: “Kiền xưng là cha, Khôn xưng là mẹ, ta nhỏ mọn hồn nhiên ở giữa. Cho nên, cái lấp khắp trong khoảng trời đất là cái tính của ta. Dân ngô đồng bào, vật ngô dữ dá (dân là anh em đồng bào của ta, vật là cùng ta chịu cái lý và cái khí của trời đất vậy)”.

Như vậy truyệnmột loại văn loại sách giải thích các Kinh của các bậc Thầy, của thánh hiền. Truyện là sách cho học trò học, còn Tây Minh là bài văn tóm lược của Trương Tái đối với những đạo lý đã học được của thánh hiền.

Trong cuốn Trung Quốc triết học sử của Phùng Hữu Lan, xuất bản tại Hồng Kông tháng 5 năm 1968, có nhắc đến Tây Minh trong thiên còn xưng sách Chính mông của Trương Tái.

Gần hai chục năm về trước, vừa hoạt động vừa tranh thủ tự học trong điều kiện sống lẩn tránh mọi sự kìm kẹp của Mỹ Nguỵ, tôi có dịp đi tìm đọc kho sách chữ Hán. Trong bộ Trương Tử Toàn thư thuộc Tứ bộ yếu, có bài Tây Minh và Đông Minh của Trương Tái.

Bài Tây Minh252 chữ.

“Kiền xưng phụ, khôn xưng mẫu, dư tự miếu yên nãi hồn nhiên Trung xử. Cổ thiên địa chi tắc ngô kỳ thế, thiên thiên địa chi soái ngô kỳ tính. Dân ngô đồng bào, vật ngô dữ dã. Đại quân gia, Ngô phụ mẫu tống tử kỳ đại thần, tông tử chi gia tướng dã. Tốn cao niên sở dĩ trường trưởng, từ cô nhước sỡ dĩ âu kỳ âu, Thánh kỳ hợp đức, hiếu kỳ tu đã...”

Bài Đông Minh gồm 91 chữ:

“Hý ngôn xuất ư tự dã, hý động tắc ư nửa dã. Phác hồ thanh, hiên hồ tứ chi vị, phi kỳ tâm, bất minh dã. Dục nhân vô ký nghi bất năng dã. Quá ngôn phi tâm dã, quá đông phi thành dã. Thất ư thanh mẫu mô kỳ tứ thế, vị kỹ đương nhiên tự vu dã, dục tha nhân ký tùng, vu nhân dã. Hoặc gia dĩ xuất ư tâm gia, quy cưa kỳ bất xuất như đã tướng ngạo tha loại, phi bất tri thục thêm yên”.

Tây Minh cũng như Đông Minh không phải là một sáng tác mới mà chỉ là những bài Trương Tái tóm lược và diễn giảng những điều ông tâm đắc về triết lý nhân sinh của đạo Nho, những nguyên lý đạo đức của thánh hiền mà ông học được và đem truyền thụ theo cách hiểu của mình cho học trò.

Trong một dịp khác, chung tôi sẽ cố gắng dịch lại toàn văn và chú giải hai bài Tây Minh và Đông Minh, để bạn đọc có thêm căn cứ tìm hiểu tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu. (Nếu các bậc giả đã có nói qua về bài Tây Minh thì dịp này, chúng tôi sẽ nêu lên tương quan giữa Đông Minh và Tây Minh để hiểu rõ hơn quan niệm toàn diện của Trường Hoàng Cứ về vấn đề này).

Trước đèn xem truyện Tây Minh?

Như trên đã nói, Tây Minh không phải là truyện như chữ truyện ta thường dùng xưa nay. Cụ Đồ đã dùng từ truyện theo đúng nghĩa cổ của nó, và từ minh cũng vậy. Minh (Kim + danh) là một thể văn ngắn gọn ghi tóm tắt nội dung chính một số vấn đề cần học thuộc lòng. Nguyễn Đình Chiểu đọc và tâm đắc hai bài Tây Minh và Đông Minh từ khi chuẩn bị thi đình hay trước nữa, chứ đâu phải đợi tới khi sáng tác Lục Vân Tiên mới “trước đèn xem truyện Tây Minh”. Cách nhập đề như truyện Lục Vân Tiên vẫn thường là một thủ pháp cổ điển chứa hầu hết các truyện Nôm thời xưa (ngay cả truyện Tàu cũng vậy): mấy câu mở đầu đã toát lên phần lớn triết lý và tóm lược nội dung cốt truyện.

Căn cứ vào nội dung nguyên bản Tây Minh, Đông Minh đem so sánh với nội dung tư tưởng truyện Lục Vân Tiên thì có thể đi tới một kết luận: Tây Minh là nền tảng tư tưởng triết học của Lục Vân Tiên, của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Tây Minh là một đoạn văn chủ chốt trong sách Chính mông, một trước tác triết học của Trương Tái.

Chu Hi chú giải cho đoạn văn này, công nhận mốc cao nhất trong tư tưởng triết học của Trương Tái là bài Tây Minh. Trình Di, một học giả đương thời, cũng khen bài này là một trước tác quan trọng nhất của nhà Nho sau sách Mạnh Tử. Khi chú thích bài Tây Minh, Chu Hi viết: “Lại nói kỹ về bài này, hết sức đi sâu phát triển, đặt ngang với Luận ngữ, Mạnh tử, Ngũ Kinh”.


Hình: Chu Hi (朱熹, bính âm: Zhū Xī; Wade-Giles: Chu Hsi), tự là Nguyên Hối, hiệu là Hối Am, (sinh ngày 18 tháng 10, 1130 – mất ngày 23 tháng 4, 1200).

Sau khi lý giải thế nào là truyện, thế nào là Tây Minh, ta có thể đi tới một kết luận khác, hoàn toàn có căn cứ: Câu chuyện Lục Vân Tiên là do Nguyễn Đình Chiểu hoàn toàn sáng tạo ra, chứ không hề vay mượn ở một cốt truyện nào sẵn có.

Nhưng tại sao tên người tên đất trong Lục Vân Tiên lại toàn là tên người tên đất bên Tàu?

Bắt đầu từ chữ Tây Minh, đến cái tên Lục Vân Tiên người nước Sở, Hớn Minh dẹp giặc Ô Qua, những tên Đông Thành, Tây Xuyên, Trường An, Sóc Phương, Tử Trực, Bùi Kiệm, Trịnh Hâm, Nghiêu Thuấn, Sào Phủ, Hứa Do… nghĩa là toàn những tên đất tên người bên Tàu… để làm cho người ta liên tưởng đến một cốt truyện Tàu có thực nào đó mà cụ Đồ dựa vào để sáng tác Lục Vân Tiên cũng như Nguyễn Du đã dựa vào Đoạn Trường Tân Thanh để sáng tạo ra truyện Kiều vậy.

Đúng, vay mượn là một hiện tượng tự nhiên vốn có xưa nay trong lịch sử văn học thế giới và trong nước. Nhiều ông Tú ông Nghè thuộc lịch sử Tàu, văn học Tàu, sách Tàu, điển cố Tàu hơn là lịch sử, văn học, điển cố nước nhà. Đến thời Tây học cũng không ít ông Tú ông Nghè Tây học đông nói là dẫn điển cố và câu nói của các vĩ nhân phương Tây, để tỏ ra học rộng tài cao.

Nguyễn Đình Chiểu vốn là một nhà nho thực thụ, tuyệt đối trung thành với đạo Nho, đến mức bài xích các tôn giáo khác, cho nên ông cũng thuộc làu kinh sử Tàu như bất kỳ nhà Nho nào khác.

Chỉ có điều đáng lưu ý ở đây là trong khi dùng tên người tên đất Tàu, tác giả Lục Vân Tiên không hiểu vì lẽ gì đã bỏ qua tính lô gích về không gian và thời gian. Chẳng hạn: Vân Tiên là người nước Sở, một nước chỉ mới xuất hiện trong lịch sử Trung Quốc từ thời Chu đến thời Tấn, vậy làm thế nào mà Vân Tiên lại đánh bạn với Hớn Minh đi dẹp giặc Ô Qua, là một bộ tộc nhỏ mãi mấy trăm năm sau, nghĩa là mãi đến thời Tam Quốc mới xuất hiện ở miền Nam Trung Quốc, Vân Tiên sống thời Sở Vương làm thế nào tái sinh để có thể biết chuyện mãi sau này: Chuyện Gia Cát thời Tam Quốc, chuyện Hàn Dũ thời Đường, chuyện Trần Đoàn thời Tống? Rồi từ Đồng Quan, ranh giới giữa Hán và Hồ (tức Ô Qua) – thuộc địa phận Thiểm Tây – đến Trường An là đất liền thế mà Nguyệt Nga bị cống sang Ô Qua vẫn:

Mười ngày đã tới Ải Đồng
Mênh mông biển rộng, đùng đùng sóng xao.

Những bằng chứng trên đây càng cho ta thấy không có chuyện Tây Minh với cái nghĩa câu chuyện có đầu có đuôi, vấn đề mượn nhân danh và địa danh của Tam Quốc trong Lục Vân Tiên chỉ là một ước lệ trong việc sáng tác của thời quân chủ trước đây mà thôi. Thực sự việc sáng tác thường theo đường lối “ý tại ngôn ngoại” chủ yếu tác giả muốn nói một cái gì đó ngoài danh từ ước lệ. Điều này có thể giải thích tính cách phi lô gích trong việc sử dụng tên người, tên xứ về lịch sử Trung Quốc, đã dùng trong truyện.

Nguyễn Đình Chiểu đã cảm hứng bài Tây Minh, một đỉnh cao tư tưởng triết học Nho giáo, mà tự sáng tác ra truyện Lục Vân Tiên để nói rõ thân thế và lý tưởng cuộc đời mình trước thời cuộc.

Như vậy, rõ ràng Nguyễn Đình Chiểu sáng tác Lục Vân Tiên không theo đường lối thông thường như các nhà Nho khác đã làm trước đây, như Nhị Độ Mai, Kim Vân Kiều tức là Từ lam bản[3] (bản gốc) để viết ra thanh bản (bản mới) nội dung bản mới phần lớn không thay đổi mấy so với bản gốc, chủ yếu thay đổi hình thức.

Trong lúc đó, Lục Vân Tiên là một tác phẩm hoàn toàn do sáng tác, nếu có mượn thì chỉ mượn danh từ ước lệ, chứ không mượn nội dung tương quan của Tây Minh và Lục Vân Tiên, rõ ràng không phải tương quan “Thanh xuất ư lam” mà chỉ là một tương quan nhằm so sánh giữa lý luận thuần tuý và thực tế cuộc đời. Lý luận của nhà Nho nói chung là tốt. Trong lúc đó thực tế là của riêng Nguyễn Đình Chiểu thì rất đau thương. Do đó mới thấy được nhân tình éo le.

Chú thích:

[1] Nguyễn Đình Chiểu, Tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật. Nhà xuất bản KHXH, Hà Nội, 1973, trang 185.

[2] E.Bojot: Histoire du Lục Vân Tiên. Xuất bản tại Pari, 1887, trang 12.

[3] Thanh xuất ư lam: màu thanh do màu lam mà có (bản mới do bản gốc mà ra).

___________