Ba năm sau ngày mất,
Tưởng nhớ giáo sư Nguyễn Ngọc Bích (1937-2016)


 Nguyễn Như Hùng

Những ngày còn ở trong nước, đôi khi được nghe bà con làng Yên (ông chú dượng, ông anh rể…) nhắc đến tên ông Tuần Tấn. Sau này mới biết cụ là thân phụ của gs Nguyễn Ngọc Bích (NNB). Tuần là chức vụ của Cụ, Tuần phủ. Có thời Cụ làm Tổng đốc tỉnh Bắc Ninh, bà con làng Yên rất hãnh diện. Tiếp đến, đọc bài viết của Gs Bích trong báo Xuân Bắc Ninh, nam Cali, năm 2013, mới biết thân mẫu của Gs Bích là người Đáp Cầu, quê hương tít mù xa của tôi. “Ở Bắc Ninh, nếu quê tôi, làng Yên, là nhà quê thứ thiệt thì bên Đáp Cầu, quê Đẻ tôi, thì lại gần phố thị.” (trích trong bài “Đẻ, người con gái Bắc Ninh” của NNB). Làng Yên (tên đầy đủ là Yên Mẫn) và thị xã Đáp Cầu đều nằm trong địa hạt huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh.

Các con của cụ Tuần Tấn, người tôi biết nhiều là Gs Nguyễn Ngọc Linh, trai lớn của cụ, du học ở Mỹ về, có thời làm tổng giám đốc VN thông tấn xã, có lúc mở trường Anh ngữ Nguyễn Ngọc Linh tại Saigon. Nhớ nhất là chuẩn uý Nguyễn Ngọc Linh, thủ khoa khóa 12 trường võ bị Thử Đức (thời tổng thống Ngô Đình Diệm). Và có thời gs Linh làm báo, làm thương mại…

Còn về gs Nguyễn Ngọc Bích, sau này, khi sang Hoa Kỳ, tôi mới biết, qua truyền thông, báo chí. Gs NNB là nhân vật rất có tiếng trong địa hạt văn hóa giáo dục tại hải ngoại. Ông còn là người hoạt động tích cực trong lãnh vực tranh đấu để đem tự do, dân chủ thực sự cho quê hương VN. Xin liệt kê vài chức vụ gs Bích đảm nhiệm: Tại quê nhà, trước 1975, Ông từng giữ chức Cục trưởng Cục Thông Tin Quốc Ngoại của Bộ Dân Vận Chiêu Hồi. Ông là Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã cuối cùng của VNCH…Ra hải ngoại, gs Bích giảng dạy nhiều trường đại học tại Hoa Kỳ, có thời làm Giám đốc ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do, Giám đốc song ngữ của bộ Giáo Dục Liên Bang Hoa Kỳ (thời TT George W.H. Bush), Chủ tịch Nghị Hội toàn quốc của người Việt tại Hoa Kỳ, tham dự và tổ chức nhiều hội thảo tại Hoa Kỳ và thế giới.v.v. Ngoài ra phải kể đến phần biên khảo dịch thuật rất giá trị của gs Bích. Còn nhiều, nhiều lắm, công trình giá trị của Gs Bích đóng góp cho văn hóa, xã hội VN, đã được nhiều tác giả ghi nhận và phổ biến.

Ở đây, tôi chỉ ghi lại vài hình ảnh kỷ niệm cùng sinh hoạt với gs NNB:

Gs Nguyễn Ngọc Bích với Hội Xuân Bắc Ninh, nam Cali.

Hội đồng hương Bắc Ninh nam Cali được thành lập từ năm 2007. Đôi khi, gs Bích và phu nhân, tiến sĩ Đào Thị Hợi, bay từ Đông sang Tây của đất nước Hoa Kỳ rộng lớn.để tham dự hội Xuân Bắc Ninh. Hai năm sau, 2009, hội mới phát hành đặc san đầu tiên: đặc san Xuân Bắc Ninh (BN) năm Kỷ Sửu (2009).


ÔB gs Nguyễn Ngọc Bích với hội Xuân Bắc Ninh.

Từ đó, hầu như đặc san năm nào cũng có bài viết về quê hương Bắc Ninh của Gs NNB.:

  • Xuân BN số 1 (2009) với bài: “Nhật tương xuất, ốc ốc đề”
  • Xuân BN số 2 (2010) với bài: Hồi ức Bắc-Ninh, “Ghẻ Tầu là ghẻ Tầu Tây”
  • Xuân BN số 3 (2011) với bài: “Ông Ngoại tôi Nguyễn Trạc Yên”
  • Xuân BN số 4 (2012) với bài: “Gốm da lươn Phù Lãng”
  • Xuân BN số 5 (2013) với bài “Đẻ” người con gái Bắc Ninh.”
  • Xuân BN số 6 (2014) với bài “Trần Đức Thảo: Những lời trăng trối”
  • Xuân BN số 7 (2016) với bài “Chuyện ma của Đẻ”. (Đây là bài cuối cùng của Gs Bích viết cho hội đồng hương BN, nam Cali. Báo Xuân BN số 7 phát hành dịp Tết, khoảng tháng 2/2016. Gs Bích không đến hội Xuân Bắc Ninh kỳ này được, vì phải sửa soạn cho chuyến đi Phi Luật Tân tham dự “Họp Mặt Dân Chủ” lần thứ 15 và Hội nghị về Biển Đông Nam Á. Than ôi ! trên chuyến bay định mệnh này, Gs Bích đột ngột ra đi, không lời từ giã (3/3/2016 )...!!!).

Năm sau, 2017, báo Xuân BN số 8 không có bài viết của gs Bích nữa, thay vào đó là bài của Hội Bắc Ninh: “Tưởng nhớ Gs Nguyễn Ngọc Bích”.

Trưởng Nguyễn Ngọc Bích với trại Hướng đạo Thẳng Tiến IX (7/2009).


Nguyễn Ngọc Bích và Nguyễn Như Hùng.

Trại họp bạn thế giới của Hướng Đạo VN “Thẳng Tiến IX” tổ chức tại King City, California, vào tháng 7-2009. Cứ 2 hay 3 năm, Hướng Đạo VN Hải ngoại lại tổ chức một trại họp bạn quan trọng như thế tại những địa điểm khác nhau trong các châu lục, với tên đặt là Thẳng Tiến. Như Thẳng Tiến 1, tổ chức tại Pháp, năm 1985. Năm ngoái 2018, Thẳng Tiến 11 tổ chức tại Virginia, Hoa Kỳ. Nghe nói, năm tới, 2020, Thẳng Tiến 12, sẽ được tổ chức tại Sydney, Úc.

Trở lại Thẳng Tiến 9, tổ chức tại King City, thuộc miền bắc Cali, quy tụ trên 2500 hướng đạo sinh từ khắp nơi trên thế giới (Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Úc…). Chúng tôi, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Như Hùng và Phạm Văn Quảng là những người thường gặp nhau trong Hội Xuân và báo Xuân Bắc Ninh, nam Cali, lại gặp nhau trong trại “Thẳng Tiến 9” kỳ này. Anh Quảng đi với bà xã nên ở ngoài. Anh Bích và tôi ở ngay trong trại. Ban tổ chức xếp chỗ ăn ngủ cho người có tuổi chúng tôi ở trong nhà gạch, kín gió; chứ không được ở ngoài lều vải ngắm trăng sao như các đoàn viên trẻ. Mấy ngày đêm sinh hoạt thường xuyên với nhau, chúng tôi dắt nhau đi thăm các gian hàng, coi các màn trình diễn. Giờ ăn, giờ ngủ thường trò truyện bên nhau.


Phạm Văn Quảng và Nguyễn Ngọc Bích.

Đặc biệt, lúc nào tôi cũng thấy anh Bích cầm một quyển sách, hay tập giấy, ít khi đi tay không.

Một buổi sáng, cùng ngồi bàn điểm tâm, tôi chỉ vào quyển sách dầy trên bàn và hỏi anh Bích:

“Cuốn này, anh đọc bao lâu thì xong?”

“Khoảng 2, 3 ngày. Mấy hôm nay thì lâu hơn” Anh nhìn vào cuốn sách, cười cười và trả lời.

Tôi nghĩ, với tôi phải mất vài tuần vì ít khi đọc liên tục. Thường lúc sinh hoạt trại, anh không đọc sách, nhưng vẫn cầm trong tay, gặp lúc thuận tiện, anh mở ra đọc tiếp. Vào một buổi trưa, trời nắng gắt, chúng tôi tìm bóng mát dưới tàn cây. Âm thanh vang dội từ các loa trên cao, và trước mặt, các đoàn sinh chơi đá banh ồn ào. Anh vẫn bình thản đọc sách; còn tôi thì.., lim dim vào giấc ngủ trưa hè. Phải thán phục tài đọc sách của anh! Giữa khung cảnh ồn ào, náo nhiệt như vậy mà anh Bích vẫn thanh thản nghiền ngẫm những dòng chữ dày đặc trên trang sách. (Nay tôi tự nghĩ: không biết anh Bích có phục tôi, như tôi thán phục anh không. Phục gì ? Ồn ào thế mà cũng đánh được một giấc li bì, mươi, mười lăm phút! hì hì!).

Dáng đi hơi ngả về phía trước.

Ai giao tiếp với anh, cũng đều nhận thấy, anh là người đôn hậu, ăn nói từ tốn, miệng luôn nở nụ cười.

Sau mấy ngày đêm sinh hoạt trong trại với các đoàn viên Hướng đạo, vì có việc phải về trước ngày trại bế mạc, chúng tôi đến bắt tay, chào từ giã mấy bạn thân quen. Tôi theo anh Bích ra chỗ đậu xe. Anh Bích lái đưa tôi về San Jose. Ngồi bên cạnh, thấy anh Bích lái rất cẩn thận, tinh tường. Một cụ Ông, tóc bạc phơ ngồi sau tay lái, chạy phoong phoong trên xa lộ 101, nối liền nam bắc tiểu bang California.

Đến đây, tôi lại thêm một màn thán phục nữa đối với anh Bích.

Với tôi, tuổi chỉ hơn anh Bích khoảng nửa năm thôi, nhưng đã bao năm rồi không lái xe đường xa, chỉ quanh quẩn trong thành phố, đường quen, nhất là xe quen. Trái lại, ở đây, anh Bích lái đường trường, đường lạ (vì anh ở miền Đông) và xe lạ. Nói chuyện với anh trên xe, mới biết, xe này anh mượn của người cháu ở vùng bắc Cali này...

Chúng tôi khởi hành sáng sớm từ King City, khoảng 2 tiếng sau, xe đến San Jose. Anh Bích bình tĩnh lái thẳng đến điểm hẹn. Viện Việt Học cùng với các bạn đã chờ chúng tôi tại đây, Trưa nay, Viện Việt Học, từ Orage county lên San Jose, tổ chức ra mắt sách, quyển “Tự điển chữ Nôm trích dẫn”, Gs Nguyễn Ngọc Bích là một trong 7 soạn giả.

Sau đây là hình kỷ niệm chụp tại buổi ra mắt sách của VVH.


Diệu Linh, Ngọc Bích, Doãn Vượng, Lưu Khôn, Trương Toại, Tuấn Khanh, Lệ Hương, Như Hùng.

Và nét chữ viết của gs Nguyễn Ngọc Bích:


Sự ra đi đột ngột của Gs Nguyễn Ngọc Bích.

Trên chuyến phi cơ từ Mỹ qua Phi Luật Tân, tham dự Họp Mặt Dân Chủ và hội nghị về biển Đông Nam Á, gs Bích bị nhồi máu cơ tim và ra đi ngay sau vài phút cấp cứu, ngày 3 tháng 3 năm 2016, bên cạnh phu nhân, gs Đào Thị Hợi và một đồng chí, gs Đoàn Viết Hoạt. Một tin đau buồn đột ngột cho người thân, bạn bè và người Việt khắp nơi trên thế giới. Ai đã gặp gs Bích rồi thì không thể quên nụ cười cởi mở, thân thiện của Ông. Ai đã tiếp xúc với gs Bích rồi đều nhận thấy cái tâm trong sáng, lương thiện của một con người suốt đời hăng say hoạt động cho văn hóa, xã hội và nhân quyền VN. Đúng là hoạt động cho tới hơi thở cuối cùng. Dễ mấy ai có diễm phúc như vậy. Ở cái tuổi 80 (tuổi ta), quá “thất thập cổ lai hi” nhiều, ra đi nhẹ nhàng, không đau ốm, đang trên đường hoạt động cho lý tưởng mà mình hằng theo đuổi, ra đi thanh thản như trong giấc ngủ trên nền trời Đông Nam Á, gần bầu trời quê hương, bên người vợ yêu quý và các bạn đồng chí hướng ngay trên phi cơ cũng như đón sẵn tại phi trường Malila chờ máy bay đáp xuống. Mọi người đều dõi theo tin tức, ngưỡng mộ tài năng, cảm phục tâm tốt và rất thương tiếc sự ra đi của gs Bích. Phật tử Nguyễn Ngọc Bích, pháp danh Tâm Thiện, đúng là có tâm Phật, xứng đáng trở về Cõi Phật.

Khoảng 2 tuần sau ngày ra đi của gs Bích, anh em Họp Mặt Dân Chủ bắc Cali có tổ chức lễ truy điệu gs Nguyễn Ngọc Bích cùng 5 nhà tranh đấu dân chủ, nhân quyền cho VN.


Tuy cách xa từ đông sang tây nước Mỹ, tôi vẫn thường theo dõi hoạt động của gs Bích. Tháng 1, 2016 gs Đặng Cao Ruyên qua đời tại bắc Cali, tôi được đọc bài viết của gs Nguyễn Ngọc Bích “Cụ Đặng Cao Ruyên, nhà Kiều Học số 1 ở Hải ngoại đã ra đi”. Tháng 2 năm 2016, tôi coi bài “Chuyện ma của Đẻ” của gs Nguyễn Ngọc Bích đăng trong đặc san Xuân Bắc Ninh, Nam Cali. Tiếp đến tháng 3, tin động trời, gs Nguyễn Ngọc Bích ra đi. Tôi thật sự bàng hoàng, đau buồn, đến bây giờ mới ghi lại một vài lời tưởng nhớ. Mong anh Bích thanh thản nơi cõi Phật và nguyện cầu hương linh gs Nguyễn Ngọc Bích, pháp danh Tâm Thiện phù hộ cho quê hương VN được độc lập, người dân trong nước sớm được hạnh phúc, tự do, dân chủ thực sự.