Thương nhớ “Ông Năm Yersin”

 Nguyễn Như Mây
Alexandre Yersin
1863-1943

Từ ngày được đọc các sách trong và ngoài nước viết về ông ở Thư viện Quốc gia Sài Gòn năm 1970, lần nào (tính từ năm 1970 đến tận năm 2018), đi ngang qua Suối Dầu - huyện Diên Khánh, cách Nha Trang khoảng 30 km, tôi đều ghé lại thắp nhang cho ông. Có lần vì mãi ham chơi dọc đường trên chiếc xe gắn máy phong trần gió bụi nên quên mua nhang trước, tôi đã hái một cành hoa dại trước mộ ông rồi chắp tay vái lạy như đang đứng trước mộ phần một người ruột thịt của mình. Đó là vị Tiến sĩ - Bác sĩ Y khoa Alexandre Yersin, người đã chọn đất Nha Trang của đất nước chúng ta làm một quê hương thứ hai của mình cho tới ngày trút hơi thở cuối cùng. Đó là “Ông Năm Yersin” người bạn thân thiết suốt mấy chục năm trời của bà con ngư dân Xóm Cồn - Nha Trang!

Lúc đầu, Bác sĩ Yersin là một thầy thuốc (Docteur en médecin) trên tàu buôn của hãng Nhà Rồng (Pháp, Compagnie des Messageries Maritimes) từ tháng 9,1880 - chuyên chạy tuyến Manila - Sài Gòn - Hải Phòng. Nhưng mỗi khi tàu chạy ngang qua hay ghé thăm Nha Trang, ông bị “thôi miên” bởi cảnh đẹp của biển, của núi và của những rặng dừa xanh ven bờ đang còn hoang dã ấy... Bạn bè đều biết ông là người luôn có máu phiêu lưu nên không ai ngăn được ông.

Tháng 7, 1891, Yersin xin nghỉ việc trên tuyến hải hành ấy để trở thành một “công dân” chính thức của Xóm Cồn - Nha Trang - một miền thuỳ dương đẹp, hiền hoà và thơ mộng của đất nước Việt Nam.

Bác sĩ Alexandre Yersin vốn là dân Thuỵ Sĩ nhưng được sinh ra tại Pháp vào năm 1863. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa với luận án (thèse) về bệnh Lao tại trường Đại học Y khoa Paris với sự hướng dẫn của người thầy mình là Giáo sư - Bác sĩ Roux - người đã có công phát minh ra vaccine trị bệnh Bạch hầu cho toàn thế giới... Sau này, nhà Bác học Louis Pasteur có nhiều chú ý tới Yersin nên đã mời ông cộng tác tại Phòng Thí nghiệm của mình... Pasteur là người đầu tiên tìm ra vi khuẩn (Bactérie) của bệnh Dịch hạch (la Peste) - một căn bệnh đã giết chết 2/3 dân số châu Âu và 1/3 dân số Trung Hoa thời bấy giờ...

Vào đầu tháng bảy năm 1891, Bác sĩ Yersin đã chính thức chọn Xóm Cồn với những cồn cát trắng trải dài ven biển đẹp mê hồn vào những đêm trăng thanh gió mát là nơi tập trung đông nhất dân vạn chài của Nha Trang để sống và thực hiện những hoài bão, ước mơ về khoa học của mình. Ông bỏ tiền túi ra mua lại từ chính quyền thuộc địa một cái “lô-cốt” (blockhaus) xây bằng đá bên bờ biển để lập nên nhà ở cho mình. Nơi đây, sau này được Ông cho phát triển thành một trường học “xoá mù chữ” bên cạnh một “bệnh viện” cho bà con ngư dân sở tại và cả của Nha Trang do chính Bác sĩ hàng ngày đích thân đi bắt mạch, cho toa và điều trị hoàn toàn miễn phí cho từng bệnh nhân - kể cả ăn và ở!...

Ông đã hiến trọn đời mình suốt 50 năm để cùng vui buồn sướng khổ với bà con sở tại đến nỗi họ đã thân mật gọi tên ông là “Ông Năm Yersin”! (Một năm sau khi trở thành công dân Xóm Cồn, ông đã nói và viết khá sỏi tiếng Việt Nam nên rất ghét bất cứ ai gọi dân ta bằng cái tên “An - Nam - Mít”!)... Nhà ông còn là phòng thí nghiệm khoa học, phòng chiếu phim mang tính giáo dục cho con em vạn chài Xóm Cồn... Từ lòng yêu mến đó, ông về Pháp mua nhiều sách dạy kiến thức phổ thông, kính thiên văn, máy phát điện... rồi đến các loại gia súc nuôi lấy sữa và thịt như dê, cừu; các loại cây trái như cà - phê, bắp sú, ca-rốt, khoai tây; cây cao-su, cây tiêu, điều và cả cây hoa Tigonne (sau này loài hoa ấy đã đi vào thơ ca với bài thơ “Hai sắc hoa Ti-gôn” của T. T. - K. H.)... để qua trồng khắp Đông dương. Thời ấy, nước ta chưa hề có các loại gia súc hay các loại “lê-guym”, cây trái ấy... Đặc biệt, vì là một Bác sĩ chuyên khoa về Dịch tễ học, Alexandre Yersin còn bỏ nhiều công sức và tiền của để sưu tầm hay tìm mua cho được một loại cây trị bệnh Sốt rét (chỉ có duy nhất tại Singapore), đó là cây Quinkina (tên khoa học là Chinchona Ledgeriana - tục gọi là cây Kanh-ki-na) về gieo trồng khắp vùng đất mình khai phá trên núi Hòn Bà để bào chế ra thuốc trị bịnh cho dân Việt Nam... Bác sĩ còn lập vườn trồng thử nghiệm cây cao - su rồi dùng trọn vẹn số tiền thu hoạch từ mũ cây ấy để góp vào những mở mang cho Xóm Cồn thân yêu của mình.

Tháng 9 năm 1895, với lời kêu gọi của chính quyền thuộc địa, Alexandre Yersin về Nha Trang thành lập “Phòng Thí nghiệm Yersin” - tức Viện Pasteur Nha Trang sau này - để rồi từ đó, Ông đã bào chế ra vaccine đặc trị vi trùng Dịch hạch do chính mình phát hiện ra...

Năm 1902, nghe theo lời mời của bạn thân tình là Toàn quyền Paul Doumer, Bác sĩ Yersin đứng ra thành lập và chỉ tạm nhận chức Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Được hai năm, ông lại xin quay về với Xóm Cồn của Nha Trang!...

Năm 1904,Bác sĩ Yersin được bầu làm Giám đốc Danh dự Viện Pasteur Paris; rồi sau đó là Giám đốc Viện Pasteur Sài Gòn, Nha Trang... Năm 1916, Viện Hàn Lâm Khoa học Paris đã bầu ông vào chức Viện sĩ Thông tấn nhưng rồi ông vẫn không sao “lìa xa” hẳn nơi ông đã chọn làm “quê hương thứ hai” của mình nên cứ phải đi đi về về giữa Nha Trang và Paris!

Ở Xóm Cồn, Bác sĩ Yersin đã hết lòng cống hiến cả đời mình bằng tất cả những gì có được để góp phần mở mang dân trí sở tại với phong cách sống bình dân và giản dị nhất của một trí thức khoa bảng tây phương... Ví dụ như việc Bác sĩ dùng trọn số tiền thưởng từ các giải khoa học của mình mua ống “tuy - ô” đem từ Pháp vể để kéo nước sạch cho bà con vạn chài Xóm Cồn dùng hằng ngày. Hoặc ông không chút ngần ngại khi bỏ ra 8000 quan Pháp để mở đường liên thông từ Nha Trang lên núi Hòn Bà dài hơn 30 km cho người dân đi lại thông suốt - cũng là nơi có vườn thực vật trồng thử nghiệm loại cây thuốc Ka-ki-na; hoặc ông đã xuất tiền túi mua máy chiếu phim cùng với nhiều loại sách, từ điển rồi lập thêm thư viện cho bà con Xóm Cồn đến đọc và vui chơi...

Nay, cả nước Việt Nam ta ai cũng nhớ đến công tìm đường khai phá ra Đà Lạt, thủ phủ Cao nguyên Lang - Biang của Bác sĩ Yersin - bắt đầu từ ngày 21,3.1893 - sau này là đường sắt răng cưa chạy từ Tháp Chàm (Phan Rang) lên tới Đà Lạt. Chính ông đã làm cố vấn cho bao nghiên cứu, trằn trọc về việc mở đường rồi tới việc khai thác của Công ty Đường sắt Răng Cưa này... Ông rất vui trong ngày khách thành đường sắt nên đã nói một câu đến nay còn lưu lại tại Nhà ga Đà Lạt “Đường sắt này chính là trọn tâm hồn ham khai phá, phiêu lưu của tôi”...

Ngày 1 tháng 3 năm 1943, Bác sĩ Alexandre Yersin trở bệnh nặng vì tuổi già (90 tuổi). Trước lúc về với Chúa, Ông đã “dặn dò” lại cho bà con nên đưa mình về Suối Dầu an nghỉ chứ tuyệt đối không chuyển thi hài về Pháp vì rất tốn kém. Ngày hôm ấy, ngoài nhân dân và giới Khoa học khắp thế giới, toàn bộ bà con ngư dân Xóm Cồn đều khóc và xin lập bàn thờ ở từng nhà và để tang tưởng nhớ “Ông Năm Yersin” yêu quí suốt 50 năm qua mà họ từng kính yêu như một người Cha ruột thịt của mình...

Sau năm 1975, vì tài sản là của một người Pháp “thực dân” nên người ta đã đập bỏ không chút tiếc thương ngôi nhà xưa của vị Tiến sĩ, Bác sĩ Y khoa tên Alexandre Yersin để từ vị trí đẹp và thơ mộng ấy, họ xây lên một khu nhà cao tầng hiện đại và sang trọng... Để rồi nghe nói ngày nay lại phải bỏ ra một số tiền khá lớn để hòng phục chế lại nơi ngày xưa “Ông Tây thục dân” đã xây dựng nên bằng chính mồ hôi và đồng tiền túi của mình! (?). Họ cũng quên mất rằng các đầu máy xe lửa và cả con đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt xưa kia từng có một phần công sức đóng góp của vị Bác sĩ “thực dân” ngày nào nay đã bị người ta đem bán tất cả theo giá sắt vụn không hề có một chút suy tính hay tiếc thương vì nó từng là tài sản của “thực dân xâm lược”! Thậm chí, tên của ông còn bị người ta muốn đục bỏ ở nhiều nơi cùng lúc với tên vị Giáo sĩ Công giáo Alexandre de Rhodes - người nước ngoài có công quan trọng và to lớn vì đã ngày đêm gom góp và tạo thành hệ thống hoàn chỉnh chữ quốc ngữ cho dân Việt Nam ta dùng tới ngày nay!...