Nhạc Tài Tử: Bản “Bát Man Tấn Cống”

Bản “Bát Man Tấn Cống” nằm trong “Bát Ngự” (8 bản Ngự) của nhạc Tài Tử miền Nam do Đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) sáng tác để cung nghinh vua Thành Thái nhân dịp nhà vua ngự giá vào miền Nam tháng 12 năm 1898. Tên các bản đờn của Bát Ngự được đặt bằng chữ Hán, tuy nhiên, tất cả tên gọi của 7 bài kia đều thống nhất từ trước tới nay, riêng bản “Bát Man Tấn Cống” lại có nơi chép là “Bắc Man Tấn Cống”, “Bắc Mang Tấn Cống” hoặc “Bắt Man Tấn Cống”. Lý do có sự khác biệt này là vì bản này đã được phổ biến rất sớm từ khi chữ quốc ngữ còn trong thời kỳ phôi thai và do người miền Nam ghi chép nên phần chánh tả chưa được thống nhất và sự ghi chép do theo cách phát âm của người miền Nam nên có sự lẫn lộn giữa âm “c”“t” của chữ cuối. Hiện nay, bản đờn và bài ca “Bát Man Tấn Cống” bằng chữ quốc ngữ được in thành sách sớm nhất được biết đến là ở trong cuốn “Bản Đờn Tranh và Bài Ca” do Phụng Hoàng Sang soạn vào năm 1903 được ghi với tựa là “Bắc Mang Tấn Cống”. Trong cuốn này có nhiều chữ viết đối với bây giờ là sai chánh tả như bài “Khuê Oán Từ” được viết là “Huê Oán Từ” hoặc những câu như “Thời vận dở dan”, “Quên những hồi giang nang” v.v... Để biết rõ nghĩa của câu “Bát Man Tấn Cống”, ta phải đi ngược dòng thời gian hầu tìm hiểu về ý nghĩa của những chữ Hán cổ.

Trước tiên, hai chữ “tấn cống” (進貢) có nghĩa là “Dâng các vật thổ sản lên Vua”. Thí dụ như ở ngoài Bắc ngày xưa thường đem gà Đông Tảo hoặc chim Sâm Cầm tức là đặc sản của địa phương để tiến cống vua.

Về chữ “Man”, thời cổ đại, người Trung Quốc cho mình là nước ở giữa, còn những dân tộc chung quanh họ gọi là rợ (mọi) và phân biệt ra bốn phương gồm có các rợ Nhung () ở phương Tây, Địch () ở phương Bắc, Di () ở phương Đông và Man () ở phương Nam. Ý nghĩa của chữ Man (ta còn gọi là Mán) được người Trung Quốc giải thích như sau:
  • Trong sách Lễ Ký thiên Vương Chế: “Nam phương viết Man” (南方曰蛮) tức là “Người phương Nam gọi là Man”.

  • Sách Chu Lễ thiên Hạ Quan, mục Chức Phương chép:

    辨其邦国, , , 四夷, 八蛮, , 九貉, 五戎, 六狄之人民

    Biện kì bang, quốc, đô, bỉ, tứ Di, bát Man, thất Mân, cửu Hạc, ngũ Nhung, lục Địch chi nhân dân.

    Dịch nghĩa: Bàn về sắc dân ở các nước lớn (bang), nước nhỏ (quốc), đô thị (đô), xã ấp (bỉ) gồm có các giống dân: 4 giống Di, 8 giống Man, 7 giống Mân, 9 giống Hạc, 5 giống Nhung và 6 giống Địch.

  • Khổng Dĩnh Đạt giải thích trong bộ tự điển xưa của Trung Quốc là Nhĩ Nhã về 8 nước Man gồm:

    南方的八蛮国。孔达疏引《雅》李巡注云: “一曰天竺, 二 曰咳首, 三曰, 四曰跛踵, 五曰穿胸, 六曰儋耳, 七曰狗, 八曰旁春。后以泛指外族。

    Cổ vị Nam phương đích bát man quốc, Khổng Dĩnh Đạt sơ dẫn (Nhĩ Nhã) Hán Lý Tuần chú vân: “Nhất viết Thiên Trúc, nhị viết Khái Thủ, tam viết Tiêu Nghiêu, tứ viết Bả Chủng, ngũ viết Xuyên Hung, lục viết Đam Nhĩ, thất viết Cẩu Chỉ, bát viết Bàng Xuân” hậu dĩ phiếm chỉ ngoại tộc.

    Dịch nghĩa: Bàn về 8 nước ở phương Nam, Khổng Dĩnh Đạt (đời Đường) dẫn chứng trong Nhĩ Nhã lời giải thích của Lý Tuần đời Hán về 8 nước Man gồm có: “Thiên Trúc (Ấn Độ), Khái Thủ, Tiêu Nghiêu, Bả Chủng, Xuyên Hung, Đam Nhĩ, Cẩu Chỉ và Bàng Xuân”, sau này gọi chung là người ngoại tộc.

Tóm lại, người Tàu thời cổ đại gọi “Bát Man” là nói về 8 nước ở phương Nam của Trung Quốc, sau này họ chỉ chung các người ngoại tộc ở phương Nam là Man. Như vậy, dùng chữ “Bắc Man Tấn Cống” không đúng vì người Trung Quốc gọi giống dân ngoại tộc phương Bắc là Địch chứ không phải là Man. Còn chữ “Bắt Man Tấn Cống” lại càng không đúng vì tấn cống vua là dâng vua những đặc sản của địa phương chứ không phải bắt người Man để tiến vua. Vả lại, tên của 8 bản Ngự đều là chữ Hán, nếu dùng chữ “bắt Man” pha tiếng Việt thì có vẻ lạc lõng!

Bản “Bát Man tấn cống” trong Tám Bản Ngự có nghĩa là: “Miền Nam đã thuộc về tay người Pháp, tức là người ngoại tộc
(rợ), nay nhà vua từ miền Trung (phương Bắc) ngự giá về phương Nam, dân miền Nam ra tấn cống (dâng các vật thổ sản)”.Sau đây là bản đờn và bài ca “Bát Man Tấn Cống” cùng lời chú thích về cách ký âm đờn, ca trích từ cuốn “Bản Đờn Tranh và Bài Ca” của Phụng Hoàng Sang in lần thứ nhì năm 1905 do nhà xuất bản F.H. Schneider tại Saigon phát hành (trang 28, 29).


Bát Man Tấn Cống[1]

(Ngự chế)

  1. á (hò) lìu xang xang xê xể (cống)
  2. cống cống cống cống (xê) xể xê xang xự xế (xang)
  3. hò xang xang xể (cống) líu cổng cổng xê (xang)

  4. líu (xứ) xử xư liu công (liu)
  5. cộng liu cộng liu (u) ú u liu cộng (liu)
  6. á hò lìu xự (xang)
  7. xang xang hò liu xang xang (hò) lìu xự xang
  8. xang xang (xê) xê công công xê xê –
  9. xê xê líu líu (xự)
  10. xàng xê-lìu-xàng xể (cống)
  11. u ủ u liu (cộng), liu ú cộng liu cộng xê (xang)
  12. xang xang xang xế xế (xự) xứ xử liu cộng (liu)
  13. công liu cộng liu (u) ú u liu cộng (liu)

  14. á (xê) xê xê xê xê xê (xang)
  15. xang xang xang (xự), xang cống xê xang công (xang)
  16. liu líu cổng xê (xang), xự xang cống xê xang cống (xang)
  1. á (xự) xự xự xự xang xang (hò)
  2. lìu hò lìu (xang) xang xê cống xê xang (xự)
  3. xư xự xang (hò) lìu xang xế xế xang xự
  1. á (xê) xê líu (cổng)
  2. cống cống cống cống (xự) xang cống xê xang (hò)
  3. xê xê xê líu líu (cổng), á xự xự xang xang (hò)


Bát Man Tấn Cống

  1. (Đồng) tương bửu (cống)
  2. . . . . . . . . . . . . (Hiến) lai (tân)
  3. Đồng tương bửu (cống) hiến lai (tân)[2]

  4. (Chúa) tôi hòa (vui)
  5. Vầy vui vầy một (thuở) chúa tôi hòa (vui)
  6. Rày đặng (an)
  7. Ta đều vui (mừng) bốn phang
  8. Dân âu (ca), dân âu ca
  9. Âu ca khoái (lạc)
  10. Nay thới bường[3] nghiệp (đế)
  11. Đăng cửu (ngũ)[4] tứ hải lai (hàng)
  12. Trên Ngu (Thuấn)[5] Thương Thang[6] trị (an)
  13. Thần a thần dao doãn[7] tung hô đằng (hoan)[8]

  14. (Thổ) võ[9] âu (ca)
  15. . . . . . . . . . . . . (Mộc) thánh (ân)
  16. Thổ võ âu (ca), mộc thánh (ân)[10]
  1. (Bạt) thiệp vu sơn (hà)[11]
  2. (Vô) cảm (nại)[12]
  3. Bạt thiệp sơn (hà), vô cảm (nại)
  1. (Nhơn) triêm tứ (hải)[13]
  2. (Cộng) xưng (thần)
  3. Nhơn triêm tứ (hải), cộng xưng (thần)
___________________________

Chú thích: Bài đờn này là bài đờn kìm, người ta sắp theo chữ tranh đờn mà chơi, nghe cũng hay vậy. Cách đờn như vầy:

Đờn từ số 1 cho tới số 16, đờn trở lại số 4 tới số 13, rồi đờn câu 30, 40, 50, trở lại số 4 tới số 13 nữa, qua 80, 90, 100, trở lại số 4,13 một lần nữa thì hết. Số 4 tới 13 là câu để đờn đi đờn lại, Tây gọi là refrain. Khác nhau có bốn câu thơ mà thôi.








_______________________

Chú thích:


[1] Phụng Hoàng Sang, “Bản Đờn Tranh và Bài Ca”, Sàigòn, F.H. Schneider, 2è Édition, 1905, trang 28, 29. Có thể lời bài ca này là bài nguyên thủy vì bài “Bát Man Tấn Cống” được sáng tác vào khoảng cuối năm 1898, đầu 1899 và sách “Bản Đờn Tranh và Bài Ca” được in vào năm 1903. Năm 1913 Nguyễn Tùng Bá xuất bản cuốn “Bản Đờn Kìm” có cho in lại bản đờn và bài ca “Bát Man Tấn Cống” này với tựa bài ca là “Chúc Thánh Chúc Thọ”.

[2] “Cùng đều quy thuận đến dâng báu vật” (同相寶貢獻來津).

[3] Thái bình (太平).

[4] Cửu ngũ = theo hào Cửu Ngũ quẻ Thuần Càn của kinh Dịch: “Cửu ngũ: phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân. 九五. 飛龍在天,利見大人 nghĩa là “Rồng bay trên trời, ra mắt đại nhân thì lợi”. Khổng Tử giải thích: “Vạn vật đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nước chảy chỗ trũng, lửa tìm đến chỗ khô, mây theo rồng, gió theo hổ, thánh nhân ra đời vạn vật trông theo. Vật nào gốc ở trời thì thân thuộc với cõi trên. Vật nào gốc ở đất thì thân thuộc với cõi dưới”, ví như rồng bay lên trời và là ngôi chí tôn, chỉ về nhà vua. Sau nhân đó mà gọi vua là “ngôi cửu ngũ”.

[5] Ngu Thuấn = Nghiêu Thuấn: Nghiêu Thuấn là tiếng gọi chung hai vua Nghiêu và vua Thuấn, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Quốc cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.

[6] Thương Thang = còn gọi là Thành Thang (1766 TCN-1761 TCN hoặc 1765 TCN-1646), họ Tử (), tên thật là Lữ (), là vị vua sáng lập ra nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đã lật đổ vua Kiệt tàn bạo, người cai trị cuối cùng của nhà Hạ.

[7] Dao (陶) = mừng rỡ, hớn hở; Doãn (允) = thành thật.

[8] Đằng (騰) = nhảy lên; Hoan (歡) = vui mừng.

[9] Thổ võ (土宇) = đất nước (võ = vũ = bốn phương trên dưới).

[10] Mộc thánh ân (沐聖恩) = Thấm gội ơn thánh.

[11] Qua bãi cỏ gọi là bạt () tức là đi đường bộ, lội qua sông gọi là thiệp () tức là đi đường thủy, vì thế đi đường lặn lội, khó nhọc gọi là bạt thiệp (跋涉). Vu = đường xa. “Bạt thiệp vu sơn hà” có nghĩa là lặn lội đường xa khắp núi sông.

[12] Vô nại cảm (無耐敢) = Không nài tiến tới.

[13] Triêm (霑) = thấm khắp. “Nhơn triêm tứ hải” có nghĩa là người khắp bốn biển.

 


Xin mời nghe bài “Bát Man Tấn Cống” sau đây:
(Xin nhấn vào hình loa màu xanh để nghe nhạc)
 
Bát Man Tấn Cống (Ba Tu: đờn kìm, Út Tị: đờn cò, Lê Thanh: đờn tỳ bà, Quang Dũng: đờn bầu, tiêu, Duy Kim: đờn tranh).

Bát Man Tấn Cống - Bạch Huệ ca