Giai phẩm Giải Thanh Tâm 1962

Nhiều tác giả
NKLT: Hiện nay, các giải thưởng về bộ môn Cải Lương, Vọng Cổ không còn xa lạ với chúng ta như Giải thưởng Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ, Gương mặt chuông vàng, Ngân mãi chuông vàng, Đường đến danh ca vọng cổ, Giọt nắng phù sa..., nhưng có lẽ Giải Thanh Tâm được nhiều người nhắc đến với sự ngưỡng mộ vì giải này đã được tổ chức trong thời hoàng kim của bộ môn Cải Lương miền Nam, thời kỳ mà sau này báo giới gọi là “Thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu cải lương”.

NKLT may mắn được hai bạn Thùy Trang và Chung Cường, là các nhà sưu tầm trẻ chuyên về sưu tầm các sách báo, văn hóa phẩm xưa gởi tặng Giai phẩm Giải Thanh Tâm 1962 này để phổ biến cho quý độc giả của NKLT. Thành thật cám ơn cô Thùy Trang và bạn Chung Cường.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:

Giải Thanh Tâm là giải thưởng danh giá trong nền sân khấu cải lương Việt Nam, tồn tại từ năm 1958 đến 1968. Giải được đặt theo bút danh Thanh Tâm của nhà báo Trần Tấn Quốc, cũng là người sáng lập giải thưởng này “với cao vọng xây dựng một thế hệ nghệ sĩ cải lương tài và đức đi đôi, hầu xóa bỏ ít nhiều thành kiến đối với nghề hát xứ ta…”. Giải thưởng cao nhất là huy chương vàng, nhưng từ năm 1965 có thêm 2 giải Diễn viên xuất sắc và Tuồng hay nhất trong năm.

Theo báo Thanh Niên: “Sau khi ra mắt, giải Thanh Tâm trở nên danh giá trong làng sân khấu. Ngoài tiêu chuẩn ca diễn xuất sắc, giải Thanh Tâm còn đòi hỏi tiêu chuẩn đạo đức, cho nên nghệ sĩ luôn rèn luyện, phấn đấu. Việc chấm giải rất lạ, không hề có một cuộc thi nào diễn ra. Ban giám khảo sẽ đi xem tất cả các vở tuồng trong năm, chọn ra tuồng hay, nghệ sĩ giỏi rồi cuối cùng mới ngồi lại bình bầu. Vì thế, nghệ sĩ phải luôn trong tư thế “thi” suốt cả năm, hết năm này lại năm khác, hết suất này tới suất khác. Thậm chí phải luôn sống tử tế, vì chỉ cần tai tiếng là coi như bị loại.”

NKLT trân trọng giới thiệu Giai phẩm Giải Thanh Tâm 1962 này đến với độc giả.