Hát bội Nam bộ: Cần khơi dòng sông cạn

Phạm Thái Bình

Đào tạo (truyền dạy truyền nghề) là một trong những hoạt động quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật Hát bội, xem như là “thiên chức” cao cả của những người đang tham gia thực hành di sản nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo này. Nếu không có truyền dạy sẽ không có thế hệ kế thừa, Hát bội không thể tồn tại. Nhưng hiện nay, công tác đào tạo lực lượng diễn viên, nhạc công - linh hồn của Hát bội ở Nam bộ đang gặp phải những khó khăn...

Hai dòng chảy đào tạo Hát bội ở Nam bộ

Hát bội (còn gọi là Tuồng, hay Hát bộ) là một trong những di sản văn hóa phi vật thể hàm chứa những giá trị vô cùng phong phú và quý báu, được thể hiện bằng sự sáng tạo của người nghệ sĩ thông qua hoạt động biểu diễn trực tiếp trước công chúng. Theo dòng chảy chung của nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc, Hát bội miền Nam được nhiều thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân, soạn giả, đạo diễn dày công vun đắp.


Buổi đào tạo hát bội.

Xưa nay, hoạt động đào tạo lực lượng kế thừa sân khấu Hát bội luôn diễn ra với nhiều phương thức khác nhau, ứng với từng giai đoạn lịch sử và hoàn cảnh xã hội cụ thể. Không ít gia đình nhiều đời truyền nghề tiếp nối nhau làm rạng danh cho dòng tộc. Gia tộc cố NSND Thành Tôn (Cha ruột của NSƯT Thành Lộc & NS Bạch Long) có nhiều đóng góp cho sân khấu Hát bội. Ông cố của ông là nghệ sĩ Nguyễn Thành Sĩ (bầu Sĩ), ông nội là nghệ sĩ Nguyễn Thành Luông (bầu Luông), ba ruột là nghệ sĩ Nguyễn Thành Nở (bầu Nở).

Hay như gia tộc của cố nghệ sĩ Huỳnh Mai (mẹ ruột của NSƯT Thành Lộc & NS Bạch Long) cũng nhiều đời theo nghệ thuật Hát bội. Ông bà nội của bà là cặp nghệ sĩ Hát bội nổi tiếng Vĩnh - Xuân; Cha ruột là nghệ sĩ Nguyễn Văn Thắng (bầu Thắng); Anh trai là cố NS Minh Tơ (Ba của cố NSND Thanh Tòng)… Tất cả các con cháu được thế hệ trước (ông/bà, cha/mẹ) truyền dạy nghề ca - múa - diễn nhằm tiếp nối truyền thống của gia đình, dòng tộc.

Bên cạnh việc truyền dạy Hát bội theo kiểu “cha truyền con nối” như vừa đề cập, ở Nam bộ từng có hai cơ sở giáo dục chuyên nghiệp đào tạo về Hát bội đó là Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn được thành lập trước năm 1975 (Nhạc viện TP Hồ Chí Minh hiện thời) và Trường Nghệ thuật Sân khấu II thành lập sau ngày đất nước thống nhất (Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP Hồ Chí Minh ngày nay).

Hai cơ sở đào tạo chuyên nghiệp này đều tổ chức tuyển sinh chuyên ngành diễn viên và nhạc công Hát bội với các môn thi đầu vào bao gồm: năng khiếu (kiểm tra các tố chất: sắc vóc, ca và diễn, tiếng nói sân khấu, kỹ năng chơi nhạc cụ truyền thống) và các môn kiến thức xã hội như: ngữ văn, phân tích tác phẩm sân khấu… theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thời bấy giờ.

Khi trúng tuyển, học viên được trang bị kiến thức một số môn học thuộc lĩnh vực văn hóa - khoa học - xã hội và được truyền thụ những môn học cơ bản liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn như: kỹ thuật biểu diễn, vũ đạo truyền thống và võ thuật, vai diễn mẫu, hóa trang, hình thể sân khấu,… Với đội ngũ truyền dạy là những nghệ nhân, nghệ sĩ thạo nghề Hát bội như các nghệ sĩ: NSND Thành Tôn, NSND Năm Đồ, NSND Đinh Bằng Phi, NSƯT Minh Biện, NSƯT Ngọc Khanh, NS Ba Đắc, NS Ba Út, NS Hữu Thoại, NS Chín Tài, NS Hoài Nhân.v.v… Họ đã đào tạo lực lượng nổi danh cho sân khấu Hát bội miền Nam như các nghệ sĩ: NSƯT Ngọc Dung, NSƯT Kim Thanh, NSƯT Xuân Quang, NSƯT Hữu Danh, NSƯT Linh Hiền,…

Sông đang cạn nguồn

Trong nghệ thuật sân khấu, diễn viên là lực lượng trung tâm của vở diễn, nhưng hiện nay hầu hết các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung (không riêng gì Hát bội) đang thiếu lực lượng diễn viên và nhạc công. Bởi vì từ năm 1980 đến nay, Hát bội không còn được đào tạo trong hệ thống giáo dục chính thống ở Nam bộ. Công tác đào tạo Hát bội chưa thể hiện tính “ưu việt” và chưa phát huy vai trò quan trọng trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Hát bội trên mảnh đất phương Nam.


Vở diễn “Sắc ngọc an phương Nam”.

Để giải quyết sự thiếu hụt lực lượng trẻ, những năm qua, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh đã tổ chức đào tạo diễn viên sân khấu (chưa đào tạo nhạc công) theo phương pháp truyền nghề tại đơn vị. Đây là giải pháp được Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh và Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện nhằm mục đích tìm kiếm và đào tạo lực lượng kế thừa cho Hát bội.

Theo Thạc sĩ Võ Hồ Hoàng Vũ (Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh thì đến nay, đơn vị đã tổ chức thành công khoảng 5 - 6 lớp tập huấn truyền nghề Hát bội gồm các môn học như: vũ đạo, các làn điệu Hát bội, các vai diễn mẫu, nghệ thuật hóa trang, tiếng nói sân khấu… Thành phần Ban giảng huấn gồm có: NSƯT Ngọc Dung, NSƯT Kim Thanh, NSƯT Ngọc Nga, NSƯT Linh Hiền, NSƯT Xuân Quan, NSƯT Linh Phước, NSƯT Thanh Trang, NSƯT Hữu Danh.v.v… Nhờ vậy mà Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh hiện đang sở hữu trên dưới 15 diễn viên trẻ, trong đó có những tài năng đã trưởng thành, đạt nhiều huy chương, giải thưởng ở địa hạt Hát bội, tự tin đảm nhận những vai diễn chính trong các vở diễn của Nhà hát như các diễn viên: Bảo Châu, Ngọc Giàu, Kiều My, Hoàng Tuấn, Hoàng Hà…

Tìm hướng đi thích hợp cho tương lai

Hát bội đang đứng trước nguy cơ mai một dần bởi những tác động đa chiều của xã hội đương đại. Nhìn một cách khách quan, Hát bội chưa được quan tâm, bảo tồn một cách tích cực, đúng hướng và đang dần lu mờ vị trí trong đời sống cộng đồng. Trong khi đó, thế hệ trẻ chưa đủ thực lực để gánh vác trọng trách di sản của ông cha để lại do không được trau dồi học tập một cách căn cơ, bài bản từ môi trường đào tạo chuyên nghiệp. Điều này đặt ra mối quan ngại lớn cho sự tồn tại của nghệ thuật Hát bội trong tương lai. Để công tác đào tạo nghệ thuật Hát bội được tốt hơn, xin gợi mở một số hướng đi thích hợp.

TP Hồ Chí Minh sớm ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Hát bội trên địa bàn và triển khai thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể (mỗi giai đoạn từ 3 - 5 năm). Trong đó, phải chú trọng đến công tác đào tạo. Mời các chuyên gia, nhà sư phạm nghệ thuật truyền thống xây dựng chương trình khung đào tạo Hát bội thật chi tiết, cụ thể. Đồng thời, mời các nghệ nhân, nghệ sĩ Hát bội có chuyên môn sâu tham gia giảng dạy (từ căn bản đến nâng cao), tạo cơ hội cho diễn viên trẻ mở rộng kiến thức, nắm vững tri thức nghề nghiệp (lý thuyết cơ sở ngành) và kỹ năng thực hành (tức ca-múa-diễn-hóa trang…).

Thành phố cần thường xuyên mở các lớp đào tạo về: nhạc công, thiết kế mỹ thuật, sáng tác kịch bản cho sân khấu Hát bội (mỗi lớp từ 3 đến 6 tháng). Đây là công việc vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, mở lớp bồi dưỡng kiến thức chung về Hát bội phục vụ các đối tượng: diễn viên, nhạc công đang hoạt động tự do và lực lượng công chúng trẻ (sinh viên - học sinh) ở TP Hồ Chí Minh.

Ngoài kiến thức chuyên môn, các nghệ sĩ Hát bội (diễn viên trẻ) cần trau dồi kiến thức ngoại ngữ, để có thể giao tiếp tốt với công chúng và du khách nước ngoài, nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị tốt đẹp của di sản Hát bội. Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh cần mạnh dạn đưa lớp trẻ (nhạc công, diễn viên) tham gia những vở diễn quan trọng do đơn vị thực hiện, tạo điều kiện cho các bạn cọ xát với thực tế nhiều hơn.

Công tác quảng bá, giới thiệu Hát bội đến công chúng qua hệ thống truyền thông cần được chú trọng. Các cơ quan báo/đài thường xuyên cập nhật thông tin về hoạt động biểu diễn của nghệ sĩ Hát bội đến công chúng TP Hồ Chí Minh.

Hơn lúc nào hết, cần khẩn trương thực hiện giải pháp cải thiện chất lượng đào tạo nghệ thuật Hát bội ở Nam bộ. Nếu thực hiện đúng, nghiêm những giá trị độc đáo của Hát bội miền Nam mà các thế hệ tiền bối đã dày công vun đắp qua chiều dài lịch sử sẽ không mai một, biến dạng hoặc thất truyền.