Mặt khuất tấm huy chương Chopin của “Nghệ Sĩ Nhân Dân” Đặng Thái Sơn

Tèo Ngu Khìn

Đang nghe nhạc hòa tấu của nghệ sĩ tài ba người Hà Lan, André Rieu, thì tự nhiên liên tưởng tới Đặng Thái Sơn, một nghệ dĩ dương cầm “gốc Việt” có tiếng, nhớ lại hơn bốn mươi năm trước ngày báo chí đất nước này thi nhau ỏm tỏi ngợi ca chuyện Sơn đoạt được cái giải âm thưởng nhạc cổ điển ở Ba Lan, rồi về “vinh quy bái tổ” ở Nhà hát lớn Hà Nội, ngày mà “các cụ” nhà nước to tướng đi xem đều... ngáy o o khi nghe nhạc.

Giống như nhà toán học Ngô Bảo Châu, người Việt thành danh thường được chăm bón, vun trồng, phát triển tài năng tận đẩu tận đâu bên ngoại quốc rồi khi có thành quả lại về “báo công lên Bác” cho nhà nước tự sướng, thở ra không khí đầy những lời hào sảng; đưa tất cả lên đỉnh vinh quang, tưởng chừng như thế gian chỉ còn có người Việt; người Việt sẽ làm cho Thế giới thăng hoa rực rỡ.

Nhưng sau những buổi lễ ầm ĩ, tiệc tùng hoành tráng, báo đài bơm thổi lên tận mây xanh, nền âm nhạc, toán học, khoa học ở Việt Nam thì “vũ như cẩn”; vẫn những nốt lặng trầm dai dẳng, vẫn những dấu trừ đều tăm tắp lan về chân trời.

Đây, mời các bạn xem một ví dụ điển hình về quá trình “trồng người”, “ươm mầm tài năng”, rồi “gặt hái” của Việt Nam kiểu trên.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1956 tại Bắc Việt. Nhiều văn nhân, nghệ sĩ khi ấy đã nhiệt thành tham gia một phong trào văn học có tên là Trăm hoa đua nở, vốn là chữ dịch từ “Bách gia tranh minh, bách hoa tề phóng”, thời kỳ học đòi “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” của Mao Xú Uế bên Tàu. Rất đông văn nghệ sĩ đã tham gia phong trào này. Nổi tiếng nhất có các ông Phan Khôi - Chủ nhiệm tạp chí Nhân Văn, Trần Duy - Thư ký tòa soạn, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán, Văn Cao, Nguyễn Tuân, bà Thụy An. Có nhiều nhà trí thức, không phải văn nghệ sĩ, như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu cũng tham gia phong trào này. Mọi người biết đến nó dưới cái tên nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm”.

Trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm có một nhà thơ tên là Đặng Đình Hưng. Ông chính thức làm thơ từ cuối những năm 1950 cho đến khi qua đời. Hoạt động nghệ thuật của Đặng Đình Hưng về chữ nghĩa gồm 6 tập thơ, với những vần thơ khó hiểu, rất khác người. Ông còn đuợc biết đến như một kiến trúc sư, nhạc sĩ, họa sĩ.

Năm 1957, Đặng Đình Hưng lấy bà Thái Thị Liên, một nhạc sĩ dương cầm (piano) nổi tiếng đương thời. Bà Thái Thị Liên trước đó đã có hai đời chồng - khi bà ở hải ngoại (Pháp, Tiệp Khắc) và có ba người con. Năm 1958, vợ chồng họ Đặng và họ Thái sinh được một cậu con trai, đặt tên là Đặng Thái Sơn.

Niềm vui gia đình, con cái chẳng được bao lâu thì họa ập đến.

Với một ông chồng là một nhân vật trong vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm”, bị coi là một tay phản động chống Đảng, bà Thái Thị Liên bị sức ép, phải ly dị với Đặng Đình Hưng. Và rồi bà Liên cùng với 3 người con riêng-chung, trong đó có cậu Đặng Thái Sơn phải ra ở riêng; bà đi dạy nhạc kiếm sống, chấp nhận, chịu đựng một cuộc đời cực nhọc vất vả.

Cũng từ đó, kể cả nhiều năm tháng đi sơ tán ở các vùng quê xa Hà Nội, Đặng Thái Sơn học âm nhạc, học chơi dương cầm với mẹ. Cuộc đời khốn khó, nhưng bà Liên là một nhà sư phạm nghiêm khắc, khó tính và ít khi đưa ra lời khen, thậm chí Đặng Thái Sơn còn bị “đối xử” khắt khe nữa.

Năm 1974, một chuyện bất ngờ đã xẩy ra làm cho cuộc đời của Đặng Thái Sơn bước sang một khúc ngoặt: một vị giáo sư âm nhạc người Nga, gốc Do Thái tên là Isaac Katz, sang dạy cho Trường Âm nhạc Hà Nội, đã tình cờ phát hiện ra Đặng Thái Sơn.

Một buổi chiều nọ, ông Katz đang tản bộ trên con đường gần nhà bà Thái Thị Liên thì nghe thấy tiếng đàn dương cầm rất hay, rất đáng chú ý. Lần hồi ông Katz đã tìm được đến nhà bà Thái Thị Liên và gặp cậu con trai Đặng Thái Sơn, một học sinh Trường Âm nhạc Hà Nội, năm nào cũng đứng đầu lớp.

Sau vài lần chứng nghiệm khả năng của người học sinh này, giáo sư Isaac Katz chính thức yêu cầu Trường Âm nhạc Hà Nội cho ông được đích thân truyền dạy cho người học sinh xuất sắc đó, dù trên nguyên tắc ông Issac Katz chỉ dạy những học sinh viên cuối trước khi thi tốt nghiệp, và Đặng Thái Sơn, phải một năm sau mới hội đủ điều kiện này.

Năm 1975 giáo sư Isaac Katz về nước. Trước khi về ông đã đề nghị cho Đặng Thái Sơn được theo học dương cầm tại Liên Xô. Lời đề nghị này không được phía Việt Nam chấp thuận vì chính quyền thấy Sơn là con của một người dính vào “Nhân văn Giai phẩm”, bị coi là một loại phản động nguy hiểm cho nhà nước.

Lời đề nghị không có phản hồi; giáo sư Isaac Katz đã phải yêu cầu lần thứ hai, kèm theo lời đề nghị này là thái độ khó khăn của ông với những du học sinh con ông cháu cha, thiếu khả năng thật sự. Ông phải tạo một sức ép đủ mạnh để Hà Nội nhượng bộ, để người học trò ông chọn phải được dạy dỗ đến nơi đến chốn.

Thế là năm 1976, Đặng Thái Sơn được phép đi học âm nhạc tại Liên Xô. Anh tạo thành tích ngay lập tức là thi đậu vào Học viện Âm nhạc Tchaikovsky. Trước anh chưa có một người nào vào được học viện này mà không qua một năm dự bị. Năm đó anh mới 18 tuổi.

Khi vào học tại Học viện Âm nhạc Tchaikovsky, Đặng Thái Sơn gặp một vị danh sư khác. Đó là giáo sư Natanson. Nếu như Isaac Katz là người khám phá ra tiếng đàn Đặng Thái Sơn, tìm mọi cách mang anh về Liên Xô để có thể tìm đúng thầy, thì Natanson chính là ông thầy này, một thầy dạy tận tâm và rất giỏi.

Sơn được cấp học bổng 60 rúp một tháng. Số tiền này chẳng nhiều nhặn gì, nếu tính theo tỷ giá hối đoái thời đó thì chỉ tương đương với khoảng 20 USD. Sơn có hai người bạn thân trong thời gian này, cả ba góp gạo thổi cơm chung, dè sẻn từng đồng mới có thể tạm đủ ăn và thỉnh thoảng vẫn phải đi làm thêm để kiếm tiền chi dụng hàng ngày.

Năm 1980, Sơn tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Tchaikovsky hạng tối ưu. Tòa Đại sứ Việt Nam tại Moscow chắc được chỉ thị của Hà Nội nên đã coi như không biết, không để tâm đến thành tích của người đồng hương này mà còn có ý muốn gây khó khăn cho Sơn chỉ vì anh có lý lịch xấu - bố anh thuộc “thành phần phản động Nhân Văn Giai Phẩm”!

Tốt nghiệp song phải làm gì? Giáo sư Natanson thúc đẩy anh nộp đơn và hoàn tất thủ tục xin dự thi cuộc thi nhân kỷ niệm Chopin hàng năm tại Ba Lan. Đặng Thái Sơn bèn làm đơn xin với tòa Đại sứ Việt Nam được giới thiệu là một ứng viên Việt Nam đi thi Chopin và xin cấp ít tiền lộ phí vì đường từ Moskva đến Warszawa, thủ đô Ba Lan quá xa, mà anh làm gì có tiền. Đơn của Sơn bị bác.

Khi ấy Liên Xô cũng chuẩn bị cử một số nhạc sĩ đi Warszawa. Họ tổ chức một kỳ thi tuyển lựa cả trăm người để tìm ra mươi người đại diện cho Liên Xô. Những người này sẽ được chính phủ Liên Xô giúp đỡ. Đặng Thái Sơn cũng thi “ké” vào đó. Anh được chấm điểm cao nhất, nhưng anh không thể ở trong danh sách đại diện Liên Xô để đi thi được. Anh phải dự thi với tư cách thí sing tự do, vô tổ quốc và không được chính quyền Liên Xô giúp đỡ.

Không những thế ban tổ chức kỳ thi ở Ba Lan lúc đầu đã định bác đơn xin dự thi của Đặng Thái Sơn, vì đơn dự thi của anh không một lời giới thiệu, chẳng biết anh là ai; nhưng rồi họ cũng thông qua, vì Sơn là người Việt Nam đầu tiên xin dự thi từ trước đến giờ. Vả lại anh có sau lưng cả một Học viện Âm nhạc Tchaikovsky làm chứng cho khả năng của mình, một khả năng hạng tối ưu khi ra trường.

Giáo sư Natanson thấy vậy lại phải ra tay giúp đỡ vì ông biết người trò cưng đầy tiềm năng của ông rất có hy vọng thắng giải. Ông phải bỏ tiền ra cho Đặng Thái Sơn mua vé xe lửa đi Warszawa, thuê nhà trọ, thuê cả dàn nhạc đệm cho anh đánh đàn - một số tiền không nhỏ. Không có tiền mua vé máy bay, và chỉ đủ tiền mua vé xe lửa hạng nhì, Sơn không có một người thân nào ra tiễn tại sân ga Moscow, cũng chẳng có một người bạn nào đến đón khi tới Warszawa. Hành lý của anh thật nhẹ, vài bộ quần áo tạm lành lặn. Anh không có cả một bộ đuôi tôm nghi thức để lúc hữu sự dùng đến!

Buồn quá, Sơn đã phải dốc bầu tâm sự với ông bố Đặng Đình Hưng. Trong thư gửi cho cha mình, Đặng Thái Sơn viết:

“Con bị ốm nặng bố ạ, có lẽ vì hành trình đi Vác-sa-va quá dài mà con đi bằng xe lửa. Sứ quán bác đơn xin tiền lộ phí của con để đi thi, họ cũng khước từ bảo hộ cho danh xưng của con trong cuộc thi. Nhưng con quyết định liều và giáo sư Na-tan-xon một lần nữa lại giúp con, ông ấy cho con tiền đi đường, tiền thuê dàn nhạc đệm và tiền trọ… Trong cơn sốt 39.5 độ, con đã chảy nước mắt ròng: Các nước tham dự cuộc thi đều được chào cờ và cử quốc ca của mình, mà Việt Nam thì không có - Con tham dự với tư cách thí sinh tự do… Nhưng cũng nhờ sự cay đắng đó mà con gặp được Chopin - Những nỗi đau giao thoa với nhau đã bật lên tiếng đàn của hồn ông…”.

Và hình như thế, Sơn đã được Chopin chọn, anh qua được vòng loại một cách dễ dàng, loại hầu hết 149 đối thủ thuộc 37 quốc gia trên toàn thế giới, rồi tiến lên vào vòng chung kết. Để thi vòng chung kết Sơn bị kẹt một điều là thí sinh phải mặc áo đuôi tôm. Anh có hai ngày chuẩn bị cho buổi chung kết; nhưng làm sao có áo đuôi tôm bây giờ? Người gỡ rối cho anh lại là giáo sư Natanson.

Ông thầy phải lôi anh đến một cửa tiệm, sắm cho anh một bộ, nhưng tìm cả nửa ngày không có một chiếc nào vừa với thân thể nhỏ thó của anh. Thế là đành phải may gấp một chiếc, lấy trong vòng 24 giờ. Anh bước vào phòng thi với cái áo mới tinh còn chưa được nhặt sạch chỉ thừa!

Kết quả: anh đã thắng giải đầu là giải quan trọng nhất; anh còn đoạt thêm 11 giải phụ nữa, trong đó có một giải của hãng truyền hình NHK Nhật Bản. Chính hãng NHK sau này đã mở cho anh một con đường thoát hẳn ra khỏi nước Việt !

Tin Đặng Thái Sơn đoạt giải Chopin ở Ba Lan như một làn sóng chấn động giới âm nhạc cổ điển thế giới.

Khi tin này về tới Việt Nam, báo Nhân Dân của nhà nước Việt Nam - những người đã từng không muốn anh ra khỏi nước, không muốn anh học dương cầm tại Liên Xô, lại còn tìm cách cản trở anh đi Warszawa tham dự kì thi Chopin - đã đăng tin này lên trang Nhất trong 3 ngày liền! Lời sẽ ca tụng thì quá lố đến nỗi cả tháng sau, khi về nước thăm ông cụ thân sinh Đặng Đình Hưng, anh ngượng ngùng khi đọc được những dòng chữ này.

Về cuộc sống sau “Nhân văn Giai phẩm” của nhà thơ Đặng Đình Hưng, ông bị ung thư phổi. Khi Đặng Thái Sơn tham dự cuộc thi âm nhạc năm 1980 tại Ba Lan, Đặng Đình Hưng đang phải sống trong cảnh ở nhờ gầm cầu thang nhà ông bạn, không nhà không cửa, không vợ con thân thích, chỉ nằm chờ chết.

Đặng Thái Sơn về nước kịp thời. Cha anh bị bệnh đã khá lâu và không được điều trị một cách đúng mức. Cha anh cần phải mổ ngay, một cái bướu trong phổi. Anh về nhà hôm trước, vài ngày sau cha anh nhập viện, một bệnh viện vốn chỉ dành cho các cán bộ cấp cao cỡ thứ trưởng trở lên. Cha anh được bác sĩ Tôn Thất Tùng, người bác sĩ số một của y khoa Hà Nội lúc đó khám bệnh và được giải phẫu bởi một bác sĩ lừng danh về phẫu thuật. Nhờ vậy mà anh cứu bố sống thêm được mười năm nữa.

Năm tháng qua đi. “Sau Chopin”, cuộc đời Đặng Thái Sơn chỉ ở Nhật và lưu diễn khắp thế giới rồi sau cùng định cư hẳn ở Canada. Nhưng, anh vẫn được nhà nước CHXHCN Việt Nam “lôi” về gắn lên ve áo cái danh hiệu Nghệ sĩ Nhân Dân khối kẻ trong làng showbiz Việt ao ước - cho dù phần lớn nhân dân Việt Nam hôm nay chẳng biết Sơn là ai, và cũng chẳng bao giờ nghe chứ đừng nói là hiểu nổi thứ âm nhạc “bác học” mà anh đánh.

Nhưng có hề gì vì chính người nhạc sĩ tài năng của chúng ta nào có để tâm đến cái danh hiệu NSND nhiều điều tiếng mà lắm người phải làm đơn chạy chọt, lạy lục xin xỏ. Bằng chứng là, ngay sau đó ông đã cùng với người mẹ, bà Thái Thị Liên, “bỏ nước mà đi”, đi hẳn, chọn định cư tại Montreal, nhập quốc tịch Canada, sống phần đời còn lại lặng lẽ, như muốn quên đi quá khứ kinh hoàng “Nhân Văn Giai Phẩm”.