Nguồn gốc di ảnh của Đức Phật Thầy Tây An

Trần Hoài Nghĩa


Nguồn gốc di ảnh được đại chúng hiện thời cho là di ảnh của Đức Phật Thầy Tây An, ảnh ấy xuất xứ từ đâu?

Giáo sử Bửu Sơn:

Đức Giáo Tổ Phật Giáo - Bửa Sơn Kỳ Hương (寶 山 奇 香) gốc họ Trần tên thật là Nguyên, đản sinh vào giờ Ngọ ngày 15 tháng 10 năm Đinh Mão (1807) tại làng Tòng Sơn, tổng Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh. (nay thuộc xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Vì thời cuộc vì triều đại thay đổi, nên gia tộc của Ngài đổi họ Trần ra họ Đoàn và từ đó Ngài có tên là Đoàn Văn Huyên.

Năm Canh Tuất (1850) khi bị dời về chùa Tây An chịu sự quản thúc và thế phát theo hình thức Thiền Môn, Ngài lại được Hòa Thượng - Hải Tịnh ban đạo hiệu là Giác Linh, pháp danh là Pháp Tạng, pháp húy là Minh Huyên cho đúng theo phổ hệ truyền thừa Thiền Tông Lâm Tế, nên Ngài mới có tên là Đoàn Minh Huyên.

Vì lý do trên đây mà bao sách vở, sử liệu, bia chí, bài vị từ xưa cho đến nay đều ghi tên của Ngài là Minh Huyên.

Bài phổ hệ Pháp Phái ấy nguyên là của Ngài Nguyên Thiều lúc hóa độ ở miền Nam đã ban cho Thiền Sư Đạo Mân vị tổ thứ 31 của phái thiền tông Lâm Tế, nguyên văn như sau:

Đạo bổn nguyên thành Phật tổ tiên
Minh như hồng nhựt lệ trung thiên
Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ
Chiếu thế chơn đăng vạn cổ truyền.

Tính theo bài Pháp Phái ấy thì truyền đến Đức Phật Thầy là nhằm chữ MINH nên đặt là MINH HUYÊN vị tổ thứ 38 theo Phật hệ truyền thừa Lâm Tế Tông.

Sự thật tên của Đức Phật Thầy là Trần Nguyên xét về mặt sử liệu thì chưa có văn bản nào để minh chứng. Nhưng về Kinh Sách Hán - Nôm của các vị liễu đạo trong tôn phái Bửu Sơn Kỳ Hương thì tên của Đức Phật Thầy là Trần Nguyên, lại có đề cập tới.

Trong bộ Kim Cổ Kỳ Quan phẩm Cáo Thị của Đức Ông Ba Nguyễn Văn Thới đã tiết lộ:

“Phật Thầy Trần Nguyên dạy yên lê thứ”

Và trong quyển Lương Phi Thi Tập Tân Biên cũng nhận định:

                                             Nhớ xưa Kỷ Dậu Phật ra
                                   Trần Nguyên chánh thị, hiệu mà Tây An.

Đức Giáo Tổ đản sinh năm Đinh Mão (1807), ra cơ phổ hóa vào mùa thu năm Kỷ Dậu (1849) và viên tịch tại chùa Tây An vào giờ Ngọ ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn (1856) thọ 50 tuổi, trụ thế 49 năm, giáo đạo 7 năm.

Xuất xứ di ảnh được cho là di ảnh của Đức Phật Thầy:

Năm 1899 Hội Nghiên Cứu Đông Dương (Société des Études Indochinoises) thực hiện công cuộc chuyên khảo các tỉnh ở Nam Kỳ, đảo Phú Quốc và thành phố Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), sưu khảo, ghi chép về địa lý, tự nhiên, kinh tế, lịch sử, tôn giáo, dân tộc, tín ngưỡng... vv.

Công trình nghiên cứu của Hội Nghiên Cứu Đông Dương được thực hiện dưới thời ông M. G. Dũrrwell là phó chánh án Tòa Thượng Phẩm làm chủ tịch của Hội.

Các ấn phẩm của Hội Nghiên Cứu Đông Dương được xuất bản từ năm 1901 cho đến 1911 cụ thể như:

  • Tỉnh Biên Hòa (tập I) 1901
  • Tỉnh Hà Tiên (tập II) 1901
  • Tỉnh Gia Định (tập III) 1902
  • Tỉnh Mỹ Tho (tập IV) 1902
  • Tỉnh Bà Rịa và Tp. Cap Saint - Jacques (tập V) 1902
  • Tỉnh Châu Đốc (tập VI) 1902
  • Tỉnh Bến Tre (tập VII) 1903
  • Tỉnh Sa Đéc (tập VIII) 1903
  • Tỉnh Trà Vinh (tập IX) 1903
  • Tỉnh Cần Thơ (tập X) 1904
  • Tỉnh Sốc Trăng (tập XI) 1904
  • Tỉnh Long Xuyên (tập XII) 1905
  • Đảo Phú Quốc - tỉnh Hà Tiên (tập XIII) 1906
  • Tỉnh Vĩnh Long (tập XIV) 1911.

Riêng về sự khảo cứu tại tỉnh Sa Đéc, Hội Nghiên Cứu Đông Dương có chụp và lưu trữ 1 tấm ảnh một Lão Nông trên 70 tuổi là người kỳ cựu tại Sa Đéc. Và bức ảnh này được giới thiệu trong ấn phẩm La Dépêche coloniale illustrée en trang 213 vào năm 1912.

Như trên đã dẫn, đến năm 1912 một ấn phẩm La Dépêche coloniale illustrée en Cochinchine, ấn hành ngày 15 tháng 9 năm 1912 của Quan đốc chính (Directeur) J. Paul Trouillet, trong đó có phần giới thiệu về tỉnh Sa Đéc (La province de Sadec), khoảng trên 10 trang trong ấn phẩm này giới thiệu tổng quan về tỉnh Sa Đéc, trong đó trang đánh số 213 có chân dung của Lão Nông Sa Đéc.

Bức ảnh có ghi chú thích: Un Annamite barbu, chúng ta có thể dịch là: Một người An Nam có râu.

Bức ảnh Lão Nông Dân Sa Đéc được nhiều người biết đến qua ấn phẩm trên, một số người theo tín ngưỡng dân gian lại tưởng bức ảnh ấy là di ảnh của Đức Phật Thầy vì nghĩ xuất xứ của Ngài vốn là người Sa Đéc.

Nhưng kỳ thật bức ảnh ấy là ảnh được các hội viên Hội Nghiên Cứu Đông Dương tác nghiệp, khi chuyên khảo ở Sa Đéc

Và từ đó cho đến nay gần 80 năm, bức ảnh ấy ngày một phổ biến và thay hình đổi dạng trong quần chúng. Từ ảnh gốc Lão Nông, một số không ít người (do thiếu tài liệu nghiên cứu), đã phóng tác ra nhiều bức khác nhau, nhưng vẫn lấy ảnh gốc làm tiêu chuẩn.

Những ảnh phóng tác đa số là họa vẽ lại với nhiều hình thể khác nhau, nhưng hầu hết lại có một điểm gần giống nhau là thế ngồi, y phục, bộ râu dài.

Cho nên các vị tiền bối trong đạo đều từ chối bức ảnh vì các vị biết rõ vị Giáo Tổ của mình không có di ảnh truyền thần (ảnh vẽ tay), và thời kỳ Đức Giáo Tổ còn tại thế công cụ nhiếp ảnh chưa bao giờ hiện diện.

Qua bài khảo cứu này, Quang Minh Đức mong rằng các nơi có tôn trí di ảnh của cụ Lão Nông Sa Đéc hãy trưng bày làm ảnh kỉ niệm, chớ an trí trên bàn Tổ mà thờ phượng, vì di ảnh ấy không phải của đấng Giáo Tổ độ đời.

                                             Lịch sử lắm lúc phũ phàng
                                   Nhưng nêu cái thật, cho đàn hậu sinh
                                             Lời thật hay dễ mất tình
                                   Nghiệm kim suy cổ, cho mình rõ thông
                                             Xét Kinh, xét Sử đục trong
                                   Trí tầm chơn lý, ta không ngộ nhầm.