Nguyễn Văn Sâm: Giọt mực từ tâm
(Triều Hoa Đại phỏng vấn Nguyễn Văn Sâm)

Triều Hoa Đại

Khi viết về hoặc nói tới giáo sư, nhà văn và nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sâm không một ai dù là ít theo dõi nhất những “bước đi” của ông cũng không thể nào không biết tới những gì mà ông đã cống hiến cho văn chương chữ nghĩa, những công trình nghiên cứu văn chương chữ NÔM mà hình như hầu hết cuộc đời ông đã sống với ở lãnh vực này, là một thành viên trụ cột trong Viện Việt Học ông đã miệt mài cùng với những người “đồng tâm” vun sới và bồi đắp cho một nền văn chương Chữ Nôm nghe ra đã hình như xa lắc, xa lơ với những người Tây học, những lớp người trẻ của thế kỷ hôm nay. Tìm đến và được ông vui vẻ tiếp đón chúng tôi rất mong mọi người trong chúng ta sẽ được nghe ông kể chuyện sau xưa …, chuyện mà bấy lâu khó tìm ra những lời giải thích thoả đáng ngoại trừ một số người ít ỏi am tường.

Triều Hoa Đại: Thưa anh bấy lâu nay kể từ cái ngày quen biết tôi mới được làm quen đôi chút về văn chương Nam Bộ qua những Câu hò Vân Tiên, Ngày Tháng Bềnh Bồng, Quê Hương Vụn Vỡ, Giọt Nước Nghiêng Mình... và còn những gì nữa nhỉ? Hôm nay, chúng tôi “hẹn hò” những đọc giả và anh em bằnng hữu đến để nghe anh nói về một lãnh vực văn chương mà thiết tưởng không mấy người trong số anh em chúng tôi am tường đó là: Văn chương chữ Nôm nhưng thiết nghĩ trước khi bắt đầu câu chuyện xin anh tự giới thiệu một chút về mình.

Nguyễn văn Sâm: Thưa thì tôi sanh ra ở Sàigòn, cha tôi nói là trong một nhà bảo sanh nhỏ nghèo nàn gần Ngã Sáu Chợ Lớn, đầu đường Nguyễn Tri Phương bây giờ, năm 1940. Nhà cơ hàn, từ nhỏ tới năm 12 tuổi phải phụ mẹ sinh kế bằng cách bán thuốc lá lẻ (ngồi trước quán ăn nào đó) rồi đội thúng hột vịt lộn đi rao gần như khắp Sàigòn. Năm 11 tuổi (1951) cha tôi mất, hai người cô đem tôi về nuôi ở một cái quán trà Huế nhỏ ọp ẹp của hai cô trong Chợ Cháy Cầu Ông Lãnh vì mẹ không thể nuôi nổi ba anh em tôi, người anh lớn thì đã được nuôi trước rồi. Nhờ vậy tôi được đi học. Biết thân phận nghèo mồ côi, tôi ráng học, chỉ 8 năm (1951-1959) tôi từ là đứa học trò lớp Ba đã xong Tú Tài 2. Từ đó học xong Đại Học và được thầy mình, LM Thanh Lãng đề bạt về làm Phụ Khảo môn Văn Chương Việt Nam ở trường Đại Học Văn Khoa Sài gòn từ năm 1968 cho tới ngày tháng 04- 75 tan hoang.

Thđại: Sau khi miền Nam “được” (bị) giải phóng trong lúc giao thời như thế tâm trạng của anh ra sao?

NVS: Buồn quá mạng vì tất cả đều đổi thay, cả vùng đất Miền Nam và cả khung trời nho nhỏ là trường Đại Học Văn Khoa mà tôi đã gởi chí hướng và tuổi thanh xuân của mình trong đó. Hai năm 75-77 ở lại trường như cái bóng, hằng ngày vô giảng đường lớn thay vì dạy như ngày xưa thì học tập và thảo luận ‘cụi’ về XHCN. Người ở bên kia vô lãnh đạo trường không ai nói chuyện với mình mà mình cũng chẳng buồn bắt chuyện với họ. Họ đâu muốn coi mình là nhân viên của trường nữa đâu. Ở lại trường nhưng không được dạy cũng không biết gì về sinh hoạt của trường. Chỉ có năm đầu, 1975 được cho chấm thi tuyển sinh, nhưng chấm cho có thôi, có anh bộ đội lấy tài liệu ra chép, tôi đuổi ra, chiều lại gác phòng cũ, anh lại đánh bùa, lại bị tôi đuổi ra. Nhưng sau nầy thấy anh ấy được trúng tuyển và tôi nhận được từ anh ánh mắt vừa bỡn cợt, vừa nghinh nghinh khinh khỉnh của người thắng cuộc – cuộc thi tuyển sinh mà anh ta gian lận đối với những người cùng thi tuyển như anh. Hai năm tới trường hằng ngày như cái bóng, tới đâu chừng tháng 8 năm 77 thì nhận được giấy báo cho biết mình hết thuộc sự quản trị của trường nữa, về trình diện để phường quản lý. Hụt hẫng tới cùng cực.

Thđại: Rồi thì làm cách nào mà anh rời bỏ được “quê hương là chùm khế ngọt” và đến định cư ở “chùm khế chua” là Hoa Kỳ?

NVS: Ở lại trái tai gai mắt ban ngày, ban đêm nghe tiếng chó sủa thì tim đập liên hồi sợ rằng họ vô bắt mình đi học tập hay bắt lên đồn công an. Ai mà biết được! Thôi thì phải bỏ nước mà đi thôi! May mà vợ chồng đều đồng ý phải ra đi dầu rằng vì mình là nhà giáo nên cũng không bị đì gì nhiều ở địa phương... Vài ba lần bị gạt mất vàng, vài ba lần đi không tới, chúng tôi bị sạch sành sanh, có lần bị tù ở Vũng Tàu, bị đánh đập, tới nay cái hông hình như vẫn còn đau do hậu chấn đó. Khi được thả về thì nhà không còn gì để bán để ăn hằng ngày, tôi phải lén vợ, lén người quen biết, đi theo sự chỉ dẫn vô nhà thương bán máu một lần - còn bài thơ bán máu viết lúc đó. Cuối cùng năm 1979, trời độ vì người bạn thân - anh Hồ Xích Tú, con của nhà văn Hồ Hữu Tường có chiếc ghe cui đậu trong xẽo lâu nay đồng ý bán chịu trả sau 27 lượng vàng, tôi tổ chức kêu người quen góp tiền để đi, do kinh nghiệm những lần đi bất thành trước đó, chuyến đi trót lọt sau mấy ngày ròng rã trên biển lặng tháng 3 năm 1979 và được vô Mỹ tháng 9 cùng năm vì trước đây mình là GS Đại học và có lúc làm việc trong Quốc Hội Lập Hiến 1976-1967.

Thđại: Sinh hoạt trong thế giới chữ nghĩa lâu năm tôi tin rằng giao tình giữa những nhà văn chẳng hạn như: Vũ Anh Khanh, Lý Văn Sâm, Thẩm Thệ Hà và còn rất nhiều những nhà văn khác nữa chắc phải có lắm điều thú vị vậy nhân đây anh có thể nhắc lại chút ít được chăng?

NVS: Những tên tuổi anh vừa nêu trên thuộc thế hệ nhà văn trước tôi 20 năm nên nếu được quen cũng là do cơ may. VAK thì chết từ lâu khi vượt qua Bến Hải năm nào. LVS, sau 1975 về kiếm tôi vì tôi có viết bài về ông trong cuốn Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam. TT Hà thì trước sau vẫn ở SG, quen được do một người bạn tôi nguyên là học trò của ông thời Trung Học. Chỉ giao tình mưa nắng thăm viếng chứ chưa bao giờ nói về chuyện viết lách vì lúc đó nhựa sống và việc cầm bút của hai vị nầy như là đã hết. Họ đứng bên lề xã hội và đứng ngoài việc viết lách dầu có tên trong hội nhà văn nầy nhà văn kia. Kể cả nhà thơ Hoàng Tấn, tôi từng gặp nhiều lần trên gác Vọng Nguyệt của ông ở cư xá Thanh Đa. Rất thân tình, nói chuyện về người văn chương xưa nhưng ông cũng không viết gì. Tôi có cơ may là giao tình thân thiết với nhà văn Sơn Khanh và nhà văn Hồ Hữu Tường nhưng cũng là về những sinh hoạt đời thường hơn là chuyện văn chương. Có điều là nhân dịp nầy tôi thúc đẩy nhà văn Sơn Khanh cho xuất bản truyện dài ông viết trước đây, năm 1949, với tựa Ngục Tối Giữa Rừng Sâu nói về đời sống của người cạo mủ cao su trong đồn điền mà ông đã xin phép xuất bản mấy lần không được. Và truyện đó đã được ra đời dầu chậm hai mươi năm với tựa mới là Nước Độc, nxb Nam Cường, 1971 mà tôi được hân hạnh viết lời Bạt.

Thđại: Thế còn những nhà văn như: Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Tạ Tỵ, Vũ Hoàng Chương giao tình giữa anh và họ những ngày tháng cũ ra sao?

NVS: Họa sĩ nhà văn Tạ Tỵ và thi sĩ Vũ Hoàng Chương thì cũng thuộc thế hệ trước tôi 20 năm. VHC là thầy tôi khi tôi học ở trường Văn Lang đường Cô Bắc. Sau đó thì không có cơ hội gặp tiếp. Tạ Tỵ thì chỉ được giao tình khi ông sắp sửa về lại VN sống thời gian cuối đời. NMG và NXH là bạn đồng thời và có dịp gặp nhau nhiều, rất ít bàn về chuyện viết lách, mỗi người có cách tiếp cận với văn chương theo cách thế và hoàn cảnh sống của mình nhưng là bạn tương đối thân. Hai bạn ấy ngoài việc viết lách văn chương còn làm báo văn học ở CA trong khi đó tôi mắc dạy học ở Texas. Sự qua lại chỉ nhiều hơn khi tôi sang CA năm 2010 nhưng thời gian nầy thì chuyện văn chương đã trở thành thứ yếu vì tạp chí văn học không còn như ngày trước nữa.

Thđại: Anh có thời cộng tác với Viện Việt Học vậy thì công việc của viện ấy là gì, sinh hoạt như thế nào?

NVS: Hiện bây giờ vẫn còn cộng tác trong việc thuyết trình đề tài nào mà VVH thấy cần thiết nói lên một vấn đề văn học. VVH cần in sách văn học và tôi có chỗ yểm trợ chút ít việc in sách của mình. Sự điều hành Viện là việc của nhóm anh em thiện chí khác sinh hoạt với nhau cả 30 năm nay. Tôi không biết gì hơn người khác.

Thđại: Nhà văn và nhà thơ Viên Linh trong báo Ý Thức đã đưa ra nhân định thế này: “Tôi thích giọng văn người miền Nam, viết từ trái tim chứ không từ trí óc” là nhà văn Miền Nam anh thấy nhận xét ấy thế nào?

NVS: Nhận định thì tùy theo mỗi người, tôi không ý kiến về vụ nầy.Tôi thấy mình viết cũng rất nhiều trí óc trong đó. Mỗi truyện của tôi đều có chủ đề dầu là khó thấy, tôi muốn người đọc tự tìm coi tác giả viết gì chớ không đưa ra ngay, như vậy là trí óc phải không? Có thể nhà văn Viên Linh muốn nói tới cách hành văn của người Miền Nam nói chung là viết trơn tru với chữ/từ ngữ thường thấy ngoài đời chớ không bận trí thay đổi bằng từ ngữ cao xa lóng lánh mỹ miều của văn chương.

Thđại: Nhân đang nói chuyện về nhà văn Miền Nam tôi chợt nghĩ đến Lê Xuyên bởi với giọng văn rất ư là Nam Bộ khi ông hạ bút xuống : Dóc tổ, dóc tía, bảnh tỏn, mùi bạt mạng, khỉ khô, tài khôn ..v…v…, nhưng mấy lúc gần đây chúng ta ít còn thấy xuất hiện loại văn phong như thế có phải chăng văn chương đã bị “đô thị hoá”, văn chương Nam Bộ đã mất dần cái vẻ chân chất của: “Hôm qua em đi phố về, hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều” phải thế không anh?

NVS: Đúng vậy, nhà văn Miền Nam phải móc hầu bao ra những cụm từ, những cách nói đặc biệt Miền Nam, chớ không phải xài mấy chữ bà chã bà chẹt: tui, dìa, hỏng phải, dzui quá.... mà thành nhà văn Miền Nam. Những từ ngữ đặc biệt Nam Kỳ đó nằm sâu trong ký ức của nhà văn khi hồi nhỏ ông ta đọc các bộ sách gọi là dịch truyện Tàu của nhà Tín Đức Thư Xã hay đọc Hồ Biểu Chánh, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của... rồi khi mình viết thì tự các từ ngữ này nhảy ra trên bản văn thôi, càng tìm tòi để cho vô bài viết thì càng lợn cợn không giống con giáp nào. Nhưng nói thì dễ, làm được chuyện đó không dễ vì sự ảnh hưởng của chữ Bắc, tiếng Bắc rất là đậm trong đầu chúng ta do chuyện đi học, chuyện đọc sách ... Nói rõ hơn các chữ thầy, nầy, chơn thật, nhơn ái... hình như đã không còn mà người anh của chúng là này, thày, chân thực, nhân ái ... chiếm chỗ!

Thđại: Khi đọc anh ở: “Giọt Nước Nghiêng Mình” nhà văn Phạm Phú Minh đã đưa ra nhận xét tương tự văn phong của anh cũng “rất Nam Kỳ”, có khi còn Nam kỳ hơn cả Bình Nguyên Lộc hay Sơn Nam” chẳng hạn như: “ngừng một lúc, nuốt nước miếng; mích lòng mích bề, phủi phủi ông nội ơi đừng nói gở …v…v…”. Với một nhà văn vắt từng “giọt máu” trải dài cho chữ và nghĩa qua bao năm anh có nghĩ rằng rồi đây dù vật đổi sao dời thế hệ kế tiếp sẽ vẫn còn tha thiết với đồng ruộng, với ngôn ngữ trải đầy lòng nhân bản của cha ông?

NVS: Thưa thời đại đổi thay, nền giáo dục thay đổi, sách vở thay đổi, từ ngữ ngoài đời thay đổi thì văn chương và những hình ảnh cấu tạo nên sự kiện văn chương cũng thay đổi thôi. Viết theo cách cũ thì dễ bị phê bình là lạc hậu, là làm dáng. Tôi và những cây viết anh vừa nêu tên ở trên dễ bị phê là không hiểu từ, không hiểu hoạt cảnh...Trong một truyện ngắn mới nhứt của tôi là Hai Đường Ngôi Rẽ nhiều người 50-60 hỏi tôi cái tràm mà thằng nhỏ chơi là cái gì. Và tiền-bao-thuốc là gì? Cũng vậy người trẻ hơn không hiểu sao con trai con gái 7, 8 tuổi mà chơi cõng nhau...

Thđại: Và rồi còn nữa cái cảnh mà thằng Đực trong một truyện ngắn Quê Hương Mình (Ngày Tháng Bềnh Bồng) “ngồi chỗm chệ trên cái mui ghe cá dềnh dàng” của ngày xa xưa nay biết còn tìm lại ở đâu, xa rồi những kỷ niệm như thế giờ đây nghĩ lại anh có thấy buồn chăng?

NVS: Thưa nhà văn ghi lại những chuyện xảy ra trước đây đã in đậm trong ký ức giờ khi có dịp thì tuông ra. Cảnh thiệt mất đi là chuyện của xã hội, không có gì phải buồn. Passage Eden, Passage Tax, phố dạo chơi Lê Lợi, Catina bây giờ khác xưa thì cũng là chuyện đương nhiên thôi, nên ghe chài trên sông và đời sống trên sông có thể không còn nhiều nữa nhưng cũng là chuyện bình thường. Người thế hệ trước tôi và anh chắc cũng chứng kiến những đổi thay, nếu các vị ấy buồn thì khó sống: Sông kia giờ đã nên đồng, chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai, Tú Vị Xuyên mãi khoắc khoải về vụ này nên lẹt đẹt trong xã hội...

Thđại: Trước thập niên 1975 bốn (04) nhà văn miền Nam lúc đó được xếp vào: Tứ đại văn hào Nam Bộ là: Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên và Hồ Hữu Tường, anh nghĩ sự xếp hạng ấy đã đủ chưa có cần thêm, bớt gì không?

NVS: Thưa xin cho không bàn về điểm nầy vì có thể là những ý kiến cá nhơn...

Thđại: Là nhà văn, nhà giáo và là một người rất am tường chữ về chữ NÔM vậy thì xin anh vui lòng giải thích văn chương chữ NÔM là gì?

NVS: Đại khái tiếng Nôm là tiếng của người Việt mình, nói ra thì hiều liền như ăn, ngồi, đi, núi, trăng. Còn tiếng Hán Việt là tiếng của người Tàu, chúng ta mượn xài nên nói khác với họ chút xíu phải cắt nghĩa người bình dân mới hiểu: Thực (ăn), tọa (ngồi), khứ (đi), sơn (núi), nguyệt (trăng)... vì tiếng Nôm khác với tiếng Hán nên để viết chữ của các tiếng Nôm, ông bà mình đã chế ra chữ Nôm bằng cách mượn các yếu tố của chữ Hán. Vậy chữ Nôm là chữ của người Việt trước khi người Âu Châu tới Việt Nam mà họ sau nầy tạo ra và bắt xài chữ quốc ngữ mà chúng ta đương xài. Văn chương chữ Nôm là những tác phẩm của ông bà mình viết ra bằng chữ Nôm như Đoạn Trường Tân Thanh, Lục Vân Tiên, Phan Trần, Hoa Tiên, Nhị Độ Mai.. Nói chung văn học Việt Nam từ thế kỷ 19 về trước đều là văn học chữ Nôm. Và tôi thấy mình có bổn phận phải phiên âm ra chữ Quốc ngữ những tác phẩm chưa được phiên âm hay phiên âm không mấy chính xác... công việc nầy nói chung là cô đơn và nhiêu khê.

Thđại: Có bao nhiêu tác phẩm về chữ Nôm mà anh đã xuất bản và theo anh giá trị của những tác phẩm ấy đối với gia tài văn hoá Việt Nam mai này như thế nào?

NVS: Thưa phải nói cho đúng là tôi không có tác phẩm Nôm nào, tôi chỉ làm việc phiên âm, nghĩa là dịch từ tác phẩm Nôm của ông bà mình ra chữ quốc ngữ mà thôi. Ông bà mình ngày xưa viết gì quan trọng thì dùng chữ Hán,viết gì có tính chất tình cảm, truyện cho dân chúng thưởng thức thì viết bằng chữ Nôm, nếu ta không dịch ra quốc ngữ thì thấy đời sống văn hóa của Việt Nam thiệt nghèo nàn, nếu dịch ra hết thì thấy rằng không nghèo nàn chút nào. Trường hợp Đoạn Trường Tân Thanh, Chinh Phụ Ngâm, Nhị Độ Mai, Lục Vân Tiên là những thí dụ. Nếu không dịch ra thì ai mấy đã biết các tác phẩm trên! Nhưng vấn đề là còn nữa mà người trước chưa dịch hết. Và tôi là mò mẫm làm chuyện dịch đó, được bao nhiêu hay bấy nhiêu vậy thôi.

Thđại: Là một trong số những nhà văn Miền Nam chẳng hạn như: Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Tín Hương, Hồ Trường An và Kiệt Tấn, anh đã gây được tiếng vang trong văn giới và có sức lôi cuốn người đọc tôi chắc chuyện này không dễ, vậy thì làm cách nào anh có thể tạo nên “cách riêng” ấy?

NVS: Thưa chẳng có chi gọi là cách riêng, Tôi sống thời gian dài ở Sàigòn, vùng nghèo khổ bình dân là Cầu Ông Lãnh, là Vĩnh Hội là hẽm Hãng Phân, là đường hẽm Hiệp Thành bên kia sông Cầu Ông Lãnh, chung đụng với người bình dân lam lũ tôi nghe nói tiếng nói của họ. Ở đây có những bà cụ ông cụ lớn hơn tôi 5, 6 mươi tuổi vẫn còn giữ được những cách nói Miền Nam Kỳ Lục Tỉnh, những chữ mà người dầu là người Sàigòn nhưng ở Quận 1, Q 3, Q 6 khó mà có dịp để nghe, để sử dụng. Thêm nữa. Lúc nhỏ nhờ hoàn cảnh đặc biệt tôi có thời gian ngấu nghiến gần như toàn bộ các truyện Tàu do nhà Tín Đức Thư Xã ấn hành nên tiêm nhiễm những chữ Miền Nam lạ tai người thường... Các chữ ấy khi tội viết truyện thì tự nó tuông ra thôi. Chúng ở trong óc của người viết, nói cách cùa tôi là chúng ở trong máu, tuông ra tự nhiên không cần nhớ. Nếu nói là cách riêng thì sự kiện không nề hà, không ngại ngùng không sợ bị chê là quê mùa, là Miệt Vườn để đem các cụm từ, các danh từ đó vô trong tác phẩm...

Thđại: Khi viết giới thiệu “Giọt Nước Nghiêng Mình” của anh, nhà văn Song Thao đã viết:” Cái tên Nguyễn Văn Sâm đã dính liền với chuyện nghiên cứu khiến chúng ta tưởng lúc nào anh cũng khô khan, nhưng thực ra anh cũng lả lướt sáng tác như ai”, vậy thì giữa hai phần nghiên cứu (khô khan) và sáng tác anh phần nào làm anh tâm đắc nhất?

NVS: Thưa phần viết truyện ngắn là phần tôi tâm đắc nhứt và muốn viết nhứt. Sáng tác và nghiên cứu giới thiệu về những nhà văn khác tôi cho rằng sự kiện nầy giống như một thiếu nữ có bổn phận phải trang điểm sửa soạn cho các cô thi hoa hậu trong khi lòng cô thì ước ao phải chi mình được dự thi. Nhưng hỏi tại sao tôi nghiên cứu và giới thiệu tác phẩm Nôm nhiều, xin trả lời là bởi vì nghĩ rằng mình không làm thì các tác phẩm đó sẽ có thể bị mai một đi. Người biết chữ Nôm tuy ít nhưng không phải là không có, có điều là những vị ấy không hưởng được hoàn cảnh để làm việc thôi (tài liệu không tìm được, điều kiện sống khó khăn, sức khỏe kém, thiếu sự khuyến khích của người thân kề cận...) Tóm lại tôi thích viết truyện nhưng phải hi sinh thời giờ chút đỉnh cho văn học sáng tác nói chung.

Thđại: Nhà văn Phạm Phú Minh thì bảo rằng:” Có thể nói Nguyễn Văn Sâm là một nhà văn của tư tưởng. Đọc ông đôi khi chúng ta có cảm tưởng truyện chỉ là một cái cớ để trình bày một triết lý, một suy nghĩ mà ông cưu mang và muốn truyền lại cho chúng ta…” phía trước của huy chương bao giờ cũng có bề trái của nó, thế thì “một cái cớ” như Phạm Phú Minh đã viết thì nhà văn Nguyễn Văn Sâm muốn truyền lại cho hậu thế là gì đây?

NVS: Nên viết những gì đáng viết, không viết để có danh tiếng, để có tiền. Nếu đem được những sinh họat xưa mình từng chứng kiến vô truyện thì càng tốt. Dĩ nhiên là đả kích – bằng nghệ thuật, không phải bằng lời nặng nề – những điều xấu xa, bất cập của xã hội đương thời. Cổ động để bỏ đi những hủ tục, thói quen xấu (như đốt vàng bạc, như phóng sanh chim, như ăn yến, uống mật con nầy con kia...), tin tưởng vô cớ ở bói toán, tuổi xung khắc, phong thủy, giải hạn, cầu tài, cúng thần Tài, cúng vong... dĩ nhiên trong các vụ nầy người chống mình không phải là ít. (cười)

Thđại: Những lúc sau này ở hải ngoại người viết có vẻ như thưa thớt, lác đác mùa thu lá rụng vậy nguyên nhân ấy là do từ đâu, nhà văn thiếu chất lượng để sáng tác, nhà văn bị lão hoá hay người đọc không còn thiết tha với chữ nghĩa?

NVS: Những lý do anh Triều Hoa Đại đưa ra đều đúng nhưng phải kể thêm tới phương tiện in ấn và phát hành tới độc giả khó khăn, cũng như người đọc giờ thấy dễ dàng đọc trên int., trên báo int. hơn là tìm mua sách. Cũng phải nói là lực lượng đọc bây giờ già hơn ba chục năm trước nhiều mà lực lượng người đọc trẻ thì tăng cường không được bao nhiêu vì hoàn cảnh sanh sống thực tế của nơi đất mới.

Thđại: Lại có nhà văn bảo rằng: “Ông (bà) ấy viết là viết cho chính mình, đọc giả chỉ là thứ yếu”, với anh khi ngồi vào bàn viết điều đầu tiên anh nghĩ là viết cho chính mình hay là viết cho đọc giả?

NVS: Tôi nghĩ là mình viết cho người đọc, mình chuyển tải những suy nghĩ của mình tới độc giả. Ai phê bình ý tưởng nầy thì tôi cũng cười trừ thôi. Chứ viết cho mình thì viết rồi thì để trong tủ chớ sao lại đem in lưu thế?

Thđại: Thưa anh, buổi chiều đã dần xuống quanh nơi anh em chúng ta đang ngồi trò chuyện vậy thì cũng đã đến lúc phải chia tay nhau rồi mặc dù còn rất nhiều điều muốn được nghe giải thích nhưng đành phải hẹn lại cùng anh vào một dịp khác vậy, trước khi chia tay anh có muốn nhắn nhủ điều thêm hoặc bổ túc những điều mà tôi đã thiếu xót?

NVS: Sống ra con người đàng hoàng không hổ thẹn với lương tâm và với người thân chung quanh trước khi làm một nhà văn. Thời gian của ai rồi cũng sẽ hết, kéo theo sự bỏ lại tất cả mọi thứ vật chất cụ thể, chỉ còn là cách sống phải đạo khi người đó hiện diện trên trần gian nầy. Ta khen Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản, nhưng mấy ai khen cả ngàn ông quan, ông Đốc Phủ Sứ thời đó, ông Tổng Đốc Phương, ông Tổng Đốc Lộc và các ông bán vua, bán người cách mạng chống Pháp để kiếm một chút tiền.

Thđại: Xin cùng với những bạn hữu và độc giả những người theo dõi cuộc trò chuyện này chân thành cám ơn nhà văn, nhà nghiên cứu và phê bình Nguyễn Văn Sâm. Kính chúc anh luôn bình an trong cuộc sống và mọi điều tốt đẹp.

NVS: Xin cám ơn thiệt nhiều nhà thơ Triều Hoa Đại và cám ơn những độc giả đã bỏ công đọc bài phỏng vấn nầy.