Thầy Nguyễn Văn Sâm – người lưu giữ hồn dân tộc

Võ Văn Nhơn

Nửa thế kỷ trước, vào năm 1973, lúc 18 tuổi, tôi ghi danh học Ban Triết của Đại học Văn khoa Sài Gòn, đó là vì mến mộ hai ông thầy tôi được thụ giáo hồi trung học, đó là thầy Trần Thái Đỉnh dạy Pháp văn cho tôi ở lớp 11 trường Thánh Liêm, Hóc Môn và thầy Trần Bích Lan (tức nhà thơ Nguyên Sa) dạy triết ở lớp 12 trường Văn học, Sài Gòn. Chương trình học của năm thứ nhất Ban Triết ngày ấy có hai môn tự chọn là Hán văn và Việt văn. Tôi vốn sợ học chữ Hán nên đăng ký học môn Việt văn. Các thầy dạy Việt văn cho năm thứ nhất ban Triết ngày ấy tôi còn nhớ có thầy Lê Hữu Mục bên Đại học Sư phạm sang và có thầy Nguyễn Văn Sâm. Thầy Sâm lúc đó rất gầy ốm, hình như luôn mặc áo sơ mi trắng.

Sau ngày 30 tháng 4, 1975, do những năm đầu trường Đại học Văn khoa chưa đào tạo ngành Triết học nên các sinh viên Ban Triết của chúng tôi phải chuyển sang học văn học, làm người Khoa Văn bất đắc dĩ. Sau khi ra trường, tôi ở lại làm giảng viên của Khoa Ngữ văn, do là người Nam Bộ nên tôi cũng mon men nghiên cứu về văn học Nam Bộ, vì thế nên gặp lại thầy Nguyễn Văn Sâm, mặc dù hai thầy trò rất xa cách về mặt địa lý, bởi vì thầy vốn là một chuyên gia của văn học Đàng Trong, văn học tranh đấu thời kháng chiến chống Pháp với những công trình đến bây giờ vẫn còn giá trị như Văn chương tranh đấu miền Nam (1969), Văn học Nam Hà (1971), Văn chương Nam Bộ và cuộc kháng Pháp (1972). Đặc biệt sau này khi tôi nghiên cứu văn học Nam Bộ giai đoạn 1945-1954, tôi đã được sự giúp đỡ của thầy rất nhiều về mặt tư liệu. Thầy đã chịu khó scan từng trang tác phẩm của Vũ Anh Khanh, Lý Văn Sâm… để gửi từ Mỹ về cho tôi. Có thể nói nếu không có sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy, công trình Văn học Nam Bộ 1945 – 1954 của tôi và một số đồng nghiệp chắc chắn sẽ khó mà hoàn thành. Khi tôi sang Mỹ thăm thầy, thầy cũng đem hết những tài liệu quý hiếm cho tôi sao chép, trong đó có những tài liệu thầy đã cất công sưu tầm, mua lại từ trong nước, từ nước ngoài như ở Pháp với giá không hề rẻ. Thầy cũng dẫn tôi đi thăm các nhà văn Nguyễn Đình Toàn, Minh Đức Hoài Trinh, Viên Linh, những tên tuổi mà tôi đã đọc từ trước năm 1975 mà mãi khi đến Mỹ mới gặp được.

Mỗi lần về Việt Nam, thầy đều rủ tôi đi thăm nhiều người trong giới văn học, không chỉ là các nhà văn, dịch giả của miền Nam như Trang Thế Hy, Võ Hòa Khanh, Nguyễn Minh Hoàng… mà còn đi gặp cả các giáo sư ở miền Bắc vào như thầy Hoàng Như Mai, thầy Trần Hữu Tá, bởi vì thầy cho rằng đó có thể là những lần gặp gỡ cuối cùng trong đời. Tiếc là có người đến mấy lần nhưng không gặp được do đã chuyển chỗ ở, như nhà văn Trần Kim Trắc chẳng hạn. Niềm vui của thầy mỗi lần về nước là đi sưu tầm các truyện Nôm, các tác phẩm của Nam Bộ, một công việc mất rất nhiều thời gian và tốn kém. Thầy chịu khó lặn lội đến các nhà sưu tầm sách, đến các tiệm sách cũ ở đường Trần Nhân Tôn, ở cư xá Bắc Hải… để lục lọi, nhiều khi phải mua lại với giá rất đắt một truyện Nôm xưa, có lúc may mắn reo vui khi mua được một tác phẩm cũ nát của Trương Vĩnh Ký.

Điều đáng quý ở thầy là tình yêu đối với văn học Nam Bộ, tình yêu đối với văn hóa cổ của cha ông. Ngoài việc sáng tác những truyện ngắn đậm chất Nam Bộ, thầy còn là một tấm gương nghiên cứu rất đáng khâm phục. Nhiều tác phẩm chữ Nôm Nam Bộ đã được thầy phiên âm, chú thích rất công phu, từ Tuồng Kim Vân Kiều, tức Truyện Kiều ở Nam Kỳ lục tỉnh đến các truyện thơ Tam quốc diễn nghĩa, Sơn Hậu diễn truyện,Trương Ngáo, Thạch Sanh Lý Thông, tiểu thuyết bằng chữ Nôm đầu tiên Báo ứng nhân quảChuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký cũng được thầy cho in lại và chú giải. Truyện thơ viết bằng chữ quốc ngữ U tình lục, tác phẩm đầu tay của Hồ Biểu Chánh, cũng được thầy giới thiệu, chú giải một cách hết sức kỹ càng và ghi lại bằng một cái tên rất gợi cảm là Kể chuyện tình buồn. Thầy còn là thành viên Ban Biên Tập Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn, thầy tham gia vào dự án số hóa Đại Nam quốc âm tự vị của Huình Tịnh Của, một công cụ rất hữu ích cho những người nghiên cứu và muốn đọc hiểu những tác phẩm xưa cũ. Thầy cũng mở những lớp dạy chữ Nôm tại Viện Việt-học ở Little Sài Gòn mà mỗi buổi đi dạy phải lái xe cả một tiếng rưỡi khi tuổi đã cao, học trò thì đủ mọi lứa tuổi, có người tuổi còn thanh niên, có người tuổi không thua gì thầy. Cô Ánh, người bạn đời của thầy do đó đã gọi thầy một cách âu yếm là “Ông đồ già trên đất Mỹ”.

Lớn tuổi, nhưng thầy vẫn chịu khó rèn luyện thân thể. Sáng nào thầy cũng đi bộ, chiều lại đi bơi. Thời gian ở nhà thầy bên Mỹ, sáng sáng tôi cũng đi theo thầy cô đi bộ, nhưng thú thật là còn đuối khi phải cố gắng hết sức mới theo kịp thầy cô. Vì thế, khi nghe tin thầy vào bệnh viện cấp cứu, mà phải chuyển bằng máy bay, tôi đã rất bàng hoàng vì không ngờ thầy lại gặp một vấn đề về sức khỏe đáng lo lắng như vậy. Tôi lại tiếc nuối vì biết thầy còn có rất nhiều công trình đang thực hiện dang dở, như việc nghiên cứu tuồng Công giáo chẳng hạn.

Nên khi nghe cô Ánh báo tin thầy đã được bệnh viện cho về nhà, tôi đã rất vui mừng. Mong thầy sớm bình phục để tiếp tục đam mê của thầy, để hoàn thành những dự định rất tâm huyết cho văn học Nam Bộ, cho văn học dân tộc.

Học trò của thầy.
Sài Gòn 18/10/2023