Ai là Hội Trưởng đầu tiên của Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế Saigon?

Tôi nhận được thơ của anh Lâm Văn Bé và thơ của anh Tuấn Khanh ở San José do anh Bé chuyển, đồng thời cũng nhận được thơ của cháu Hồng Dung (con Năm Châu) gởi qua hỏi về vụ anh Nguyễn Vĩnh Bảo nói về anh của Vĩnh Bảo là Nguyễn Văn Phát, Hội Trưởng đầu tiên của Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế Saigon năm 1948.

Tôi xin nói rõ những gì tôi biết liên quan tới việc thành lập Hội NSAH-TT Saigon năm 1948. Tôi (Nguyễn Phương) năm nay đã 98 tuổi (tính theo tuổi âm lịch), tôi nhỏ hơn anh Nguyễn Vĩnh Bảo 4 tuổi (Vĩnh Bảo 102 tuổi, Nguyễn Phương 98 tuổi). Tôi chánh thức hoạt động trong ngành nghệ thuật sân khấu từ năm 1948, cùng cộng tác với soạn giả Thanh Cao, đoàn hát Tiếng Chuông của Bầu Cang từ năm 1948.

Nên nhớ thời kỳ nầy là thời kỳ có kháng chiến Việt Minh và quân Pháp ở khắp các miền Nam, Trung, Bắc. Anh Năm Châu có người con trai thứ tư (con của chị Tư Sạng và anh Năm Châu) đi kháng chiến tên là Nguyễn Trúc Thanh, căn cứ đóng quân tại kinh Năm Ngàn, Đồng Tháp Mười. Năm 1954, Trúc Thanh tập kết ra Bắc, năm 1975 về trong Nam, sau đó nghỉ hưu.

Anh Tư Trang có con là anh của cô Ba Đề từng là Phó Ban Quản Trị đoàn cải lương Saigon 2 sau năm 1975, đi kháng chiến ở Phòng Chính Trị quân khu 8 đóng ở Kinh Bùi, Đồng Tháp Mười.

Soạn giả Thanh Cao tức danh ca Thanh Cao đoàn hát Tiếng Chuông Bầu Cang có người chú đi kháng chiến, ngành công an ở quận Cổ Cò. Sau 1960 Công an nội thành mang bí danh là I.4 (I Tư). Thanh Cao thường liên lạc với chú của anh nên anh có người hướng dẫn cho anh Tư Trang vô chiến khu ở Đồng Tháp Mười để thăm con.

Thi sĩ Bảo Định Giang (tên thật Nguyễn Thanh Danh, người Mỹtho) Trưởng Ban Tuyên Truyền quân khu 8 thành lập Đoàn tuyên truyền lưu động Khu 8, các nghệ sĩ tài danh Tám Danh (Nguyễn Phương Danh) Ba Du (Phan Văn Hai), hề Tám Củi (Triệu An), hề Tư Xe (hề Tư Xe là ông Nội của nữ kịch sĩ tài danh Kim Xuân) đều là đội viên kịch trong Ban Truyên Truyền Lưu Động K/8.

Anh Tư Trang được liên lạc viên đưa đến Ban TT khu 8, cùng đi với anh Tư Trang có anh Hai Màn xếp dàn cảnh đoàn hát Năm Châu, anh Hai Màn có mang vô chiến khu một tấm màn nhung mới may của anh Tư Trang tặng cho Ban TTQK 8.

Khi trở về Saigon, anh Tư Trang đến gánh hát Tiếng Chuông, cám ơn anh Thanh Cao giúp người dẫn anh Tư Trang vô chiến khu 8. Lúc đó tôi đang cùng anh Tám Cao họp soạn tuồng cho gánh hát Tiếng Chuông. Anh Tám Cao giới thiệu tôi với anh Tư Trang. Anh Tư Trang từng biết tôi và cũng muốn lôi kéo tôi theo các hoạt động của anh nên anh bằng lòng cho tôi tham dự chuyện kể chuyến đi khu 8 của anh. Anh Tư Trang kể chuyện: vì được xem là nhân sĩ ở Saigon nên anh được ông Nguyễn Văn Vịnh, Chính Ủy quân khu 8 tiếp và cho người hướng dẫn ông Tư Trang đến gặp ông Đinh Ngọc Thủy (Trưởng Phòng Chính trị QK8) ông Bảo Định Giang Trưởng Ban Tuyên Truyền, và các nghệ sĩ Tám Danh, Ba Du, Tư Xe, Tám Củi, nên được vào thăm con tại nhà khách PCT K/8.

Trong câu chuyện, anh Tư Trang cho biết các anh ở trỏng (ám chỉ các người kháng chiến) gợi ý nên lập một Hội Nghệ sĩ Ái Hữu Tương Tế để giúp đỡ nhau về đời sống, tương tế. Họ giúp cho một số tiền lớn để chi phí trong việc lập Hội và xây dựng một chỗ ăn, ở cho đoàn hát Việt Kịch Năm Châu, đồng thời đưa vở kịch Tây Thi Gái Nước Việt của các ông Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước để anh Năm Châu viết bài ca, chuyển thể kịch thành cải lương để tựa là Tây Thi Gái Nước Việt.

Anh Năm Châu dùng phân nửa số tiền đó mua lại trại cưa của ông Trần Pháp dưới dốc cầu Bông, mua tole che vòng quanh biến thành chỗ cư trú cho các nghệ sĩ và gia đình trong đoàn Việt Kịch Năm Châu, đổi tên trại cưa Trần Pháp thành Trại Năm Châu. Ngoài ra anh Năm Châu dùng số tiền còn lại trong số phân nửa của anh Tư Trang đem về để sắm y trang, tranh cảnh và dàn âm thanh dùng trong tuồng Tây Thi Gái Nước Việt khai trương trong đầu năm 1952 tại rạp Nguyễn Văn Hảo (theo tài liệu Báo Sân Khấu thành phố HCM). Ngoài ra, anh Tư Trang dùng số tiền còn lại liên lạc với một số công chức ở Toà Đô Chánh Saigon, những người thích cổ nhạc, đờn ca tài tử, thích hát bội hay cải lương để đứng đơn xin lập Hội Nghệ sĩ Ái Hữu Tương Tế.

Nên nhớ đây là thời kỳ có chiến tranh Việt Pháp. Pháp không bao giờ cho người không được Pháp tin tưởng lập hội. Các vụ tụ tập đông người trong việc quan, hôn, tang, tế đều phải xin phép, được ông Cò sở tại cấp giấy phép thì mới được tổ chức. Trong những năm 1948 - 1949, Hội Khuyến Học Nam Việt thành lập Ban Chấn Hưng Hát Bội do các ông Thân Văn Nguyễn Văn Quý, bác sĩ Võ Duy Thạch trong ban lãnh đạo tổ chức hát tuồng Trảm Trịnh Ân, Phụng Nghi Đình, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu. Để có danh nghĩa Hội đoàn tư nhân, Hội mời thêm nhiều công chức đang làm việc cho Pháp ở Dinh Thống Soái, Tòa Đô Chính, Sở Bưu Điện, Hãng xăng Esso, như các ông Đỗ Văn Rỡ, Lê Phát Vinh, Bác sĩ Võ Duy Thạch, Nguyễn Văn Hoanh, Nguyễn Văn Hia, Nguyễn Công Thiện (Giám đốc hãng xăng Esso), ông Trưởng Tòa Thiết… Đa số sáng lập viên vận động thành lập Hội Chấn Hưng Hát Bội là công chức làm việc cho Pháp nên việc xin phép thành lập Hội Khuyến Học Nam Việt, Hội Chấn Hưng Hát Bội, Hội Khuyến Lệ cổ ca đều được Pháp cấp giấy phép. Các nghệ sĩ hát bội trong Ban Chấp Hành không ai là Hội Trưởng nhưng tất cả nghệ sĩ đều hoạt động tích cực nhất là về mặt nghệ thuật ca diễn và cung cấp tuồng tích cùng các tài liệu liên quan tới nghệ thuật mà Hội chủ trương bảo vệ và nâng cao.

Anh Tư Trang cũng theo đường lối của Hội Khuyến Học Nam Việt, kiếm một người công chức, được nhà cầm quyền Pháp tin tưởng để đứng đơn xin lập Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu, nhưng những người trong Ban chấp Hành của Hội Nghệ sĩ đều là những nghệ sĩ có uy tín trong giới, thực sự là những người hoạt động nòng cốt cho các sinh hoạt ái hữu tương tế trong hội. Anh Tư Trang liên lạc với nhóm đờn ca tài tử của nhạc sĩ Hai Khuê (đàn Kìm và đàn tranh), Tư Thưởng (đàn Violon, chủ hãng kim hoàn ở đường Catinat), Tăng Kim Luông (đàn kìm), Chánh Dân (đàn guitare phím lõm), các nhạc sĩ nầy giới thiệu ông Nguyễn Văn Phát (đàn Kìm trong nhóm đờn ca tài tử) và nhờ ông đứng đơn xin lập Hội Nghệ Sĩ AHTT (các ông Tăng Kim Luông, Chánh Dân, Nguyễn Văn Phát, Tư Thưởng đều là công chức làm việc cho Pháp). Ông Phát được mời làm Hội Trưởng, đứng đơn xin nhà cầm quyền Pháp cấp giấy phép thành lập Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế.

Khi được giấy phép của nhà cầm quyền Pháp, vì chưa có trụ sở chánh thức, cuộc họp đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Ái Hữu Tương Tế được tổ chức tại đình Cầu Muối. Có nhiều nghệ sĩ tài danh và soạn giả được mời họp, bà Tám Đội, một phú gia, chủ một Ban Hát Bội, chủ một rạp hát ở đường Marins Chợ Lớn, hứa khi có nhà làm nhà Hội NSAHTT thì bà tặng cho một bàn thờ Tổ bằng danh mộc và 12 cốt ông tức Thập Nhị Công Nghệ để thờ Tổ Sân Khấu trong nhà Hội mới đó. Ông Nguyễn Văn Phát đương nhiên là Hội Trưởng…

Tôi không biết cuộc vận động của anh Tư Trang với các ông công chức như thế nào, không biết ông Phát đóng góp bao nhiêu tiền, nhưng biết là số tiền mua nhà số 133 đường Cô Bắc lập Hội có số tiền đóng góp của anh Tư Trang (tức là sau khi anh đi khu 8 về). Khi thành lập Hội, nghệ sĩ chúng tôi được dự khi cúng Tổ năm 1948.

Tiền tu sửa, nâng cao thêm tầng, tiền trả lương cho thư ký thường trực và tiền của Hội giúp cho các nghệ sĩ đau yếu là tiền có được do hằng năm Hội tổ chức Hát Hội. Khi hát Hội, tất cả nghệ sĩ, công nhân sân khấu, tiền bản quyền soạn giả đêm hát Hội đều không ai lãnh lương. Rạp Nguyễn Văn Hảo không thâu tiền rạp. Nếu hát ở rạp Hào Huê Chợ Lớn thì phải trả tiền rạp.

Tiền nguyệt liễm của Hội viên đóng hàng tháng, có biên lai thu tiền, có giấy chứng nhận Hội viên của ông Nguyễn Văn Phát ký. Nghệ sĩ hội viên nào có đóng nguyệt liễm thì khi đau yếu hoặc gia đình có chuyện quan, hôn, tang tế đều được Hội giúp cho một số tiền. Số tiền giúp nầy bao nhiêu là do cuộc họp của Ban Chấp Hành quyết định. Một nghệ sĩ trong Ban chấp hành sẽ mang tiền đến giúp và nói lời phân ưu hoặc an ủi khuyến khích hội viên được sự giúp đỡ của Hội.

Lúc mới thành lập Hội NSAHTT Saigon, tôi cũng có gia nhập làm Hội Viên. Đến năm 1954, thời kỳ ông Diệm về nước thành lập chánh quyền mới, quân Pháp rút về Pháp thì những Hội đoàn thành lập từ thời Pháp đều được công nhận hợp pháp, tuy nhiên các ông trong Ban Khuyến Lệ Cổ ca chỉ có ông Đốc Phủ Rỡ còn là Hội Trưởng, các ông công chức trước đây có chân trong Ban Quản Trị, tôi không nghe nhắc đến tên các ông nữa. Phần Hội Nghệ sĩ Sân Khấu thì ông Nguyễn Văn Phát cũng không thấy còn tại vị Hội Trưởng Hội NSAHTT, mà Hội Trưởng và hội phó là những nghệ sĩ tài danh như Năm Châu, Phùng Há…

Năm 2000 tôi về Saigon, Ban Ái Hữu nghệ sĩ có đãi tiệc mừng hội ngộ, tôi chụp hình Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế năm 1948 treo trên vách phòng họp của HNSAHTT, 133 đường Cô Bắc Saigon. Nay nhân chuyện nầy tôi xem lại thấy hình chụp Ban Chấp hành HNSAHTT năm 1948 chỉ có 11 người, thiếu một người là ông Nguyễn Văn Phát vì ông là công chức của chánh phủ Pháp, đang bận làm việc (đúng ra Ban Chấp Hành có 12 người.)


Hình từ trái sang phải chỉ có 11 người: soạn giả Trần Hữu Trang, soạn giả Thanh Cao, soạn giả Nguyễn Thành Châu, soạn giả Duy Lân, nghệ sĩ Thanh Tao, nghệ sĩ Ba Vân, nghệ sĩ Út Trà Ôn, bầu Vân Trình (đoàn hát Nam Hồng) nghệ sĩ Chín Châu (đoàn hát Bội Khánh Hồng), nghệ sĩ Bảy Khải (đoàn hát bội Khánh Hồng) soạn giả Hoàng Kinh (đoàn hát Việt Kịch Năm Châu).

Sau năm 1975, chúng tôi được biết Tư Trang, Năm Châu, Thanh Cao, Chín Châu là đảng viên CS, sau khi anh Tư Trang ở khu 8 về tổ chức cho mấy nghệ sĩ đó vô đảng CS.

Xin góp sự hiểu biết của tôi về việc thành lập Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế Saigon năm 1948 để ghi nhớ công ơn của các soạn giả, nhạc sĩ, bầu gánh hát đã có công tổ chức một Hội Nghề giúp cho sự hành nghề và sự đoàn kết tương trợ của nghệ sĩ sân khấu từ năm 1948 đến nay.


Nghệ sĩ Kim Cúc trong vai Tây Thi.