Nói thêm về người lập nên ‘Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế’

Lê Đại Anh Kiệt

Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế thành lập từ năm 1948 và hoạt động liên tục từ đó đến nay, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của sân khấu cũng như việc đoàn kết giúp đỡ, chăm sóc giới văn nghệ sĩ. Nhưng người đầu tiên lập ra Hội là ai thì chưa có thông tin chính xác.

Năm 2019, tôi có viết bài “Người bí ẩn đã lập nên ‘Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế’ là ai?” đăng trên Người Đô Thị theo nguồn thông tin chủ yếu từ nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Nhạc sư Vĩnh Bảo cho biết: “Anh trai tôi Nguyễn-văn-Phát là bạn chí thân của ông Arondelle Đô Trưởng thành phố Sài gòn-Chợ lớn (Préfet de la Région Saigon-Cholon) nên khoảng năm 1948 đứng ra xin mảnh đất số 133 đường Cô Bắc (Mon Seigneur Dumortier) để lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế. Ông Võ-đình-Ban (sui gia của ông Nguyễn-văn-Lượng Nhà thuốc Hành Mai) là mạnh thường quân bỏ tiền ra xây cất nhà Hội. Như vậy anh hai tôi Nguyễn-văn-Phát là người sáng lập Hội Nghệ sĩ ái hữu và kiêm luôn chức Hội trưởng, Tổng Thơ ký là nghệ sĩ Nguyễn-thành-Châu thời bấy giờ. Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế 133 đường Cô Bắc là nơi gặp mặt của nghệ sĩ. Khi nghệ sĩ nào gặp khó khăn thì Hội đứng ra kêu gọi hảo tâm của mạnh thường quân giúp đỡ...

Ngoài đời, người ta gọi ông là Hội đồng Phát bởi ông là Hội đồng lãnh thổ (Conseiller Territoiriale), các nghệ sĩ Hội Nghệ sĩ ái hữu gọi ông là Hội trưởng. Nhà báo Kiên Giang Hà-huy-Hà có lần đến nhà của cố ca sĩ Tám Bằng (hẻm chùa Kỳ Viên) thấy trên bàn thờ của anh ấy cò cái thẻ Hội viên hành sự do Hội trưởng Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế cấp và kí tên Nguyễn-văn-Phát. Chuyện nầy Kiên Giang Hà-huy-Hà có viết ra trên báo”.

NSƯT. Ngọc Khanh - Ái nữ của Kịch sĩ Hát bội Nguyễn Thị Út, đã cung cấp bản chính Thẻ Hội viên hành sự của Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế và Bằng hảo tâm cấp cho kịch sĩ Nguyễn Thị Út đoàn Bầu Thắng năm 1950. Thẻ do ông Nguyễn Văn Phát ký tên là Hội Trưởng và nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu là Tổng Thư ký.


Thẻ Hội Viên do Hội trưởng Nguyễn-văn-Phát ký. Ảnh: TL

Ngay khi viết bài báo này tôi vẫn băn khoăn làm sao liên lạc với soạn giả Nguyễn Phương để có thêm tư liệu bổ sung phối kiểm nhưng không có điều kiện kết nối. Vì thời điểm ấy đại thụ cao tuổi nhất của đờn ca tài tử Nam bộ, cải lương chỉ còn lại Nhạc sư Vĩnh Bảo và soạn giả Nguyễn Phương. May sau, nhà nghiên cứu Nguyễn Tuấn Khanh, đạo diễn Hồng Dung đã chuyển tới bài báo này tới tay soạn giả Nguyễn Phương và ông đã có bài Ai là Hội Trưởng đầu tiên của Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế Saigon?” đăng trên trang mạng Nam Kỳ Lục Tỉnh. Soạn giả Nguyễn Phương không phủ nhận chuyện ông Nguyễn Văn Phát là người đứng đơn xin lập Hội, người đứng tên Hội trưởng từ khi thành lập đến năm 1955.

Soạn giả Nguyễn Phương, trong bài viết trên, cho hay ông Tư Trang tổ chức, Khu ủy cho tiền. Tuy nhiên, cũng trong bài viết của mình soạn giả Nguyễn Phương đề cập thêm vai trò của soạn giả Trần Hữu Trang qua câu chuyện được nghe nghệ sĩ Trần Hữu Trang kể là đã từng vào chiến khu Đồng Tháp Mười và được Khu ủy chỉ đạo và cho tiền để thành lập Hội: Anh Tư Trang kể chuyện: vì được xem là nhân sĩ ở Saigon nên anh được ông Nguyễn Văn Vịnh, Chính Ủy quân khu 8 tiếp và cho người hướng dẫn ông Tư Trang đến gặp ông Đinh Ngọc Thủy (Trưởng Phòng Chính trị QK8), ông Bảo Định Giang Trưởng Ban Tuyên Truyền, và các nghệ sĩ Tám Danh, Ba Du, Tư Xe, Tám Củi, nên được vào thăm con tại nhà khách PCT K/8. Trong câu chuyện, anh Tư Trang cho biết các anh ở trỏng (ám chỉ những người kháng chiến) gợi ý nên lập một Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế để giúp đỡ nhau về đời sống, tương tế. Họ giúp cho một số tiền lớn để chi phí trong việc lập Hội và xây dựng một chỗ ăn, ở cho đoàn hát Việt kịch Năm Châu, đồng thời đưa vở kịch Tây Thi gái nước Việt của các ông Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước để anh Năm Châu viết bài ca, chuyển thể kịch thành cải lương để tựa là Tây Thi gái nước Việt.

Anh Năm Châu dùng phân nửa số tiền đó mua lại trại cưa của ông Trần Pháp dưới dốc cầu Bông, mua tole che vòng quanh biến thành chỗ cư trú cho các nghệ sĩ và gia đình trong đoàn Việt kịch Năm Châu, đổi tên trại cưa Trần Pháp thành Trại Năm Châu. Ngoài ra anh Năm Châu dùng số tiền còn lại trong số phân nửa của anh Tư Trang đem về để sắm y trang, tranh cảnh và dàn âm thanh dùng trong tuồng Tây Thi gái nước Việt khai trương trong đầu năm 1952 tại rạp Nguyễn Văn Hảo (theo tài liệu báo Sân Khấu TP.HCM). Ngoài ra, anh Tư Trang dùng số tiền còn lại liên lạc với một số công chức ở Toà Đô chánh Saigon, những người thích cổ nhạc, đờn ca tài tử, thích hát bội hay cải lương để đứng đơn xin lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế…

Anh Tư Trang cũng theo đường lối của Hội Khuyến học Nam Việt, kiếm một người công chức, được nhà cầm quyền Pháp tin tưởng để đứng đơn xin lập Hội Nghệ sĩ ái hữu, nhưng những người trong Ban Chấp hành của Hội Nghệ sĩ đều là những nghệ sĩ có uy tín trong giới, thực sự là những người hoạt động nòng cốt cho các sinh hoạt ái hữu tương tế trong hội. Anh Tư Trang liên lạc với nhóm đờn ca tài tử của nhạc sĩ Hai Khuê (đàn Kìm và đàn tranh), Tư Thưởng (đàn Violon, chủ hãng kim hoàn ở đường Catinat), Tăng Kim Luông (đàn kìm), Chánh Dân (đàn guitare phím lõm), các nhạc sĩ nầy giới thiệu ông Nguyễn Văn Phát (đàn Kìm trong nhóm đờn ca tài tử) và nhờ ông đứng đơn xin lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế (các ông Tăng Kim Luông, Chánh Dân, Nguyễn Văn Phát, Tư Thưởng đều là công chức làm việc cho Pháp). Ông Phát được mời làm Hội Trưởng, đứng đơn xin nhà cầm quyền Pháp cấp giấy phép thành lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế”.

Một số điểm còn tồn nghi theo tinh thần bài viết của soạn giả Nguyễn Phương ghi lại câu chuyện của nghệ sĩ Trần Hữu Trang thì ông Phát chỉ được mời đứng đơn xin phép. Nhạc sĩ Vĩnh Bảo không tranh luận nhưng bảo lưu ý kiến là ông Nguyễn-văn-Phát là bạn chí thân của ông Arondelle Đô Trưởng thành phố Sài gòn-Chợ lớn (Préfet de la Région Saigon-Cholon) nên không chỉ đứng đơn xin lập Hội, đứng tên Hội trưởng mà khoảng năm 1948 ông đứng ra xin mảnh đất số 133 đường Cô Bắc (Mon Seigneur Dumortier) để lập Hội.

Ngoài ra Nhạc sư Vĩnh Bảo, cung cấp thêm một số thông tin như sau: “Anh Nguyển-văn-Phát của tôi đàn kìm cổ nhạc với lối chơi khép kín, nghĩa là đờn chơi với anh em trong gia đình. Không bao giờ đờn chơi với các nhạc sĩ bên ngoài. Các nhạc sĩ Hai Khuê Tư Thưởng, Tăng Kim Luông Chánh Dân không biết mặt ông Nguyển-văn-Phát, nhà ở đâu thì làm gì có chuyện mời ông làm Hội Trưởng, đứng đơn xin nhà cầm quyền Pháp cấp giấy phép thành lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế. Việc xin thuê đất lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế số 133 đường Cô Bắc la nhờ quen thân với ông Arondelle, Đô Trưởng Sàigòn Chợ Lớn ông Nguyển-văn-Phát tự động làm”.


Ảnh tư liệu ông Nguyễn Văn Phát (phải) và ông Nguyễn Thành Châu.

Về số tiền để xây nhà số 133 Cô Bắc trụ sở Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế, Nhạc Sư Vĩnh Bảo khẳng định là do: “Ông Võ-đình-Ban (sui gia của ông Nguyễn-văn-Lượng Nhà thuốc Hành Mai) là mạnh thường quân bỏ tiền ra xây cất nhà Hội”.

Về phần tôi, là lớp hậu sinh nhưng duyên may tiếp cận một số thông tin có liên quan gián tiếp nên cũng xin góp thêm vào câu chuyện. Về cơ bản tôi tin lời kể của nghệ sĩ Trần Hữu Trang. Việc Khu Ủy khu 8 chỉ đạo lập hội là có thật vì thành lập các tổ chức quần chúng luôn là mục tiêu hàng đầu của Đảng. Tuy nhiên việc cấp tiền và nhiều tiền để vừa lập Hội, vừa cho nghệ sĩ Năm Châu mua nhà mua đất dựng tuồng Chim Việt cành Nam thì tôi băn khoăn vì mấy lẽ sau đây: Các nhà lãnh đạo lúc bấy giờ không thích cải lương, cho rằng nó ủy mị, nên việc dựng tuồng cải lương để tuyên truyền là hơi khó hiểu. Giải tán cải lương, dẹp bỏ cải lương là nỗi sợ ám ảnh của soạn giả Kiên Giang cho đến phút cuối đời. Nếu tôi nhớ không lầm trong bài viết nào đó, soạn giả Nguyễn Phương cũng từng chia sẻ quan niệm này;

Thứ đến là tình hình tài chính của Việt Minh giai đoạn này rất khó khăn, chưa có viện trợ nước ngoài, mọi thứ đều tự lực. Bài hát Tự túcLên ngàn thể hiện ngay cái ăn còn chưa đủ. Tỉnh Long An, căn cứ đóng cùng địa bàn Đồng Tháp Mười với khu ủy khu 8 có hai đoàn văn nghệ thiếu nhi là Mầm lúa Phương Nam và Mạ Xanh đã phải giải thể trong thời gian này vì nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chính là thiếu tiền, thiếu gạo. Tôi có hai anh chú bác là đoàn viên văn nghệ này. Một người phải về làm nhân viên Phòng bào chế thuốc của ba tôi. Sau 1954 anh này tập kết ra Bắc và được đi học Liên Xô lấy Phó Tiến sĩ. Một anh chuyển sang làm liên lạc cho Khu ủy và trong một lần đi công tác về thành bị thất lạc và được một công chức nhận nuôi, hiện đang định cư ở Pháp. Tài chính không đủ để nuôi cán bộ, văn nghệ trong chiến khu lẽ nào có tiền đầu tư hậu hĩnh cho cải lương Sài Gòn?


Ngôi nhà số 133 Cô Bắc nằm ở góc ngã tư. Ảnh tư liệu Spiderum.

Nhận thấy đây là vấn đề lịch sử văn hóa khá quan trọng tôi muốn có thời gian đào sâu, tìm thông tin tư liệu làm rõ vấn đề có bài viết đầy đủ hơn. Rất tiếc, soạn giả Nguyễn Phương đã tạ thế, Nhạc sư Vĩnh Bảo đang lâm trọng bệnh, không có thời gian chờ đợi tôi viết bài này để kịp thời phổ cập những kiến thức, tâm huyết của Nhạc sư. Mong rằng từ thông tin này cộng đồng yêu thích cải lương sẽ quan tâm góp thêm thông tin làm rõ. Với những dữ liệu hạn hẹp ấy có thể tiếp tục khẳng định rằng việc thành lập Hội là do công sức, đóng góp của nhiều người nhưng người trực tiếp làm đơn, xin đất, quyên góp tiền bạc xây nhà và đứng tên Hội trưởng chính là ông Nguyễn Văn Phát, anh thứ hai của Nhạc sư Vĩnh Bảo.