Nam kỳ thế kỷ 19 qua ghi chép của người Pháp: Trang phục của người An Nam

J.C.Baurac
(Huỳnh Ngọc Linh dịch)

Phụ nữ An Nam có niềm đam mê với đồ trang sức. Khuyên tai họ đeo thường bằng vàng; thân bông tai được chạm lộng. Họ có thói quen bôi dầu dừa lên tóc.

Trang phục của người An Nam gồm áo quần rộng và lùng thùng mà những người thanh lịch dùng một chiếc thắt lưng lụa màu sặc sỡ quấn quanh cơ thể để giữ, bên trong thường là áo màu trắng và một loại áo dài màu đen với năm nút cài một bên; chiếc áo dài bên ngoài này trùm quá đầu gối, rất tươm tất, chỉnh tề và dạng áo này là bất biến đối với người giàu cũng như người nghèo.

Trang phục hằng ngày và lễ nghi

Trang phục nam nữ đều giống nhau. Ngày xưa, phụ nữ mặc áo dài xuống tận bàn chân; nhưng vua Minh Mạng đã đưa ra một chiếu chỉ buộc tất cả phụ nữ trong nước phải mặc quần cộc và phải ăn mặc tương xứng với chồng [lệnh, năm 1827 và 1837, cho phụ nữ từ sông Gianh trở ra Bắc bỏ váy (quần một ống hoặc quần không đáy), phải mặc quần hai ống như phụ nữ từ Quảng Bình trở vào Nam để phong tục đồng nhất - ND]. Lệnh chỉ khá bạo ngược này dĩ nhiên đã khiến phái đẹp chống đối và suýt nữa dẫn đến một cuộc nổi loạn ở Bắc kỳ; nhưng nhà vua không nói đùa, và buộc người dân phải tuân theo quy định của mình.

Khi làm việc, đàn ông thường chỉ mặc quần dài và đôi khi thêm một chiếc áo khoác ngắn nhỏ; phụ nữ đeo yếm che ngực hay là một miếng vải có hai dây buộc sau lưng và dải buộc trên cổ phía sau đầu.


Trường La San Tabert thập niên 1910.
MẠNH HẢI FLICKR

Trong nghi lễ, đàn ông đội khăn đen mà họ quấn thật thẩm mỹ xung quanh đầu; thanh niên ưa diện khăn màu sặc sỡ, đặc biệt là xanh dương và đỏ. Ở Bắc kỳ, phụ nữ đội nón rơm lớn đáy phẳng và rộng vành, có hai dải lụa dài thắt dưới cằm và thõng xuống tận chân; ở Nam kỳ, phụ nữ thường để đầu trần, tóc búi cao. Họ đeo vòng tay bằng vàng và hổ phách. Bàn tay của họ nhỏ đến mức nó dễ dàng trượt vào những chiếc vòng không hề có nút mở này.

Phụ nữ An Nam có niềm đam mê với đồ trang sức. Khuyên tai họ đeo thường bằng vàng; thân bông tai được chạm lộng. Họ có thói quen bôi dầu dừa lên tóc.

Phụ nữ An Nam khá hấp dẫn ở tuổi thanh xuân nhưng tuổi trẻ chóng tàn và họ già đi nhanh chóng.

Người An Nam thường không đi giày, và trước khi chúng ta đến Nam kỳ, nghĩa là trước cuộc chinh phạt, giày bị cấm hoàn toàn đối với dân thường.

Lễ nghi của người An Nam không cho phép người ta đi giày xuất hiện trước kẻ bề trên; phải để dép ở cửa và đi chân trần. Thói quen này có từ thời thơ ấu, khiến lòng bàn chân ai nấy đều chai sạn, đến mức người An Nam có thể đi trên đá và xuyên qua các cánh rừng đầy bụi rậm và bụi gai mà không hề đau đớn.

Từ một vài năm nay, những người khá giả và nhiều người An Nam khác, chẳng hạn như thông ngôn, thư ký của Đổng lý Nội vụ…, nhất là ở Sài Gòn, đã mang tất và giày Âu châu; phụ nữ thuộc tầng lớp khá giả vẫn mang giày Trung Hoa.

Tất cả những thứ này sẽ tạo một vẻ ngoài rất tươm tất và thậm chí sang trọng, vì lễ phục của họ luôn bằng lụa, ngoại trừ người nghèo; nhưng sự cẩu thả và bẩn thỉu luôn làm giảm sút giá trị của trang phục. Trước cuộc chinh phạt, việc giặt quần áo hoàn toàn không được biết đến; quan lại cũng như người dân thường, mặc quần áo cho đến khi chúng sờn rách.

Người An Nam ở các tầng lớp dưới chưa bỏ thói quen đó. Chúng ta hiểu hậu quả của lối sống cẩu thả như vậy ở một vùng đất như xứ Nam kỳ, nơi mà chấy rận lúc nhúc và mồ hôi thấm đẫm quần áo họ mặc cả ngày lẫn đêm, bởi họ mặc nguyên áo quần mà nằm trên chiếu.

Tuy nhiên, phải nói rằng nhiều người An Nam, đặc biệt là những người phục vụ người Âu châu, đang bắt đầu hiểu sự cần thiết và lợi ích của sạch sẽ.

Trong cả nước, người An Nam nói cùng một ngôn ngữ; và vì dân tộc này có nguồn gốc tồn tại từ một thời kỳ rất xa xưa, người ta không thể xác định ngôn ngữ với ngữ điệu và cách phát âm rất khó của họ hình thành chính xác vào thời gian nào.

Người ta tin rằng người An Nam ngày xưa có một chữ viết ký âm; nó đã được thay thế bằng lối chữ viết biểu ý của người Trung Hoa. Người Bồ Đào Nha sau đó đã áp dụng bảng chữ cái của chúng ta vào ngôn ngữ An Nam và hệ thống ký hiệu gọi là Quốc ngữ này hiện được dạy cho học sinh các trường sơ cấp.

Trường d’Adran [ngưng hoạt động từ năm 1887], trường Chasseloup-Laubat [nay là Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3], viện Taberd [nay là THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1] ở Sài Gòn có nhiều giáo viên người Pháp chịu trách nhiệm giảng dạy ngôn ngữ của chúng ta [Pháp ngữ] cho hơn 2.000 học sinh An Nam.

Nếu kiến thức Pháp ngữ cho phép thanh niên bản xứ làm việc ở các văn phòng, nhiệm sở, đảm nhận các vị trí hành chính khác nhau, đặc biệt vị trí thông ngôn được tìm kiếm nhiều nhất thì chúng tôi nghĩ rằng việc học ngôn ngữ An Nam có tầm quan trọng chính yếu đối với quan chức Pháp, cả dân sự lẫn quân sự.

Ngôn ngữ này phải được biết đến nhiều hơn, nói được ngôn ngữ bản xứ sẽ là một lợi thế lớn đối với những người Pháp ở các địa phương xa các trung tâm lớn, đặc biệt là vì các thông ngôn bản xứ không phải lúc nào cũng đáng tin cậy.