Bản “Bát Man Tấn Cống” trong bộ Bát Ngự

Nguyễn Tuấn Khanh[1]

Vào cuối thế kỷ 19 tại miền Nam có hai nhóm nhạc, nhóm ở miền Đông do Ba Đợi làm trưởng nhóm cùng với nhóm ở miền Tây do Trần Quang Quờn làm thủ lĩnh đã ganh đua với nhau tạo nên phong trào đờn ca tài tử rộng lớn. Tại vùng Đakao - Sàigòn, Nguyễn Quang Đại đã đào tạo được nhiều nhạc sư lừng danh thời đó như Tám Hạnh, Sáu Thới, Cao Quỳnh Cư, Cao Quỳnh Diêu, Bảy Nhỏ... Tại Long An, Cần Giuộc, Cần Đước, các môn sinh của ông như nhạc Láo, Sáu Thoàn, Chín Chiêu, nhạc Thời, Hai Tò Le, Năm Tịnh, cô Sáu Giỏi, cô Bảy Lung v.v... là những nhạc sư tài ba mà tiếng tăm còn truyền lại tới bây giờ. Các thế hệ môn sinh tiếp nối truyền nghề thuộc đời thứ hai, thứ ba như các nhạc sư Tư Nghi, giáo Thinh, Năm Cần, Tư Huyện, Sáu Quý, Bảy Hàm, Chín Kỳ, Hai Phát, Hai Biểu, Tư Tụi, Ba Lựa, Ba Tu v.v... mà trong đó có một số vị là lớp giáo sư đầu tiên của trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sàigòn (bây giờ là Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh). Vào năm 1900 nhóm Nhạc Tài Tử của Nguyễn Quang Đại được cử sang Pháp dự cuộc Đấu xảo Quốc tế (L’Exposition universelle, còn gọi là Đấu xảo Paris - L’Exposition de Paris) do Nguyễn Hữu Vang hướng dẫn.

Nguyễn Quang Đại là người đã có công rất nhiều trong việc phổ biến Nhạc miền Trung để hình thành loại hình Nhạc Tài Tử tại miền Nam, Nguyễn Quang Đại được tôn vinh là một trong những hậu tổ của nghệ thuật Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ nhưng về thân thế và tiểu sử của ông thì chúng ta chỉ biết là sau cuộc binh biến kinh thành Huế vào năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn ra chiếu Cần Vương, một số nhạc quan và nhạc công của triều đình lánh nạn vào miền Nam sinh sống, trong đó có Nguyễn Quang Đại, nguyên quán ở Hải Lăng, Quảng Trị tại vùng Dakao ở Sàigòn, Cần Giuộc, Cần Đước ở Long An.

Hồi đầu thế kỷ 20, Nguyễn Quang Đại còn được gọi là Ba Đại theo cách xưng hô đặc thù của người miền Nam, điển hình như Phụng Hoàng Sang đề cập tới ông trong cuốn “Bản đờn tranh và bài ca” in năm 1903 hoặc báo giới tường thuật về các sinh hoạt của bộ môn nhạc tài tử thời đó khi viết về ông, nhưng sau này mọi người lại gọi là Ba Đợi. Theo lời của nhạc sư Ba Tu kể lại thì dân vùng Cần Đước kính trọng nên kiêng gọi tên tục của ông mà gọi trại ra thành Đợi và nhạc sư Ba Tu cũng cho biết là thuở nhỏ ông đã từng nghe các vị thầy của ông và các nghệ nhân thời đó gọi bài Tứ Đại là Tứ Đợi. Ngoài việc truyền dạy nghề đờn, Ba Đợi còn đem một số bài bản của Nhạc Cung Đình cải biên thành Nhạc Lễ miền Nam, và đặc biệt là khoảng những năm đầu thập niên 1920, Ba Đợi cùng các vị nhạc sư miền Đông và Tây Nam bộ họp nhau tại Nhà Dài tại xã Tân Lân, huyện Cần Đước để hệ thống hóa Nhạc Tài Tử thành bốn loại hơi Bắc, Hạ (Lễ), Nam, Oán mà chúng ta gọi là 20 bài bản tổ bây giờ.

Tuy là một nhạc sư tài năng và có nhiều môn sinh, không những vậy, Ba Đợi đã có công đưa Nhạc Tài Tử miền Nam lên đỉnh cao đầy tính bác học, nhưng đến cuối đời lại chết trong hoàn cảnh túng quẫn, quan tài được một chiếc xe chở cá đưa vào chôn trong vùng mả hoang ở Bình Đông, Rạch Cát (nay thuộc quận 8 TP Hồ Chí Minh), không ai rõ năm sanh và năm mất của ông, nhưng giáo Thinh (thế hệ thứ hai) còn ghi được ngày mất là ngày 19 tháng Giêng Âm lịch. Năm 1996 linh vị của nhạc sư Nguyễn Quang Đại được tỉnh Long An đưa về thờ trong đình Vạn Phước thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước và hàng năm đều có tổ chức lễ giỗ kị vào ngày 19 tháng Giêng.

Ngoài việc hệ thống hóa 20 bài bản tổ của nền cổ nhạc miền Nam, bộ “Bát Ngự” (8 bản Ngự) nhạc Tài Tử miền Nam cũng do Đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) sáng tác để cung nghinh vua Thành Thái nhân dịp nhà vua ngự giá vào miền Nam tháng 12 năm 1898, nhưng nay kiểm chứng lại thì vua Thành Thái vào Sài Gòn tháng 12 năm 1897 chứ không phải 1898. Lúc đó Toàn Quyền Đông Pháp (Gouverneur-général de l’Indochine Française) là Paul Doumer có tổ chức một tuần lễ hội để đón tiếp vua Thành Thái cùng quốc vương Cao Miên đến Sài Gòn. Tuần báo Nam Kỳ số 6 ra ngày 25 tháng 11 năm 1897 có đăng bản tin sau đây, xin ghi nguyên văn bài báo để chúng ta thấy cách hành văn trên 120 năm trước ở miền Nam khi chữ quốc ngữ còn trong thời kỳ phôi thai:

KỂ BIÊN

Các lễ-lạc cùng các cuộc du-hí Nhà nước sắp-đặt đặng tiếp mừng Đức Đại-Nam Hoàng-Đế cùng Đức Cao-Man Quốc-Vương ngự giá đến Saigon.

NGÀY CHÚA-NHỰT, 5 DÉCEMBRE,

  • 10 giờ tối: Đải [đãi] Yến cùng nhãy [nhảy] Bal tại phủ quan Tổng-Thống Toàn-Quyền. Thắp đèn cùng đốt bông tại đường Norodom, trước phủ quan Tổng-Thống.

NGÀY THỨ HAI, 6 DÉCEMBRE,

  • 4 giờ chiều: Đấu vỏ [võ] tại nhà hát Tây.
  • 9 giờ tối: Hát mừng tại nhà hát Tây.

NGÀY THỨ BA, 7 DÉCEMBRE,

  • 4 giờ chiều: Đua ngựa tại Trường-đua và thả Khí-cầu (Ballon).
  • 8 giờ tối: Quân-binh cộ đèn.
  • 9 giờ tối: Tiệc Kermesse tại vườn Thành-phố.

NGÀY THỨ NĂM, 9 DÉCEMBRE,

  • 7 giờ sớm mai: Duợt [duyệt] binh tại đường Charner.
  • 3 giờ rưỡi chiều: Đua ghe tại sông Bến-Thành.
  • 9 giờ rưỡi tối: Đải [đãi] Yến cùng nhảy Bal tại Xả Tây Saigon, và thắp đèn tại đường Charner.

NGÀY THỨ SÁU, 10 DÉCEMBRE,

  • 3 giờ chiều: Hát bội Annam cùng các cuộc chơi tại đường Charner cùng đường Rigault-de-Genouilly.
  • 4 giờ chiều: Cuộc đấu các thứ bông, tại đường Charner.
  • 9 giờ rưỡi tối: Đải [đãi] Yến tại nhà hội quan vỏ [võ].

NGÀY THỨ BẢY, 11 DÉCEMBRE,

  • 4 giờ chiều: Đua xe-máy Tây và Annam tại vườn Thành-phố.
  • 10 giờ tối: Đải [đãi] Yến cùng nhảy Bal và thắp đèn tại phủ quan Thống-đốc Đại-Thần.

Ông Đổng-Lý Hội-Đồng các lễ ấy,
E. SCHNÉEGANS

Bài báo không cho biết là Đại Nam Hoàng Đế và Cao Miên Quốc Vương đến Sài Gòn với mục đích gì nhưng có lẽ là để ăn mừng vua Thành Thái đã trưởng thành, đủ 18 tuổi để chính thức tự lo việc nước vì khi lên ngôi lúc mới 10 tuổi, Thành Thái còn quá nhỏ nên việc nước phải nhờ các vị phụ chính đại thần nhiếp chính.

Vua Thành Thái cùng quốc vương Cao Miên đã được quan Toàn Quyền đón tiếp trọng thể và theo như bài báo trên thì vào ngày 6 tháng 12 có tổ chức “Hát mừng tại nhà hát Tây”[2] có lẽ tám bản Ngự đã được Đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại sáng tác và đã trình diễn trong dịp này. Tám bản Ngự đó gồm: Đường Thái Tôn, Vọng Phu, Chiêu Quân, Ái Tử Kê, Bát Man Tấn Cống, Tương Tư, Duyên Kỳ Ngộ, Quả Phụ Hàm Oan.

Tên các bản đờn của Bát Ngự được đặt bằng chữ Hán, tuy nhiên, tất cả tên gọi của 7 bản kia đều thống nhất từ trước tới nay, riêng bản “Bát Man Tấn Cống” lại có nơi chép là “Bắc Man Tấn Cống”, “Bác Mang Tấn Cống”, “Bắc Mang Tấn Cống” hoặc “Bắt Man Tấn Cống”. Lý do có sự khác biệt này là vì bản này đã được phổ biến rất sớm từ khi chữ quốc ngữ còn trong thời kỳ phôi thai và do người miền Nam ghi chép nên phần chánh tả chưa được thống nhất và sự ghi chép do theo cách phát âm của người miền Nam nên có sự lẫn lộn giữa phụ âm cuối “c”“t”. Bản đờn và bài ca “Bát Man Tấn Cống” bằng chữ quốc ngữ được in thành sách sớm nhất được biết đến trong thời điểm hiện nay (2021) là ở trong cuốn “Bản Đờn Tranh và Bài Ca” do Phụng Hoàng Sang soạn vào năm 1903 được ghi với tựa là “Bác Mang Tấn Cống”. Trong cuốn này có nhiều chữ viết đối với bây giờ là sai chánh tả như bài “Khuê Oán Từ” được viết là “Huê Oán Từ” hoặc những câu như “Thời vận dở dan”, “Quên những hồi giang nang” v.v... Để hiểu rõ ý nghĩa của câu “Bát Man Tấn Cống”, ta phải đi ngược dòng thời gian phân tích ý nghĩa của những chữ này theo cổ văn.

Trước tiên, hai chữ “tấn cống” (進貢) có nghĩa là “dâng các vật thổ sản lên Vua”. Thí dụ như ở ngoài Bắc ngày xưa thường đem gà Đông Tảo hoặc chim Sâm Cầm tức là đặc sản của địa phương để tiến cống vua.

Về chữ “Man”, thời cổ đại, người Trung Quốc cho mình là nước ở giữa, còn những dân tộc chung quanh họ gọi là rợ (mọi) và phân biệt ra bốn phương gồm có các rợ Nhung () ở phương Tây, Địch () ở phương Bắc, Di () ở phương Đông và Man () ở phương Nam. Ý nghĩa của chữ Man (ta còn gọi là Mán) được người Trung Quốc giải thích như sau:

  • Trong sách Lễ Ký thiên Vương Chế: “Nam phương viết Man” (南方曰蛮) tức là “Người phương Nam gọi là Man”.

  • Sách Chu Lễ thiên Hạ Quan, mục Chức Phương chép:

    辨其邦国, , , 四夷, 八蛮, , 九貉, 五戎, 六狄之人民
    Biện kì bang, quốc, đô, bỉ, tứ Di, bát Man, thất Mân, cửu Hạc, ngũ Nhung, lục Địch chi nhân dân.

    Dịch nghĩa: Bàn về sắc dân ở các nước lớn (bang), nước nhỏ (quốc), đô thị (đô), xã ấp (bỉ) gồm có các giống dân: 4 giống Di, 8 giống Man, 7 giống Mân, 9 giống Hạc, 5 giống Nhung và 6 giống Địch.

  • Khổng Dĩnh Đạt giải thích trong bộ tự điển xưa của Trung Quốc là Nhĩ Nhã về 8 nước Man gồm:

    南方的八蛮国。孔达疏引《雅》李巡注云: “一曰天竺, 二 曰咳首, 三曰, 四曰跛踵, 五曰穿胸, 六曰儋耳, 七曰狗, 八曰旁春。后以泛指外族。
    Cổ vị Nam phương đích bát man quốc, Khổng Dĩnh Đạt sơ dẫn (Nhĩ Nhã) Hán Lý Tuần chú vân: “Nhất viết Thiên Trúc, nhị viết Khái Thủ, tam viết Tiêu Nghiêu, tứ viết Bả Chủng, ngũ viết Xuyên Hung, lục viết Đam Nhĩ, thất viết Cẩu Chỉ, bát viết Bàng Xuân” hậu dĩ phiếm chỉ ngoại tộc.

    Dịch nghĩa: Bàn về 8 nước ở phương Nam, Khổng Dĩnh Đạt (đời Đường) dẫn chứng trong Nhĩ Nhã lời giải thích của Lý Tuần đời Hán về 8 nước Man gồm có: “Thiên Trúc (Ấn Độ), Khái Thủ, Tiêu Nghiêu, Bả Chủng, Xuyên Hung, Đam Nhĩ, Cẩu Chỉ và Bàng Xuân”, sau này gọi chung là người ngoại tộc.

Tóm lại, người Tàu thời cổ đại gọi “Bát Man” là nói về 8 nước ở phương Nam của Trung Quốc, sau này họ chỉ chung các người ngoại tộc ở phương Nam là Man. Như vậy, dùng chữ “Bắc Man Tấn Cống” không đúng vì người Trung Quốc gọi giống dân ngoại tộc phương Bắc là Địch chứ không phải là Man. Còn chữ “Bắt Man Tấn Cống” lại càng không đúng vì tấn cống vua là dâng vua những đặc sản của địa phương chứ không phải bắt người Man để tiến vua. Vả lại, tên của 8 bản Ngự đều là chữ Hán, nếu dùng chữ “bắt Man” pha tiếng Việt thì có vẻ lạc lõng!

Bản “Bát Man tấn cống” trong Tám Bản Ngự có nghĩa là: “Miền Nam đã thuộc về tay người Pháp, tức là người ngoại tộc (rợ), nay nhà vua từ miền Trung (phương Bắc) ngự giá về phương Nam, dân miền Nam ra tấn cống (dâng các vật thổ sản)”.

Hiện nay, bản “Bát Man Tấn Cống” mà nhạc giới đang phổ biến là nhịp tư giống như bản đờn đã được tìm thấy trong cuốn “Cầm Ca Tân Điệu” do Cử Thiện và Trần Phong Sắc ấn hành năm 1926 do nhà in Nguyễn Văn Viết xuất bản, tuy nhiên, trong cuốn “Bản Đờn Tranh và Bài Ca” của Phụng Hoàng Sang in lần thứ nhứt năm 1903 thì bản này lại ghi là nhịp đôi. Theo các vị nhạc sư tiền bối thuật lại thì cũng trong đợt hiệu đính và hệ thống hóa Nhạc Tài Tử thành bốn hơi điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán vào đầu thập niên 1920, một số bài bản cũng đã được mở thêm nhịp và có lẽ bản “Bát Man Tấn Cống” nằm trong trường hợp này?

Sau đây là bản đờn và bài ca “Bát Man Tấn Cống” cùng lời chú thích về cách ký âm đờn, ca trích theo nguyên văn từ cuốn “Bản Đờn Tranh và Bài Ca” của Phụng Hoàng Sang in lần thứ nhì năm 1905 do nhà xuất bản F.H. Schneider tại Saigon phát hành (trang 28, 29). Theo văn bản này thì chúng ta không rõ phương pháp ký âm, sắp câu, phân nhịp và giai điệu của bản đờn này thời đó như thế nào vì không có băng đĩa lưu lại để so sánh, chỉ xin ghi lại đây như là một sử liệu về sự khác biệt của một bản đờn của bộ môn Nhạc Tài Tử trong giai đoạn đầu.


Bát Man Tấn Cống
[3]


(Ngự chế)
  1. á (hò) lìu xang xang xê xể (cống)
  2. cống cống cống cống (xê) xể xê xang xự xế (xang)
  3. hò xang xang xể (cống) líu cổng cổng xê (xang)
  4. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
  5. líu (xứ) xử xư liu công (liu)
  6. cộng liu cộng liu (u) ú u liu cộng (liu)
  7. á hò lìu xự (xang)
  8. xang xang hò liu xang xang (hò) lìu xự xang
  9. xang xang (xê) xê công công xê xê –
  10. xê xê líu líu (xự)
  11. xàng xê-lìu-xàng xể (cống)
  12. u ủ u liu (cộng), liu ú cộng liu cộng xê (xang)
  13. xang xang xang xế xế (xự) xứ xử liu cộng (liu)
  14. công liu cộng liu (u) ú u liu cộng (liu)
  15. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
  16. á (xê) xê xê xê xê xê (xang)
  17. xang xang xang (xự), xang cống xê xang công (xang)
  18. liu líu cổng xê (xang), xự xang cống xê xang cống (xang)
  19. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
  20. á (xự) xự xự xự xang xang (hò)
  21. lìu hò lìu (xang) xang xê cống xê xang (xự)
  22. xư xự xang (hò) lìu xang xế xế xang xự
  23. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
  24. á (xê) xê líu (cổng)
  25. cống cống cống cống (xự) xang cống xê xang (hò)
  26. xê xê xê líu líu (cổng), á xự xự xang xang (hò)

  1. (Đồng) tương bửu (cống)
  2. (Hiến) lai (tân)
  3. Đồng tương bửu (cống) hiến lai (tân)[4]
  4. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
  5. (Chúa) tôi hòa (vui)
  6. Vầy vui vầy một (thuở) chúa tôi hòa (vui)
  7. Rày đặng (an)
  8. Ta đều vui (mừng) bốn phang
  9. Dân âu (ca), dân âu ca
  10. Âu ca khoái (lạc)
  11. Nay thới bường[5] nghiệp (đế)
  12. Đăng cửu (ngũ)[6] tứ hải lai (hàng)
  13. Trên Ngu (Thuấn)[7] Thương Thang[8] trị (an)
  14. Thần a thần dao doãn[9] tung hô đằng (hoan)[10]
  15. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
  16. (Thổ) võ[11] âu (ca)
  17. (Mộc) thánh (ân)
  18. Thổ võ âu (ca), mộc thánh (ân)[12]
  19. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
  20. (Bạt) thiệp vu sơn (hà)[13]
  21. (Vô) cảm (nại)[14]
  22. Bạt thiệp vu sơn (hà), vô cảm (nại)
  23. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
  24. (Nhơn) triêm tứ (hải)[15]
  25. (Cộng) xưng (thần)
  26. Nhơn triêm tứ (hải), cộng xưng (thần)

___________________________


Chú thích:
Bài đờn này là bài đờn kìm, người ta sắp theo chữ tranh đờn mà chơi, nghe cũng hay vậy. Cách đờn như vầy:

Đờn từ số 1 cho tới số 16, đờn trở lại số 4 tới số 13, rồi đờn câu 30, 40, 50, trở lại số 4 tới số 13 nữa, qua 80, 90, 100, trở lại số 4,13 một lần nữa thì hết. Số 4 tới 13 là câu để đờn đi đờn lại, Tây gọi là refrain. Khác nhau có bốn câu thơ mà thôi.






Tên tám bản Ngự được viết bằng chữ Hán:

  • Đường Thái Tôn 唐太宗
  • Vọng Phu 望夫
  • Chiêu Quân 昭君
  • Ái Tử Kê 愛子雞
  • Bát Man Tấn Cống 八蠻進貢
  • Tương Tư 相思
  • Duyên Kỳ Ngộ 緣奇遇
  • Quả Phụ Hàm Oan 寡婦含冤

Xin mời nghe bài “Bát Man Tấn Cống” sau đây:
(Xin nhấn vào hình loa màu xanh để nghe nhạc)
 
Bát Man Tấn Cống (Ba Tu: đờn kìm, Út Tị: đờn cò, Lê Thanh: đờn tỳ bà, Quang Dũng: đờn bầu, tiêu, Duy Kim: đờn tranh). Nguồn: CD Tám Bản Ngự của sở VHTT&DL Long An.

Bát Man Tấn Cống - Bạch Huệ ca


Nguồn: https://gallica.bnf.fr/

_________________

Chú thích:

[1] Tác giả quyển Bước đường của Cải lương.

[2] “Nhà hát Tây” lúc đó là ở vị trí khách sạn Caravelle bây giờ, đến năm 1898 “Nhà hát Tây mới”, còn gọi là “Nhà hát Lớn” được xây và hoàn thành vào năm 1900, bây giờ là Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh.

[3] Phụng Hoàng Sang, Bản đờn tranh và bài ca”, F.H. Schneider, 2è Édition, Sài Gòn, 1905, tr.28-29. Có thể lời bài ca này là bài nguyên thủy vì bài “Bát Man Tấn Cống” được sáng tác vào khoảng cuối năm 1897, đầu 1898 và sách “Bản Đờn Tranh và Bài Ca” được in vào năm 1903. Năm 1913 Nguyễn Tùng Bá xuất bản cuốn “Bản Đờn Kiềm” có cho in lại bản đờn và bài ca “Bát Man Tấn Cống” này với tựa bài ca là “Chúc Thánh Chúc Thọ”.

[4] “Cùng đều quy thuận đến dâng báu vật” (同相寶貢獻來津).

[5] Thái bình (太平).

[6] Cửu ngũ: theo hào Cửu Ngũ quẻ Thuần Càn của kinh Dịch: “Cửu ngũ: phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân. 九五. 飛龍在天, 利見大人 nghĩa là “Rồng bay trên trời, ra mắt đại nhân thì lợi”. Khổng Tử giải thích: “Vạn vật đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nước chảy chỗ trũng, lửa tìm đến chỗ khô, mây theo rồng, gió theo hổ, thánh nhân ra đời vạn vật trông theo. Vật nào gốc ở trời thì thân thuộc với cõi trên. Vật nào gốc ở đất thì thân thuộc với cõi dưới”, ví như rồng bay lên trời và là ngôi chí tôn, chỉ về nhà vua. Sau nhân đó mà gọi vua là “ngôi cửu ngũ”.

[7] Ngu Thuấn (Nghiêu Thuấn): Nghiêu Thuấn là tiếng gọi chung hai vua Nghiêu và vua Thuấn, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Quốc cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.

[8] Thương Thang: còn gọi là Thành Thang (1766 TCN-1761 TCN hoặc 1765 TCN-1646), họ Tử , tên thật là Lữ , là vị vua sáng lập ra nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đã lật đổ vua Kiệt tàn bạo, người cai trị cuối cùng của nhà Hạ.

[9] Dao : mừng rỡ, hớn hở; Doãn : thành thật.

[10] Đằng : nhảy lên; Hoan : vui mừng.

[11] Thổ võ 土宇: đất nước (võ/vũ: bốn phương trên dưới, trong chữ vũ trụ).

[12] Mộc thánh ân 沐聖恩: Tắm gội ơn thánh.

[13] Qua bãi cỏ gọi là bạt tức là đi đường bộ, lội qua sông gọi là thiệp tức là đi đường thủy, vì thế đi đường lặn lội, khó nhọc gọi là bạt thiệp跋涉. Vu: đường xa. “Bạt thiệp vu sơn hà” có nghĩa là lặn lội đường xa khắp núi sông.

[14] Vô nại cảm 無耐敢: Không nài tiến tới.

[15] Triêm : thấm khắp. “Nhơn triêm tứ hải” có nghĩa là người khắp bốn biển.

_________________