Quốc-âm cải-lương

Trương Duy Toản

Từ khi hổn [hỗn] độn sơ khai đến giờ, khắp cả hoàn-cầu nước nào cũng phải có thay đổi nhiều lần tiếng nói và chữ viết, ấy là hoặc mượn. tiếng nước nầy mà chế ra, hoặc lấy chữ nước kia mà sữa [sửa] lại, hoặc canh cãi [cải] dọn trau chữ mình tiếng mình cho thanh nhả [nhã] tiêu tao, cho đủ tiếng đủ chữ mà dùng.

Duy nước Việt-Nam ta bỡi [bởi] đã lâu đời rồi; từ lúc Trưng-Trắc-nử-Vương [nữ] dấy binh chống cự nhà Tây-Hán bị thua Mã- Viện mà tự vận đi, thì nhà Hán cai trị nước Nam, đến sau có ông Sỉ-Nhíp [Sĩ Nhiếp] là người nước Lỗ qua làm Giao-chỉ thái-thú, ông nầy vẫn là người hay chữ lắm; lại nhơn lúc ấy nhà Hán suy vi, bên Tàu tam quốc phân tranh, nên ông ấy ở yên nơi nước Nam cũng như vua vậy, chẳng ai kềm chế, thiên hạ gọi là Sỉ-Vương [Sĩ-Vương], ông bèn dạy dân chữ nhu [nho].

Sau lại bị nhà Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương kế nhau mà trị hơn mấy ngàn năm, nên người nước Nam quen dùng chữ Tàu.

Đến sau qua lúc nhà Trần suy họ Hồ tiếm vị, năm 1406 nhà Minh lại cho Trương-Phụ qua lấy Annam nữa, lấy rồi lại lập trường, rải tứ-thơ ngủ-kinh [ngũ kinh], sách thuốc, sữ tàu [sử tàu], ra cho dân học.

Bỡi [bởi] đó người Việt-Nam ta trong tiếng quốc-âm phải mượn chữ nhu [nho] mà nói mới có tiêu-tao thanh-nhã, mới đủ tiếng mà dùng, cho nên những kẻ nào chẳng biết chữ nhu thì trong lời nói nghe ra lúng-túng vụng-về, vì tiếng mình hèn ít lắm.

Nay đương kiêm [kim] chi thời, chữ và tiếng Đại-Pháp rất thông dụng, cho nên những kẻ học thông tiếng Pháp, thì trong lời nói hay dùng tiếng Langsa cũng như người biết chữ nhu thì dùng chữ nhu mà nói vậy, ấy cũng vì chữ quốc-âm ta thiếu-thốn ít-ỏi lắm, nên nếu muốn nói việc chi cho rõ, thì ví chẳng dùng chữ nhu cũng phải dùng tiếng Langsa, chớ khó mà chẳng mượn của người cho đặng.

Song vì chúng ta mới theo Pháp-học là chừng bốn năm mươi năm nay, còn Nho-học thì đã hơn mấy mươi thế kỷ rồi, cho nên trong lời nói mà mượn chữ nho ắt nghe phải thanh nhã hơn chữ Langsa một thí[1], vì một là mới lâu hai thứ khác nhau, hai là cái chữ Tàu đã luyện thành giọng Annam rồi, nên khi nói nó tiệp giọng đặng; còn chữ Langsa chưa ai luyện theo giọng Annam nên khi nói nghe ra khác giọng mà phải chẳng ngon câu.

Tuy vậy chớ có một ít tiếng để nói, người ta đã luyện thành giọng Annam rồi như: mỏatoa, bánh bích-quixúp [súp], cái mày đay [mề đay], cục gôm, nhà ga xe lửa, áo bành-tô, uống càphe, đường rầyba-tonxà-bong, v. v.

Mấy tiếng ấy dùng nghe cũng là vừa tiệp đặng rồi, vậy trong 100 năm nữa tôi tưởng có người sẽ chẳng dè nó là tiếng Langsa mà ra nữa, một tưởng nó là tiếng Annam mà thôi. Như tiếng gát [gác] là tiếng Langsa nay đã thành ra tiếng Annam rồi đó, vì hay nói canh-gát [canh-gác], đi đổi-gát [đổi-gác]. v. v.

Ấy đó, theo trí tôi thì đang cơ hội nầy nên dùng thêm một mớ tiếng Langsa nữa, tuy mới thì có khó nghe, nhưng mà trong một vài trăm năm nữa tiếng quốc-âm ta mới trở nên nhiều đủ như tiếng các nước đặng, chớ nếu nay Nho-học đã lờ-mờ, mà tiếng Langsa lại chẳng đem vô mà dùng thì lần lần tiếng quốc-âm ta chỉn còn những tiếng nói thường mà thôi, chớ muốn cho đặng có hơi se sua chi chút đảnh [đỉnh], thì chắc là vô phương rồi đó.

Nhưng mà cách dùng tiếng Langsa theo ý tôi đây thì chẳng nên đọc theo giọng Langsa, một phải đọc theo giọng quê mùa, giọng Annam mà thôi, thì lâu năm chầy tháng nó mới hóa ra tiếng Annam đặng. Như tiếng fromage, nếu nói tiếng Langsa trọn câu thì nên nói cho rõ, còn bằng nói tiếng Annam cả, mà xen có một mình nó vào, thì nên nói phô-mách nghe tiệp giọng hơn; hoặc như tiếng biscuit mà nói cho sữa [sửa] cho rõ thì biết mấy ngàn năm nữa cho giống tiếng cho tiệp tiếng Annam đặng, chớ nếu mà nói bích-qui thì trong ít năm đây sẽ tiệp đặng.

Người trung quốc hôm nay theo tân học, biết thiên-văn địa-lý bác-học hóa-học, địa-dư, vân vân... theo các nước phương Tây, thì cũng dùng tiếng các nước mà âm lại theo chữ mình tiếng mình mà đọc. Annam ta lại làm lếu chẳng lấy chữ Langsa mà âm lại cho gần, lại đi lấy của tàu đã âm rồi một lần, mà âm lại nữa, làm cho không trúng vào đâu hết.

Như nước I-ta-li, tàu âm là 意大利[2] song nếu đọc theo tiếng tàu thì mườn [mường] tượng Ý-tài-lì, còn đọc theo Annam thì có ra cái gì đâu, làm cho sai lạc ra xa lắc. Hoặc như Xanh-bê-téc-tua, tàu âm là 聖彼得保[3] song nếu đọc theo tàu thì có phải là Thánh-bỉ-đắc-bảo như mình vậy sao? Như tiếng Ca-kya mouni tàu âm chữ là Thích-ca-mưu-ni mà đọc thì Xa-kia-mu-ni mới phải tiếng chà-và đó.

Vậy từ nầy tôi tưởng những tiếng nào không thể nói ra Annam đặng thì nên lấy quyết tiếng Langsa mà nôm lại quốc ngữ mà đọc, chớ đừng nôm vòng cầu qua bên chữ tàu nữa, mà phải hại cho quốc-âm của mình, chẳng khác chi xưa tàu âm kinh phật bên thiên trước [Thiên Trúc], rồi mình lấy đó mà âm lại nay thấy chùa mình phải đọc sái nát đi đó, chẳng nhập vào đâu cả, làm ra một thứ tiếng riêng, chẳng giống đặng tiếng nước nào trên địa cầu nầy, nghe ra dường như tiếng chim-chóc chi vậy, làm cho phật nghe khi có lẽ cũng điếc tai chớ chẳng không ?

___________________

[1] một thí = một ít.

[2] Ý-đại-lợi.

[3] Thánh-bỉ-đắc-bảo = Saint Petersburg.